Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Bài 7: Chớm thu
Đọc: Chớm thu trang 37, 38, 39
Khởi động
Câu hỏi trang 37 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chia sẻ với bạn 1 – 2 dấu hiệu của thời tiết nơi em ở vào một mùa trong năm.
– mát mẻ
– se lạnh
– nóng nực
– ?
Lời giải chi tiết:
Dấu hiệu mùa đông: lạnh giá, ít mưa, rét buốt,…
Khám phá và luyện tập
Đọc bài thơ
Chớm thu
Không còn tiếng cuốc gọi nhau
Ngỡ mùa hạ đã trốn đâu mất rồi
Bờ sông mẹ giặt áo tơi
Phơi lên đẫm một khoảng trời heo may.
Trầu già giấu nắng đầy cây
Có bông cúc trắng như mây giữa trời
Có con đường cỏ xanh tươi
Có dòng nước lặng chờ người qua sông.
Mùa đơm hạt thóc trên đồng
Đơm thêm bóng mẹ chờ trông tháng ngày
Mùa vui lúa về đường cày
Vẽ nên vóc dáng đôi tay tảo tần.
Từ trong hạt gạo trắng ngần
Là bao hôm sớm ân cần mẹ cha
Từ trong thơm thảo nhành hoa
Là bao tình nghĩa chan hoà đất đai.
Con đường bước đến ngày mai
Dệt từ trang sách dặm dài ước mơ
Dệt từ bóng mẹ, dáng cô….
Cùng bao năm tháng tuổi thơ ngọt lành.
Đoàn Văn Mật
– Áo tơi: áo che mưa thường làm bằng lá cọ, không có tay.
Câu 1 trang 38 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm trong hai khổ thơ đầu những dấu hiệu báo mùa thu đến.
Lời giải chi tiết:
Những dấu hiệu báo mùa thu đến:
– Không còn tiếng cuốc gọi nhau
– Phơi lên đẫm một khoảng trời heo may.
– Trầu già giấu nắng đầy cây
Câu 2 trang 38 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Theo em, vì sao “mùa đơm hạt thóc trên đồng” được gọi là “mùa vui”?
Lời giải chi tiết:
“Mùa đơm hạt thóc trên đồng” được gọi là “mùa vui” vì đó là mùa lúa, mùa lao động của mẹ.
Câu 3 trang 38 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Khi nhìn hạt gạo, nhành hoa, tác giả nghĩ về công lao của những ai? Vì sao?
Lời giải chi tiết:
Khi nhìn hạt gạo, nhanh hoa, tác giả nghĩ về công lao của cha mẹ.
Vì chính cha mẹ là người tảo tần để làm nên hạt gạo, chính cha mẹ là người trồng cây để có nhành hoa.
Câu 4 trang 38 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: “Con đường bước đến ngày mai” được nhắc đến ở khổ thơ cuối gợi cho em suy nghĩ gì?
Lời giải chi tiết:
“Con đường bước đến ngày mai” được nhắc đến ở khổ thơ cuối gợi cho em suy nghĩ về con đường tương lai của tác giả, con đường trên trang sách để tác giả bước đến một tương lai tươi sáng hơn.
Đọc mở rộng
Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách
Chủ điểm Khung trời tuổi thơ
Câu hỏi trang 38 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: (a) Tìm đọc thông báo, quảng cáo hoặc bản tin:
(b) Ghi chép và trang trí Nhật kí đọc sách.
c. Cùng bạn chia sẻ:
– Thông báo, quảng cáo hoặc bản tin đã đọc.
– Nhật kí đọc sách.
– Hình thức của thông báo, quảng cáo hoặc bản tin.
– ?
d. Ghi lại những thông tin quan trọng trong thông báo, quảng cáo hoặc bản tin được bạn chia sẻ.
(e) Đọc một thông báo, quảng cáo hoặc bản tin được bạn chia sẻ mà em thích.
Lời giải chi tiết:
Em tìm đọc thông báo, quảng cáo hoặc bản tin theo yêu cầu.
Ví dụ:
KẾ HOẠCH
Tổ chức các hoạt động hè thiếu nhi năm 2019
Thực hiện chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019. Được sự nhất trí của Đảng uỷ xã Lam Sơn cho phép Đoàn xã Lam Sơn tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi năm 2019.
Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Lam Sơn, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè thiếu nhi năm 2019 gồm các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hình thức hoạt động vui chơi phong phú, lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi trong dịp hè. Thông qua các hoạt động hè, nhằm thu hút, tập hợp đầy đủ thanh, thiếu nhi – học sinh tham gia vào các chương trình văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội và nhiều hoạt động xã hội khác.
2. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác giáo dục, chăm sóc, quản lý thanh thiếu nhi – học sinh trong dịp hè, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý giáo dục của gia đình đối với con em trong dịp hè.
3. Huy động mọi lực lượng và cơ sở vật chất cho việc tổ chức hoạt động hè của thanh thiếu nhi – học sinh nhằm tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thanh thiếu nhi xã nhà, góp phần tạo môi trường sinh hoạt an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện.
4. Yêu cầu 100% các chi đoàn, chi đội, các anh chị phụ trách chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhân dân vận động các em thiếu nhi trên địa bàn tham gia hoạt động sinh hoạt hè thường xuyên.
II. NỘI DUNG, THÀNH PHẦN THAM GIA VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC
1. Nội dung tổ chức:
1.1. Thi văn nghệ giữa các đơn vị (Mỗi đơn vị 02 tiết mục hát múa)
1.2. Thi kéo co (Mỗi đơn vị 10 người, Trong đó gồm 5 nam, 5 nữ).
1.3. Thi nhảy Bao bố. (Mỗi đơn vị 01 người tham gia)
2. Thành phần tham gia:
* Đại biểu khách mời:
– Thường trực huyện Đoàn Ngọc Lặc.
– Ban Thường vụ Đảng uỷ xã Lam Sơn.
– Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, các ngành, đoàn thể chính trị – xã hội cấp xã; Bí thư các chi bộ, Trưởng thôn, Hiệu trưởng các Nhà trường, Trưởng trạm y tế xã.
* Đối tượng tham gia thực hiện:
– Ban Chấp hành Đoàn xã.
– Các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn toàn xã.
– Các anh, chị phụ trách các chi đội khối địa bàn dân cư và khối trường học.
– Các chi đoàn, chi đội thành lập đoàn để tham gia.
3. Thời gian, địa điểm tổ chức:
3.1. Đối với các chi đội thiếu nhi địa bàn dân cư:
– Thời gian tổ chức từ 01/6/2019 đến ngày 30/6/2019.
– Địa điểm tổ chức: Tại các khu trung tâm nhà văn hoá của Thôn.
3.2. Đối với cấp xã:
– Thời gian tổ chức: Dự kiến khai mạc vào ngày 03 – 05/7/2019. (Thời gian cụ thể sẽ thông báo sau).
– Địa điểm tổ chức: Tại sân vận động xã Lam Sơn.
III. KINH PHÍ TỔ CHỨC:
– Đoàn xã lo kinh phí in ấn tài liệu tổ chức và trao giải thưởng cho các nội dung thi theo kế hoạch đề ra; Trang trí khánh tiết và các điều kiện cơ sở vật chất khác tại khu vực tổ chức các hoạt động hè.
– Các chi đoàn, chi đội tham gia tự túc kinh phí tập luyện, đi lại, ăn, nghỉ cơ sở vật chất phục vụ phần dự thi của đơn vị mình và tham gia các phần thi một cách an toàn tiết kiệm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp xã:
– Xây dựng kế hoạch báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng uỷ, Đoàn cấp trên để tổ chức triển khai đến các chi đoàn, chi đội trực thuộc, các đồng chí cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn toàn xã.
– Phối hợp với Đoàn Công ty Lam Sơn chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tổ chức tại sân vận động xã đảm bảo phục vụ tốt công tác tổ chức một cách an toàn, tiết kiệm.
– Tham mưu cho Đảng uỷ, chính quyền địa phương ra quyết định thành lập Ban tổ chức các hoạt động hè thiếu nhi 2019 và tổ chức thực hiện thành công các nội dung theo kế hoạch này.
2. Các chi đoàn, chi đội các thôn:
– Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chi bộ thôn, chủ động phối hợp với Chi đoàn, Chi đội của Công ty Lam Sơn, các tổ chức đoàn thể và nhân dân ở đơn vị tổ chức cho thiếu nhi sinh hoạt hè và luyện tập các nội dung thi, tham gia thi đấu đầy đủ các nội dung theo kế hoạch.
3. Đối với Chi đoàn khối nhà trường.
– Giao cho các đồng chí Bí thư các Chi đoàn nhà trường chịu trách nhiệm phối hợp và trực tiếp tham gia tập luyện cho các cháu thiếu niên nhi đồng tại nơi mình cư trú, đồng thời phân công cụ thể đến từng đoàn viên của Chi đoàn về tham gia cùng các Chi đoàn dân cư nơi mình cư trú để tập luyện các nội dung thi theo kế hoạch này.
