Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 9: Hoà điệu với tự nhiên
Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36
-
Bài tập 1. trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Thuỷ tiên tháng Một trong SGK (tr. 78 – 81) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi viết Thuỷ tiên tháng Một, một mục tiêu được tác giả đặt ra là đính chính cách gọi tên của nhiều người đối với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Theo em, vì sao tác giả lại đặc biệt quan tâm vấn đề này?
Trả lời:
Khi viết Thuỷ tiên tháng Một, một mục tiêu được tác giả đặt ra là đính chính cách gọi tên của nhiều người đối với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Rõ ràng, đây là vấn để được tác giả đặc biệt quan tâm, vì đằng sau cách gọi tên là toàn bộ nhận thức về những gì đang diễn ra trong tự nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Nếu nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ (thể hiện qua cách gọi tên thiếu cân nhắc), con người sẽ không nêu được chiến lược hoạt động hay sách lược ứng phó cần thiết nhằm đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống của con người và muôn loài sinh vật khác. Chính việc tác giả nhắc đến một câu nói khá bàng quan của ai đó rằng: “Ổ, mọi thứ chỉ hơi nóng lên một chút thôi, có gì không hay đâu… ?” đã khẳng định tính hệ trọng của vấn đề khiến ông phải tìm cách làm sáng tỏ.
Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm trong văn bản những căn cứ cho phép tác giả nêu nhận định sau đây:
“Thời tiết có thể sẽ như trong truyện khoa học viễn tưởng, nhưng bản chất khoa học của nó là hoàn toàn có thật.”
Trả lời:
Cùng với việc nêu nhận định: “Thời tiết có thể sẽ như trong truyện khoa học viễn tưởng, nhưng bản chất khoa học của nó là hoàn toàn có thật.” tác giả đã liên tục đưa ra các căn cứ trong nhiều đoạn của văn bản.
Với vế đầu tiên của nhận định, tác giả chứng minh rằng thời tiết trên Trái Đất có những biến đổi khó tưởng tượng nổi: Trong khi lũ lụt hoành hành nơi này thì hạn hán gieo hoạ nơi kia; nơi lạnh thì lạnh cực độ mà nơi nóng cũng nóng khủng khiếp; tất cả các hiện tượng tự nhiên vốn dĩ bình thường như bão, mưa, cháy rừng,… đều diễn ra với quy mô dữ dội, khác thường. Quả là mọi thứ “như trong truyện khoa học viễn tưởng”!
Với vế thứ hai của nhận định, bằng tri thức khoa học vững chắc, tác giả đã cho thấy mọi chuyện diễn ra không hề ngẫu nhiên và hoàn toàn có thể giải thích được: “Nhiệt độ trung bình chỉ cần tăng lên một chút là thời tiết đã thay đổi rất nhiều, vì chính chênh lệch nhiệt độ làm hình thành cũng như tạo ra hướng vận động của gió trên bề mặt Trái Đất. Do đó, khi bạn làm thay đổi nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất, bạn cũng làm thay đổi hướng gió – và cả tình hình gió mùa trước khi bạn nhận biết được điều đó nữa. Khi Trái Đất nóng hơn, tốc độ bay hơi nước cũng thay đổi – đó là lí do chủ yếu làm xuất hiện những trận mưa bão rất lớn ở nơi này và những đợt nóng khắc nghiệt hơn, hạn hán kéo dài hơn ở nơi khác.”
Câu 3 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo em, điều gì đã khiến văn bản Thuỷ tiên tháng Một cuốn hút được người đọc, mặc dù vấn đề nêu ở đây từng được giới khoa học nhiều lần bàn tới?
Trả lời:
Mặc dù vấn đề được nêu trong Thuỷ tiên tháng Một từng được giới khoa học nhiều lần bàn tới, nhưng văn bản vẫn cuốn hút được người đọc. Lí do có thể là:
– Văn bản liên kết được các góc nhìn khác nhau (thông qua việc nêu những cách định danh không giống nhau về hiện tượng biến đổi khí hậu) để người đọc có được sự hình dung tổng quát về vấn đề.
– Tác giả đã thổi vào văn bản lòng nhiệt tình muốn mọi người đều nhận thức đúng vấn đề, để từ chỗ thấy lo âu mà biết xác định hướng hành động phù hợp.
