Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Ôn tập cuối học kì 1
Ôn tập cuối học kì 1 Tiết 1 trang 148, 149
Câu 1 (trang 148 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Bắt thăm, đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi:
Chiều thu quê hương
(Trích)
Chiều thu trong, lá trúc vờn đẹp quá
Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ
Tiếng lao xao như ai ngả nón chào.
Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao,
Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thậm.
Chiều thu quê hương sao mà đằm thắm!
Tôi bước giữa vườn, bạn với hàng cau
Hút nắng to vàng giữa những đài cao
Đứng lồng lộng, thu tiếng chiều vàng rơi.
Vồng khoai lang xoè lá ra nằm sưởi
Cùng với mẹ gà xoè cánh ấp con.
Chiều thu vàng vàng rực cả tâm hồn
Của đất nước đang bồi da thắm thịt.
Gió biển mặn thổi về đây tha thiết
Những con chim phơi phới cánh, chiều thu
Náo nức như triều, êm ả như ru…
Huy Cận
1. Đọc đoạn từ đầu đến “xoè cánh ấp con” và trả lời câu hỏi: Khu vườn chiều thu được tả bằng những màu sắc nào?
2. Đọc đoạn từ đầu đến “xoè cánh ấp con” và trả lời câu hỏi: Những âm thanh trong vườn thu gợi cho em cảm giác gì?
3. Đọc đoạn từ “Hoa mướp” đến hết và trả lời câu hỏi:
Hai câu thơ: “Vồng khoai lang xoè lá ra nằm sưởi/ Cùng với mẹ gà xoè cánh ấp con.” giúp em hình dung điều gì về cuộc sống ở quê hương tác giả?
4. Đọc đoạn từ “Hoa mướp” đến hết và trả lời câu hỏi:
Bài thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương?
Trả lời:
1. Khu vườn chiều thu được tả bằng những màu sắc: xanh nhung, vàng rực, xanh thăm thẳm, vàng rượi.
2. Những âm thanh trong vườn thu gợi cho em cảm giác thanh bình, yên ả.
3. Hai câu thơ giúp em hình dung cuộc sống ở quê hương tác giả rất bình yên và gắn bó.
4. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, nhớ nhung quê hương.
Câu 2 (trang 149 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Chia sẻ với bạn về một hình ảnh so sánh hoặc nhân hoá có trong bài thơ “Chiều thu quê hương”.
Trả lời:
Em chia sẻ với bạn về một hình ảnh so sánh hoặc nhân hoá có trong bài thơ “Chiều thu quê hương”.
Ví dụ: hình ảnh Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao.
Ôn tập cuối học kì 1 Tiết 2 trang 149
Câu 1 (trang 149 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu:
Sớm này trong vườn nhà
Ong siêng năng làm mật
Hoa rủ nhau khoe sắc
Chim chuyên cần bắt sâu.
Ngân Anh
a. Chỉ ra cặp từ đồng nghĩa trong đoạn thơ.
b. Nêu tác dụng của việc sử dụng cặp từ đồng nghĩa đó.
Trả lời:
a. Cặp từ đồng nghĩa: siêng năng, chuyên cần
b. Tác dụng: thay thế nhau tránh lặp từ
Câu 2 (trang 149 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Tìm 2 – 3 từ ngữ đồng nghĩa có thể thay cho mỗi □ trong từng câu sau:
a. Ánh nắng □ qua kẽ lá □ thành những chùm hoa nắng lung linh trên mặt đất.
b. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, mùa hè □ , còn mùa đông lại □ .
Trả lời:
a.
– xuyên/ chiếu
– tạo/ hình
b.
– nóng nực/ oi bức
– lạnh giá/ rét buốt
Câu 3 (trang 149 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Đặt câu có từ “vai” với mỗi nghĩa sau:
a. Phần cơ thể nối liền hai cánh tay với thân.
b. Bộ phận của áo che hai vai.
Trả lời:
a. Vai của em bị đau nhức.
b. Áo em bị rách vai.
Câu 4 (trang 149 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Viết đoạn văn (từ 4 đến 5 câu) tả một vườn rau hoặc vườn hoa, trong đó có dùng 2 – 3 từ đồng nghĩa chỉ màu sắc hoặc hương thơm. Chỉ ra các từ đồng nghĩa đã sử dụng.
