Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 47: Quần xã sinh vật
Mở đầu trang 205 Bài 47 KHTN lớp 8: Trong tự nhiên, chúng ta có thể bắt gặp những hiện tượng như: hoa được thụ phấn nhờ ong, bướm; sư tử săn trâu rừng làm thức ăn;… Điều đó cho thấy các loài sinh vật không sinh sống một cách riêng lẻ mà sống cùng nhau trong một không gian sinh thái, có mối quan hệ với nhau. Sự tương tác giữa các loài sinh vật có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Sự tương tác giữa các loài sinh vật có ý nghĩa tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó, chặt chẽ giữa các sinh vật, đảm bảo sự cân bằng và ổn định của các loài trong tự nhiên.
1. Quần xã sinh vật là gì?
Câu hỏi thảo luận 1 trang 205 KHTN lớp 8: Dựa vào Hình 47.1, hãy:
a) Xác định các quần thể có trong quần xã sinh vật.
b) Kể thêm ví dụ về quần xã sinh vật ở địa phương em và xác định các quần thể có trong quần xã đó.
Trả lời:
a) Các quần thể có trong quần xã sinh vật vùng nước nông trong hình: Quần thể vịt, quần thể cá, quần thể chuồn chuồn, quần thể ốc, quần thể hoa sen, quần thể bọ nước, quần thể rau mũi mác,…
b) Ví dụ về quần xã sinh vật ở địa phương em:
– Quần xã sinh vật rừng ngập mặn. Gồm các thành phần quần thể như: quần thể cây đước, quần thể cây mắm, quần thể cua, quần thể tôm, quần thể nghêu,…
– Quần xã sinh vật rừng nhiệt đới. Gồm các thành phần quần thể như: quần thể cây dương xỉ, quần thể cây chuối hột, quần thể rắn hổ mang, quần thể thỏ, quần thể hổ,…
– Quần xã sinh vật vùng đồng ruộng. Gồm các thành phần quần thể như: quần thể lúa, quần thể chuột, quần thể cỏ dại, quần thể bướm, quần thể ốc bươu vàng, quần thể ếch,…
2. Một số đặc điểm cơ bản của quần xã sinh vật
Câu hỏi thảo luận 2 trang 205 KHTN lớp 8: Cho hai quần xã với các loài như sau:
– Quần xã 1: Cỏ, châu chấu, chim sẻ, lúa.
– Quần xã 2: Tảo, tôm, cá, mè hoa, cá quả, cá rô, bèo hoa dâu.
Quần xã nào có độ đa dạng cao hơn? Giải thích.
Trả lời:
Quần xã 2 có độ đa dạng cao hơn vì quần xã 2 có số lượng loài nhiều hơn quần xã 1.
Câu hỏi thảo luận 3 trang 206 KHTN lớp 8: Hãy xác định loài ưu thế hoặc loài đặc trưng trong các quần xã sau đây:
a) Quần xã đồng cỏ.
b) Cây thông trong quần xã rừng lá kim.
c) Cây đước trong quần xã rừng ngập mặn.
Trả lời:
a) Cỏ là loài ưu thế trong quần xã đồng cỏ.
b) Cây thông là loài đặc trưng trong quần xã rừng lá kim.
c) Cây đước là loài đặc trưng trong quần xã rừng ngập mặn.
Luyện tập trang 206 KHTN lớp 8: Hãy xác định loài đặc trưng ở vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), vườn quốc gia Tràm chim (Đồng tháp).
Trả lời:
– Loài đặc trưng ở vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng): Voọc Cát Bà (voọc đầu vàng).
– Loài đặc trưng ở vườn quốc gia Tràm chim (Đồng tháp): Cây tràm.
3. Bảo vệ quần xã sinh vật
Câu hỏi thảo luận 4 trang 206 KHTN lớp 8: Cho biết vai trò của các biện pháp bảo vệ quần xã sinh vật.
Trả lời:
Vai trò của các biện pháp bảo vệ quần xã sinh vật:
Biện pháp |
Vai trò |
Hạn chế những tác động tiêu cực của con người đến môi trường sống của quần xã từ các hoạt động: chặt phá rừng, khai thác khoáng sản và tài nguyên sinh vật, xây dựng các khu công nghiệp, xả thải các chất độc hại vào môi trường, sự gia tăng dân số,… |
Bảo vệ môi trường sống của quần xã. |
Xây dựng các khu bảo tồn. |
Bảo vệ các quần xã sinh vật tránh sự tác động bất lợi của môi trường tự nhiên và con người. |
Bảo tồn các loài ưu thế, loài đặc trưng của quần xã; cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi và bảo vệ rừng. |
Phục hồi các quần xã suy thoái. |
Hoàn thiện pháp chế; tăng cường tuyên truyền, giáo dục. |
Nâng cao ý thức bảo vệ quần xã của con người. |
Luyện tập trang 206 KHTN lớp 8: Tại sao nói: “Bảo vệ sự ổn định của các quần xã chính là biện pháp hiệu quả để bảo vệ đa dạng sinh học”?
Trả lời:
“Bảo vệ sự ổn định của các quần xã chính là biện pháp hiệu quả để bảo vệ đa dạng sinh học” vì: Bảo vệ sự ổn định của các quần xã giúp bảo vệ số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài trong quần xã phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường. Nhờ đó, các loài đều tồn tại và phát triển ổn định, đảm bảo sự đa dạng sinh học.
Vận dụng trang 206 KHTN lớp 8: Hãy đề xuất một số biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của con người đến quần xã sinh vật ở địa phương em (đồng ruộng, rừng ngập mặn,…).
Trả lời:
Đề xuất một số biện pháp hạn chế những tác động tiêu cực của con người đến quần xã sinh vật ở địa phương em:
– Nghiêm cấm khai thác, chặt phá rừng bừa bãi; không khai thác rừng đầu nguồn.
– Quy hoạch bãi rác thải, nghiêm cấm đổ chất độc hại ra môi trường.
– Xử lí rác thải ở các khu công nghiệp trước khi thải ra môi trường.
– Có biện pháp sử dụng các chất hóa học bảo vệ thực vật một cách an toàn, theo tiêu chuẩn quy định.
– Trồng cây gây rừng; trồng rừng ngập mặn ven biển.
– …