– Nhiều thông tin được nêu lên nóng hổi tính thời sự nên khả năng tác động trực tiếp đến người đọc mạnh hơn.
– Tác giả chọn được cách dẫn dắt vấn đề sinh động, đi từ những ghi nhận theo tri giác bình thường (thấy hoa thuỷ tiên nở vào tháng Một) đến những đánh giá tổng hợp, khái quát. Đồng thời, sự kết hợp giữa miêu tả hiện tượng và cắt nghĩa hiện tượng cũng được chú ý thực hiện, rất nhịp nhàng, linh hoạt.
Câu 4 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong văn bản có bao nhiêu cước chú? Nếu không có những cước chú ấy, em có thể gặp khó khăn gì khi đọc văn bản?
Trả lời:
Khi tính số lượng cước chú, ngoài những cước chú đặt ở chân trang, cần kể thêm cả cước chú cuối văn bản về xuất xứ của văn bản Thuỷ tiên tháng Một (xem lại giới thuyết về thuật ngữ cước chú ở phần Tri thức ngữ văn). Cần căn cứ vào phản ứng có thật của chính em trước văn bản để trả lời ý hỏi thứ hai. Những khó khăn có thể gặp phải khi văn bản không có cước chú:
– Một số thuật ngữ hay từ ngữ “khó” khác (thường có yếu tố Hán Việt) sẽ không được hiểu đúng, làm ảnh hưởng đến việc lĩnh hội chính xác thông tin từ văn bản.
– Một số điểm thú vị trong câu văn của tác giả cũng như cách ông mở rộng liên tưởng, kết nối các góc nhìn lại với nhau sẽ bị bỏ qua, nếu các tên riêng như Min-ne-xô-ta (địa danh), Thoai-lai Giôn (tên chương trình truyền hình) không được giải thích.
– Một số hiện tượng tự nhiên vốn ít được nghe nói (như hiện tượng “nước trồi”) sẽ làm nảy sinh những băn khoăn, gây trở ngại cho việc đọc hiểu văn bản.
Câu 5 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nhận xét về cách tác giả Thô-mát L. Phrít-man sử dụng tài liệu tham khảo trong văn bản Thuỷ tiên tháng Một.
Trả lời:
Cách Thô-mát L. Phrít-man sử dụng tài liệu tham khảo khi viết Thuỷ tiên tháng Một:
– Không tập hợp toàn bộ tài liệu tham khảo thành một mục riêng để đặt ở cuối văn bản.
– Các đoạn văn được trích dù ngắn hay dài đều được để trong dấu ngoặc kép, kèm theo đó là những lời dẫn cho biết rõ ai nói, viết; bài được đăng ở đâu, lúc nào,…
– Phần trích báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới vì tương đối dài nên được xếp thành một khối riêng trên trang sách in để người đọc dễ nhận biết.
-
Bài tập 2. trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trong SGK (tr. 84 – 86) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Xét về nội dung và cấu trúc, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô có những điểm gì khác biệt so với các văn bản thông tin em đã học?
Trả lời:
So với những văn bản thông tin đã được học từ lớp 6, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô có những điểm khác biệt như sau:
– Về nội dung, đề tài của văn bản là một lễ tục, khác với văn bản Ai ơi mồng 9 tháng 4 thuyết minh về một lễ hội, lại càng khác với các văn bản như Trái Đất – cái nôi của sự sống, Các loài chung sống với nhau như thếnào?, Thuỷ tiên tháng Một vốn đề cập các vấn đề môi trường.
– Về cấu trúc, văn bản này tuy cũng thuyết minh về một sự kiện (theo trình tự thời gian) như Ai ơi mồng 9 tháng 4, nhưng đặt trọng tâm vào việc miêu tả tỉ mỉ các luật lệ phải tuân thủ khi thực hiện lễ rửa làng (quy trình thực hiện, các đồ lễ, nhiệm vụ của những người tham gia, những quy định bắt buộc,…).
Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nhan đề văn bản có thể gợi lên ở người đọc những câu hỏi gì? Theo em, những câu hỏi tiềm ẩn đó đã được tác giả quan tâm giải đáp như thế nào?
