Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 4: Đo chiều dài
Mở đầu
Mở đầu trang 18 SGK KHTN lớp 6: Vì sao khi đo chiều dài của sân trường người ta thường dùng thước cuộn hoặc thước dây, còn trong quá trình học tập các em lại thường sử dụng thước kẻ để đo?
Lời giải:
– Vì độ dài của sân trường tương đối lớn, khoảng vài chục mét nên dùng thước cuộn hoặc thước dây có GHĐ lớn để đo chiều dài sân trường với số lần đo ít nhất.
– Còn trong quá trình học tập lại thường sử dụng thước kẻ để đo vì:
+ Thước kẻ có GHĐ và ĐCNN nhỏ nên việc đo và kết quả đo sẽ dễ dàng và chính xác hơn.
+ Thước kẻ có GHĐ nhỏ nên khi sử dụng thước sẽ dễ dàng hơn.
Hình thành kiến thức mới
Hình thành kiến thức mới 1 trang 18 SGK KHTN lớp 6: Cảm nhận của em về chiều dài đoạn thẳng AB so với chiều dài đoạn thẳng CD hình 4.1 như thế nào?
Lời giải:
Cảm nhận của em là chiều dài đoạn thẳng AB nhỏ hơn chiều dài đoạn thẳng CD.
Hình thành kiến thức mới 2 trang 18 SGK KHTN lớp 6: Hãy ước lượng chiều dài hai đoạn thẳng đó. Muốn biết kết quả ước lượng có chính xác không ta phải làm như thế nào?
Lời giải:
– Chiều dài đoạn thẳng AB khoảng 2,5 cm.
– Chiều dài đoạn thẳng AB khoảng 2,0 cm.
– Muốn biết kết quả ước lượng có chính xác không, ta phải sử dụng thước để đo 2 đoạn thẳng.
Hình thành kiến thức mới 3 trang 19 SGK KHTN lớp 6: Kể tên những loại thước đo chiều dài mà em biết. Tại sao người ta lại sản xuất ra nhiều loại thước khác nhau như vậy?
Lời giải:
– Những loại thước đo độ dài mà em biết là: thước dây, thước thẳng, thước cuộn, thước kẻ, thước kẹp,…
– Người ta sản xuất ra nhiều loại thước khác nhau như vậy để có thể chọn thước phù hợp với hình dạng, kích thước của vật cần đo.
Ví dụ:
+ Sử dụng thước dây để đo theo hình dạng của vật: đo vòng miệng ngoài cốc, đo cơ thể người, …
+ Sử dụng thước cuộn để đo những độ dài lớn như: chiều cao người, chiều dai lớp học…
+ Sử dụng thước thẳng để đo những độ dài nhỏ, được dùng trong học tập…
Hình thành kiến thức mới 4 trang 19 SGK KHTN lớp 6: Quan sát hình 4.3 và cho biết cách đo chiều dài trong trường hợp nào nhanh và cho kết quả chính xác hơn? Tại sao?
Lời giải:
– Đo chiều dài trong trường hợp a nhanh và cho kết quả chính xác hơn.
– Bởi vì:
+ Bàn học có chiều dài lớn nên cần dùng thước dây (như hình a) có GHĐ lớn, ta chỉ cần đo 1 lần, thời gian đo nhanh và chính xác hơn.
+ Còn dùng thước kẻ (như hình b) có GHĐ nhỏ nên cần nhiều lần đo, dẫn tới sai số nhiều và làm kết quả đo không được chính xác.
Hình thành kiến thức mới 5 trang 20 SGK KHTN lớp 6: Quan sát hình 4.4 và cho biết cách đặt thước để đo chiều dài bút chì như thế nào là đúng?
Lời giải:
– Cách đặt thước để đo chiều dài bút chì:
+ Đặt thước đo dọc theo chiều dài bút.
+ Vạch số 0 của thước ngang với một đầu của bút.
=> Cách đặt thước để đo chiều dài bút chì như hình c là đúng.
