Địa Lí lớp 10 Bài 6: Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
Video giải Địa lí 10 Bài 6: Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất – Cánh diều
A. Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 6: Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
I. Khái niệm và nguyên nhân của ngoại lực
– Khái niệm: Ngoại lực là lực sinh ra trên bề mặt Trái Đất.
– Nguyên nhân: Năng lượng bức xạ Mặt Trời là nguyên nhân chủ yếu của ngoại lực.
– Các yếu tố: Khí hậu, thuỷ văn và sinh vật là những nhân tố tác động của ngoại lực.
II. Tác động của ngoại lực đến địa hình
– Ngoại lực tác động đến địa hình bề mặt Trái Đất thông qua các quá trình: phong hoá, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ.
– Các quá trình ngoại lực không có ranh giới rõ ràng và chúng có thể đan xen lẫn nhau.
1. Quá trình phong hóa
– Khái niệm: Phong hoá là quá trình phá huỷ và làm biến đổi các loại đá và khoáng vật do tác động của các nhân tố ngoại lực.
– Phân loại:
+ Phong hoá lí học
+ Phong hoá hoá học
+ Phong hoá sinh học
a. Phong hóa lí học
– Khái niệm: Là quá trình phá huỷ, làm các đá, khoáng vật bị vỡ với kích thước khác nhau nhưng không thay đổi thành phần và tính chất.
– Điều kiện xảy ra: Xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày – đêm và ở những khu vực bề mặt có nước bị đóng băng.
– Kết quả: Làm khối đá bị tách vỡ do nước trong các khe nứt bị đóng băng vào ban đêm hoặc vào mùa đông.
b. Phong hóa hóa học
– Khái niệm: Là quá trình phá huỷ, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khoáng vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hoà tan trong nước và sinh vật.
– Điều kiện xảy ra: Diễn ra mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm.
– Kết quả: Ở những nơi có đá dễ hoà tan (đá vôi, thạch cao,…), phong hoá hoá học thường tạo nên những dạng địa hình cac-xtơ trên mặt và cac-xtơ ngầm rất độc đáo.
Sơ đồ hang động Cac-xtơ do phong hóa hóa học
c. Phong hóa sinh học
– Khái niệm: Là quá trình phá huỷ đá và khoáng vật dưới tác động của sinh vật (thực vật, nấm, vi khuẩn,…) làm các đá bị biến đổi cả về mặt lí học và hoá học.
– Điều kiện xảy ra: Sự phát triển của rễ cây làm đá bị nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật có thể làm các đá bị biến đổi về thành phần, tính chất,…
– Kết quả: Sản phẩm của quá trình phong hoá là vỏ phong hoá. Trên bề mặt Trái Đất, vỏ phong hoá dày ở vùng nhiệt đới ẩm và mỏng ở vùng khô hạn, lạnh giá.
2. Quá trình bóc mòn
– Khái niệm: Bóc mòn là quá trình các nhân tố ngoại lực (nước chảy, gió, sóng biển, băng hà,…) làm dời chuyển các sản phẩm đã bị phong hoá ra khỏi vị trí ban đầu.
– Phân loại: Địa hình do bóc mòn rất đa dạng về tên gọi và hình thái tuỳ thuộc vào các nhân tố tác động.
+ Quá trình bóc mòn do dòng nước gọi là xâm thực, tạo thành các dạng địa hình khác nhau như: khe rãnh, mương xói, thung lũng sông,…
Thung lũng sông Rhine
+ Quá trình bóc mòn do gió gọi là thổi mòn hay khoét mòn, tạo thành các dạng địa hình khác nhau như: nấm đá, rãnh thổi mòn, hoang mạc đá,…
Nấm đá (ngọn đá hình nấm) được tạo thành do gió thổi mòn
+ Quá trình bóc mòn do sóng biển gọi là mài mòn, tạo thành các vách biển, hàm ếch, nền mài mòn,…
Sự biến đổi của địa hình bờ biển do sóng mài mòn
+ Quá trình bóc mòn do băng hà gọi là nạo mòn, tạo thành các dạng địa hình chủ yếu là máng bằng, phi-o, đá lưng cừu,…
3. Quá trình vận chuyển và bồi tụ
a. Vận chuyển
– Khái niệm: Là sự tiếp nối của quá trình bóc mòn, làm vật liệu di chuyển theo các nhân tố ngoại lực.
– Nguyên nhân: Khoảng cách và hình thức vận chuyển phụ thuộc vào kích thước, khối lượng vật liệu, tốc độ di chuyển của các nhân tố ngoại lực.
– Vai trò: Vận chuyển có vai trò cung cấp nguồn vật liệu cho quá trình bồi tụ.
* Bồi tụ
– Đặc điểm: Là sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình.
