Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Phần 2: Đánh giá cuối năm học
Tiết 6, 7 trang 155, 156, 157
A. ĐỌC
I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.
QUA THẬM THÌNH
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm.
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này.
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi.
Đẹp lòng, vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà.
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình.
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây.
Trời cao. Bóng toả đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… thậm thình.
(Nguyễn Bùi Vợi)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 155 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Vì sao khi đi qua Thậm Thình, tác giả lại bâng khuâng nhớ về thuở xa xưa?
Trả lời:
Khi đi qua Thậm Thình, tác giả lại bâng khuâng nhớ về thuở xa xưa vì Vua Hùng cũng từng đi qua đây, chọn nơi đây để gây dựng tiền đồ và giã gạo làm bánh chưng, bánh giầy trong tiếng chày thậm thình.
Câu 2 trang 155 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Qua lời kể của tác giả, những chi tiết nào cho thấy vua rất gần gũi, gắn bó với muôn dân?
Trả lời:
Qua lời kể của tác giả, những chi tiết cho thấy vua rất gần gũi, gắn bó với muôn dân là: vua đi săn và nghỉ chân chốn này khi trưa tròn bóng nắng; nhận thức quả xôi đầy dân dâng để dùng làm bữa; vua chọn nơi đây để xây nhà, giã gạo làm bánh.
Câu 3 trang 155 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, bốn dòng thơ cuối ý nói gì?
Trả lời:
Theo em, bốn dòng thơ cuối ý nói: dù dấu tích, cảnh và người xưa quá đỗi đẹp dù không còn nữa nhưng kí ức, những trang sử, tình yêu và lòng tự hào cho tích xưa vẫn sống mãi, vẫn còn nằm trong tâm khảm người dân Việt Nam.
II. Đọc hiểu.
Phong cảnh đền Hùng
Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.
Lăng của các Vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh xanh. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Phía xa xa là núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân xâm lược. Trước mặt là Ngã Ba Hạc, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn tháng năm mải miết đắp bồi phù sa cho đồng bằng xanh mát.
Trước đền Thượng có một cột đá cao đến năm gang, rộng khoảng ba tấc. Theo ngọc phả, trước khi dời đô về Phong Khê, An Dương Vương đã dựng mốc đá đó, thề với các Vua Hùng giữ vững giang sơn. Lần theo lối cũ đến lưng chừng núi có đền Trung thờ 18 chi Vua Hùng. Những cành hoa đại cổ thụ toả hương thơm, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỉ che mát cho con cháu về thăm đất Tổ. Đi dần xuống là đền Hạ, chùa Thiên Quang và cuối cùng là đền Giếng, nơi có giếng Ngọc trong xanh, ngày xưa công chúa Mị Nương thường xuống rửa mặt, soi gương.
(Theo Đoàn Minh Tuấn)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 156 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Ở đoạn mở đầu, đền Thượng được miêu tả thế nào?
Trả lời:
Ở đoạn mở đầu, đền Thượng được miêu tả:
– Trước đền Thượng: những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa
– Trong đền Thượng: dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.
Câu 2 trang 156 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Ghép ô chữ bên trái với ô chữ bên phải để nêu đúng phong cảnh thiên nhiên nhìn từ lăng của các Vua Hùng.
Trả lời:
Câu 3 trang 156 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những cảnh vật nào ở đền Trung gợi lên vẻ cổ kính?
Trả lời:
Những cảnh vật ở đền Trung gợi lên vẻ cổ kính là: những cành hoa đại cổ thụ toả hương thơm, những gốc thông già toả bóng mát.
Câu 4 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Bài văn gợi lại những câu chuyện cổ xưa về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Em hãy kể tên một số câu chuyện đó.
Trả lời:
Bài văn gợi lại những câu chuyện cổ xưa về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Một số câu chuyện được nhắc tới là:
– Nam quốc sơn hà: bài thơ khích lệ tinh thần quân sĩ giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077.
– Các Vua Hùng: Hùng Vương trải qua 18 đời vua là các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, dựng nên đất nước Việt Nam sơ khai nhất từ khoảng thế kỉ VII đến thế kỉ II trước công nguyên.
– Mị Nương và Sơn Tinh: truyền thuyết về cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh để tranh giành làm người cưới nàng Mị Nương – con gái của Vua Hùng thứ 18.
– Dấu chân ngựa sắt Phù Đổng: Thánh Gióng hiệu là Phù Đổng Thiên Vương là nhân vật truyền thuyết, là truyền thuyết cậu bé không biết nói nhưng khi nghe tin tuyển người giúp Hùng Vương đánh giặc, bỗng cao lớn và cưỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân.