Trả lời:
Nhan đề văn bản tuy rất giản dị nhưng có thể gợi lên ở người đọc khá nhiều câu hỏi: Thế nào là lễ rửa làng? Lễ này có ý nghĩa gì? Thời gian diễn ra khi nào, ở đâu? Ai là người tham gia? Cách thức tiến hành có gì đặc biệt? Điều gì bắt buộc phải tuân thủ? Điều gì được tự do thực hiện ?…
Nhan đề bao giờ cũng được người đọc tiếp nhận đầu tiên khi đọc văn bản. Tuy vậy, về phía người viết thì nhan đề có thể được đặt trước hoặc sau khi viết xong văn bản. Dù thế nào đi nữa thì người viết bao giờ cũng phải định hướng rõ nội dung viết và luôn hình dung những thắc mắc có thể nảy sinh từ phía người đọc để chọn cách triển khai văn bản phù hợp. Càng dự đoán được nhiều câu hỏi loại này, tác giả càng làm cho văn bản có được sức thuyết phục cao (ở đây, điều đó có nghĩa là cung cấp được thông tin về sự việc một cách đầy đủ, tường tận). Đọc văn bản, có thể thấy tác giả ý thức rất rõ về điều này khi lần lượt giải đáp các câu hỏi đã nêu trên khá thấu đáo, sau khi không quên giới thiệu một cách khái quát về dân tộc Lô Lô.
Câu 3 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Việc duy trì bền vững lễ tục rửa làng cho thấy nét đẹp nào trong lối sống của người Lô Lô?
Trả lời:
Theo tác giả cho biết, lễ tục rửa làng được tổ chức định kì ba năm một lần, là một trong những sinh hoạt góp phần làm nên bề dày văn hoá của cộng đồng người Lô Lô. Việc duy trì bền vững lễ tục này cho thấy người Lô Lô sống gắn bó với thiên nhiên, tôn thờ ân huệ của thiên nhiên (có thể xem mùa ngô mới là một ví dụ cụ thể), tin vào sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên và chọn được cách ứng xử phù hợp với nó. Qua lễ tục được thuật lại trong văn bản, người đọc trân trọng niềm tin tưởng trong sáng của đồng bào Lô Lô vào sự tốt đẹp của cuộc sống, vào tác dụng của hành động thanh tẩy thường xuyên để không gian sinh tồn của mình hết bụi bặm, không còn tà ma quấy phá.
Câu 4 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu phỏng đoán của em về nét bất biến trong lễ rửa làng được thực hiện theo chu kì của đồng bào Lô Lô. Điều gì đã khiến cho một lễ tục giữ được nét bất biến qua năm tháng?
Trả lời:
Điểm bất biến trong lễ rửa làng được thực hiện theo chu kì của đồng bào Lô Lô có thể là: thời điểm thực hiện (mùa ngô mới), thành phần tham gia (tất cả dân làng với vai trò quan trọng của thầy cúng), các đồ lễ cần chuẩn bị (lễ vật khấn xin tổ tiên, đồ mang theo lúc diễu hành), các bước tiến hành cùng những việc làm cụ thể trong từng bước. Đặc biệt phải nói đến quy định nghiêm ngặt sau khi lễ cúng được thực hiện (người lạ không được vào làng trong 9 ngày tiếp đó). Có thể nêu các phỏng đoán trên căn cứ vào mối liên hệ chặt chẽ giữa các sự việc và ý nghĩa biểu trưng của từng đồ lễ phải chuẩn bị.
Từ một lễ rửa làng cụ thể được thuật lại trong văn bản, người đọc có thể nghĩ rộng ra về điều đã khiến cho một lễ tục giữ được nét bất biến của mình qua năm tháng. Đó là hệ thống những quy định chặt chẽ được xây dựng trên cơ sở các quan niệm nhân sinh, quan niệm về tự nhiên, vũ trụ của một cộng đồng người.
Câu 5 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, ngoài yêu cầu về sự rõ ràng, muốn văn bản thực sự sinh động, hấp dẫn, người viết cần phải làm gì? Hãy nêu nhận xét về văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trên phương diện này.
