Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 136, 137, 138, 139, 140 Bài 30: Những ngọn hải đăng
Đọc: Những ngọn hải đăng trang 136, 137
Khởi động
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 136 Câu hỏi: Nói về những người làm công việc canh giữ biển đảo của Tổ quốc.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình về những người làm công việc canh giữ biển đảo của Tổ quốc để chia sẻ với các bạn.
Trả lời:
Những chú lính hải quân là những người ngày đêm canh giữ biển đảo của đất nước. Các chú giữ cho vùng biển của đất nước ta được bình yên.
Bài đọc
Những ngọn hải đăng
Hải đăng hay đèn biển, là ngọn tháp được thiết kế để chiếu sáng bằng hệ thống đèn, giúp tàu thuyền định hướng đi lại giữa đại dương. Chỉ cần nhìn thấy ánh sáng hải đăng, người đi biển sẽ cảm thấy yên tâm, không lo lạc đường.
Những ngọn hải đăng được thắp sáng bằng điện năng lượng mặt trời, nhưng khi năng lượng yếu thì phải lập tức thay thế bằng máy phát điện. Để những ngọn đèn chiếu sáng đêm đêm, những người canh giữ hải đăng phải thay phiên nhau kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Có những đêm mưa gió, họ phải buộc dây bảo hiểm quanh người, trèo lên đỉnh cột đèn xem xét. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, trời yên biển lặng hay dông tố bão bùng, họ luôn sẵn sàng khắc phục mọi sự cố.
Ngọn đèn biển không bao giờ tắt trong đêm là nhờ công sức của những người canh giữ hải đăng. Với lòng yêu nghề, yêu biển đảo quê hương, họ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ nơi biển khơi xa vắng, góp sức mình bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
(Sơn Tùng)
Từ ngữ:
– Định hướng: xác định phương hướng
– Điện năng lượng mặt trời: là nguồn điện được tạo ra từ ánh sánh mặt trời
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 137 Câu 1: Nêu ích lợi của những ngọn hải đăng.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn đầu của bài đọc để tìm lợi ích của những ngọn hải đăng.
Trả lời:
Lợi ích của những ngọn hải đăng: chiếu sáng bằng hệ thống đèn, giúp tàu thuyền định hướng đi lại giữa đại dương
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 137 Câu 2: Những ngọn hải đăng được thắp sáng bằng gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ hai để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Những ngọn hải đăng được thắp sáng bằng điện năng lượng mặt trời, nhưng khi năng lượng yếu thì phải lập tức thay thế bằng máy phát điện.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 137 Câu 3: Những người canh giữ hải đăng phải làm việc vất vả ra sao? Em có suy nghĩ gì về công việc của họ?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Những người canh giữ hải đăng phải làm việc không kể ngày đêm, mưa nắng, trời yên biển lặng hay dông tố bão bùng.
Công việc của những người canh giữ hải đăng vô cùng vất vả, gian khổ. Họ là những người dũng cảm, kiên trì và vô cùng yêu nghề.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 137 Câu 4: Sắp xếp các ý dưới đây theo trình tự bài đọc.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ lại bài đọc để sắp xếp các ý cho phù hợp.
Trả lời:
Các ý theo trình tự đúng là:
– Vai trò của những ngọn hải đăng.
– Công việc của những người canh giữ hải đăng.
– Ca ngợi những người canh giữ hải đăng.
Viết: Ôn chữ viết hoa M, N trang 138
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 138 Câu 1: Viết tên riêng: Mũi Né
Trả lời:
Em chủ động hoàn thành bài tập vào vở
Chú ý:
– Viết đúng chính tả
– Đây là tên riêng địa lí Việt Nam nên cần viết hoa cả 2 tiếng tạo thành tên riêng đó.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 138 Câu 2: Viết câu:
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm
(Ca dao)
Trả lời:
Em chủ động hoàn thành bài tập vào vở
Chú ý:
– Viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp.
Luyện tập trang 138, 139, 140
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 138 Câu 1: Xếp các từ ngữ in đậm trong đoạn thơ dưới đây vào nhóm thích hợp.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn thơ, xác định các từ ngữ in đậm sắp xếp vào nhóm thích hợp.
Trả lời:
Từ ngữ chỉ sự vật |
Từ ngữ chỉ hoạt động |
Biển, sóng, đèn biển, sương, đoàn tàu |
Thức dậy, cõng, đứng |
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 138 Câu 2: Tìm thêm những từ ngữ chỉ sự vật có trong đoạn thơ trên.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn thơ trên và tìm thêm các từ chỉ sự vật
Trả lời:
Những từ ngữ chỉ sự vật khác trong đoạn thơ là: trẻ con, ông trời, dã tràng, mắt, khăn
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 138 Câu 3: Hỏi – đáp về sự vật, hoạt động được nói đến trong đoạn thơ
M:
– Cái gì lắc ông trời thức dậy?
