Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Bài 5: Trước ngày Giáng sinh
Đọc: Trước ngày Giáng sinh trang 102, 103
Khởi động
Câu hỏi trang 102 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chia sẻ với bạn về một trò chơi mà em yêu thích.
– Tên
– Cách chơi
– Cảm xúc
Lời giải:
Mỗi buổi tối, sau khi ăn cơm xong, em và các bạn nhỏ trong khu lại rủ nhau tập trung chơi trò trốn tìm. Chúng em cùng oẳn tù tì, ai thua cuộc sẽ phải làm, những người còn lại được đi trốn. Bạn làm sẽ đếm 5, 10, 15, 20,… cho đến 100. Trong thời gian đó, những bạn còn lại sẽ đi trốn. Sau đó, bạn làm có nhiệm vụ đi tìm những bạn trốn. Em rất thích chơi trò trốn tìm. Tối nào em cũng cố gắng ăn cơm xong thật sớm để được đi chơi cùng các bạn.
Khám phá và luyện tập
Trước ngày Giáng sinh
Khách đến trước Giáng sinh một ngày. Hai chị em Lô-ra và Me-ri nghe tiếng chuông khua rộn rã, rồi một cỗ xe trượt tuyết lớn xuất hiện từ phía khu rừng và tiến đến cổng. Trong xe có dì, dượng và các em họ. Tất cả đều được trùm kín bởi những tấm chăn, áo choàng dài và những tấm da bò.
Khi mọi người vào trong, ngôi nhà nhỏ bỗng đầy ắp tiếng cười. Sau khi dì cởi áo choàng cho bọn trẻ thì chúng bắt đầu chạy đùa la hét. Được một lát, em A-lít-xơ nói:
– Tớ chỉ cho tất cả chơi trò gì nhé. Chúng mình tạo hình trên tuyết đi.
Cô bé nói phải ra ngoài trời mới chơi được. Má giúp bọn trẻ mặc áo choàng, găng tay và áo khoác để giữ ấm.
Bọn trẻ chưa bao giờ được chơi vui đến thế. Mỗi đứa tự leo lên một gốc cây, dang rộng hai tay, rồi cùng lúc, buông mình xuống lớp tuyết dày mịn. Chúng ngã úp mặt xuống đất. Rồi chúng cố đứng lên mà không làm hỏng những hình thù đã in trên tuyết. Nếu làm khéo thì sẽ tạo ra trên lớp tuyết trắng những hình rất dễ thương.
Cả bọn chơi đùa vui đến nỗi khi đêm xuống chúng vẫn còn phấn khích, cứ nằm trằn trọc mãi.
Đám trẻ xì xào cho đến khi má nghe được. Má nói: “Sác-lơ ạ, bọn trẻ sẽ chẳng ngủ được nếu anh không chơi đàn cho chúng nghe.”. Thế nên ba lại lấy cây đàn vĩ cầm xuống. Căn phòng ấm áp và đầy ánh lửa sáng. Những chiếc bóng to lớn của ba má và dì dượng in trên vách trong ánh lửa bập bùng.
Bọn trẻ thiếp đi trong lúc ba và cây đàn cùng hát khe khẽ…
Theo Lô-ra Inh-gan Oai-đơ, Lưu Diệu Vân dịch
Câu 1 trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trong đoạn đầu, sự xuất hiện của những vị khách được tả như thế nào?
Lời giải:
Trong đoạn đầu, sự xuất hiện của những vị khách được tả: Khách đến trước Giáng sinh một ngày. Hai chị em Lô-ra và Me-ri nghe tiếng chuông khua rộn rã, rồi một cỗ xe trượt tuyết lớn xuất hiện từ phía khu rừng và tiến đến cổng. Trong xe có dì, dượng và các em họ. Tất cả đều được trùm kín bởi những tấm chăn, áo choàng dài và những tấm da bò.
Câu 2 trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Kể lại tóm tắt trò chơi của các bạn nhỏ và bày tỏ suy nghĩ của em về trò chơi đó.
Lời giải:
Trò chơi tạo hình trên tuyết. Mỗi đứa tự leo lên một gốc cây, dang rộng hai tay, rồi cùng lúc, buông mình xuống lớp tuyết dày mịn. Chúng ngã úp mặt xuống đất. Rồi chúng cố đứng lên mà không làm hỏng những hình thù đã in trên tuyết. Nếu làm khéo thì sẽ tạo ra trên lớp tuyết trắng những hình rất dễ thương.
Em cảm thấy trò chơi rất thú vị.
Câu 3 trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm những chi tiết nói lên niềm vui, sự náo nức của các bạn nhỏ khi tham gia trò chơi.
Lời giải:
Những chi tiết nói lên niềm vui, sự náo nức của các bạn nhỏ khi tham gia trò chơi: Cả bọn chơi đùa vui đến nỗi khi đêm xuống chúng vẫn còn phấn khích, cứ nằm trằn trọc mãi
Câu 4 trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Cách người cha giúp đám trẻ đi vào giấc ngủ có gì đặc biệt?
