Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Bài 25: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
Đọc: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà trang 122, 123
Nội dung chính Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà:
Sông Đà hùng vĩ được sánh đôi với tiếng đàn Ba-la-lai-ca êm ả, chất chứa nhiều tâm tư, cảm xúc. Dòng sông mạnh mẽ, cuộn trào hoà quyện với con người, con người đắm say cùng thiên nhiên.
* Khởi động
Câu hỏi trang 122 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi với bạn về ý nghĩa của âm nhạc đối với cuộc sống con người.
Trả lời:
Nội dung đang được cập nhật
Văn bản: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
Tiếng đàn ba-la-lai-ca
Như ngọn gió bình yên
Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt…
Tiếng đàn ba-la-lai-ca
Như ngọn sóng
Vỗ trắng phau ghềnh đá
Nghe náo nức
Những dòng sông nóng lòng tìm biển cả…
Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng ba-la-lai-ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.
Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.
Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.
(Quang Huy)
Câu 1 trang 123 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tiếng đàn ba-la-lai-ca được miêu tả thế nào qua 8 dòng thơ đầu?
Trả lời:
Qua 8 dòng thơ đầu, tiếng đàn ba-la-lai-ca được miêu tả: như ngọn gió, tiếng đàn dìu dặt, tiếng đàn như ngọn sóng vỗ ghềnh đá, tiếng đàn nghe náo nức (làm sông náo nức tìm biển).
Câu 2 trang 123 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trên công trường thuỷ điện sông Đà, tác giả đã nghe tiếng đàn ba-la-lai-ca vang lên trong khung cảnh như thế nào?
Trả lời:
Trên công trường thuỷ điện sông Đà, tác giả đã nghe tiếng đàn ba-la-lai-ca vang lên trong khung cảnh: Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ, ngón tay đan trên những sợi dây đồng, tất cả đều say ngủ nằm nghỉ, chỉ có tiếng đàn ngân nga dưới ánh trăng lấp loáng sông Đà.
Câu 3 trang 123 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Miêu tả những điều em hình dung khi đọc 2 dòng thơ sau:
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.
Trả lời:
Khi đọc 2 dòng thơ, em hình dung: tất cả đều im lặng, tiếng đàn vang lên là âm thanh duy nhất phá tan không khí ảm đạm, im ắng của bầu trời đêm. Tiếng đàn ngân và cảnh trăng lấp loáng soi dưới mặt sông thật buồn, thật dịu nhẹ và nhiều cảm xúc, gợi suy tư nhiều chiều cho người nghe, người đọc (đặc biệt là tác giả).
Câu 4 trang 123 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh cô gái Nga chơi đàn ba-la-lai-ca trên công trường thuỷ điện sông Đà.
Trả lời:
Hình ảnh cô gái Nga chơi đàn ba-la-lai-ca trên công trường thuỷ điện sông Đà gợi cho em cảm nghĩ: cô gái cũng có những nỗi lòng của riêng mình, cô ngồi một mình và chơi đàn trên công trường thuỷ điện như muốn giãi bày tâm sự với màn đêm. Chỉ có màn đêm mới lắng nghe rõ tiếng đàn cô gảy. Cô gái hẳn có nhiều kỉ niệm với đàn, cảm thấy nhẹ lòng và bình yên khi đánh đàn ba-la-lai-ca lên.
* Học thuộc lòng đoạn thơ từ đầu đến lấp loáng sông Đà.
Luyện từ và câu: Biện pháp điệp từ, điệp ngữ trang 123, 124
Câu 1 trang 123 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc bài ca dao dưới đây và trả lời câu hỏi.
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trong mây
Trông mưa, trông nắng, trong ngày, trắng đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
a. Từ trông được lặp lại mấy lần?
b. Theo em, việc lặp lại đó có tác dụng gì?
G:
Trả lời:
a. Từ trông được lặp lại 8 lần.
b. Theo em, việc lặp lại đó có tác dụng: nhấn mạnh người nông dân có nhiều nỗi lo về công việc đồng áng; nhấn mạnh người nông dân luôn phải vất vả, lo toan nhiều bề; muốn nói thời tiết và những yếu tố khách quan làm cho người nông dân không đoán định trước được mùa màng, thu hoạch.
Câu 2 trang 124 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Từ nào được lặp lại trong câu tục ngữ dưới đây? Việc lặp lại từ đó có tác dụng gì?
