Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 38
1. Một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
– Đường luật là thể thơ rất nổi tiếng trong văn học Trung Quốc, có từ thời Đường (618 – 907), sau đó du nhập sang Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Ở Việt Nam, trên cơ sở của thơ Đường luật và thơ ca truyền thống, cha ông ta đã sáng tạo ra thể thơ Nôm Đường luật mang bản sắc dân tộc. Sang thời hiện đại, thơ Đường luật còn được viết bằng chữ Quốc ngữ.
– Thơ Đường luật thường được viết bằng hai thể thất ngôn (mỗi câu bảy chữ) và ngũ ngôn (mỗi câu năm chữ). Có hai dạng thơ phổ biến: bát cú (mỗi bài tám câu) và tứ tuyệt (mỗi bài bốn câu).
Bố cục của một bài bát cú gồm bốn phần: đề, thực, luận, kết, mỗi phần có hai câu (gọi là liên). Hai câu đề có nhiệm vụ mở bài, giới thiệu vấn đề mà bài thơ đề cập. Hai câu thực nêu hiện tượng, sự vật, làm rõ hơn ý của đề bài được đưa ra ở hai câu đề Hai câu luận phát triển rộng thêm ý của bài, có chức năng luận bàn về vấn đề được nói đến ở các câu trên. Hai câu kết có vai trò kết thúc ý toàn bài, thể hiện cảm xúc của nhà thơ; có khi hai câu kết còn gợi ra ý mới để suy nghĩ tiếp.
– Tứ tuyệt được xem như ngắt ra từ một bài bát cú, có bố cục bốn phần (mỗi phần một câu): khởi, thừa, chuyển, hợp. Câu khởi có chức năng mở bài, gợi mở ý thơ. Câu thừa nối tiếp câu khởi để làm trọn vẹn ý thơ. Câu chuyển có nhiệm vụ chuyển ý thơ từ việc phản ánh các sự vật, hiện tượng ở hai câu đầu sang phần gợi mở về bản chất, nguyên nhân của sự vật, hiện tượng được phản ánh. Câu hợp kết hợp với câu chuyển làm cô đúc ý thơ, thể hiện nỗi niềm của tác giả.
– Niêm có nghĩa đen là dính, vì làm cho hai câu thơ thuộc hai liên kết dính với nhau theo nguyên tắc: Ở bài bát cú thì âm tiết (chữ) thứ hai của các câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 phải cùng thanh (niêm) với nhau; ở bài tứ tuyệt là các câu 1 và 4, 2 và 3.
– Luật: Thơ Đường luật buộc phải tuân thủ luật bằng trắc. Nếu chữ thứ hai của câu thứ nhất mang thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, nếu mang thanh trắc thì là luật trắc.
– Vần: Thơ Đường luật ít dùng vần trắc. Bài thất ngôn bát cú thường chỉ gieo vần bằng ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8; còn bài thất ngôn tứ tuyệt ở cuối các câu 1, 2, 4. – Nhịp: Thơ Đường luật thường ngắt nhịp chẵn trước, lẻ sau, nhịp 4/3 (với thơ thất ngôn) hoặc 2/3 (với thơ ngũ ngôn).
– Đối: Trong thơ Đường luật, ở phần thực và luận, các chữ ở các câu thơ phải đối nhau về âm, về từ loại và về nghĩa; ví dụ: chữ vần bằng đối với chữ vần trắc, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ,…
2. Thơ trào phúng và một số thủ pháp nghệ thuật
– Thơ trào phúng là một thể loại đặc biệt của sáng tác văn học, gắn liền với các cung bậc tiếng cười mang ý nghĩa xã hội: Hài hước là sự phê phán nhẹ nhàng; châm biếm là dùng lời lẽ sắc sảo, thâm thuý để phê phán, vạch trần đối tượng; đả kích là tiếng cười phủ định, thường dùng để chỉ trích, phản đối gay gắt đối tượng trào phúng.
– Một số thủ pháp trong thơ trào phúng:
+ Chơi chữ là vận dụng các hiện tượng đồng âm, trái nghĩa, đa nghĩa, từ láy,… trong câu thơ để tạo nên ý nghĩa bất ngờ làm bật ra tiếng cười.
+ Sử dụng khẩu ngữ, ngôn ngữ đời thường một cách hài hước cũng là thủ pháp căn bản tạo nên tiếng cười trong thơ trào phúng.
+ Cường điệu là nói quá, phóng đại, nhân lên gấp nhiều lần tính chất, mức độ nhằm làm nổi bật tính hài hước của đối tượng.
+ Tương phản là sử dụng các từ ngữ, hình ảnh,.. trái ngược nhau, tạo nên sự đối lập nhằm khắc hoạ, tô đậm đặc điểm của đối tượng và châm biếm, phê phán, đả kích đối tượng.
3. Đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình và từ tượng thanh
– Đảo ngữ là biện pháp tu từ, theo đó, một bộ phận câu được chuyển từ vị trí thông thường (vốn có) sang vị trí khác nhằm nhấn mạnh vào sự vật, sự việc được biểu thị bởi bộ phận đó hoặc tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu trong văn bản. Trong một số trường hợp, đảo ngữ vừa nhấn mạnh vừa tạo sự liên kết, ví dụ: “Chị Mơ thấy cháu mệt thì đi nấu cháo. Cháo, cháu cũng không ăn được.” (Nguyễn Thị Ngọc Tú).
– Câu hỏi tu từ là câu có đặc điểm hình thức của câu hỏi nhưng không dùng để hỏi mà dùng để gián tiếp biểu thị các mục đích giao tiếp khác như cầu khiến, biểu cảm, khẳng định, phủ định. Ví dụ, các câu hỏi sau là những câu biểu cảm: “Đưa người, ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng / Bóng chiều không thắm, không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” (Thâm Tâm).
– Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh của sự vật, ví dụ: lom khom, lênh khênh, rũ rượi, xộc xệch, vắt vẻo,… Từ tượng thanh là từ gợi tả (mô phỏng) âm thanh của tự nhiên hoặc âm thanh do con người tạo ra, ví dụ: ào ào, ha hả, róc rách, ù ù,… Từ tượng hình và từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao; do đó, thường được sử dụng trong thơ văn và lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Hướng dẫn tự học trang 37
Kiến thức ngữ văn trang 38
Mời trầu
Vịnh khoa thi Hương
Thực hành tiếng Việt trang 43