Giải bài tập Địa lí 9 Bài 11: Thực hành: Trình bày về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
I. Chuẩn bị
Các tài liệu, số liệu về sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trên sách, báo, internet,…
II. Nội dung thực hành
Đọc thông tin, kết hợp với sưu tầm tư liệu, hãy trình bày về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các nội dung chính sau:
– Diện tích, các đơn vị hành chính của vùng.
– Một số thế mạnh nổi trội.
– Đóng góp về kinh tế của vùng đối với cả nước.
III. Thu thập tài liệu
2. Gợi ý thu thập tài liệu từ các nguồn khác
Một số website có thông tin về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:
– Tổng cục Thống kê: https://www.gso.gov.vn/
– Cổng thông tin điện tử Chính Phủ: https://chinhphu.vn/vung-kinh-te-trong-diem-quoc-gia
Trả lời:
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với diện tích 15751,4 km2, chiếm 4,8% diện tích cả nước (2021), các đơn vị hành chính của vùng bao gồm 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Vùng là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, với các cơ quan Trung ương, các trung tâm điều hành của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ của quốc gia, đang và sẽ tiếp tục giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng hạt nhân phát triển, lãnh thổ động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Thế mạnh nổi trội bao gồm tiềm năng lớn về du lịch với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của Việt Nam, với Hà Nội là trung tâm.Hệ thống các trung tâm y tế chuyên sâu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại bậc nhất cả nước, bao gồm các cảng hàng không quốc tế, các tuyến quốc lộ huyết mạch và các tuyến đường cao tốc chất lượng cao, đường sắt huyết mạch Bắc – Nam, các cảng nằm trong những cụm cảng nước sâu hàng đầu cả nước. Tại khu vực này tập trung các khu công nghiệp lớn tầm cỡ, thu hút nhiều dự án FDI lớn, như: khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Sài Đồng, khu công nghiệp Đại An, khu công nghiệp Quế Võ, khu công nghiệp Nomura, khu công nghiệp Đình Vũ, khu công nghiệp Phố Nối… Vùng kinh tế này là một trong những trung tâm năng lượng hàng đầu của cả nước, là nơi khai thác và xuất khẩu than đá (Quảng Ninh), nhiệt điện. Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị không ngừng được đầu tư nâng cấp ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Với hàng loạt thành phố, thị xã được nâng cấp và thành lập mới đã đưa vùng trở thành khu vực đô thị của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có sự phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Giá trị GRDP của vùng đạt 2249,1 nghìn tỉ đồng và chiếm 26,6% GRDP, 30,5% GDP của cả nước năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng năm 2021 đạt 4284,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 33,8% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ của vùng chiếm đến 50,4% cả nước năm 2021 và giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của vùng chiếm 15,8% giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của cả nước. Trị giá xuất khẩu của vùng năm 2021 đạt 114,3 tỉ USD, chiếm 31,2% trị giá xuất khẩu của cả nước.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa lí lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 10. Vùng Đồng bằng sông Hồng
Bài 11. Thực hành: Trình bày về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Bài 12. Bắc Trung Bộ
Bài 13. Duyên hải Nam Trung B
Bài 14. Thực hành: Phân tích ảnh hưởng của nạn hạn hán và sa mạc hoá ở vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận
Bài 15. Vùng Tây Nguyên