Học ăn, học nói, học gói, học mở. |
Trả lời:
Từ học được lặp lại trong câu tục ngữ dưới. Việc lặp lại từ học có tác dụng nhấn mạnh mỗi người trong đời cần phải học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, tri thức từ nhiều người, nhiều công việc; học để biết nhưng còn học để xử lí, học để ứng dụng, sử dụng được thứ đã học. Ý muốn nói sự học cần tỉ mỉ, suốt đời, học để làm cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Ghi nhớ
Điệp từ, điệp ngữ là biện pháp lặp lại từ ngữ để nhấn mạnh nội dung được nói đến.
Câu 3 trang 124 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi.
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ.
(Xuân Quỳnh)
a. Từ bỗng xuất hiện mấy lần trong đoạn thơ
b. Việc lặp lại nhiều lần từ bỗng có tác dụng gì? Chọn đáp án đúng.
A. Nhấn mạnh niềm vui của chú gà con vì được mẹ yêu thương.
B. Nhấn mạnh niềm vui của chú gà con vì được ra khỏi quả trứng.
C. Nhấn mạnh sự tươi đẹp của thiên nhiên mà chú gà con quan sát được.
D. Nhấn mạnh sự ngỡ ngàng của chú gà con trước những điều mới mẻ.
Trả lời:
a. Từ bỗng xuất hiện trong đoạn thơ 2 lần.
b. Việc lặp lại nhiều lần từ bỗng có tác dụng: D. Nhấn mạnh sự ngỡ ngàng của chú gà con trước những điều mới mẻ.
Câu 4 trang 124 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi.
Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
(Thép Mới)
a. Từ nào được lặp lại ở tất cả các câu trong đoạn?
b. Việc lặp lại từ đó có tác dụng gì?
Trả lời:
a. Từ được lặp lại ở tất cả các câu trong đoạn là từ tre.
b. Việc lặp lại từ tre có tác dụng: đề cao vai trò của hình ảnh cây tre trong đời sống con người Việt Nam khi xưa cho tới tận bây giờ. Tre là loài cây biểu tượng và gắn liền với làng của người Việt. Tre che chắn và ẩn náu cho dân làng, kiên cố làng Việt. Tre trải qua những ngày tháng chiến tranh, đồng hành và gắn bó như máu mủ, người thân của ta. Lặp lại nhiều lần từ tre nhằm thể hiện tình yêu, sự quan trọng và gắn bó một lòng của dân ta với cây tre Việt Nam. Khó có quốc gia nào yêu tre như dân ta.
Viết: Tìm hiểu cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ trang 125, 126
Câu 1 trang 125 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc đoạn văn dưới đây và thực hiện các yêu cầu.
Bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà của tác giả Quang Huy để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Bài thơ gợi lên bức tranh sống động về đêm trăng trên công trường thuỷ điện. Dưới trăng, những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ, những tháp khoan nhô lên trời như đang ngẫm nghĩ và tiếng đàn ba-la-lai-ca ngân nga, vang xa… Bài thơ tả tiếng đàn thật là hay! Tiếng đàn như ngọn gió bình yên thổi qua rừng bạch dương. Tiếng đàn như ngọn sóng vỗ trắng phau ghênh đả. Tiếng đàn ngân dài theo dòng trăng lấp loáng sông Đà. Tôi như nghe thấy những cung bậc âm thanh khi dìu dặt, khi náo nức, vang ngân của tiếng đàn ba-la-lai-ca. Tiếng đàn của cô gái Nga đến từ đất nước xa xôi giúp tôi cảm nhận về tình hữu nghị cao đẹp giữa các quốc gia. Những người bạn quốc tế đã giúp chúng ta xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sông Đà, mang dòng ánh sáng toả đi muôn nơi, để cuộc sống tươi đẹp hơn. Xúc động biết mấy! Cảm ơn nhà thơ Quang Huy đã viết bài thơ thật hay, thật đẹp về tiếng đàn ba-la-lai-ca và tình hữu nghị thắm thiết, bền chặt.
(Thanh Thanh)
a. Tìm phần mở đầu, triển khai, kết thúc của đoạn văn và cho biết ý chính của mỗi phần.
b. Những điều gì ở bài thơ khiến người viết yêu thích hoặc xúc động?
c. Tình cảm, cảm xúc của người viết được thể hiện qua những từ ngữ, câu văn nào?
Trả lời:
a. Phần mở đầu của đoạn văn: từ “Bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” đến “những ấn tượng đẹp”. Nội dung chính của phần này là: giới thiệu tên bài thơ, tên tác giả và ấn tượng cho người viết.