Lời giải:
Người cha chơi đàn vĩ cầm cho đám trẻ nghe.
Câu 5 trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Hình ảnh gia đình bạn nhỏ trong câu chuyện gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?
Lời giải:
Hình ảnh gia đình bạn nhỏ trong câu chuyện gợi cho em thấy cảm xúc ấm áp của một gia đình hạnh phúc.
Cùng sáng tạo
Câu hỏi trang 103 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tưởng tượng, kể về giấc mơ của một bạn nhỏ trong truyện.
– Về những hoạt động trong ngày Giáng sinh.
– Về những món quà Giáng sinh.
– ?
Lời giải:
Tối hôm đó, đám trẻ được ông già Noel tặng cho những món quà vô cùng đáng yêu. A-lít-xơ được tặng một chú gấu bông. Bộ lông của nó màu trắng rất mềm mại. Chiếc đầu tròn với đôi tai màu hồng. Cái mũi, đôi mắt nhỏ màu đen như hạt nhãn. Cái miệng nhỏ xinh được may bằng chỉ đỏ. Ở cổ Bạch Tuyết có đeo một chiếc chuông màu vàng. A-lít-xơ rất thích món quà này.
Luyện từ và câu: Luyện tập về đại từ trang 104
Câu 1 trang 104 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm đại từ trong đoạn văn sau và xếp vào nhóm thích hợp:
Đại từ xưng hô
Đại từ nghi vấn
Đại từ thay thế
Ngày xưa có một bác nông dân đang gieo hạt cải củ bỗng một con gấu chạy đến quát:
– Ai cho phép ngươi vào rừng của ta?
Bác nông dân trả lời:
– Ông gấu ơi, để tôi gieo ít cải. Cái lớn, tôi chỉ lấy gốc còn lại là phần ông. Gấu vui vẻ:
– Thế cũng được. Nhưng ngươi phải giữ đúng lời hứa.
Cải củ lớn. Bác nông dân đảo củ đem về, ngọn để lại cho gấu. Gấu ăn thấy đắng, tức lắm, nhưng không làm gì được.
Theo Truyện ngụ ngôn
Lời giải:
Đại từ xưng hô: ngươi, ta, ông, tôi
Đại từ nghi vấn: Ai
Đại từ thay thế: Thế
Câu 2 trang 104 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm 1 – 2 đại từ hoặc danh từ dùng để xưng hô phù hợp để thay cho mỗi □ trong các đoạn hội thoại sau:
a. Nghỉ hè, Quang gọi điện thoại cho bà:
– □ ơi, hai tuần nữa, cả nhà □ sẽ về thăm □ .
– Thế hả? □ chờ đón bố mẹ và □ .
b. Chọn được cuốn sách ưng ý, Vy nói với cô thủ thư:
– □ ơi, □ muốn mượn cuốn này ạ.
– □ đợi một chút, □ sẽ ghi phiếu mượn cho □ .
Lời giải:
a. Nghỉ hè, Quang gọi điện thoại cho bà:
– Bà ơi, hai tuần nữa, cả nhà cháu sẽ về thăm bà .
– Thế hả? Bà chờ đón bố mẹ và cháu .
b. Chọn được cuốn sách ưng ý, Vy nói với cô thủ thư:
– Cô ơi, con muốn mượn cuốn này ạ.
– Con đợi một chút, cô sẽ ghi phiếu mượn cho con .
Câu 3 trang 104 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Thực hiện yêu cầu:
a. Viết tiếp 2 – 3 câu để hoàn thành đoạn hội thoại dưới đây, trong đó có sử dụng đại từ hoặc danh từ dùng để xưng hô.
Sáng Chủ nhật, Tuấn hỏi Long:
– Long ơi, sáng nay cậu có bận gì không?
– ?
b. Chỉ ra các đại từ hoặc danh từ dùng để xưng hô đã sử dụng ở bài tập a.
Lời giải:
a. – Long ơi, sáng nay cậu có bận gì không?
– Tớ không. Có chuyện gì thế?
– Tớ định rủ cậu qua nhà học bài.
b.
Đại từ xưng hô: cậu, tớ.
Viết: Viết bài văn kể chuyện sáng tạo (Bài số 1) trang 105
Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện “Sự tích cây thì là” với những chi tiết sáng tạo.
Câu 1 trang 105 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Viết bài văn dựa vào dàn ý đã lập ở trang 97 và đoạn văn đã viết ở trang 101.
Lưu ý:
– Em chọn cách viết nào để có đoạn mở bài hấp dẫn?
– Em kể lại câu chuyện thể nào?.
+ Kể đầy đủ các sự việc của câu chuyện.
+ Kể chi tiết hơn đối với sự việc em chọn.
+ Thêm vào một sự việc những chi tiết sáng tạo giúp câu chuyện sinh động, lôi cuốn hơn tả đặc điểm của các loài cây; kể lại hành động, lời nói, ý nghĩ của nhân vật; bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật,…
– Em viết đoạn kết bài thế nào để người đọc ấn tượng?
Lời giải:
Trong các câu chuyện em đã được học, em thích nhất là câu chuyện Sự tích cây thì là.