Trả lời:
Vườn rau lang ấy bố em đã trồng được hơn một năm rồi, nên xanh tươi lắm. Cây rau lang bò khắp mặt vườn, chen chúc nhau không theo hàng lối nào, cứ có chỗ trống là chúng lại bò vào ngay. Các thân già xanh thẫm thì mọc ra cả rễ, cố định xuống đất, còn các ngọn lang thì vươn lên cao, vẫy vẫy cái đọt non có mấy cái lá nhỏ màu xanh lá mạ. Cứ vài ngày là lại có cả một mớ đọt lang để hái. Nhìn vườn rau lang chen chúc những lá những đọt, y như một biển xanh dập dờn trong gió vậy.
– Từ đồng nghĩa: xanh tươi, xanh lá mạ, xanh thẫm.
Ôn tập cuối học kì 1 Tiết 3 trang 150, 151
Câu 1 (trang 150 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Xếp các từ in đậm trong đoạn văn sau vào nhóm thích hợp:
Danh từ |
Động từ |
Tính từ |
Đại từ |
Trinh dẫn tôi vào vườn, bí mật:
– Lại đây tớ cho xem cái này, hay lắm!
Đến góc ao, Trinh vít cảnh ổi xa nhất xuống, chỉ cho tôi xem một chùm hoa trắng muốt:
– Cậu xem, thích không? Cả một chùm mọc sát nhau nhé! Cây ổi này là giống ổi găng, ngon nhất vườn đấy. Quả to, cùi dày, ăn giòn và thơm chẳng kém gì lê. Tớ phát hiện ra chùm hoa này, tuyệt không? Một, hai, ba… sáu, bảy, tám… phải hơn chục hoa là ít. Mà lại nở chụm vào một đầu cành mới thích chứ!
Thấy tôi chăm chú nhìn chùm hoa ổi, Trinh nói tiếp:
– Tớ có một dự định này, Trang ạ. Rất thú vị nhé!
Theo Trần Hoài Dương
Trả lời:
Danh từ: vườn, ao, ổi găng, quả, hoa
Động từ: dẫn, vít, phát hiện, nở
Tính từ: xa, dày, giòn, thơm
Đại từ: tớ, tôi
Câu 2 (trang 150 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Chọn đại từ phù hợp trong khung thay cho mỗi 2 trong đoạn văn sau:
ai, đó, nó, ta |
Thầy mỉm cười rồi nói:
– Lúa gạo quý vì □ phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì □ rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua thì không ai lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, □ biết dùng thì giờ? □ chính là người lao động các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.
Theo Trịnh Mạnh
Trả lời:
Thầy mỉm cười rồi nói:
– Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua thì không ai lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.
Câu 3 (trang 150 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1): Thực hiện yêu cầu:
a. Dựa vào nội dung bài đọc “Lễ ra mắt Hội Nhị đồng Cứu quốc” trang 72, 73 và các câu trả lời của bạn Chương, thay là bằng các câu hỏi phù hợp đế hoàn chỉnh đoạn phỏng vấn sau:
Phóng viên: – Đố bạn biết □ ?
Chương: – Hội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập vào ngày 15 tháng 5 năm 1941 tại thôn Nà Mạ.
Phóng viên: – Khi mới thành lập, □ ?
Chương: – Hội có 5 đội viên.
Phóng viên: – □ ?
Chương: – Kim Đồng, Cao Sơn, Thuỷ Tiên, Thanh Thuỷ, Thanh Minh.
Phóng viên: – □ ?□ ?
Chương: – Tớ thích nhất bị danh Kim Đồng, vì bi danh mang ý nghĩa “chú bé gang thép”.
b. Chỉ ra các đại từ đã sử dụng ở bài tập a.
Trả lời:
a.
Phóng viên: – Đố bạn biết Hội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập vào thời gian nào? Ở đâu?
Chương: – Hội Nhi đồng Cứu quốc được thành lập vào ngày 15 tháng 5 năm 1941 tại thôn Nà Mạ.
Phóng viên: – Khi mới thành lập, Hội có bao nhiêu đội viên?
Chương: – Hội có 5 đội viên.
Phóng viên: – Đó là những ai?
Chương: – Kim Đồng, Cao Sơn, Thuỷ Tiên, Thanh Thuỷ, Thanh Minh.
Phóng viên: – Bạn thích nhất là bí danh nào? Vì sao?
Chương: – Tớ thích nhất bí danh Kim Đồng, vì bí danh mang ý nghĩa “chú bé gang thép”.
b.
Các đại từ:
+ Đại từ xưng hô: bạn, tớ
+ Đại từ nghi vấn: nào, đâu, bao nhiêu, ai, vì sao.
+ Đại từ thay thế: đó
Ôn tập cuối học kì 1 Tiết 4 trang 151, 152
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện có nhân vật là cây cối hoặc loài vật với những chi tiết sáng tạo.
Gợi ý:
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.
Tên truyện
Ấn tượng chung
?