– An Dương Vương rời đô về Phong Khê: sau khi lên ngôi, An Dương Vương đã rời đô về Phong Khê (nay là Đông Anh, Hà Nội).
– Con cháu về thăm đất Tổ: vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nước ta lấy làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương, rất đông người cùng nhau kéo về đất Tổ tại Phú Thọ – vùng đất cổ, cái nôi của văn hoá Lạc Việt, nhiều di sản văn hoá gắn với thời đại Hùng Vương.
Câu 5 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, việc nhắc nhớ những câu chuyện cổ xưa có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Theo em, việc nhắc nhớ những câu chuyện cổ xưa có ý nghĩa vô cùng lớn. Giúp người trẻ chúng em luôn nhớ về những công lao, những cố gắng và vất vả của người xưa để có giang sơn, cơ đồ ngày hôm nay. Chuyện cổ xưa lại ẩn hiện trong dáng hình của thiên nhiên, của đền tích làm câu chuyện cổ thêm khắc sâu, thêm ý nghĩa và thiêng liêng hơn cả.
Câu 6 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nêu suy nghĩ của em về câu ca dao:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Trả lời:
Đọc câu ca dao, em hiểu: mỗi người Việt Nam dù bận rộn làm lụng quanh năm suốt tháng nhưng cũng không thể quên được ngày giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 03 hàng năm.
Câu 7 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Câu nào dưới đây là câu ghép?
a. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa.
b. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm để ở bức hoành phi treo chính giữa.
c. Lăng của các Vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh xanh.
Trả lời:
Trong các câu đã cho, câu ghép là câu a.
Câu 8 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Các vế của câu ghép dưới đây được nối với nhau bằng cách nào?
Những cành hoa đại cổ thụ toả hương thơm, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỉ che mát cho con cháu về thăm đất Tổ.
Trả lời:
Các vế của câu ghép dưới đây được nối với nhau trực tiếp thông qua dấu phẩy.
Câu 9 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nêu công dụng của dấu gạch ngang được sử dụng trong câu dưới đây:
Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. |
Trả lời:
Công dụng của dấu gạch ngang sử dụng trong câu dưới đây là: đánh dấu phần chú thích. Giải thích về lai lịch của Mị Nương và địa danh gắn liền với Mị Nương vì tích gì.
Câu 10 trang 157 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trong câu “Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp.”, từ đứng được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Đặt 1 – 2 câu có từ đứng được dùng với nghĩa chuyển.
Trả lời:
Trong câu “Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp.”, từ đứng được dùng với nghĩa gốc.
Câu có từ đứng dùng với nghĩa chuyển là:
+ Mỗi khi mặt trời đứng bóng là khi em tan học về nhà.
+ Cho tới ngày nay, Việt Nam ta đã là quốc gia có chỗ đứng nhất định trong khu vực và quốc tế.
B. VIẾT
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết bài văn tả một người bạn đã gắn bó với em trong những năm học qua.
Đề 2: Viết bài văn kể lại một câu chuyện em yêu thích trong sách Tiếng Việt 5, trong đó có những chi tiết sáng tạo.
* Đề 1: Viết bài văn tả một người bạn đã gắn bó với em trong những năm học qua
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng cần có ít nhất một người bạn thân thiết. Người bạn đó sẽ khiến chúng ta cảm nhận được nhiều niềm vui, thử được nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Và em cũng vậy, em cũng có cho mình một người bạn thân thiết, bạn thân của em tên là Chi. Chúng em đã quen nhau và là bạn thân từ khi mới bắt đầu học lớp một.
Chi là một cô nàng xinh xắn nhưng cũng rất cá tính. Tuy bằng tuổi em nhưng Chi cao hơn em hẳn nửa cái đầu, dáng người mảnh mai. Gương mặt cô bạn ấy trông tròn trịa nhờ đôi má phúng phính trắng hồng. Chi có mái tóc chỉ dài quá vai nhưng đen bóng, mượt như tơ, làn da trắng cùng đôi mắt huyền long lanh như ánh nước và đôi môi chúm chím đỏ mọng khiến ai cũng phải nhận xét “Cô bé ấy xinh như búp bê”. Điểm đặc biệt nhất trên gương mặt Chi là đôi má lúm đồng tiền xinh xắn. Không chỉ có nụ cười tươi tắn ấm áp khoe ra hàm răng trắng và đều như những hạt bắp, đôi má lúm này khiến Chi trở nên có duyên hơn, đáng yêu hơn trong mắt mọi người.
