Soạn bài Dế chọi
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 19 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
– Đọc trước truyện Dế chọi, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Bồ Tùng Linh và tập truyện Liêu Trai chí dị.
– Em biết gì về trò chơi dế chọi?
Trả lời:
– Tác giả Bồ Tùng Linh và tập truyện Liêu Trai chí dị.
+ Bồ Tùng Linh sinh năm 1640 (năm thứ 13 Sùng Trinh đời Minh), mất năm 1715 (năm thứ 54 Khang Hy đời Thanh), tự Lưu Tiên, cũng có tự là Kiếm Thần, biệt hiệu Liễu Tuyền Cư Sĩ, người Tri Xuyên (nay là Tri Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông).
+ Ông xuất thân trong gia đình thế gia suy sụp, trở thành tiểu thương.
+ Bồ Tùng Linh luôn gặp trắc trở trong thi cử khiến ông không đỗ đạt được: lúc thì bị ốm khi thi, lúc thì thi hỏng.
+ Đến năm 71 tuổi, ông được ban cho một danh nghĩa không có ý nghĩa gì là “Tuế Cống Sinh”.
+ Các tác phẩm chính: Liêu trai chí dị (tập hợp khoảng hơn 500 truyện ngắn); Liêu trai văn tập (12 quyển); Liêu trai thi tập (6 quyển với hơn 1000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tạp kịch). Ngoài “Liêu trai chí dị”, các tác phẩm của ông đều được tập hợp vào bộ “Bồ Tùng Linh tập”.
+ Năm Bồ Tùng Linh 20 tuổi, ông đã bắt đầu viết “Liêu Trai chí dị”, 20 năm sau, vào năm Canh Thân 1680, Bồ Tùng Linh đã hoàn thành, nhưng cũng phải mất thêm thời gian 10 năm nữa, vào năm Canh Ngọ 1690, Bồ Tùng Linh mới viết hoàn chỉnh Liêu Trai Chí Dị.
+ “Liêu Trai chí dị” có hơn 500 truyện dài ngắn khác nhau, đề cập đến nhiều nhân vật, nhiều đề tài, với điểm chung duy nhất là xoay quanh các nhân vật yêu tinh, ma quái, những thực thể kỳ dị, khác thường. Thông qua những câu chuyện yêu ma quỷ quái này, người đọc có thể nhìn thấy bức tranh xã hội Trung Quốc qua các thời kỳ khác nhau trong lịch sử, và nắm bắt những góc nhìn cá nhân của Bồ Tùng Linh về tình hình xã hội phong kiến, khoa cử, về tình yêu nam nữ, lễ giáo Nho gia, tình người, đồng tính luyến ái,… Tình bằng hữu, tấm lòng trung tín nghĩa cũng được đề cao trong rất nhiều truyện.
– Trò chơi dế chọi:
+ Chọi dế là trò chơi mang đậm nét văn hoá làng quê. Dế để chọi, chọn loại dế mình thuôn, tiếng gáy to, tính hung hăng, gặp nhau là húc đầu chọi. Dế chọi nhỏ hơn dế mèn, thân đen bóng hoặc nâu sẫm, đầu cánh có một chấm vàng.
+ Thường chỉ có dế đực mới thích chọi và chỉ chọi lúc đã trưởng thành. Dế chọi tốt là con nhanh nhẹn, đầu to, vai rộng, bụng nhỏ, chân cao, càng mập, râu dài mướt, cánh nổi rõ từng đường vân. Nuôi dế trong hộp cho ăn sương đêm, cỏ non và khoai lang, thỉnh thoảng cho nếm chút rượu để gây máu hiếu chiến.
