Trình bày bài giới thiệu ngắn về cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng
Bài giới thiệu ngắn cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng – Mẫu 1
Cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng viết về vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, được xem là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.
Câu chuyện lấy bối cảnh nhà Trần trong cuộc chiến với quân Nguyên lần thứ hai đã nêu cao ý chí anh dũng của chàng tướng trẻ, một lòng trung quân ái quốc, căm thù quân xâm lược. Truyện được bắt đầu bằng giấc mơ của Hoài Văn (Trần Quốc Toản), chàng mơ thấy bắt được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên hống hách. Tại hội nghị Bình Than (10/1282), trong lúc vua và triều thần đang bàn việc nước, Quốc Toản đã bất chấp tội phạm thượng tới gặp nhà vua và nói lên lời tâm huyết “xin đánh”. Nhà vua đã không trừng phạt cậu mà còn ban thưởng một quả cam, làm Quốc Toản càng thêm uất ức và bóp nát quả cam lúc nào không biết. Khi về Võ Ninh dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” mà Quốc Toản đã tìm tòi suy nghĩ, Quốc Toản đã chiêu mộ được sáu trăm tân binh tinh nhuệ, đi tìm giặc đánh. Lên phía Bắc, đoàn quân Quốc Toản họp với quân người Mán do Nguyễn Thế Lộc chỉ huy, lập ra Ma Lục, gây thanh thế khắp vùng Lạng Sơn. Sau lần đó, Quốc Toản chính thức được nhà vua thừa nhận và giao nhiệm vụ quan trọng trận đánh giặc trên cửa song Hàm Tử với lời thề Sát Thát. Trần Quốc Toản đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang. Đi đến đâu cũng lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” căng thổi trong gió hè lộng thổi. Sáu chữ ấy không chỉ là một lời thề sắt son với tổ quốc, mà còn là lòng quyết tâm của chàng, vừa khẳng định chính mình, vừa noi theo gương cha, không thể ngồi yên khi nước sắp rơi vào tay giặc.
Bằng sức tưởng tượng và sáng tạo trong một cốt truyện phong phú giàu các chi tiết đặc sắc, Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống dậy cuộc chiến hào hùng đẫm máu và nước mắt để đổi về nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Khắc họa một cách chân thực các sự kiện lịch sử, con người, dân tộc. Đặc biệt, hình ảnh một Hoài Văn hầu vốn có rất ít tư liệu lịch sử nói đến lại chợt hiện lên một cách chân thực, rõ ràng đến khó tin. Bên cạnh đó, tác phẩm hướng về độc giả thiếu nhi nên có tinh thần giáo dục vô cùng sâu sắc về lòng yêu nước, căm thù giặc, đặc biệt hiểu biết rất nhiều về giai đoạn lịch sử có thể nói đáng tự hào nhất của dân tộc.
Tổng kết lại, ngoài tìm hiểu về lịch sử hào hùng, ta cũng học được sự quyết tâm, lòng dũng cảm, sự tự tin, ta còn thấy được lòng yêu nước, đấu tranh vì non sông Việt Nam quả thật nồng cháy, cùng với sự hi sinh cao cả của bao thế hệ cha ông đi trước. Hình ảnh Trần Quốc Toản được khắc họa rõ nét chân thực đến độ như được chứng kiến bằng mắt khiến người đọc cuốn theo từng trang sách, ta cảm nhận được càng rõ “Dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam” đang chạy trong cơ thể.