Sở hữu vẻ ngoài xinh xắn, đáng yêu, tính cách của Chi cũng rất thú vị. Trái ngược với vẻ ngoài dịu dàng, cô bạn ấy lại có cá tính khá mạnh mẽ bởi luôn thẳng thắn nói ra những điều khiến Chi không vui khi bị các bạn trêu chọc quá mức. Thế nhưng, ẩn sâu dưới lớp tính cách mạnh mẽ đó là sự mềm mại, nhẹ nhàng khi Chi luôn là người chia sẻ với em mọi điều trong cuộc sống hằng ngày. Dù buồn hay vui, khó khăn hay đạt được thành tựu, em đều kể với Chi và nhận được sự sẻ chia từ bạn. Ngoài ra, thành tích học tập của cô bạn ấy rất tốt, luôn xếp trong 3 bạn đứng đầu lớp nhưng Chi chưa bao giờ tỏ ra kiêu ngạo hay “bề trên” so với các bạn khác mà luôn hoà đồng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Em rất yêu quý cô bạn thân của mình. Mong rằng sau này lớn lên, chúng em vẫn luôn chơi với nhau được thân thiết như thế này và cùng nhau học tập thật tốt, để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ chúng em.
* Đề 2: Viết bài văn kể lại một câu chuyện em yêu thích trong sách Tiếng Việt 5, trong đó có những chi tiết sáng tạo.
“Những con hạc giấy” là một câu chuyện cảm động về những nỗi đau mà chiến tranh mang lại, và đó cũng là câu chuyện để lại cho em nhiều ấn tượng và nhiều suy ngẫm nhất.
Sự việc bắt nguồn từ ngày 16/7/1945, nước Mỹ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản, lần lượt ở hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki. Việc này đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người. Tổng số người chết vì hai quả bom này và bị nhiễm phóng xạ lên tới nửa triệu, còn thành phố đã hoang tàn, không còn dấu hiệu của sự sống.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-ki Xa-đa-kô mới hai tuổi đã may mắn thoát khỏi bàn tay của Thần Chết tại thời điểm đó, nhưng em lại nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, hậu quả của nó càng trở nên rõ nét: Sức khoẻ của em suy giảm rất nhanh, phải nằm viện liên tục để điều trị.
Mỗi ngày với Xa-đa-kô là một ngày khó khăn bởi sự hành hạ mà nỗi đau thể xác mang lại. Cô bé không thể đi lại, ăn uống, sinh hoạt như người bình thường, bởi bất cứ hành động nào cũng đều mang lại sự đau đớn. Ngày ngày ngồi trên giường bệnh càng lúc càng khiến Xa-đa-kô thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Bỗng nhiên, một tia hy vọng xuất hiện trong cô bé khi Xa-xa-ki Xa-đa-kô nghe được một truyền thuyết truyền miệng từ xa xưa: Nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khoẻ mạnh trở lại. Cô bé mười hai tuổi ngây thơ đã đặt niềm tin vào đó hoàn toàn, và đã cố nén nỗi đau thể xác, miệt mài ngồi gấp hạc. Mỗi con hạc hoàn thành là một nụ cười lại xuất hiện trên gương mặt đã sớm mệt mỏi vì bệnh tật, cũng là một tia hy vọng cho em được hoàn thành. Câu chuyện của Xa-xa-ki Xa-đa-kô đã nhanh chóng được mọi người biết tới. Trẻ em ở khắp Nhật Bản đã gửi tặng cô thật nhiều con hạc giấy. Thế nhưng, Xa-đa-kô đã vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa khi cô bé mới gấp được 644 con.
Xúc động trước sự ra đi của Xa-đa-kô, học sinh ở thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền để xây một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân qua đời vì tội ác của bom nguyên tử, của chiến tranh. Sau này, bức tượng đó được dựng lên ở Công viên Hoà bình của thành phố. Trên đỉnh tượng đài là tượng một bé gái – mô phỏng lại hình ảnh Xa-đa-kô – giơ cao hai tay nâng một con hạc lớn đang dang cánh bay, ánh mắt tràn ngập nỗi thiết tha và hy vọng. Dưới tượng đài khắc dòng chữ “Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình”.
Khi nghe câu chuyện về cô bé Xa-xa-cô, em nghĩ hẳn ai ai cũng xúc động trước lòng yêu chuộng hòa bình của cô bé. Sẽ chẳng có phép màu nào gìn giữ được cuộc sống hòa bình mà mỗi con người, mỗi quốc gia cần phải nỗ lực chung tay để gìn bảo vệ nền hòa bình vốn có và đẩy lùi chiến tranh phi nghĩa.
Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 27: Một người hùng thầm lặng
Bài 28: Giờ Trái Đất
Bài 29: Điện thoại di động
Bài 30: Thành phố thông minh Mát-xđa
Phần 1: Ôn tập
Phần 2: Đánh giá cuối năm học