+ Trong trận đấu, hai con dế phải có tầm vóc ngang nhau, qua sự ước lượng của hai chủ dế. Đấu dế chỉ chọn đấu đôi, áp sát cửa hai chiếc lồng vào nhau rồi từ từ kéo lên, khi hai con dế vào sân đấu, dế nhìn nhau giữ miếng, khe khẽ gáy, tiến lại gần nhau rồi bất ngờ chống càng, ghé miệng cắn, ghì chặt nhau, lừa miếng tung càng đá hậu.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Thông qua câu chuyện ngắn gọn với một số chi tiết li kì, biến ảo về gia đình Thành Danh tìm bắt, nuôi nấng dế chọi để cống nạp cho nhà vua, tác giả đã phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời đã đè nén, áp bức, gây ra bao đau cho những người dân hiền lành lương thiện.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 (trang 19 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Trò chơi dế chọi được ưa chuộng ở đâu, nảy sinh như thế nào?
Trả lời:
– Trò chơi chọi dế được ưa chuộng ở thời Tuyên Đức, nảy sinh do viên quan lệnh huyện Hòa Âm muốn lấy lòng quan trên nên đem tiến một con dế chọi.
Câu 2 (trang 20 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Thành Danh là người thế nào?
Trả lời:
– Thành Danh là người chất phác, ít nói cho nên bị bọn hương chức quyền thế ép phải giữ chân chức dịch trong làng.
Câu 3 (trang 20 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Chú ý chi tiết kì lạ trong việc đi tìm bắt dế của Thành Danh.
Trả lời:
– Vợ Thành đi tìm gặp thầy bói, Thành Danh theo tờ giấy vẽ bà đồng cho mà tìm đến nơi để bắt dế.
Câu 4 (trang 21 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Điều gì đã xảy ra với con của Thành Danh?
Trả lời:
– Con của Thành Danh chết đi sống lại nhưng đứa con lại ngủ bằn bặt, trơ ra như gỗ.
Câu 5 (trang 21 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Chú dế của Thành Danh có đặc điểm gì đáng chú ý?
Trả lời:
– Chú dế của Thành Danh có đặc điểm: đầu vuông, đùi dài, dáng ve sầu, cánh hoa mai.
Câu 6 (trang 22 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Điều kì lạ về chú dế của Thành Danh là gì?
Trả lời:
– Vào trong cung, chú dế của Thành Danh mỗi khi nghe tiếng đàn cầm, đàn sắt là nhảy múa theo các tiết điệu.
Câu 7 (trang 22 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Thành Danh đã được hưởng lợi gì từ chú dế kì lạ này?
Trả lời:
– Nhờ Thành Danh mà quan huyện được thăng cấp liền cho Thành được miễn sai dịch, lại dặn học quan cho Thành thi lấy học vị tú tài.
Câu 8 (trang 22 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Chú dế kì lạ kia thực chất là ai?
Trả lời:
– Chú dế kì lạ kia thực chất là con của Thành Danh.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Dế chọi thuộc thể loại truyện nào? Em dựa vào yếu tố nào để xác định điều đó?
Trả lời:
– Dế chọi thuộc thể loại truyện truyền kì.
– Dựa vào yếu tố đặc điểm của truyện truyền kì: kể những câu chuyện kì lạ, nhân vật chính là người bình dân, sử dụng nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo.
Câu 2 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Truyện có những nhân vật nào? Hãy phân tích nhân vật Thành Danh và dế con.
Trả lời:
* Truyện có những nhân vật: quan tỉnh, quan huyện, Thành Danh, vợ Thành Danh, đứa con, bà đồng, dế con.
* Nhân vật Thành Danh:
– Trước khi tìm được dế
+ Hiền lành, chất phác, giữ chân chức dịch trong làng.
+ Không muốn làm nhiễu dân nên đã tự mình đi tìm dế để nộp cho quan huyện. Vì không tìm được nên anh bị phạt đòn, chỉ còn nghĩ đến chuyện tự tử.
– Sau khi tìm được dế
+ Vợ Thành Danh được cô đồng chỉ chỗ có dế, Thành bắt được nhưng thảm kịch đã xảy ra. Con trai anh vô tình làm dế chết, vì quá sợ bố nên nhảy xuống giếng chết đuối.
=> Thương con, vật vã kêu trời muốn chết.