Trả lời:
Khi giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, ngoài yêu cầu về sự rõ ràng, muốn văn bản thực sự sinh động, hấp dẫn, người viết cần chú ý nêu những chi tiết miêu tả cụ thể về người chơi hay hoạt động, về quang cảnh, không khí bao trùm (đường nét, âm thanh, màu sắc,…), đặc biệt là đưa ra những lời giải thích ngắn gọn về từng động tác, hoạt động mà người tham gia không thể không thực hiện,… Xét về phương diện này, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô rất thành công. Người đọc không chỉ biết, hiểu về các quy tắc, luật lệ mà còn như thấy, nghe được những gì đã diễn ra trong lễ tục (qua sự tái hiện của tác giả).
-
Bài tập 3. trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản “Thân thiện với môi trường” trong SGK (tr. 98 – 100) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy xác định nội dung chính của văn bản và cách tác giả triển khai thông tin trong văn bản.
Trả lời:
Nội dung chính của văn bản là xác định một cách hiểu khoa học về khái niệm thân thiện với môi trường vốn bị làm “nhiễu” bởi nhiều quảng cáo sai lệch, thiếu trách nhiệm cho một số sản phẩm và dịch vụ nào đó.
Văn bản “Thân thiện với môi trường” đã chọn cách trình bày thông tin theo từng đối tượng được phân loại, gồm: vật liệu, sản phẩm, dịch vụ và địa điểm (tên các “đối tượng” này được nêu trong các tiểu mục in đậm). Theo cách trình bày đó, tác giả đưa đến được cho độc giả những hiểu biết thấu đáo về từng phương diện của vấn đề được đề cập trong văn bản.
Câu 2 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Xuất phát từ nhận thức rằng thân thiện với môi trường còn được hiểu và giải thích khá chung chung, tác giả đã nêu những điểm cần được làm rõ hơn xung quanh cụm từ này. Theo em, những điểm cần được làm rõ hơn đó là gì?
Trả lời:
Xuất phát từ nhận thức rằng thân thiện với môi trường còn được hiểu và giải thích khá chung chung, tác giả đã nêu những điểm cần được làm rõ hơn xung quanh cụm từ này. Đó là:
– Phẩm chất thực sự của đối tượng được quảng cáo không phải bao giờ cũng phù hợp với lời quảng cáo.
– Ấn tượng, cảm giác của người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường của vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm nhiều khi đầy tính chủ quan và phiến diện.
– Muốn biết một đối tượng có đúng là thân thiện với môi trường như nó được quảng cáo không, cần xác định rõ các tiêu chí phù hợp dùng để xem xét, đánh giá. Chẳng hạn, với vật liệu, cần phải đặt ra các câu hỏi về tính chất của vật liệu (Có phân huỷ được không? Thời gian phân huỷ? Khả năng tái sinh, tái chế?) và giá trị sử dụng của vật liệu (Thời gian sử dụng kéo dài bao lâu?).
Câu 3 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Những ví dụ được nêu trong văn bản có ý nghĩa như thế nào đối với việc làm sáng tỏ quan điểm của tác giả? Ví dụ nào khiến em đặc biệt quan tâm? Vì sao?
Trả lời:
Trong một văn bản thông tin, số lượng và chất lượng của các ví dụ luôn chứng tỏ phạm vi hiểu biết và vốn sống của tác giả. Với các ví dụ, tác giả có thể giúp người đọc hiểu được thông tin một cách dễ dàng và thấu đáo.
Văn bản “Thân thiện với môi trường” có nhiều ví dụ rất “đắt” thực sự làm sáng tỏ quan điểm của tác giả về sự cần thiết phải hiểu đúng vấn đề thân thiện với môi trường. Theo đó, chúng buộc người đọc phải nghĩ lại về những điều họ vẫn đinh ninh là mình biết rõ. Không thể không bất ngờ trước ví dụ tác giả nêu như sau: “Người ta thường nói sử dụng túi vải thì thân thiện với môi trường hơn túi ni lông. Tuy nhiên, để sản xuất ra một cái túi vải thì số năng lượng tiêu hao gấp 131 làn việc sản xuất ra một cái túi ni lông. Theo Liên minh Túi tiến bộ, để cân đối dấu chân carbon và nước của một chiếc túi vải, trung bình chúng ta cần dùng nó 131 lần. Như vậy, túi vải chỉ thân thiện hơn với môi trường khi bạn sử dụng nó nhiều và thật nhiều lần.”
