Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 22: Dòng điện – Nguồn điện
Mở đầu trang 103 Bài 22 KHTN lớp 8: Trong đời sống, chúng ta thường sử dụng nhiều thiết bị điện: đèn điện, quạt điện, máy vi tính, ti vi, … Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ hoạt động khi chúng được nối với nguồn điện và có dòng điện chạy qua. Ta hãy tìm hiểu dòng điện, nguồn điện là gì và các thiết bị điện được nối với nguồn điện như thế nào.
Trả lời:
– Dòng điện là dòng chuyển dời có hướng của các hạt mang điện.
– Nguồn điện là những vật có khả năng cung cấp năng lượng điện.
– Các thiết bị được nối với nguồn điện bằng dây dẫn điện.
1. Dòng điện
Luyện tập 1 trang 103 KHTN lớp 8: Trường hợp nào sau đây có sự chuyển dời của các hạt mang điện và tạo thành dòng điện?
a. Sét.
b. Nối bóng đèn vào hai cực của một pin.
Trả lời:
Cả hai trường hợp a và b đều có sự chuyển dời của các hạt mang điện và tạo thành dòng điện.
Câu hỏi thảo luận 1 trang 103 KHTN lớp 8: Quan sát Hình 22.2 và cho biết các electron tự do bị cực nào của pin đẩy, bị cực nào của pin hút. Từ đó chỉ ra chiều chuyển dời của các electron tự do trong dây dẫn kim loại.
Trả lời:
Các electron tự do bị cực âm của pin đẩy, bị cực dương của pin hút.
Chiều chuyển dời của các eletron tự do trong dây dẫn kim loại là chiều từ cực âm sang cực dương.
2. Nguồn điện
Câu hỏi thảo luận 2 trang 104 KHTN lớp 8: Các thiết bị điện trong Hình 22.4 khi hoạt động sẽ chuyển hóa năng lượng điện thành các dạng năng lượng nào?
Trả lời:
– Hình 22.4a năng lượng điện chuyển hóa thành quang năng và nhiệt năng khi bóng đèn sáng.
– Hình 22.4b năng lượng điện chuyển hóa thành hóa năng và nhiệt năng cho pin khi sạc.
Luyện tập 2 trang 104 KHTN lớp 8: a. Quan sát những chiếc pin và chỉ ra đâu là cực dương, cực âm của các nguồn điện này.
b. Kể tên một số thiết bị điện có sử dụng nguồn điện là: pin, acquy, tấm pin mặt trời.
Trả lời:
a.
– Pin tiểu: cực âm là đáy bằng (vỏ pin), cực dương là núm nhỏ nhô lên (đầu có ghi dấu +).
– Pin vuông: cực âm là đầu loe ra (có ghi dấu -), cực dương là đầu khum tròn (có ghi dấu +).
– Pin dạng cúc áo : cực dương là đáy bằng, to (có ghi dấu +), cực âm là mặt tròn nhỏ ở đáy kia (có ghi dấu -).
b. Một số thiết bị điện có sử dụng nguồn điện:
– Thiết bị sử dụng pin: Quạt tích điện, đồ chơi trẻ em, đèn pin.
– Thiết bị sử dụng acquy: Xe máy, xe đạp điện, ô tô.
– Thiết bị sử dụng tấm pin mặt trời: Đèn năng lượng mặt trời, quạt năng lượng mặt trời, bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời.
3. Vật dẫn điện – vật cách điện
Câu hỏi thảo luận trang 105 KHTN lớp 8: Thí nghiệm tìm hiểu tính dẫn điện của chất
Chuẩn bị: thước sắt, thước nhựa (khoảng 20 – 30 cm), pin (loại 3 V), bóng đèn (loại 3 V gắn vào đế), công tắc và các đoạn dây nối có kẹp ở hai đầu.
Tiến hành thí nghiệm
– Lắp mạch điện như Hình 22.5. Ban đầu công tắc mở.
– Đóng công tắc và quan sát bóng đèn.
Trả lời:
Khi đóng công tắc:
– Bóng đèn ở hình 22.5 a sáng lên.
– Bóng đèn ở hình 22.5 b không sáng.
Câu hỏi thảo luận 3 trang 105 KHTN lớp 8: Thực hiện thí nghiệm (Hình 22.5) và cho biết trong trường hợp nào đèn sáng. Giải thích.
Trả lời:
Trường hợp kẹp thước sắt vào hai đầu đoạn dây nối thì bóng đèn sáng vì thước sắt cho dòng điện chạy qua nó.
Luyện tập 3 trang 105 KHTN lớp 8: Hãy kể thêm một số chất thường dùng để làm vật dẫn điện, vật cách điện.
Trả lời:
– Một số chất thường dùng để làm vật dẫn điện là: đồng, bạc, chì, nhôm.
– Một số chất thường dùng để làm vật cách điện là: Nhựa, cao su, thủy tinh, sứ.
Vận dụng trang 105 KHTN lớp 8: Vì sao lõi dây điện thường làm bằng đồng và dây dẫn điện phải có vỏ bọc bằng nhựa (hoặc cao su)?
Trả lời:
– Lõi dây điện thường làm bằng đồng vì đồng là chất liệu vừa dẫn điện tốt vừa có giá thành rẻ.
– Dây dẫn điện phải có vỏ bọc bằng nhựa (hoặc cao su) để cách điện giúp an toàn khi sử dụng.