Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 43: Da và điều hoà thân nhiệt
Mở đầu trang 185 Bài 43 KHTN lớp 8: Sau khi tập luyện thể dục, thể thao, da có hiện tượng tiết mồ hôi. Hiện tượng này có ý nghĩa gì với cơ thể? Cơ chế của quá trình này được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
– Sau khi luyện tập thể dục, thể thao, da có hiện tượng tiết mồ hôi. Hiện tượng này có ý nghĩa giúp cơ thể tỏa nhiệt để điều hòa nhiệt độ cơ thể, đảm bảo các quá trình sống trong cơ thể diễn ra bình thường.
– Cơ chế của quá trình tiết mồ hôi: Sau khi luyện tập thể dục, thể thao, thân nhiệt tăng lên kích thích trung ương thần kinh để kích hoạt cơ chế làm mát. Tín hiệu từ trung ương thần kinh sẽ được gửi đến tuyến mồ hôi ở da để kích hoạt tăng tiết mồ hôi, mồ hôi bay hơi làm mát cơ thể.
1. Da
Câu hỏi thảo luận 1 trang 185 KHTN lớp 8: Xác định các thành phần cấu tạo của da theo sơ đồ gợi ý sau:
Trả lời:
Các thành phần cấu tạo của da:
Câu hỏi thảo luận 2 trang 185 KHTN lớp 8: Quan sát các thành phần cấu tạo của da, dự đoán nhờ thành phần cấu tạo nào mà da cảm nhận được nóng, lạnh, độ cứng, mềm của vật khi tiếp xúc.
Trả lời:
Da cảm nhận được nóng, lạnh, độ cứng, mềm của vật khi tiếp xúc là nhờ thành phần thụ quan (thuộc lớp biểu bì của da) có chức năng tiếp nhận các kích thích từ môi trường ngoài.
Luyện tập trang 186 KHTN lớp 8: Trình bày các chức năng của da. Cho ví dụ.
Trả lời:
– Các chức năng của da:
+ Da có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại các yếu tố bất lợi của môi trường như sự va đập, sự xâm nhập của vi khuẩn, chống thấm nước và mất nước.
+ Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa thân nhiệt.
+ Thực hiện hiện chức năng bài tiết thông qua bài tiết mồ hôi.
+ Nhận biết các kích thích của môi trường.
– Ví dụ: Khi trời nóng, tuyến mồ hôi tăng tiết mồ hôi, các mạch máu dưới da và lỗ chân lông dãn ra, giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt.
Câu hỏi thảo luận 3 trang 186 KHTN lớp 8: Quan sát Hình 43.2, hãy hoàn thành bảng sau:
Trả lời:
Bệnh về da |
Nguyên nhân |
Cách phòng tránh |
Bệnh lang ben |
Do nấm gây ra. |
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; không dùng chung đồ dùng cá nhân; tránh môi trường nóng ẩm có nhiệt độ quá cao; tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời với cường độ mạnh; hạn chế ra mồ hôi quá mức;… |
Bệnh mụn trứng cá |
Do da bài tiết nhiều chất nhờn hoặc do bụi bẩn làm tắc nghẽn nang lông. |
Giữ vệ sinh cá nhân và đồ dùng cá nhân sạch sẽ; sinh hoạt điều độ; ăn nhiều rau xanh và trái cây; uống nhiều nước; hạn chế trang điểm và vệ sinh da sau khi trang điểm; chống nắng đúng cách; giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng; rèn luyện thể dục, thể thao hợp lí; không tự ý lặn mụn;… |
Bệnh ghẻ |
Do cái ghẻ kí sinh trong da gây ra. |
Vệ sinh cơ thể và môi trường sạch sẽ; tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác; mặc quần áo sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát;… |
Luyện tập trang 187 KHTN lớp 8: Trình bày một số biện pháp em đã áp dụng để chăm sóc, bảo vệ, làm đẹp cho da.
Trả lời:
Một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ, làm đẹp cho da:
– Giữ tinh thần lạc quan, sinh hoạt điều đồ.
– Uống nhiều nước.
– Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và chất khoáng.
– Vệ sinh da và chống nắng đúng cách.
– Bổ sung độ ẩm cho da.
– Hạn chế trang điểm.
– Bảo vệ da khỏi các yếu tố gây tổn thương da (nhiệt độ, tia tử ngoại, hóa chất,…).
– Vệ sinh môi trường sạch sẽ.
– Không tự nặn mụn trứng cá.
Vận dụng 1 trang 187 KHTN lớp 8: Trình bày tác dụng của kem chống nắng đối với làn da.
Trả lời:
Tác dụng của kem chống nắng đối với làn da: Kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da bằng cách ngăn ngừa bức xạ UV, giảm thiểu mức độ tổn thương cho da, giảm nguy cơ ung thư da; bảo vệ da khỏi cháy nắng; giúp ngăn ngừa lão hóa sớm do ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, một số loại kem chống nắng còn có khả năng dưỡng ẩm cho da.
Vận dụng 2 trang 187 KHTN lớp 8: Vì sao chúng ta không nên trang điểm thường xuyên?
Trả lời:
Chúng ta không nên trang điểm thường xuyên vì trang điểm không đúng cách, không sử dụng sản phẩm chất lượng, không biết chăm sóc da sau trang điểm sẽ khiến da dễ bị bào mòn, dễ nhăn nheo, dễ bị nổi mụn và viêm da. Đồng thời, trang điểm thường xuyên sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là da luôn bị bít kín, từ đó gây nên sự bí bách, khiến làn da bị “ngạt thở”, làm tắc lỗ chân lông và cản trở quá trình bài tiết mồ hôi.