Câu 4 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Phải chăng tác giả đang tạo ra sự ngờ vực đối với nhiều vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm được dán mác “thân thiện với môi trường”? Em có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Trả lời:
Có nhiều dấu hiệu cho thấy có vẻ tác giả đang tạo ra sự ngờ vực đối với nhiều vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm được dán mác “thân thiện với môi trường”, thông qua việc “lật tẩy” thực chất của chúng bằng những cách kiểm nghiệm mang tính khoa học, bằng những câu hỏi yêu cầu được trả lời một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, việc làm này khác về bản chất với việc gieo hoang mang. Vấn đề tác giả nhằm đến là góp phần xây dựng một thị trường, một môi trường sống lành mạnh, trong đó cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều phải thể hiện được thái độ có trách nhiệm và hiểu biết.
Câu 5 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm trong văn bản một số từ ngữ mà em xác định là thuật ngữ và giải thích ngắn gọn về những từ ngữ đó.
Trả lời:
Trong văn bản, những từ ngữ sau đây có thể được xem là thuật ngữ: thân thiện với môi trường, thị trường, người tiêu dùng, phân huỷ sinh học, du lịch sinh thái, rác thải nhựa,… Về những từ ngữ trên, có thể dễ dàng nhận ra độ chênh khá lớn giữa cách giải thích theo lối phổ thông và cách giải thích trong các tài liệu khoa học. Có thể giải thích ngắn gọn và sơ lược về một số từ ngữ được nêu trên như sau:
– Thân thiện với môi trường: thái độ ứng xử tích cực của con người hiện đại đối với môi trường sống, thông qua việc điều chỉnh các hành vi để không làm tổn hại hay phá huỷ môi trường, điều này thể hiện rõ nhất qua hoạt động sản xuất và tiêu dùng lấy việc bảo vệ môi trường làm chỉ số đánh giá cơ bản.
– Thị trường: thuật ngữ của kinh tế học, chỉ nơi chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm, dịch vụ hoặc tiền tệ, nhằm thoả mãn nhu cầu của hai bên cung và cầu theo các thông lệ hiện hành.
– Người tiêu dùng: người (cá nhân hoặc hộ gia đình) có nhu cầu, có khả năng mua
sắm các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường phục vụ cho cuộc sống của mình.
– Rác thải nhựa: những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không
được dùng đến và bị vứt bỏ.
Câu 6 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Công dụng nào của dấu ngoặc kép đã được tác giả khai thác khi đặt nhan đề cho văn bản là “Thân thiện với môi trường”?
Trả lời:
Việc sử dụng dấu ngoặc kép trong nhan đề văn bản “Thân thiện với môi trường” phần nào đã được giải thích ở cước chú trong SGK. Trong nhiều công dụng của dấu ngoặc kép, ở đây, tác giả đã khai thác công dụng thể hiện ý nghi ngờ đối với nghĩa của cụm từ được dùng (có thể hiểu khác hoặc cần được hiểu khác so với chính cụm từ đó khi được dùng theo cách bình thường, không có dấu ngoặc kép kèm theo).
-
Bài tập 4. trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Thuỷ tiên tháng Một (từ Như Giôn Hô-đơ-rơn đến “sự rối loạn khí hậu toàn cầu”) trong SGK (tr. 80) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu khái quát nội dung chính của đoạn trích.
Trả lời:
Nội dung chính của đoạn trích là nêu lên sự hạn chế, bất cập của thuật ngữ “sự nóng lên của Trái Đất” trong việc phản ánh bản chất tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Do thiếu chính xác, thuật ngữ này có thể gây nên nhận thức phiến diện về những thách thức to lớn từ phía tự nhiên mà nhân loại hiện đang phải đối mặt.
Câu 2 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo những gợi ý của tác giả trong đoạn trích và dựa vào hiểu biết của em, hãy nêu thêm những bằng chứng khác nhằm làm sáng tỏ vấn đề “sự rối loạn của khí hậu toàn cầu” hiện nay.
Trả lời:
Để có thể bổ sung những bằng chứng khác nhằm làm sáng tỏ vấn đề “sự rối loạn của khí hậu toàn cầu” hiện nay, cần khai thác thông tin từ những bản tin trên báo, đài, ti vi, in-tơ-nét hay các loại báo cáo của một số cơ quan chuyên trách về vấn để môi trường.
