Tác giả tác phẩm: Thu điếu – Ngữ văn 8
I. Tác giả Nguyễn Khuyến
– Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) quê ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ đầu cả ba kì thi nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
– Thơ Nguyễn Khuyến thể hiện tình cảm tha thiết gắn bó với quê hương và ẩn chứa tâm sự yêu nước cùng nỗi u uẩn trước thời thế. Đặc biệt Nguyễn Khuyến đã đưa cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thân thuộc, bình dị của làng quê vào trong thơ một cách tự nhiên tinh tế.
– Ngòi bút tả cảnh của ông vừa chân thực vừa tài hoa; ngôn ngữ thơ giản dị mà điêu luyện.
II. Tìm hiểu tác phẩm Thu điếu
1. Thể loại
Văn bản Thu điếu thuộc thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ Thu điếu là một trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.
– Nhà thơ sáng tác bài thơ này khi mùa thu trải rộng trên bầu trời vùng quê nông thôn thanh bình yên tĩnh. Nhà thơ về quê ở ẩn vui những thú vui tuổi già đó là đi câu cá, cảnh tượng mùa thu diễn ra lặng lẽ êm đềm cộng hưởng với tâm trạng buồn bế tắc của nhà thơ lo lắng cho số phận người nông dân đã bật lên tứ thơ thu điếu.
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Thu điếu có phương thức biểu đạt là biểu cảm.
4. Tóm tắt Thu điếu
Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến là một tác phẩm thơ đẹp về mùa thu. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh và từ ngữ tuyệt vời để miêu tả những nét đẹp của mùa thu, với sự yên bình và tĩnh lặng của cảnh vật, tạo nên một tác phẩm thơ đầy cảm xúc và sức sống. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh và từ ngữ tinh tế để miêu tả cảm giác mát mẻ của mùa thu, với ánh nắng vàng rực rỡ và những chiếc lá rơi khắp nơi.
5. Bố cục văn bản Thu điếu
Bố cục: đề – thực – luận – kết.
+ Cảnh thu: 6 câu thơ đầu.
+Tình thu: 2 câu thơ cuối.
6. Giá trị nội dung
Vẻ đẹp của bức tranh mùa thu, tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả.
7. Giá trị nghệ thuật
– Cách gieo vần đặc biệt: Vần “eo” (tử vận) khó làm, được tác giả sử dụng một cách thần tình, độc đáo, góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.
– Lấy động nói tĩnh- nghệ thuật thơ cổ phương Đông.
– Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Thu điếu
1. Cảnh thu
– Điểm nhìn từ trên thuyền câu → nhìn ra mặt ao nhìn lên bầu trời → nhìn tới ngõ vắng → trở về với ao thu.
→ Cảnh thu được đón nhận từ gần → cao xa → gần. Cảnh sắc thu theo nhiều hướng thật sinh động với hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối, hài hòa.
– Mang nét riêng của cảnh sắc mùa thu của làng quê Bắc bộ: Không khí dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật:
+ Màu sắc: Trong veo, sóng biếc, xanh ngắt
+ Đường nét, chuyển động: Hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng.
→ Hình ảnh thơ bình dị, thân thuộc, không chỉ thể hiện cái hồn của cảnh thu mà còn thể hiện cái hồn của cuộc sống ở nông thôn xưa.
“Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh trúc, xanh trời, xanh bèo” ( Xuân Diệu ).
– Không gian thu tĩnh lặng, phảng phất buồn:
+ Vắng teo + Trong veo + Khẽ đưa vèo
+ Hơi gợn tí + Mây lơ lửng
–> Các hình ảnh được miêu tả trong trạng thái ngưng chuyển động hoặc chuyển động khẽ.
– Đặc biệt câu thơ cuối tạo được một tiếng động duy nhất: Cá đâu đớp động dưới chân bèo → không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại nó càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật → Thủ pháp lấy động nói tĩnh.
2. Tình thu
– Nói chuyện câu cá nhưng thực ra là để đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng.
+ Một tâm thế nhàn: Tựa gối ôm cần
+ Một sự chờ đợi: Lâu chẳng được.
+ Một cái chợt tỉnh mơ hồ: Cá đâu đớp động..
– Không gian thu tĩnh lặng như sự tĩnh lặng trong tâm hồn nhà thơ, khiến ta cảm nhận về một nỗi cô đơn, man mác buồn, uẩn khúc trong cõi lòng thi nhân.
-> Nguyễn khuyến có một tâm hồn hồn gắn bó với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.
Video bài giảng Văn 8 Thu điếu – Kết nối tri thức
Xem thêm các bài tìm hiểu Tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Tác giả – tác phẩm: Minh sư
Tác giả – tác phẩm: Thu điếu
Tác giả – tác phẩm: Thiên trường vãn vọng
Tác giả – tác phẩm: Ca Huế trên sông Hương
Tác giả – tác phẩm: Qua Đèo Ngang