Hình thành kiến thức mới 6 trang 20 SGK KHTN lớp 6: Quan sát hình 4.5 và cho biết cách đặt mắt để đọc chiều dài bút chì như thế nào là đúng?
Lời giải:
– Cách đặt mắt để đo chiều dài bút chì:
+ Đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với cạnh thước.
+ Đọc giá trị chiều dài của bút theo vạch chia trên thước gần nhất với đầu kia của bút.
=> Cách đặt mắt để đo chiều dài bút chì như hình c là đúng.
Hình thành kiến thức mới 7 trang 20 SGK KHTN lớp 6: Quan sát hình 4.6 và cho biết kết quả đo chiều dài bút chì tương ứng ở các hình là bao nhiêu xentimet?
Lời giải:
– Cách đọc kết quả đo: đọc giá trị chiều dài của bút theo vạch chia trên thước gần nhất với đầu kia của bút.
=> – Kết quả đo chiều dài bút chì ở hình a: 6,8 cm.
– Kết quả đo chiều dài bút chì ở hình b: 7,0 cm.
Hình thành kiến thức mới 8 trang 20 SGK KHTN lớp 6: Hãy đo chiều dài của bàn học và chiều dài của quyển sách Khoa học tự nhiên 6 của em. Sau đó hoàn thành theo mẫu bảng 4.2.
Lời giải:
– Dùng thuớc dây, thước cuộn để đo chiều dài của bàn học.
– Dùng thước kẻ để đo chiều dài quyển sách Khoa học tự nhiên 6.
– Ví dụ kết quả đo:
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 19 SGK KHTN lớp 6: Hãy cho biết GHĐ và ĐCNN của thước ở hình 4.2a và thước kẻ mà em đang sử dụng.
Lời giải:
– GHĐ của thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.
– ĐCNN của thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.
* Do đó:
– Thước kẻ ở hình 4.2a có GHĐ là 20 cm và ĐCNN là 1mm.
– Tùy từng loại thước em đang sử dụng mà có GHĐ và ĐCNN khác nhau.
Ví dụ: thước kẻ em đang sử dụng có GHĐ là 15 cm và ĐCNN là 1mm.
Luyện tập 2 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Hãy đo chiều dài đoạn thẳng AB và CD trong hình 4.1. Từ kết quả đo được em rút ra nhận xét gì?
Lời giải:
– Chiều dài đoạn thẳng AB và CD trong hình 4.1 bằng: 2,5 cm.
– Từ kết quả đo được, em rút ra nhận xét: Giác quan của chúng ta có thể cảm nhận sai về kích thước các vật.
Luyện tập 3 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Lấy ví dụ chứng tỏ giác quan của chúng ta có thể cảm nhận sai về kích thước các vật.
Lời giải:
– Ví dụ chứng tỏ giác quan của chúng ta có thể cảm nhận sai về kích thước các vật:
+ Giác quan chúng ta cảm nhận chiếc bút bi có chiều dài 15 cm, nhưng khi dùng thước kẻ để đo chiều dài bút bi thì ta đo được chiều dài thực của bút là 14 cm.
+ Giác quan chúng ta cảm thấy có thể mặc vừa chiếc áo này, nhưng khi mặc vào lại không vừa do chiếc áo có kích thước nhỏ hơn cơ thể chúng ta.
Vận dụng
Vận dụng trang 21 SGK KHTN lớp 6: Hãy mô tả cách đo và tiến hành đo chiều cao của hai bạn trong lớp em.
Lời giải:
Cách đo chiều cao của hai bạn trong lớp:
+ Bước 1: Ước lượng chiều cao của 2 bạn (khoảng 150 cm)
+ Bước 2: Chọn thước đo có GHĐ và ĐCNN phù hợp
(chọn thước GHĐ: 2m; ĐCNN: 0,1cm)
+ Bước 3: Đặt thước đo dọc theo chiều cao của người, chân của người trùng với vạch số 0.