Câu 3 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Chỉ ra những thao tác đã được tác giả sử dụng để làm tăng tính thuyết phục của ý kiến do mình đưa ra.
Trả lời:
Để làm tăng tính thuyết phục của ý kiến do mình đưa ra, tác giả đã thực hiện một số thao tác như:
– Viện dẫn ý kiến của nhà chuyên môn có uy tín (Giôn Hô-đơ-rơn), xem đó như một sự hậu thuẫn về mặt khoa học.
– Phân tích thuật ngữ “sự nóng lên của Trái Đất” từ góc độ ngôn ngữ để thấy nội dung chỉ định mang tính khách quan của nó không trùng với thực tế mà thuật ngữ này muốn biểu đạt.
– Đưa ra nhiều bằng chứng thực tế để chứng minh rằng hiện tượng biến đổi khí hậu có nhiều biểu hiện khác nhau, không thể chỉ quy vào mỗi vấn đề nhiệt độ, nhất là không thể chỉ nói đến việc tăng nhiệt độ.
Câu 4 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Căn cứ vào những gì đã thể hiện trong đoạn trích, hãy nêu nhận xét của em về tác dụng của việc phân tích thông tin trong một văn bản thông tin.
Trả lời:
Văn bản thông tin không chỉ thuần tuý thực hiện chức năng đưa thông tin (cái gì, ai, ở đâu,…) mà còn thực hiện cả việc phân tích thông tin nữa. Điều này hiện nay đã được thừa nhận là một đặc điểm của báo chí hiện đại.
Việc phân tích thông tin giúp người đọc hiểu rõ hơn, có kiến thức sâu hơn về đối tượng được đưa tin, đồng thời cũng thể hiện được trách nhiệm xã hội cao của người đưa tin trong việc định hướng giá trị sống cho người đọc.
Câu 5 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo em, những cụm từ nào trong đoạn trích có thể được xem là thuật ngữ? Vì sao em xác định như vậy?
Trả lời:
Trong đoạn trích, những cụm từ sau đây có thể được xem là thuật ngữ: sự nóng lên của Trái Đất, biến đối khí hậu, hệ sinh thái, sự rối loạn của khí hậu toàn cầu.
Có thể xác định như vậy là vì:
– Những cụm từ trên do các nhà khoa học đề xuất nhằm nhận diện đúng các hiện tượng mà họ nghiên cứu.
– Những cụm từ trên cần được giải thích một cách khoa học chứ không thể được hiểu theo lối cảm tính (dựa vào suy luận thông thường).
– Những cụm từ trên ít khi xuất hiện đơn lẻ. Chúng thường được tập hợp thành hệ thống trong các tài liệu chuyên môn.
-
Bài tập 5. trang 30, 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô (từ Đoàn người thực hiện đến cung kính, thành khẩn) trong SGK (tr. 85 – 86) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy cho biết ở đoạn trích này tác giả đang nói về “bước” nào trong toàn bộ quá trình tiến hành lễ rửa làng. Theo em, vì sao không thể lược bỏ đoạn này trong văn bản thông tin giới thiệu về một lễ tục với các quy tắc và luật lệ riêng của nó?
Trả lời:
Lễ rửa làng của người Lô Lô được thực hiện theo nhiều bước. Bước được nói tới trong đoạn trích là hoạt động “diễu hành” đến từng nhà trong làng, sau lễ khấn xin tổ tiên diễn ra đêm trước. Có thể nói, chỉ qua bước này, tính cộng đồng của lễ rửa làng mới được thể hiện rõ: Tất cả mọi người đều tham gia trong những vai trò khác nhau: người hành lễ, người phụ giúp, người đón đoàn “diễu hành” vào nhà,… Cũng qua bước này, sự độc đáo của các nghi thức, các đồ lễ được bộc lộ một cách sinh động. Theo đó, không khí trang trọng, vui tươi và ý nghĩa của lễ tục có thể được độc giả cảm nhận một cách sâu sắc.
Nếu nhìn nhận Lễ rửa làng của người Lô Lô đích thực là văn bản thông tin giới thiệu về một lễ tục với các quy tắc và luật lệ riêng của nó thì rõ ràng đoạn trích trên chính là phần trọng tâm của văn bản. Nhờ đoạn trích này, người đọc mới thực sự hiểu người trong cuộc cần phải làm gì ở lễ tục này.
Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đoạn trích nói về một “phân cảnh” của lễ rửa làng. Những điều cụ thể gì đã được tái hiện ở đây?
Trả lời:
Khi nói về một “phân cảnh” của lễ rửa làng, đoạn trích đã tái hiện rất chi tiết, sống động về:
– Thành phần của đoàn người thực hành lễ cúng cho từng nhà dân.
– Các đồ lễ và gia súc, gia cầm phải mang theo.
– Hành trình của đoàn người.
– Những việc làm của người đảm nhiệm phần lễ cúng.
– Cách ứng xử của từng gia chủ khi tiếp đón đoàn người thực hành lễ cúng.
– Những màu sắc, âm thanh bao trùm hoạt động hành lễ trong làng.
Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm trong đoạn trích những cụm từ nói về ý nghĩa của các hoạt động cụ thể mà đồng bào Lô Lô thực hiện trong lễ rửa làng. Em suy nghĩ gì về sự cần thiết của việc làm sáng tỏ ý nghĩa các quy tắc, luật lệ được nói tới trong một văn bản thông tin giới thiệu lễ tục?
Trả lời:
Trong đoạn trích có nhiều cụm từ đề cập đến ý nghĩa của các hoạt động cụ thể mà đồng bào Lô Lô thực hiện trong lễ rửa làng:
– Đoàn người sẽ cùng nhau đi khắp các nhà, suốt các hang cùng ngõ hẻm trong làng bản, vừa đi vừa gõ chiêng trống rộn ràng nhằm đánh thức những điều đẹp đẽ ngủ quên và xua đi những rủi ro ám ảnh.
– Đồ lễ mang theo đoàn người còn có hai con dê (được cho là có mùi đặc trưng để xua đuổi tà ma), một con gà trống trắng, rượu ngô, hạt ngô, cỏ, kiếm gỗ, kiếm sắt, ba cành lau, ba cành đào, ba cành mận, miếng vải đỏ, đôi sừng trâu và cây tre to.
– Cây tre dài trước đó đã được đục miệng ở đoạn giữa và đổ đầy đất vào, sau đó cắm hình nhân bằng giấy màu (được cắt theo kiểu đang giơ tay lên van xin, thể hiện cho sự sợ hãi của hồn ma với người dân) rồi cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre giả làm con ngựa.
Sự xuất hiện của những cụm từ (in đậm) như thế cho thấy, trong một văn bản thông tin giới thiệu về quy tắc, luật lệ của một lễ tục, việc giải thích ý nghĩa của những điều mà người tham gia lễ tục phải làm là hết sức cần thiết. Nếu thiếu những lời giải thích này, người đọc sẽ không hiểu được tại sao lại có những điều phải trở thành “luật” và rộng ra nữa, sẽ không hiểu được cơ sở tồn tại bền vững của lễ tục là gì.
Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong các lễ tục khác mà em được biết, có hoạt động nào mang ý nghĩa tương tự những hoạt động được thuật lại trong đoạn trích?
Trả lời:
Em có thể liên hệ tới tục dựng cây nêu, tục quét vôi quanh nhà ngày Tết, tục sắm hình nhân làm đồ lễ trong một hoạt động thờ cúng nào đó,…
Câu 5 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Xác định ý nghĩa của các yếu tố hình và nhân trong từ hình nhân và tìm thêm một số từ có một trong hai yếu tố này.
Trả lời:
Nghĩa chung của từ hình nhân đã được giải thích trong SGK (tr. 86). Trong hình nhân, hình có nghĩa là “dáng vẻ; cái được biểu lộ ra” và nhân là “người; cái thuộc về người”. Những từ có yếu tố hình được hiểu theo nghĩa trên: hình ảnh, hình dạng, hình dung, hình hài, hình thái, hình thể, hình thức, hình tượng,… Những từ có yếu tố nhân được hiểu theo nghĩa trên: nhân bản, nhân cách, nhân chủng, nhân chứng, nhân danh, nhân đạo,…
-
Bài tập 6. trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc lại văn bản “Thân thiện với môi trường” (từ Bạn có cảm thấy yên tâm đến sống giảm rác từng chút một) trong SGK (tr. 100) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu khái quát điều tác giả muốn nhắn gửi trong đoạn trích.