2. Thân bài: Kể lại câu chuyện.
– Kể lại các sự việc chính của câu chuyện theo một trình tự hợp lí. Có thể lược bớt một số chi tiết không quan trọng.
– Ở mỗi sự việc thêm vào một vài chi tiết sáng tạo, góp phần thể hiện tính cách của nhân vật hoặc nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.
+ Tả đặc điểm của nhân vật.
+ Kể hành động, lời nói, ý nghĩ của nhân vật.
+ Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về nhân vật, sự việc.
+ ?
– Bảy tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về nhân vật hoặc sự việc chính.
3. Kết bài: Suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện.
+ Bài học rút ra từ câu chuyện
+ Liên hệ
+ ?
Trả lời:
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng có tiếp xúc với những con vật nuôi ở nhà phải không các bạn? Con Chó giữ nhà, con Mèo bắt chuột, Họa Mi ca hát v.v… Những con vật ấy thật đáng yêu làm sao? Nhưng có bao giờ bạn nào chú ý đến con vật nhỏ bé xấu xí tưởng như là vô tích sự mà lại có lần nó được phong là “anh hùng” không?
Không nói ra chắc không ai nghĩ đến, nhưng khi tôi đọc câu hát này các bạn sẽ thấy quen và ai cũng biết:
Con Cóc là cậu ông Trời
Ai mà đánh Cóc thì trời đánh cho.
Tại sao “con Cóc là cậu ông Trời”? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện này nhé!
Ngày xửa ngày xưa, không nhớ rõ vào thời kì nào, trời làm hạn hán rất lâu, sông hồ đều hết nước, ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô, các loài vật mệt mỏi, rũ rượi thoi thóp dưới cơn khát.
Cóc thấy nguy quá bèn lên thiên đình kiện trời. Cóc gặp Cua, Cua đòi theo. Cóc gặp Gấu, gặp Cọp. Gấu, Cọp xin tháp tùng cùng lên trời kiện tụng. Đi được một lúc, bốn con gặp Ong và Cáo. Nghe nói chuyện lên trời, Ong và Cáo lại xin đi cùng.
– Thật là đại phúc cho muôn loài. Xin các bác cho chúng em đi với! Chúng em nguyện theo các bác đến tận cùng trời, thẳng lên thiên đình để làm cho ra lẽ và để tự cứu mình.
Thế là cả bọn, tuy cổ họng khát khô, nhưng lòng đầy quyết tâm đã kéo nhau lên thiên đình kiện Trời, dưới sự chỉ huy của chú Cóc.
Tới thiên đình, Cóc thông minh nên phân công ai vào việc đó rất hợp với tài năng của mình. Riêng Cóc nhảy lên bậc treo cái trống để gióng trống kêu oan. Cóc đánh một hồi trống làm vang động cả thiên đình. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi ra xem coi chuyện gì thì chỉ thấy có một con Cóc ngồi chễm chệ trên mặt trống. Thiên Lôi vào tâu lại, Ngọc Hoàng bực mình liền sai Gà ra mổ cho Cóc một trận nên thân. Nào ngờ Gà vừa bước ra đã bị Cáo nhảy tới vồ lấy mang đi. Ngọc Hoàng hay tin nổi giận, liền sai Chó ra cắn cho Cóc một trận hết đường gây rối. Nhưng Chó vừa hung hăng nhảy ra khỏi cửa thì Gấu đã tiến đến ăn thịt ngay. Ngọc Hoàng càng thêm tức giận, đập tay xuống bàn thét Thiên Lôi ra ứng chiến đánh cho Cóc vài lưỡi búa đến tan xương nát thịt mới thôi… Nào ngờ Thiên Lôi vừa ra bị Ong đốt túi bụi vào mặt, mũi, tay, chân. Đau quá, nhức quá Thiên Lôi kêu cứu rồi nhảy vào chum nước tránh nạn thì lại bị Cua giương càng kẹp vào mông đau điếng. Hoảng hồn, Thiên Lôi vội nhảy ra thì bị Hổ tấn công. Hổ vồ lấy Thiên Lôi xé xác ra từng mảnh.
Thế là quân của thiên đình bị một trận thất điên bát đảo. Ngọc Hoàng thấy thế nguy bèn chấp nhận thương lượng với Cóc. Được lệnh Cóc vào diện kiến Ngọc Hoàng và trình bày mọi lẽ.
– Tâu Ngọc Hoàng, nơi trần gian hiện đang khốn khổ vì nạn hạn hán, biết bao con người và muôn vật phải chết khô, chết khát vì thiếu nước. Mong được Ngọc Hoàng rủ lòng thương cho mưa xuống để cứu muôn loài.