– Trên cơ sở kế hoạch này, các chi đoàn, chi đội báo cáo cấp ủy Chi bộ, thôn và tham mưu thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về ban thường vụ Đoàn xã để có hướng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện./.
Luyện từ và câu: Sử dụng từ điển trang 39, 40
Câu 1 trang 39 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc thông tin sau và thực hiện yêu cầu:
Hướng dẫn sử dụng từ điển để tìm hiểu nghĩa của từ đa nghĩa 1. Dò trang có chữ cái đầu tiên của từ. 2. Dò từ trên xuống theo thứ tự để tìm vị trí của từ cần tra. 3. Đọc phần giải nghĩa của từ và chọn nghĩa phù hợp. |
|
Lưu ý: – Các nghĩa của một từ đa nghĩa được trình bày trong một mục từ. – Nghĩa 1 là nghĩa gốc, các nghĩa 2, 3,… là nghĩa chuyển. – Mỗi nghĩa thường kèm theo ví dụ minh họa là các từ ngữ hoặc câu văn. |
Ví dụ: Kết 1 Đan, bện. Cổng chào kết bằng lá dừa. 2 Tập hợp lại và làm cho gắn chặt với nhau. Chiếc bè được kết từ những cây nứa. 3 Gắn bó với nhau bằng quan hệ tình cảm thân thiết. Kết bạn. 4 Dính bết vào nhau. Nhựa cây kết đặc lại. 5 Hình thành quả, củ từ hoa hay rễ. Đơm hoa kết quả. |
a. Trong ví dụ, từ “kết” được trình bày mấy nghĩa? Nghĩa nào là nghĩa gốc? Các nghĩa nào là nghĩa chuyển?
b. Đặt câu để phân biệt nghĩa gốc và 1 – 2 nghĩa chuyển của từ “kết”.
Lời giải chi tiết:
a.
Từ “Kết” được trình bày 5 nghĩa.
Nghĩa 1 đan, bện là nghĩa gốc.
Nghĩa 2, 3, 4, 5 là nghĩa chuyển.
b.
– Mẹ đang kết những chiếc lá thành cổng chào.
– Cây cối đơm hoa kết trái.
– Em thích kết bạn với mọi người xung quanh.
Câu 2 trang 40 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc các câu sau và thực hiện yêu cầu:
a.
• Mắt em bé sáng long lanh.
• Mắt quả dứa không ăn được.
b.
• Em tặng bà một chiếc khăn quàng cổ bằng len.
• Mẹ mua cho em đôi giày cao cổ rất đẹp.
– Tra từ điển để tìm hiểu nghĩa của các từ in đậm trong mỗi cặp câu.
– Nêu điểm giống nhau về nghĩa của hai từ in đậm trong mỗi cặp câu.
Lời giải chi tiết:
– Nghĩa của các từ in đậm:
a.
+ Mắt: cơ quan để nhìn của người hay động vật, giúp phân biệt được màu sắc, hình dáng; thường được coi là biểu tượng của cái nhìn của con người.
+ Mắt: bộ phận giống hình những con mắt ở ngoài vỏ một số loại quả.
b.
+ Cổ: bộ phận của cơ thể, nối đầu với thân.
+ Cổ: bộ phận của áo, yếm hoặc giày, bao quanh cổ hoặc cổ chân, cổ tay.
– Điểm giống:
a. Đều có hình dáng giống hình mắt.
b. Đều là bộ phận có hình dáng tương đồng.
Câu 3 trang 40 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Thực hiện yêu cầu:
a. Tra từ điển để tìm nghĩa gốc và 2 – 3 nghĩa chuyển của từ “ngọt”.
b. Đặt câu để phân biệt các nghĩa của từ “ngọt” đã tìm được.
Lời giải chi tiết:
a.
– Nghĩa gốc: có vị như vị của đường, mật.
– Nghĩa chuyển:
+ (lời nói, âm thanh) dễ nghe, êm tai, dễ làm xiêu lòng.
+ (món ăn) có vị ngon như vị mì chính
b.
– Quả bưởi này rất ngọt.
– Gà này ngọt thịt quá!
– Giọng nói của cô ấy ngọt ngào quá!
Viết: Viết bài văn tả phong cảnh (Bài viết số 1) trang 40, 41
Câu 1 trang 40 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Viết bài văn tả một cảnh đẹp ở quê hương em hoặc nơi em ở.
