Tác giả tác phẩm: Đường về quê mẹ – Ngữ văn 8
I. Tác giả Đoàn Văn Cừ
– Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 – 2004) quê gốc ở xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông được bạn đọc biết đến từ những bài thơ viết về hội hè, đình đám, chợ tết nông thôn đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Ông vốn là một giáo viên tiểu học, hay làm thơ và đã từng có tập thơ Thôn ca in từ năm 1939.
– Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.
– Từ năm 1948 đến 1952, ông phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam.
– Từ năm 1955, ông công tác ở Chi hội văn nghệ Liên khu II, sau đó công tác ở NXB Phổ thông. Đến tuổi nghỉ hưu ông về lại quê hương xã Trực Nội, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vui với thú điền viên xưa cũ.
– Ông viết không nhiều. Sau tập Thôn ca I (1939) ông có tập Thôn ca II (1960), NXB Văn học ấn hành. Năm 1979, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh cho in tập Dọc đường xuân tập hợp một số bài thơ của ông.
II. Tìm hiểu tác phẩm Đường về quê mẹ
1. Thể loại
– Đường về quê mẹ thuộc thể loại: thơ bảy chữ.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ “Đường về quê mẹ” được trích từ tập “Thơ Mới 1932 – 1945: Tác giả và tác phẩm”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001.
3. Phương thức biểu đạt
– Phương thức biểu đạt: miêu tả, biểu cảm, PTBĐ chính: biểu cảm.
4. Tóm tắt Đường về quê mẹ
Bài thơ Đường về quê mẹ tập trung khắc họa những suy tư, dòng hoài niệm của nhân vật “con” khi về quê cùng mẹ, mùa xuân đến, những cành hoa đâm chồi nảy lộc, mẹ lại dẫn con về quê ngoại thăm họ hàng, hình ảnh đẹp của con đường về quê, khung cảnh yên bình, khắc họa hình ảnh mẹ hiền lành, hình ảnh áo nâu và làm việc trên cánh đồng, một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, ấy thế mà mỗi lần mẹ dẫn đàn con về quê, tác phẩm đã diễn tả một tâm trạng phấn khích, vui mừng của con mỗi lần về quê với mẹ. Người con đã thể hiện những yêu thương, tình cảm và sự tự hào vô cùng về người mẹ của mình.
5. Bố cục bài Đường về quê mẹ
– Khổ 1: không gian và thời gian khi “tôi” về quê.
– Khổ 2, 4: bức tranh thiên nhiên và con người nơi làng quê.
– Khổ 3, 5: hình ảnh người mẹ trên con đường về quê.
– Khổ 6: những tâm tư, tình cảm của tác giả về nơi cội nguồn.
6. Giá trị nội dung
– Văn bản nói về những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Trong kí ức đẹp đẽ ấy, cứ mỗi độ xuân về mẹ lại dẫn đàn con về quê của mẹ, diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của người con mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Đồng thời còn thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tự hào của con về vẻ xinh đẹp, nết na của mẹ.
7. Giá trị nghệ thuật
– Miêu tả các hình ảnh thiên nhiên và con người sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa.
– Ngôn từ giản dị, gần gũi với người đọc.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Đường về quê mẹ
1. Không gian và thời gian khi “tôi” về quê
– Thời gian: mỗi mùa xuân để nhận họ hàng.
– Không gian: làng quê.
2. Bức tranh thiên nhiên và con người nơi làng quê
– Nhân vật trữ tình “tôi” nhớ lại những hình ảnh gắn với làng quê đó: rạng đề, dòng sông uốn lượn ven đê, cồn xanh, bãi tía, đường làng, trời xanh, phơi xác lá bàng và cả những người xới cà, ngô bộn bề, đoàn người gánh khoai làng.
=> Ta thấy được thiên nhiên và con người hiện lên đầy vẻ mộc mạc, giản dị đến lạ nhưng cũng đầy thân thương, yên bình của một làng quê, mà khiến cho ai đi đâu cũng nhớ về.
– Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh đầy bình yên và ấm áp.
3. Hình ảnh người mẹ trên con đường về quê
– Các hình ảnh tác giả khắc họa về người mẹ trên con đường về quê: thúng cắp bên hông, nón đội đầu, khuyên vàng, áo thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ au, bóng u hay bóng người thôn nữ.
=> Người mẹ được hiện lên qua bài thơ thật đẹp nhưng cũng thật bình dị, gần gũi. Đó là hình ảnh người phụ nữ xưa với vẻ đẹp truyền thống. Qua lời thơ hình ảnh ấy lại càng hiện lên rõ nét, người mẹ đẹp cái đẹp của làng quê gắn với hình ảnh cô thôn nữ như tác giả so sánh.
4. Những tâm tư, tình cảm của tác giả về nơi cội nguồn
– Tác giả đã ngầm thể hiện sự biết ơn quá khứ, biết ơn người mẹ.
– Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của nhà thơ mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại.
=> Ta thấy được tình cảm gắn bó của tác giả đối với quê hương, và sự yêu mến, niềm tự hào của người con về vẻ xinh đẹp, đằm thắm của người mẹ.