– Sóng lắc ông trời thức dậy.
– Dã tràng làm gì?
– Dã tràng cõng nắng.
Phương pháp giải:
Em dựa vào các từ ngữ tìm được ở hai bài tập trước và mẫu để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
– Cái gì hóa trẻ con?
– Biển hóa trẻ con.
– Cái gì đêm qua nhấp nháy?
– Đèn biển đêm qua nhấp nháy.
– Sóng làm gì?
– Sóng lắc ông trời thức dậy.
– Đoàn tàu làm gì?
– Đoàn tàu thả một chuỗi còi thân thương.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 139 Câu 1: Đọc bức thư dưới đây và trả lời câu hỏi.
a. Bạn Nga viết thư cho ai?
b. Dòng đầu bức thư ghi những gì?
c. Đoạn nào trong thư là lời hỏi thăm?
d. Đoạn nào trong thư là lời Nga kể về mình và gia đình?
e. Nga mong ước điều gì? Nga chúc chú thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bức thư để trả lời các câu hỏi.
Trả lời:
a. Bạn Nga viết thư cho chú Thành
b. Dòng đầu bức thư ghi địa chỉ và ngày tháng năm viết thư
c. Đoạn lời hỏi thăm trong thư là đoạn:
Đã lâu chú không về thăm nhà. Sắp đến Tết rồi, ông bà nội, bố mẹ cháu và cả cháu đều rất nhớ chú. Dạo này chú có khỏe không ạ? Ở Trường Sa mùa này có mưa bão nhiều không chú?
d. Lời Nga kể về mình và gia đình là:
Chú Thành ơi, cả nhà mình đều khỏe. Bố mẹ cháu vẫn đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Buổi sáng, ông đưa cháu đi học, còn bà thì đi chợ. Ngày nào ông bà cũng nhắc đến chú đấy.
e. Nga mong được ra đảo thăm chú Thành. Nga chúc chú và tất cả các chú bộ đội đảo Trường Sa luôn mạnh khỏe.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 139 Câu 2: Trao đổi với bạn: Em muốn viết thư cho ai? Trong thư, em sẽ viết những gì?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi
Trả lời:
Em muốn viết thư cho bác của em đang sinh sống và làm việc xa nhà.
Trong thư em sẽ hỏi thăm tình hình sức khỏe và công việc của bác, kể cho bác nghe về gia đình và mời bác về quê chơi.
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 140 Vận dụng: Tìm đọc câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về một nhân vật được mọi người quý mến, cảm phục.
Phương pháp giải:
Em tìm đọc trên sách báo, trên mạng hoặc hỏi người thân những câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về một nhân vật được mọi người quý mến, cảm phục.
Trả lời:
Bác Hồ và thiếu nhi Tiệp Khắc
Vào một lần đến thăm nước Tiệp Khắc, Bác được một đoàn thiếu nhi đến thăm. Vì quá phấn khích nên bạn nhỏ nào cũng muốn đứng cạnh Bác dẫn đến tình trạng chen chúc, xô đẩy nhau. Để giữ trật tự và ổn định các cháu thiếu nhi, Bác đã nảy ra một sáng kiến và hỏi các cháu nhỏ
Bác: Các cháu trông Bác gầy hay mập nào
Thiếu nhi: Bác gầy lắm ạ
Bác: Vậy các cháu có muốn bác gầy yếu không
Thiếu nhi: Dạ không ạ
Bác: Vậy các cháu đừng chen lấn nhau, hãy cử một đại biểu đến hôn Bác thôi nhé
Sau lời nói của Bác, tất cả các cháu thiếu nhi đều trật tự, vâng lời và cử ra một bạn đội trưởng thay mặt cả nhóm đến hôn Bác. Bác đáp lại tình cảm của bạn nhỏ và cảm ơn tất cả các cháu thiếu nhi
Lượm
Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
– “Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!”
Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
– “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần…
Cháu đi đường cháu
Chú lên đường ra
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà.
Ra thế
Lượm ơi!
Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng…
Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng…
Lượm ơi, còn không?
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
Bài giảng Tiếng Việt lớp 3 trang 133, 134 Bài 30: Những ngọn hải đăng – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 29: Ngôi nhà trong cỏ
Bài 31: Người làm đồ chơi
Bài 32: cây bút thần
Ôn tập và đánh giá cuối học kì 1