+ Đứa con hóa thân vào con Dế khiến Thành Danh được học tiếp và thi đỗ tú tài.
=> Thành Danh trở nên giàu sang phú quý, gia đình được vinh hiển.
Nhân vật dế con:
+ Nhân vật dế con được hóa thân bởi con trai của Thành Danh.
+ Vì sợ hãi và thương cha mẹ đã trở thành chú dế nhỏ, chọi giỏi lại còn biết nhảy múa theo tiếng đàn.
=> Nhờ vậy mà chú đã lấy được lòng quan nên đã giúp cha mình được hưởng vinh hoa phú quý.
Câu 3 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Theo em, qua nội dung của truyện Dế chọi, tác giả muốn tập trung thể hiện điều gì?
Trả lời:
– Theo em, qua nội dung của truyện Dế chọi, tác giả đã tập trung thể hiện vạch trần chế độ tàn bạo, gian ác của bọn quan lại. Đồng thời bày tỏ sự xót thương cho số phận những con người “nhỏ bé” luôn bị chà đạp, bóc lột.
Câu 4 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Hãy chỉ ra những yếu tố kì lạ, kì ảo trong truyện Dế chọi và cho biết tác dụng của những yếu tố này.
Trả lời:
– Ở giữa là đền gác như kiểu chùa Phật, đằng sau, dưới ngọn núi nhỏ lổn nhổn những mô đá kì quái.
– Còn điều kì lạ hơn nữa, ở trong cung, con dế của Thành mỗi khi nghe tiếng đàn cầm, đàn sắt là lại nhảy múa theo các tiết điệu.
– Còn con Thành, hơn năm sau tinh thần trở lại như cũ và kể lại rằng: Mình đã hóa thành dế lanh lẹ, chọi giỏi, nay mới thực sống lại.
Câu 5 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Lời bàn của tác giả ở cuối truyện có tác dụng gì? Hãy xác định thái độ của tác giả trong lời bàn và chỉ ra các câu văn thể hiện rõ thái độ đó.
Trả lời:
– Lời bàn của tác giả có tác dụng răn đe quan lại rằng làm việc gì thì hãy nghĩ tới dân. Thái độ của tác giả thể hiện trong lời bàn là thái độ tố cáo bọn quan lại tàn ác và đứng lên bảo vệ nhân dân. Câu văn thể hiện rõ thái độ: “Một người thăng thiên, gà chó cũng thành tiên”. Đáng tin vậy thay!
Câu 6 (trang 23 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Viết một đoạn văn (khoảng 12 – 15 dòng) thể hiện suy nghĩ của em về một vấn đề xã hội đặt ra trong truyện Dế chọi.
Trả lời:
Qua câu chuyện Dế chọi, ta thấy một xã hội bất công, tàn bạo đã hiện ra dưới ngòi bút của tác giả Bồ Tùng Linh. Nhờ những chi tiết kì ảo, hoang đường quay xung quanh gia đình Thành Danh, tác giả đã phê phán hệ thống quan lại phong kiến tàn ác đã đèn nén, bóc lột những người dân lương thiện. Chi tiết Thành Danh không muốn phiền đến dân làng nên phải tự mình bắt dế cống nạp thể hiện được cái tâm, lòng nhân đạo của một vị quan lại chân chính. Qua đó tác giả cũng bày tỏ sự cảm thông với số phận bé nhỏ của những người dân hiền lành, chất phác. Trong xã hội đó, họ không có tiếng nói, không thể tự quyết định số phận vì thế bọn quan lại, cường hào lợi dụng quyền hành để bóc lột, chà đạp dân chúng. Câu chuyện chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, con người tuân theo thuyết luân hồi báo ứng vì thế mà giá trị nhân đạo được thể hiện rõ nét qua tác phẩm này.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Thực hành tiếng Việt trang 17
Thực hành đọc hiểu: Dế chọi
Viết truyện kể sáng tạo
Kể một câu chuyện tưởng tượng
Tự đánh giá: Gói thuốc lá
Hướng dẫn tự học trang 32