– Ví dụ
+ Nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời).
+ Bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên).
+ Thạch nhũ (do kết tủa hoá học trong hang động).
+ Đụn cát, cồn cát (do gió); bãi biển, cồn cát ngầm (do sóng biển).
+ Đồng bằng băng thuỷ (do băng tan),…
Thạch nhũ trong hang động
B. Bài tập trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 6: Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
Câu 1. Phong hóa hóa học là
A. sự phá huỷ đá thành các khối vụn; làm biến đổi màu sắc, thành phần hóa học.
B. sự phá huỷ đá thành các khối vụn mà không làm biến đổi thành phần hóa học.
C. việc giữ nguyên đá và không làm biến đổi thành phần khóang vật và hóa học.
D. việc giữ nguyên đá, nhưng làm biến đổi màu sắc, thành phần, tính chất hóa học.
Đáp án: D
Giải thích: Phong hóa hóa học là quá trình phá huỷ, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khóang vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hoà tan trong nước (khí ô-xy, khí carbonic, a-xit hữu cơ, a-xit vô cơ,…) và sinh vật.
Câu 2. Phong hóa sinh học chủ yếu do
A. sự thay đổi của nhiệt độ, sự đóng băng của nước.
B. tác động của sinh vật như vi khuẩn, nấm, rễ cây.
C. các hợp chất hoà tan trong nước, khí, axit hữu cơ.
D. tác động của hoạt động sản xuất và của sinh vật.
Đáp án: B
Giải thích: Phong hóa sinh học là quá trình phá huỷ đá và khóang vật dưới tác động của sinh vật (thực vật, nấm, vi khuẩn,…) làm các đá bị biến đổi cả về mặt lí học và hóa học.
Câu 3. Địa hình nào sau đây do quá trình bồi tụ tạo nên?
A. Bãi bồi ven sông.
B. Các rãnh nông.
C. Hàm ếch sóng vỗ.
D. Thung lũng sông.
Đáp án: A
Giải thích: Bồi tụ là sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình như: nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời), bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên); thạch nhũ (do kết tủa hóa học trong hang động); đụn cát, cồn cát (do gió); bãi biển, cồn cát ngầm (do sóng biển); đồng bằng băng thuỷ (do băng tan),…
Câu 4. Phong hóa lí học chủ yếu do
A. tác động của sinh vật như vi khuẩn, nấm, rễ cây.
B. sự thay đổi của nhiệt độ, sự đóng băng của nước.
C. các hợp chất hoà tan trong nước, khí, axit hữu cơ.
D. tác động của hoạt động sản xuất và của sinh vật.
Đáp án: B
Giải thích: Phong hóa lí học thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày – đêm và ở những khu vực bề mặt có nước bị đóng băng. Sự dao động nhiệt cũng có thể làm khối đá bị tách vỡ do nước trong các khe nứt bị đóng băng vào ban đêm hoặc vào mùa đông.
Câu 5. Phong hóa hóa học chủ yếu do
A. các hợp chất hoà tan trong nước, khí, axit hữu cơ.
B. tác động của hoạt động sản xuất và của sinh vật.
C. tác động của sinh vật như vi khuẩn, nấm, rễ cây.
D. sự thay đổi của nhiệt độ, sự đóng băng của nước.
Đáp án: A
Giải thích: Phong hóa hóa học là quá trình phá huỷ, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khóang vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hoà tan trong nước (khí ô-xy, khí carbonic, a-xit hữu cơ, a-xit vô cơ,…) và sinh vật.
Câu 6. Phong hóa lí học là
A. việc giữ nguyên đá và không làm biến đổi thành phần khóang vật và hóa học.
B. sự phá huỷ đá thành các khối vụn mà không làm biến đổi thành phần hóa học.
C. việc giữ nguyên đá, nhưng làm biến đổi màu sắc, thành phần, tính chất hóa học.
D. sự phá huỷ đá thành các khối vụn; làm biến đổi màu sắc, thành phần hóa học.
Đáp án: B
Giải thích: Phong hóa lí học là quá trình phá huỷ, làm các đá, khóang vật bị vỡ với kích thước khác nhau nhưng không thay đổi thành phần và tính chất. Phong hóa lí học thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày – đêm và ở những khu vực bề mặt có nước bị đóng băng. Sự dao động nhiệt cũng có thể làm khối đá bị tách vỡ do nước trong các khe nứt bị đóng băng vào ban đêm hoặc vào mùa đông.
Câu 7. Các địa hình nào sau đây không phải là kết quả của quá trình bóc mòn?
