Giải bài tập Địa lí 9 Bài 1: Dân tộc, gia tăng dân số và cơ cấu dân số
Mở đầu trang 106 Bài 1 Địa Lí 9: Lịch sử phát triển đã tạo nên những đặc điểm về dân cư, dân tộc ở mỗi quốc gia. Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời, có dân số đông, thành phần dân tộc đa dạng. Vậy các dân tộc Việt Nam có đặc điểm phân bố như thế nào? Gia tăng dân số, cơ cấu dân số nước ta có những thay đổi ra sao?
Trả lời:
– Đặc điểm phân bố các dân tộc: các dân tộc phân bố trên khắp lãnh thổ Việt Nam, phân bố các dân tộc có sự thay đổi theo thời gian và không gian, các dân tộc Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.
– Gia tăng dân số và cơ cấu dân số:
+ Gia tăng dân số: dân số năm 2021 là 98,5 triệu người, tỉ lệ gia tăng có sự khác nhau theo thời gian.
+ Cơ cấu dân số: cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng dân số từ 0-14 tuổi, tăng tỉ trọng dân số từ 15-64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên. Cơ cấu dân số theo giới tính 112 bé trai/100 bé gái.
I. Đặc điểm phân bố các dân tộc
Câu hỏi trang 107 Địa Lí 9: Đọc thông tin, hãy trình bày đặc điểm phân bố các dân tộc Việt Nam.
Trả lời:
Việt Nam có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm hơn 85% dân số, còn lại là các dân tộc thiểu số, đặc điểm phân bố:
– Các dân tộc phân bố trên khắp lãnh thổ Việt Nam: dân tộc Kinh cư trú khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở đồng bằng và trung du. Các dân tộc thiểu số phân bố rải rác trên khắp các vùng miền của đất nước, tập trung đông hơn ở trung du và miền núi.
– Phân bố các dân tộc có sự thay đổi theo thời gian và không gian.
+ Từ 1960 đến 1990, Nhà nước triển khai chính sách phát triển kinh tế ở các vùng kinh tế khác nhau, làm thay đổi bức tranh phân bố dân cư và dân tộc, các dân tộc đan xen nhau trở nên khá phổ biến.
+ Từ sau 1990 đến nay, nhu cầu việc làm và phát triển kinh tế, phân bố dân cư vẫn tiếp tục thay đổi, tạo nên bức tranh phân bố dân cư, dân tộc ở nước ta hiện nay.
– Các dân tộc Việt Nam sinh sống ở nước ngoài: đây là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Năm 2021, có 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước, đồng bào luôn hướng về Tổ quốc.
II. Gia tăng dân số và cơ cấu dân số
Câu hỏi trang 107 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin, hãy nhận xét quy mô dân số và tỉ lệ gia tăng dân số của Việt Nam.
Trả lời:
– Năm 2021, dân số Việt Nam là 98,5 triệu người, đứng thứ 15 thế giới.
– Tỉ lệ gia tăng dân số nước ta có sự khác nhau theo thời gian: Từ thập kỉ 60 đến thập kỉ 80 của thế kỉ XX dân số nước ta tăng nhanh, sau đó tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm. Năm 1980 tỉ lệ gia tăng dân số là 2,10% thì đến năm 2021 đã giảm chỉ còn 0,94%.
Câu hỏi trang 108 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin, hãy phân tích sự thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta.
Trả lời:
– Cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta đang thay đổi theo hướng: giảm tỉ trọng dân số từ 0-14 tuổi, tăng tỉ trọng dân số từ 15-64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên.
– Những năm gần đây, do kinh tế phát triển, mức sống người dân tăng lên, nhận thức thay đổi, điều kiện chăm sóc sức khỏe, y tế được cải thiện, chính sách, pháp luật về dân số được chấp hành tốt,…tác động trực tiếp đến mức sinh, mức chết, tuổi thọ trung bình của người dân; góp phần làm thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi.
Câu hỏi trang 108 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin, hãy phân tích sự thay đổi cơ cấu dân số theo giới tính của nước ta.
Trả lời:
– Tỉ số giới tính của dân số nước ta có sự khác nhau giữa các thời kì.
– Tỉ số giới tính cũng có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao, 112 bé trai/100 bé gái (2021). Nguyên nhân do tác động của phong tục tập quán, tâm lí, yếu tố khoa học – công nghệ.
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập 1 trang 108 Địa Lí 9: Dựa vào bảng 1.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện tỉ lệ gia tăng dân số của Việt Nam giai đoạn 1989 – 2021.
Trả lời:
Vận dụng 2 trang 108 Địa Lí 9: Lựa chọn một dân tộc ở Việt Nam, sưu tầm và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đó.
Trả lời:
Dân tộc Sán Chỉ sống rải rác ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên…
Người Sán Chỉ thường sống tập trung thành xóm nhỏ ở các vùng núi cao. Nhà sàn 4 mái vững chãi là kiểu dáng nhà ở đặc trưng của họ. Tuy nhiên, nhà ở của người Sán Chỉ cũng có thay đổi theo từng vùng miền. Ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn thì người Sán Chỉ ở nhà sàn còn ở Quảng Ninh thì họ ở nhà vách đất hoặc xây bằng gạch không nung.
Người Sán Chỉ làm ruộng là chính, có nghề thủ công như làm mộc, đan lát mây tre, rèn. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến.
Trang phục của người Sán Chỉ cũng do bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Bên cạnh đó, đến nay, đồng bào Sán Chỉ vẫn đang gìn giữ khá tốt tục cưới hỏi truyền thống. Mỗi bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là trang phục ngày cưới chính là một tác phẩm nghệ thuật mà người Sán Chỉ đã tạo nên từ sự cần cù, khéo léo, tinh tế. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao.
Ngày cưới của người dân tộc Sán Chỉ cũng là ngày vui chung của cả bản làng. Cũng giống như các đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Sán Chỉ rất yêu ca hát, nhảy múa. Những câu dân ca Soóng Cọ được cộng đồng sáng tác và lưu truyền trên cơ sở nét văn hoá riêng có của dân tộc, những phong tục, tập quán và qua quá trình lao động. Hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa lí lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 1. Dân tộc, gia tăng dân số và cơ cấu dân số
Bài 2. Phân bố dân cư và các loại hình quần cư
Bài 3. Thực hành: Phân tích vấn đề việc làm ở địa phương và nhận xét sự phân hoá thu nhập theo vùng
Bài 4. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản
Bài 5. Thực hành: Viết báo cáo ngắn về mô hình sản xuất nông nghiệp
Bài 6. Công nghiệp