KHTN lớp 6 Bài 32: Nấm
A. Lý thuyết KHTN 6 Bài 32: Nấm
I. Đa dạng nấm
– Nấm là những sinh vật nhân thực, đơn bào hoặc đa bào, sống dị dưỡng.
– Hình dạng và kích thước của nấm rất đa dạng, có loại có thể quan sát bằng mắt thường, có loại cần quán sát bằng kính hiển vi.
– Nấm sống ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau, chủ yếu là những nơi nóng ẩm, giàu dinh dưỡng
– Dựa vào cấu trúc của cơ quan tạo bào tử, nấm được chia thành một số nhóm, đại diện như:
+ Nấm túi: sinh sản bằng bào tử túi (nấm mốc đen bánh mì, nấm men rượu,…)
+ Nấm đảm: sinh sản bằng bào tử đảm (nấm rơm, nấm hương, nấm sò,…)
+ Nấm tiếp hợp: bao gồm các loài nấm mốc sinh trưởng nhanh và gây ra sự ôi thiu của thức ăn
II. Vai trò của nấm
– Trong tự nhiên, nấm tham gia vào quá trình phân hủy chất thải và xác động vật, thực vật thành các chất đơn giản cung cấp dinh dưỡng cho đất và làm sạch môi trường.
– Nhiều loại nấm được sử dụng làm thức ăn, một số khác lại được sử dụng làm thuốc.
– Trong công nghiệp chế biến thực phẩm, nấm men được sử dụng trong sản xuất bánh mì, bia, rượu,… nấm mốc được sử dụng trong sản xuất tương…
III. Một số bệnh do nấm
– Ở người, nấm gây ra các bệnh hắc lào, nấm lưỡi, lang ben,…
– Ngoài ra, nấm còn gây bệnh ở thực vật và động vaatjnhw bệnh mốc cam ở thực vật, bệnh nấm da ở động vật.
– Một số loại nấm có thể gây hư hỏng thức ăn, đồ uống, quần áo, đồ dùng bằng gỗ…
– Nhiều loại nấm mốc chứa độc tố, nếu ăn phải sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
B. 10 câu trắc nghiệm KHTN 6 Bài 32: Nấm
Câu 1: Loại nấm nào dưới đây là nấm đơn bào?
A. Nấm hương B. Nấm mỡ
C. Nấm men D. Nấm linh chi
Lời giải Nấm men là loại nấm đơn bào có cấu tạo từ một tế bào.
Đáp án: C
Câu 2: Loại nấm nào sau đây được dùng làm thuốc?
A. Nấm đùi gà B. Nấm kim châm
C. Nấm thông D. Đông trùng hạ thảo
Lời giải Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm. Đây thảo là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.
Đáp án: D
Câu 3: Địa y được hình thành như thế nào?
A. Do sự cộng sinh giữa nấm và công trùng
B. Do sự cộng sinh giữa nấm và một số loài tảo
C. Do sự cộng sinh giữa nấm và vi khuẩn
D. Do sự cộng sinh giữa nấm và thực vật
Lời giải Địa y được hình thành do sự cộng sinh giữa nấm và một số loài tảo. Nấm hút nước và muối khoáng cung cấp cho tảo, còn tảo có diệp lục nên quang hợp tổng hợp chất hữu cơ nuôi sống cả hai.
Đáp án: B
Câu 4: Đặc điểm của người bị bệnh hắc lào là?
A. Xuất hiện những vùng da phát ban đỏ, gây ngứa
B. Xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti, ngây ngứa
C. Xuất hiện vùng da có dạng tròn, đóng vảy, có thể sưng đỏ và gây ngứa
D. Xuất hiện những bọng nước lớn, không ngứa, không đau nhức
Lời giải Bệnh hắc lào là do một loại nấm da gây ra. Người bị bệnh hắc lào thường xuất hiện vùng da có dạng tròn, đóng vảy, có thể sưng đỏ và gây ngứa.
Đáp án: C
Câu 5: Trong tự nhiên, nấm có vai trò gì?
A. Lên men bánh, bia, rượu…
B. Cung cấp thức ăn
C. Dùng làm thuốc
D. Tham gia phân hủy chất thải động vật và xác sinh vật
Lời giải Trong tự nhiên, nấm cố vai trò chủ yếu là tham gia phân hủy chất thải động vật và xác sinh vật thành các chất đơn giản cung cấp cho cây xanh và làm sạch môi trường.
Đáp án: D
Câu 6: Khẳng định nào sau đây là đúng?
A. Nấm là sinh vật đơn bào hoặc đa bào nhân thực
B. Nấm hương, nấm mốc là đại diện thuộc nhóm nấm túi
C. Chỉ có thể quan sát nấm dưới kính hiển vi
D. Tất cả các loài nấm đều có lợi cho con người
Lời giải
– B sai vì nấm hương là đại diện nhóm nấm đảm.
– C sai vì chỉ có một số loại nấm cần quan sát dưới kính hiển vi. Đa số nấm có thể quan sát được bằng mắt thường.
– D sai vì không phải loại nấm nào cũng có lợi cho con người (ví dụ: nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm)
Đáp án: A
Câu 7: Trong số các tác hại sau, tác hại nào không phải do nấm gây ra?
A. Gây bệnh nấm da ở động vật.
B. Làm hư hỏng thực phẩm, đồ dùng.
C. Gây bệnh viêm gan B ở người.
D. Gây ngộ độc thực phẩm ở người.
Lời giải Tác nhân gây ra bệnh viêm gan B ở người là virus, không phải nấm.
Đáp án: C
Câu 8: Bào tử đảm là cơ quan sinh sản của loại nấm nào sau đây?
A. Nấm hương B. Nấm bụng dê
C. Nấm mốc D. Nấm men
Lời giải Nấm men, nấm bụng dê và nấm mốc có cơ quan sinh sản là túi bào tử.
Đáp án: A
Câu 9: Thuốc kháng sinh penicillin được sản xuất từ?
A. Nấm men B. Nấm mốc
C. Nấm mộc nhĩ D. Nấm độc đỏ
Lời giải Penicillin là một trong một nhóm kháng sinh thu được từ nấm Penicillium (một loại nấm mốc mọc trên bánh mì)
Đáp án: B
Câu 10: Quá trình chế biến rượu vang cần sinh vật nào sau đây là chủ yếu?
A. Nấm men B. Vi khuẩn
C. Nguyên sinh vật D. Virus
Lời giải Nhờ có nấm men giúp lên men rượu nên chúng ta sẽ thu được rượu vang.
Đáp án: A
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 31: Thực hành: Quan sát nguyên sinh vật
Bài 33: Thực hành: Quan sát các loại nấm
Bài 34: Thực vật
Bài 35: Thực hành: Quan sát và phân biệt một số nhóm thực vật