A. Địa hình xâm thực, địa hình thổi mòn.
B. Địa hình thổi mòn, địa hình bồi tụ.
C. Địa hình xâm thực, địa hình băng tích.
D. Địa hình thổi mòn, địa hình khoét mòn.
Đáp án: B
Giải thích: Các địa hình của quá trình bóc mòn là địa hình xâm thực, thổi mòn, khoét mòn, băng tích, máng băng, phi-o, mài mòn, hàm ếch,… Còn bồi tụ là quá trình không phải 1 dạng địa hình.
Câu 8. Địa hình nào sau đây không do sóng biển tạo nên?
A. Vách biển.
B. Bậc thềm sóng vỗ.
C. Hàm ếch sóng vỗ.
D. Rãnh nông.
Đáp án: D
Giải thích: Quá trình bóc mòn do sóng biển gọi là mài mòn, tạo thành các vách biển, hàm ếch, nền mài mòn, bậc thềm sóng vỗ,…
Câu 9. Kết quả của phong hóa lí học là
A. đá bị nứt vỡ thành tảng và bị biến đổi màu sắc.
B. tính chất hóa học của đá, khóang vật biến đổi.
C. đá bị nứt vỡ thành từng tảng nhỏ và mảnh vụn.
D. tạo thành lớp vỏ phong hóa ở bề mặt Trái Đất.
Đáp án: C
Giải thích: Phong hóa lí học thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày – đêm và ở những khu vực bề mặt có nước bị đóng băng. Kết quả của phong hóa lí học là đá bị nứt vỡ thành từng tảng nhỏ và mảnh vụn.
Câu 10. Châu thổ sông là kết quả trực tiếp của quá trình
A. vận chuyển.
B. phong hóa.
C. bóc mòn.
D. bồi tụ.
Đáp án: D
Giải thích: Bồi tụ là sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình như: nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời), bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên),… -> Châu thổ sông là kết quả trực tiếp của quá trình bồi tụ.
Câu 11. Phong hóa sinh học là
A. sự phá huỷ đá thành các khối vụn mà không làm biến đổi thành phần hóa học.
B. sự phá huỷ đá thành các khối vụn; làm biến đổi màu sắc, thành phần hóa học.
C. việc giữ nguyên đá, nhưng làm biến đổi màu sắc, thành phần, tính chất hóa học.
D. việc giữ nguyên đá và không làm biến đổi thành phần khóang vật và hóa học.
Đáp án: B
Giải thích: Phong hóa sinh học là quá trình phá huỷ đá và khóang vật dưới tác động của sinh vật (thực vật, nấm, vi khuẩn,…) làm các đá bị biến đổi cả về mặt lí học và hóa học. Ví dụ: sự phát triển của rễ cây làm đá bị nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật có thể làm các đá bị biến đổi về thành phần, tính chất,…
Câu 12. Địa hình băng tích là kết quả trực tiếp của quá trình
A. phong hóa.
B. bồi tụ.
C. bóc mòn.
D. vận chuyển.
Đáp án: C
Giải thích: Quá trình bóc mòn do băng hà gọi là nạo mòn, tạo thành các dạng địa hình chủ yếu là máng băng, băng tích, phi-o, đá lưng cừu,… -> Địa hình băng tích là kết quả trực tiếp của quá trình bóc mòn.
Câu 13. Các doi ven biển là kết quả trực tiếp của quá trình
A. bồi tụ.
B. vận chuyển.
C. phong hóa.
D. bóc mòn.
Đáp án: A
Giải thích: Bồi tụ là sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình như: nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời), bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên); thạch nhũ (do kết tủa hóa học trong hang động); đụn cát, cồn cát (do gió); bãi biển, cồn cát ngầm (do sóng biển); đồng bằng băng thuỷ (do băng tan),…
Câu 14. Các cồn cát ven biển là kết quả trực tiếp của quá trình
A. bóc mòn.
B. vận chuyển.
C. bồi tụ.
D. phong hóa.
Đáp án: C
Giải thích: Bồi tụ là sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình như: nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời), bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên); thạch nhũ (do kết tủa hóa học trong hang động); đụn cát, cồn cát (do gió); bãi biển, cồn cát ngầm (do sóng biển); đồng bằng băng thuỷ (do băng tan),…
Câu 15. Thung lũng sông là kết quả trực tiếp của quá trình
A. vận chuyển.
B. phong hóa.
C. bồi tụ.
D. bóc mòn.
Đáp án: D
Giải thích: Quá trình bóc mòn do dòng nước gọi là xâm thực, tạo thành các dạng địa hình khác nhau. Các địa hình như thung lũng sông, thung lũng suối do dòng chảy thường xuyên tạo nên.
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 5: Thạch quyển. Nội lực và tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 6: Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 7: Khí quyển. Nhiệt độ không khí
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 10: Thủy quyển. Nước trên lục địa
Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 11: Nước biển và đại dương