Lưu ý:
Mở bài
Chọn một trong hai cách:
– Mở bài trực tiếp.
– Mở bài gián tiếp.
Thân bài
Cách 1: Tả đặc điểm nổi bật của cảnh.
– Chọn tả một vài đặc điểm nổi bật của cảnh.
– Với mỗi đặc điểm, chọn tả những chi tiết ấn tượng. Có thể tả mỗi đặc điểm nổi bật bằng một đoạn văn ngắn.
+ Hình ảnh
+ Màu sắc
+ Âm thanh
+ ?
– Sử dụng từ ngữ gợi tả, hình ảnh so sánh, nhân hoá,… để bài viết thêm sinh động.
– ?
Cách 2: Tả sự thay đổi của cảnh theo thời gian.
– Chọn tả một vài đặc điểm nổi bật của cảnh có sự thay đổi rõ rệt vào các thời điểm quan sát. Có thể tả cảnh vào mỗi thời điểm bằng một đoạn văn ngắn.
– Sử dụng từ ngữ chỉ thời gian phù hợp với mỗi thời điểm miêu tả.
– Sử dụng từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc.
-?
Kết bài
Chọn một trong hai cách:
– Kết bài không mở rộng.
– Kết bài mở rộng.
Lời giải chi tiết:
Giữa làng em có một hồ nước rất rộng và đẹp. Đó là khung cảnh mà em yêu thích nhất trong làng.
Hồ nước ấy được tạo nên từ một lần giặc Mỹ đánh bom mà tạo thành. Hồ rất sâu, giữa lòng hồ phải sâu đến 6m. Nước hồ rất trong, nhưng nhìn vào thì lúc nào cũng thấy một màu xanh sẫm huyền bí. Đó là do dưới đáy bùn của lòng hồ, là cả một thế giới rong rêu. Họ nhà rong ở đó đông đúc lắm, rong ông rong bố, rong mẹ rong chị chen chúc nhau, nhuộm xanh cả đáy hồ. Do vậy mà nhìn từ trên xuống, hồ nước có vẻ khá đáng sợ. Ven bờ hồ là lớp cỏ trâu rất dày. Cỏ mọc như một tấm thảm xanh, êm ái và tươi mát. Từ ngày người ta không dẫn trâu vào ăn, cỏ mọc càng thêm tươi tốt. Từ ven bờ xuống lòng hồ, mực nước ngày càng sâu thêm. Phần gần bờ có rất nhiều cỏ nước mọc lên. Giữa đám cỏ đó, có mấy cái tổ chim chẳng biết của loài nào. Vào sâu hơn trong hồ, trên mặt nước nổi đầy những chiếc lá to, tròn như cái nón. Đó là bụi hoa súng. Lá súng rất nhiều, nhưng hoa thì chẳng có bao nhiêu. Bởi vậy, mỗi lần một nụ súng trồi lên, em và các bạn lại xuýt xoa, ra hồ liên tục để chờ ngắm hoa nở. Hồ nước này được thả rất nhiều loại cá từ hồi mới xây làng. Giờ đây cá mẹ đẻ cá con, tạo thành cả một quần thể đông đúc. Vì vậy, hình ảnh các bác, các chú vác cần câu hay thả lưới ven hồ đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc.
Đối với em, hồ nước là một khung cảnh thiên nhiên vừa đẹp lại bình dị, mộc mạc. Nơi đây gắn liền với những buổi chiều rong chơi cùng bè bạn, với những ngày đến trường ở cuối làng. Em yêu lắm hồ nước của quê mình.
Câu 2 trang 41 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc lại và chỉnh sửa bài viết của em.
Gợi ý:
– Dùng từ
– Viết câu
– Chính tả
Lời giải chi tiết:
Em đọc lại và chỉnh sửa bài dựa vào gợi ý.
Vận dụng
Câu hỏi trang 41 Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Ghi lại những từ ngữ, hình ảnh em thích trong bài thơ “Chớm thu”.
Lời giải chi tiết:
Những từ ngữ, hình ảnh em thích trong bài thơ “Chớm thu”:
– Mùa đơm hạt thóc trên đồng
– Con đường bước đến ngày mai
Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 6: Tiếng vườn
Bài 7: Chớm thu
Bài 8: Ban mai
Bài 1: Trạng nguyên nhỏ tuổi
Bài 2: Thư gửi các học sinh
Bài 3: Nay em mười tuổi