+ Bước 4: Đặt mắt vuông góc với cạnh thước (mặt số của thước), đọc giá trị chiều cao của 2 bạn theo giá trị của vạch chia gần nhất so với đầu kia.
+ Bước 5: Ghi kết quả đo theo đơn vị ĐCNN cho mỗi lần đo (Bạn 1: 155cm, Bạn 2: 153cm)
Bài tập
Bài 1 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Lấy ví dụ về một loại thước đo chiều dài mà em biết và đọc GHĐ, ĐCNN của thước đó.
Lời giải:
Ví dụ:
– Thước kẻ em đang sử dụng có GHĐ là 10 cm và ĐCNN là 1mm.
Bài 2 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Một thước thẳng có 101 vạch chia thành 100 khoảng đều nhau, vạch đầu tiên ghi số 0, vạch cuối cùng ghi số 100 kèm theo đơn vị cm. Thông tin đúng của thước là
A. GHĐ và ĐCNN là 100 cm và 1 cm. B. GHĐ và ĐCNN là 101 cm và 1 cm.
C. GHĐ và ĐCNN là 100 cm và 1 mm. D. GHĐ và ĐCNN là 101 cm và 1 mm.
Lời giải:
Chọn đáp án A vì:
– Vạch cuối cùng ghi số 100 kèm theo đơn vị cm , tức là GHĐ của thước là 100 cm.
– Thước có 100 khoảng đều nhau và có GHĐ là 100 cm, tức mỗi khoảng bằng 1 cm.
=> ĐCNN của thước là 1 cm.
Vậy GHĐ và ĐCNN của thước là 100 cm và 1 cm.
Bài 3 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Hãy ước lượng chiều dài lớp học, lựa chọn thước đo phù hợp để đo chiều dài lớp học rồi so sánh kết quả đo được với chiều dài ước lượng ban đầu của em.
Lời giải:
– Học sinh ước lượng chiều dài lớp học, chọn thước đo phù hơp (thước cuộn, thước dây…). Sau đó dùng thước đo chiều dài lớp học rồi so sánh với chiều dài đã ước lượng ban đầu.
Ví dụ: Em ước lượng chiều dài lớp học là 350 cm
Em dùng thước cuộn đo được chiều dài lớp học là 380 cm.
Bài 4 trang 21 SGK KHTN lớp 6: Hãy tìm cách đơn giản có thể đo gần đúng chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học của em.
Lời giải:
Cách đơn giản có thể đo gần đúng chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học của em là:
– Bước 1: Em đo chiều dài của một bước chân.
– Bước 2: Em đếm số bước chân em đi từ cổng trường vào lớp học.
Chú ý các bước chân phải xếp sát nhau, bước theo hàng dọc và thẳng.
– Bước 3: Lấy số bước chân đi được từ cổng trường vào lớp học nhân với độ dài mỗi bước chân, chính là chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học.
– Bước 4: Em đo lại nhiều lần để cho kết quả chính xác hơn.
Độ dài quãng đường từ cổng trường đến lớp học =
Ví dụ:
– Lần 1 em đo chiều dài một bước chân em là 20 cm, số bước chân đi được từ cổng trường vào lớp học là 250 bước chân.
=> Lần 1 em đo được chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học của em là:
250 x 20 = 5000 cm
– Lần 2 em đo chiều dài một bước chân em là 19,5 cm, số bước chân đi được từ cổng trường vào lớp học là 252 bước chân.
=> Lần 2 em đo được chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học của em là:
252 x 19,5 = 4914 cm
– Lần 3 em đo chiều dài một bước chân em là 20,5 cm, số bước chân đi được từ cổng trường vào lớp học là 249 bước chân.
=> Lần 3 em đo được chiều dài quãng đường từ cổng trường vào lớp học của em là:
20,5 x 251 = 5104,5 cm
Vậy độ dài quãng đường từ cổng trường đến lớp học =
Bài giảng Khoa học tự nhiên 6 Bài 4: Đo chiều dài – Chân trời sáng tạo