2. Thân nhiệt
Câu hỏi thảo luận 4 trang 187 KHTN lớp 8: Thân nhiệt ở khoảng nhiệt độ nào thì báo hiệu cơ thể đang bị sốt?
Trả lời:
Thân nhiệt ở khoảng nhiệt độ trên 37,5oC sẽ báo hiệu cơ thể đang bị sốt.
Luyện tập trang 187 KHTN lớp 8: Chọn một loại nhiệt kế và tiến hành tự đo thân nhiệt vào các thời điểm khác nhau trong ngày và ghi lại các thao tác và kết quả.
Trả lời:
* Gợi ý lựa chọn loại nhiệt kế và kết quả đo:
Lựa chọn loại nhiệt kế điện tử:
– Các thao tác đo:
+ Bước 1: Bật nguồn nhiệt kế.
+ Bước 2: Đưa đầu nhiệt kế vào vị trí cần đo (trán, tai,…) và ấn nút bật để máy nhận dữ liệu và tiến hành đo.
+ Bước 3: Đợi khoảng 3 – 5 giây, đọc kết quả đo; so sánh với mức nhiệt độ tiêu chuẩn.
+ Bước 4: Tắt nguồn nhiệt kế, vệ sinh và bảo quản.
– Kết quả đo:
+ Thời điểm 9h sáng, học sinh đang ngồi học, không vận động, nhiệt độ đo được là: 36,5oC.
+ Thời điểm 17h30 chiều, học sinh vừa chạy bộ 30 phút, nhiệt độ đo được sau khi chạy là: 37,1oC.
Câu hỏi thảo luận 5 trang 188 KHTN lớp 8: Quan sát Hình 43.4 và cho biết khi nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp, da có những phản ứng như thế nào để giúp cơ thể duy trì thân nhiệt ổn định.
Trả lời:
Phản ứng của da giúp cơ thể duy trì thân nhiệt:
– Khi nhiệt độ môi trường quá cao: Các mạch máu dưới da dãn rộng; các mao mạch chứa đầy máu; các tuyến mồ hôi tăng tiết mồ hôi.
– Khi nhiệt độ môi trường quá thấp: Các mạch máu dưới da co lại; các cơ xương co nhanh, gây run tạo nhiệt; các tuyến mồ hôi co lại giảm tiết mồ hôi.
Câu hỏi thảo luận 6 trang 189 KHTN lớp 8: Trình bày nguyên nhân và biện pháp chống cảm nóng, cảm lạnh bằng cách hoàn thành bảng sau:
Trả lời:
Nguyên nhân và biện pháp chống cảm nóng, cảm lạnh:
Trạng thái cơ thể |
Nguyên nhân |
Biện pháp phòng, chống |
Cảm nóng |
Do làm việc ngoài trời hoặc chơi thể thao dưới ánh nắng trực tiếp quá lâu; tắm ngay hoặc ngồi nơi có gió lùa sau khi vận động mạnh;… |
Nên che nắng, uống đủ nước, tránh ánh nắng trực tiếp vào vùng sau gáy, hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng,… |
Cảm lạnh |
Do tắm ngay hoặc ngồi nghỉ nơi gió lùa khi thân nhiệt đang cao; không giữ đủ ấm cơ thể khi trời rét; thời tiết thay đổi đột ngột;… |
Cần giữ ấm cho cơ thể, uống nước ấm; vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ, súc họng bằng nước muối sinh lí 2 đến 4 lần/ngày,… |
Câu hỏi thảo luận 7 trang 189 KHTN lớp 8: Hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên khi tiến hành sơ cứu cho người bị say nắng.
Trả lời:
STT |
Bước sơ cứu |
4 |
Đánh giá mức độ tỉnh táo của người bị say nắng (lay, gọi,…). + Nếu bệnh nhân tỉnh táo thì tiến hành đỡ họ dậy, cho họ uống bổ sung nước. + Nếu bệnh nhân chưa tỉnh, tiếp tục làm mát cơ thể để hạ nhiệt độ trong khi chờ xe cấp cứu. |
3 |
Làm mát cơ thể (khăn ướt, chườm lạnh ở cổ, nách, bẹn). |
2 |
Gọi xe cấp cứu. |
1 |
Di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát, cởi bớt trang phục không cần thiết (khăn choàng, áo khoác,…). |
Luyện tập trang 189 KHTN lớp 8: Trình bày tác dụng của biểu hiện run cơ
Trả lời:
Tác dụng của biểu hiện run cơ: Run cơ tức là làm tăng hoạt động của cơ. Sự tăng hoạt động của cơ kích thích quá trình hô hấp tế bào tăng để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các tế bào cơ hoạt động. Mà một phần năng lượng được giải phóng ra trong quá trình hô hấp tế bào ở dạng nhiệt. Như vậy, biểu hiện run cơ sẽ giúp cơ thể sinh nhiệt đảm bảo thân nhiệt ổn định trong điều kiện lạnh.
Vận dụng trang 189 KHTN lớp 8: Giải thích cơ sở khoa học của câu nói: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói”.
Trả lời:
Cơ sở khoa học của câu nói: “Trời nóng chóng khát, trời mát chóng đói”:
– Khi trời nóng, cơ thể cần hạ bớt thân nhiệt → Cơ thể tăng tỏa nhiệt nhờ hoạt động thải nước qua tiết mồ hôi để mang theo nhiệt thải ra ngoài → Cơ thể cần nhiều nước (chóng khát) để bù đắp lượng nước đã mất đi.
– Khi trời mát, cơ thể cần nhiều nhiệt để bù đắp cho lượng nhiệt đã mất đi vào môi trường → Cơ thể cần nhiều thức ăn (chóng đói) để biến đổi thành chất dinh dưỡng nhằm cung cấp vật chất cho quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng để tăng sinh nhiệt.