Nghe xong Ngọc Hoàng hứa sẽ làm mưa và từ nay nếu ở dưới trần có hạn hán thì Cóc nghiến răng kêu lên mấy tiếng Ngọc Hoàng sẽ cho mưa. Được Ngọc Hoàng hứa, Cóc mừng rỡ cùng các bạn về trần. Ai cũng vui mừng hớn hở tôn vinh Cóc có công lớn trong việc kiện trời. Vừa đến trần gian thì mưa to kéo đến tưới mát cả ruộng đồng, vườn tược. Cỏ cây hoa lá bừng sống dậy. Cả muôn vật lẫn con người đồng ca hát chào đón Cóc như một vị “anh hùng cứu thế”. Và từ đó nhân gian mới truyền câu ca:
Con Cóc là cậu ông Trời
Nếu ai đánh Cóc thì Trời đánh cho!
Vậy đó, công trạng của Cóc to lớn thế đấy! Các bạn chớ coi khinh, xem thường Cóc nhé! Đừng chú ý vào hình thể xấu xí của nó mà hãy nhớ đến chiến công xưa – và kìa! Trời vừa đổ mưa ngoài kia. Phải chăng chú Cóc vừa nghiến răng gọi Trời?
Ôn tập cuối học kì 1 Tiết 5 trang 152
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã học trong chủ điểm “Cộng đồng gắn bó” bằng lời của một nhân vật trong truyện.
Gợi ý:
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.
– Người kể chuyện.
– Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.
– ?
2. Thân bài: Kể lại câu chuyện.
– Chọn lời xưng hô phù hợp.
– Kể đầy đủ các sự việc. Có thể kể chi tiết hơn đối với sự việc chính.
– Đặt mình vào vai nhân vật:
+ Thể hiện lời nói, ý nghĩ,… phù hợp.
+ Nhận xét, đánh giá nhân vật, sự việc.
3. Kết bài: Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc hoặc rút ra nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.
Trả lời:
Tôi là Ao-ki Đai-ki-chi – một bưu tá mới. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi tới phát thư cho cụ Mát-xu-đa Ya-e-nô”.
Cụ Ya-e-nô sống một mình trong ngôi nhà ở rìa làng. Lần đầu tôi gặp cụ, cụ Ya-e-nô từ trong nhà đi ra, cụ cười vui vẻ:
– Ồ, bác bưu tá mới phải không? Bác uống với tôi chén trà nhé!
Vì đang khát nên tôi không ngần ngại vào nhà uống trà.
Cụ mang hết món này đến món khác ra mời. Tôi ăn đến no mới về.
Lại một hôm khác, tôi qua đưa thư. Cụ Ya-e-nô đi ra và lại mời tôi vào uống trà. Tôi lại ăn đến nọ, trò chuyện với cụ rồi ra về.
Kể từ đó, cứ tới nhà cụ Ya-e-nô phát thư, tôi lại dùng bữa và nói chuyện với bà cụ.
Tôi bỗng thắc mắc sao: “Sao cụ Ya-e-nô sống ở rìa làng hay có thư. Rốt cuộc thì ai gửi nhỉ?”. Thế rồi tôi hỏi đồng nghiệp thì được biết những lá thư đó là do cụ Ya-e-nô tự gửi. Niềm vui của cụ ấy là cùng bưu tá uống trà.
Tôi trầm tư suy nghĩ. Đêm ấy, tôi viết cho cụ một bức thư. Sáng ra, bỏ vào hòm thư của bưu điện.
Thế rồi, hôm sau, tôi tới chỗ cụ Ya-e-nô giao thư như bình thường.
Cụ Ya-e-nô đi ra, vẻ mặt lấy làm lạ. Nhìn thấy tên người gửi là Ao-ki Đai-ki-chi, cụ vội vàng mở phong bì, rút lá thư ra.
“Cháu chào cụ Ya-e-nô. Lúc nào cháu cũng được uống trà và ăn món ngon của cụ. Món ăn cụ làm ngon lắm. Từ giờ, cho cháu lại được tiếp tục làm phiền cụ. Cụ nhớ giữ gìn sức khoẻ để sống thật lâu cụ nhé”.
Từ mắt cụ Ya-e-nô, những giọt nước mắt lã chã rơi. Tôi ngượng ngùng nhìn cụ.
Từ đó tôi và cụ trở thành những người bầu bạn cùng nhau.
Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Những lá thư
Bài 6: Ngôi nhà chung của buôn làng
Bài 7: Dáng hình ngọn gió
Bài 8: Từ những cánh đồng xanh
Ôn tập cuối học kì 1
Đánh giá cuối học kì 1