Phần triển khai của đoạn văn: từ “Bài thơ gợi lên bức tranh” đến “xúc động biết mấy!”. Nội dung chính của phần này: nêu những vẻ đẹp trong bài thơ và thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết với bài thơ.
Phần kết thúc của đoạn văn: từ “Cảm ơn nhà thơ Quang Huy” đến hết. Nội dung chính của phần này: nhấn mạnh một lần nữa tình cảm, vẻ đẹp của bài thơ.
b. Những điều ở bài thơ khiến người viết yêu thích hoặc xúc động là:
– Bài thơ gợi lên bức tranh sống động.
– Bài thơ tả tiếng đàn thật hay.
– Bài thơ dùng những từ ngữ miêu tả gợi cảm, gợi hình.
c. Tình cảm, cảm xúc của người viết được thể hiện qua:
– Những từ ngữ: ấn tượng, hay, như nghe thấy, giúp chúng ta, toả đi muôn nơi, tươi đẹp hơn, xúc động, cảm ơn, hay, đẹp, tình hữu nghị, thắm thiết, bền chặt.
– Những câu văn:
+ Bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà của tác giả Quang Huy để lại trong tôi những ấn tượng đẹp.
+ Bài thơ tả tiếng đàn thật là hay!
+ Tôi như nghe thấy những cung bậc âm thanh khi dìu dặt, khi náo nức, vang ngân của tiếng đàn ba-la-lai-ca.
+ Những người bạn quốc tế đã giúp chúng ta xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sông Đà, mang dòng ánh sáng toả đi muôn nơi, để cuộc sống tươi đẹp hơn. Xúc động biết mấy!
+ Cảm ơn nhà thơ Quang Huy đã viết bài thơ thật hay, thật đẹp về tiếng đàn ba-la-lai-ca và tình hữu nghị thắm thiết, bền chặt.
Câu 2 trang 126 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ.
G:
– Bố cục đoạn văn
– Những điều yêu thích ở bài thơ
– Những cách thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với bài thơ
+ Dùng từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc
+ Sử dụng câu cảm
+
Trả lời:
Những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ em cần lưu ý như gợi ý.
Ghi nhớ
Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ thưởng có 3 phần:
– Mở đầu: Giới thiệu tên bài thơ, tên tác giả và ấn tượng của em về bài thơ.
– Triển khai: Nêu những cái hay, cái đẹp của bài thơ (từ ngữ, hình ảnh, nhân vật, nội dung, ý nghĩa,…) và biểu lộ tình cảm, cảm xúc của em đối với bài thơ.
– Kết thúc: Nhấn mạnh, khẳng định lại một lần nữa tình cảm, cảm xúc của em đối với bài thơ.
* Vận dụng
Câu 1 trang 126 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc cho người thân một bài thơ viết cho thiếu nhi và chia sẻ cảm nghĩ của em về bài thơ đó.
G:
Nói với em Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay Tiếng lích rích chim sâu trong lá Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện Sẽ được nhìn thấy các bà tiên Thấy chú bé đi hài bảy dặm Quả thị thơm cô Tấm rất hiền.
|
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ Đã nuôi em khôn lớn từng ngày Tay bồng bé sớm khuya vất vả Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay. (Vũ Quần Phương) |
Trả lời:
Bài thơ: Cô giáo của con
Mỗi khi vào lớp
Cô cười thật tươi
Say sưa giảng bài
Giọng cô ấm áp
Bạn nào hay nghịch
Cô chẳng thích đâu
Bạn nào chăm ngoan
Cô yêu lắm đấy
Cần như hạt muối
Đẹp như hoa rừng
Cô giáo của con
Ai mà chẳng quý.
– Cảm nghĩ của em về bài thơ: Bài thơ hay nói về việc làm, điều cô giáo làm. Cô giáo tốt như người mẹ thứ hai của các bạn học sinh. Em cũng yêu cô giáo của mình như bạn nhỏ trong bài thơ.
Câu 2 trang 126 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm đọc câu chuyện kể về một người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật (nhà văn, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn,…).