Ngày xưa, các loài cây đều chưa có tên. Một hôm, Trời tập hợp chúng lại để ban cho mỗi loài một cái tên. Các loài cây đều đến thật sớm. Ai ai cũng hớn hở mong chờ được Trời đặt cho một cái tên thật đẹp. Mỗi loài cây đều diện bộ trang phục xinh đẹp nhất và khoe điểm nổi bật nhất của mình.
Cây có hương thơm dịu được Trời đặt tên là lan. Cây có điệu múa nhịp nhàng được đặt là tóc tiên. Loài cây có dáng đứng hiên ngang được gọi là thông. Các loại rau có cũng có mặt đông đủ để xin Trời những cái tên thật đẹp như quế, tía tô, húng,…
Đến cuối ngày, khi Trời đã mệt, một nhành cây nhỏ mới vội vã chạy đến. Nó thở hổn hển, nói:
– Con xin lỗi vì bận chăm sóc bà đang bị bệnh nên con đã đến muộn. Xin Trời hãy thương tình đặt cho con một cái tên.
Cảm động trước lòng hiếu thảo của cây nên Trời không trách phạt mà thương vô cùng. Nhưng lúc này, Trời chưa nghĩ ra được tên gì hay. Ông suy nghĩ mãi rồi ngập ngừng:
– Tên của con… thì là… thì là…
Nhành cây nghe vậy mừng quá, hét toáng lên:
– Tôi có tên rồi! Tên tôi là “thì là”!
Nó vội vàng cảm ơn Trời rồi chạy về nhà khoe với bà của mình. Nó đâu biết rằng “thì là” không phải là tên Trời đặt cho, mà chỉ là lời nói ngập ngừng của ông khi chưa nghĩ ra cho nó một cái tên. Bà khen cậu:
– Con có một cái tên thật đặc biệt!
Muôn loài đều rất yêu thích tên của cậu.
Từ đó, muôn loài gọi nó là cây thì là.
Câu 2 trang 105 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc lại và chỉnh sửa bài viết của em.
Gợi ý:
– Lời kể
– Các chi tiết sáng tạo
– Trình tự các sự việc
– Chính tả
– ?
Lời giải:
Em đọc lại và chỉnh sửa bài viết của em.
Vận dụng
Câu hỏi trang 105 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Kể về một buổi sum họp của gia đình em.
Lời giải:
Những ngày cận Tết là những ngày mà em vô cùng yêu thích. Bởi đó là những khoảnh khắc mà cả gia đình em cùng bên nhau dọn dẹp, chuẩn bị đón chào năm mới. Nhưng thích nhất vẫn là chiều 28 Tết.
Chiều ấy, chị Hai đi học ở Sài Gòn sẽ về đến nhà, mang theo những món quà chị mua ở Thành Phố. Cũng lúc ấy, bố mẹ em hoàn thành nốt công việc ở cơ quan và bắt đầu nghỉ Tết. Cả nhà sẽ xúm xít cùng nhau nói nói cười cười. Chờ cả năm, giờ mọi người mới được thảnh thơi đoàn tụ. Bữa cơm tối 28 ấy, là bữa cơm đoàn viên ngon nhất đầu tiên của mùa Tết. Bố sẽ bắt con gà vào làm thịt, mẹ thì ra vườn hái quả, hái rau vào nấu. Em thì cùng chị ngồi cuốn nem, nướng thịt mà mẹ mua từ sáng. Mùi thức ăn thơm nức mũi tỏa ra từ bếp. Trong lúc ấy, mọi người phấn khởi kể chuyện ríu ran. Chị Hai kể chuyện ở trên Sài Gòn mọi người đón Tết ra sao, chuyến xe khách chiều nay về nhà có gì thú vị. Bố mẹ kể chuyện đón Tết ở cơ quan, rồi bàn về kế hoạch chuẩn bị cho Tết vào hai ngày tới. Em thì say sưa ngồi nghe, đến lúc mẹ ba kể chuyện mai đi mua gì, mốt đi sắm thì thì sung sướng vỗ tay hưởng ứng. Chà, không khí mới ấm áp và hạnh phúc làm sao.
Chuẩn bị xong xuôi, cả nhà cùng nhau ăn cơm khi đã muộn hơn thường ngày. Nhưng chẳng có ai là vội vàng cả, vì ngày mai cả nhà đã bắt đầu nghỉ Tết rồi mà. Mở một bài nhạc xuân vui tai, cả nhà ăn uống vui vẻ bên mâm cơm vừa nấu. Tối nay, không cần vừa ăn vừa gọi video cho chị Hai ở Sài Gòn nữa rồi. Có chị, mâm cơm gia đình thêm hạnh phúc.
Buổi tối sum vầy ấy, chính là tín hiệu một cái Tết đầm ấm đã bắt đầu ở ngôi nhà nhỏ của em.
Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 4: Mùa vừng
Bài 5: Trước ngày Giáng sinh
Bài 6: Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Bài 7: Về ngôi nhà đang xây
Bài 8: Hãy lắng nghe
Bài 1: Tiếng rao đêm