Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 6: Đo khối lượng
Mở đầu trang 20 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Một bạn lần lượt rót sữa, nước vào đầy hai cốc giống nhau. Làm thế nào để so sánh chính xác khối lượng của hai cốc?
Lời giải:
Để so sánh chính xác khối lượng của hai cốc:
– Dùng cân để đo khối lượng của mỗi cốc.
– Cốc nào có khối lượng lớn hơn thì cốc đó nặng hơn.
Câu hỏi 1 trang 21 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Các thao tác nào dưới đây là sai khi dùng cân đồng hồ hoặc cân điện tử? Nêu cách khắc phục để thu được kết quả đo chính xác.
a) Đặt cân trên bề mặt không bằng phẳng.
b) Đặt mắt vuông góc với mặt đồng hồ.
c) Để vật cồng kềnh trên đĩa cân.
d) Để vật lệch một bên trên đĩa cân.
e) Đọc kết quả khi cân ổn định.
Lời giải:
Các thao tác sai khi dùng cân đồng hồ hoặc cân điện tử là:
a) Đặt cân trên bề mặt không bằng phẳng.
=> Cách khắc phục: Phải đặt cân trên bề mặt bằng phẳng để cân đo chính xác khối lượng vật.
c) Để vật cồng kềnh trên đĩa cân.
=> Cách khắc phục: Để các vật có kích thước vừa phải, phù hợp với từng loại cân. Với những vật cồng kềnh ta nên chọn cân có đĩa cân lớn hơn.
d) Để vật lệch một bên trên đĩa cân.
=> Để cân đo chính xác khối lượng vật, ta cần để vật cân đối trên đĩa cân (giữa đĩa cân).
Hoạt động 1 trang 20 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Hãy mô tả một tình huống cho thấy sự cần thiết của việc ước lượng khối lượng trong đời sống.
Lời giải:
– Tình huống cho thấy sự cần thiết của việc ước lượng khối lượng trong đời sống:
Mẹ em mang 1 bao gạo về nhà và bảo em lấy cân của nhà để cân bao gạo này xem người bán hàng có gian lận hay không.
Em hỏi mẹ: Lấy cân bao nhiêu thì cân được ạ?
Mẹ em bảo: Con thử ước lượng bao này bao nhiêu kg thì lấy cân như vậy để đo.
Em nói: Hay là con cứ lấy đại một cái cân nhé mẹ, không vừa thì đổi cân khác?
Mẹ em: Thế thì cho con tập thể dục bằng cách lấy cân ra để cân gạo nhé.
Và em phải lấy 3 cái cân mới cân được chính xác khối lượng bao gạo. Vì khi lấy cân có giới hạn đo (GHĐ) nhỏ hơn khối lượng thật của bao gạo thì kim đồng hồ chỉ quay một vòng và chỉ sai số lượng của bao gạo.
=> Như vậy, em thấy ước lượng được khối lượng của vật rất cần thiết.
Hoạt động 2 trang 20 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Thử dự đoán khối lượng của một bạn khác trong nhóm dựa vào sự so sánh với khối lượng đã biết của cơ thể em.
Lời giải:
Tùy thuộc vào cách em chọn bạn nào để ước lượng được khối lượng của bạn.
+ Nếu ngoại hình bạn ấy to hơn em thì bạn ấy có khối lượng lớn hơn em.
+ Nếu ngoại hình bạn ấy nhỏ hơn em thì bạn ấy có khối lượng nhỏ hơn em.
Hoạt động 3 trang 21 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Ước lượng khối lượng của nước chứa đầy trong một chai nhựa. Kiểm tra kết quả ước lượng bằng cách sử dụng cân đồng hồ.
Lời giải:
Tùy ước lượng ở mỗi học sinh.
Ví dụ:
– Ước lượng khối lượng của nước chứa đầy trong một chai coca 1,5 lít là 1,5 kg.
– Sau đó đặt chai coca lên cân đồng hồ và đọc kết quả: 1,4 kg.
Hoạt động 4 trang 21 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Theo em, cần lưu ý điều gì để thu kết quả đo chính xác hơn? Tại sao?
Lời giải:
– Để thu được kết quả đo chính xác hơn, cần chọn cân có GHĐ và ĐCNN phù hợp
– Vì vật có khối lượng nhỏ mà đặt lên chiếc cân có ĐCNN lớn thì kết quả đo sẽ không chính xác.
Do đó, ĐCNN càng nhỏ và phù hợp với khối lượng cần đo sẽ thu được kết quả chính xác hơn.
Hoạt động 5 trang 21 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Do ước lượng không đúng nên một học sinh đã để vật có khối lượng rất lớn lên đĩa cân đồng hồ. Hãy nêu tác hại có thể gây ra cho cân.
Lời giải:
Các tác hại có thể gây ra cho cân là:
+ làm mất sự đàn hồi của lò xo ở cân
+ làm kim chỉ thị chỉ sai lệch
+ làm cân bị biến dạng
=> cân không chỉ chính xác và bị hỏng.
Em có thể 1 trang 21 Bài 6 Khoa học tự nhiên lớp 6: Đo khối lượng vật bằng cân phù hợp.
Lời giải:
Ví dụ:
+ Đo cân nặng của em bé sơ sinh dùng cân đồng hồ có GHĐ 5kg.
+ Đo cân nặng của người lớn dùng cân đồng hồ có GHĐ 100kg.