Trả lời:
Cha con nghệ sĩ Quốc Tuấn và câu chuyện truyền cảm hứng
Là một diễn viên nổi tiếng, được khán giả nhớ đến qua nhiều vai diễn hiền lành, chân chất trong “12A và 4H”, “Luật đời”, “Người vác tù và hàng tổng”… Thế nhưng số phận không may mắn mỉm cười với anh sau khi kết hôn và đón con trai đầu lòng. Bé Bôm (Nguyễn Anh Tuấn) con trai diễn viên Quốc Tuấn ngay từ khi ra đời đã mắc căn bệnh hiểm nghèo apert – xương sớm cục bộ, căn bệnh hiếm gặp đến mức tỉ lệ chỉ là 1/88.000. Căn bệnh khiến các ngón tay, ngón chân dính nhau, xương sọ bị đóng kín sớm. Đi cùng với sự phát triển của cơ thể thì cần phải có nhiều đợt phẫu thuật để tách rời các ngón tay, ngón chân và nới xương sọ…
Bằng tình yêu con vô bờ bến của một người cha, diễn viên Quốc Tuấn tin rằng bé Bôm sẽ khỏe mạnh như những người bình thường và bắt đầu hành trình chữa bệnh cùng con suốt 15 năm qua. Trong 15 năm, Bôm trải qua hơn 10 ca đại phẫu khác nhau. Có những lần thành công cũng có lần thất bại, nhiều lúc cậu bé phải ở trong bệnh viện hàng tháng trời. Để có thời gian chăm sóc cũng như đưa con đi chữa bệnh, những năm qua, Quốc Tuấn gác lại công việc diễn xuất của mình. Quốc Tuấn không chỉ là một người cha của bé Bôm. Anh tự nhận, anh là mẹ, là anh, là người bạn của bé Bôm. “Ông bố, bà mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, xinh xắn. Nhưng khi số phận rơi vào mình, không thể cứ ngồi ủ rũ, trông chờ. Mình phải là chỗ dựa cho con, truyền cho con sự tự tin, nghị lực, lạc quan”. Chính niềm tin đó của Quốc Tuấn đã tạo nên điều kỳ diệu.
Cuối cùng sau 15 năm kiên trì chữa bệnh, bệnh tình Bôm đã gần khỏi. Cậu bé chờ thêm hai năm nữa để phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình. Hành trình 15 năm miệt mài không ngừng nghỉ cùng con trai, trái ngọt đầu tiên mà vợ chồng Quốc Tuấn nhận được chính là ước mơ của bố con Bôm hằng ấp ủ cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi cậu bé là một trong năm tân sinh viên xuất sắc nhất thi đỗ vào khoa Jazz, bộ môn piano của Học viện Âm nhạc Việt Nam.
Hành trình chữa bệnh cho Bôm vốn đã gian nan, kỳ diệu, nhưng hành trình giúp con trai tự tin và phát triển như một cậu bé bình thường của diễn viên Quốc Tuấn lại càng khiến chúng ta khâm phục, ngưỡng mộ. Giữa cuộc sống với bao nhiêu áp lực, nỗi buồn mà không phải người cha nào cũng vượt qua được ấy, trên gương mặt của cả hai cha con diễn viên Quốc Tuấn vẫn luôn nở nụ cười. Người cha mạnh mẽ ấy đã giữ được sự hồn nhiên cho con và cho chính anh.
Dù mắc phải căn bệnh hiếm gặp và có khuôn mặt không lành lặn như nhiều bạn nhỏ nhưng Bôm không tự ti, khép kín, ngược lại là cậu bé khá vui vẻ và hay cười. Khoảnh khắc Bôm vui vẻ sải bước trên sân khấu, đứng trước micro, nói những lời cảm ơn “anh Tuấn” và tràn đầy tự tin biểu diễn trên sân khấu như một nghệ sĩ thực thụ chính là thành quả quá ngọt ngào mà Bôm đã dành tặng cho bố – người đàn ông đã đồng hành cùng mình trải qua những ngày khó khăn và gian khổ nhất. Bôm đã minh chứng rằng: bằng tình yêu, bằng quyết tâm chúng ta có thể làm nên những điều kì diệu.
Câu chuyện của hai cha con nghệ sĩ Quốc Tuấn đã cho chúng ta một bài học tròn đầy nhất về tình yêu thương. Bôm đã chiến thắng số phận khi trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để thực hiện ước mơ của mình. Còn với anh Quốc Tuấn, anh không chỉ là một người cha tuyệt vời, đã vượt lên hoàn cảnh để cùng Bôm thực hiện ước mơ, mà còn là người truyền cảm hứng cho sự yêu thương lan tỏa đến mọi người.
(Ngọc Khánh)
Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 24: Tinh thần học tập của nhà Phi-lít
Bài 25: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
Bài 26: Trí tưởng tượng phong phú
Bài 27: Tranh làng Hồ
Bài 28: Tập hát quan họ
Bài 29: Phim hoạt hình Chú ốc sên bay