Trả lời:
Điều tác giả muốn nhắn gửi trong đoạn trích là: Mỗi chúng ta, trong tư cách của một người tiêu dùng, hãy biết sống “giảm rác” và có trách nhiệm với môi trường.
Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Em hiểu như thế nào về nhận định sau đây của tác giả: “Không có điều gì thật sự thân thiện với môi trường nếu nó không phải là một vòng tuần hoàn do thiên nhiên tạo ra.”?
Trả lời:
Trong đoạn trích có một nhận định: “Không có điều gì thật sự thân thiện với môi trường nếu nó không phải là một vòng tuần hoàn do thiên nhiên tạo ra.“
Có thể hiểu nhận định này như sau:
– Không thể chỉ dựa vào điều được quảng cáo để đánh giá tính thân thiện với môi trường của một vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm.
– Muốn biết một “đối tượng” có thực sự thân thiện với môi trường hay không, cần phải đặt nó vào trong một chuỗi quan hệ để xem xét chứ không nhìn nhận nó trong tình trạng cô lập, tách biệt.
– Một vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, địa điểm thực sự thân thiện với môi trường thường được tạo nên theo nguyên tắc: đi ra từ thiên nhiên rồi về lại với thiên nhiên một cách êm đẹp.
Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dường như tác giả đang muốn giúp mỗi chúng ta trở thành một người tiêu dùng có trách nhiệm và thông minh. Em có thể rút ra được bài học gì cho mình khi đọc đoạn trích?
Trả lời:
Với đoạn trích này, tác giả trực tiếp thể hiện niềm mong mỏi mỗi chúng ta phải trở thành một người tiêu dùng có trách nhiệm và thông minh. Điều có ý nghĩa mà em có thể rút ra từ đây là:
– Cần tỉnh táo khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm công nghệ không đảm bảo các chỉ số bảo vệ môi trường.
– Cần có ý thức tìm hiểu sâu hơn về xuất xứ của một vật liệu, sản phẩm,… được quảng bá, mời gọi trên thị trường.
– Cần thực hành nghiêm chỉnh lối sống “giảm rác” vì tương lai của cộng đồng và sự an toàn chung của môi trường sống trên Trái Đất.
Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Em đánh giá như thế nào về hiệu quả tác động của những ý hỏi mang màu sắc chất vấn trong câu văn đầu tiên của đoạn trích?
Trả lời:
Những ý hỏi mang màu sắc chất vấn xuất hiện dồn dập trong câu văn đầu tiên của đoạn trích buộc người đọc không thể lảng tránh vấn đề được tác giả đặt ra. Chúng kích thích người đọc tìm lời giải đáp để cùng tác giả xây dựng thái độ ứng xử đúng đắn trước nhiệm vụ bảo vệ môi trường và thực hành lối sống xanh hay lối sống “giảm rác”
Câu 5 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Giải thích nghĩa của các yếu tố tái, chế, chất, liệu cấu tạo nên các từ tái chế, chất liệu và tìm thêm một số từ có một trong những yếu tố đó.
Trả lời:
Trong từ tái chế có nghĩa chung là “chế tạo lại từ những sản phẩm cũ, hỏng hoặc từ đồ phế thải” (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê (Chủ biên)), riêng yếu tố tái có nghĩa là “lại; hai lần; lần thứ hai” và yếu tố chế có nghĩa là “tạo ra; làm ra“ Một số từ có yếu tố tái: tái bản, tái bút, tái diễn, tái phát, tái sinh, tái tạo,… Một số từ có yếu tố chế: chế biến, chế phẩm, chế tác, chế tạo,…
Trong từ vật liệu có nghĩa chung là “vật dùng để làm cái gì” (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê (Chủ biên)), riêng yếu tố vật có nghĩa là “những cái tồn tại trong không gian và thời gian (nói chung)” và yếu tố liệu có nghĩa là “vật“ Một số từ có yếu tố vật: vật chất, vật dụng, vật phẩm, vật tư,… Một số từ có yếu tố liệu: chất liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, phế liệu, tài liệu,…
-
Bài tập 7. trang 31, 32, 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Chính những tác động tiêu cực cộng thêm việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người đã và đang dần biến môi trường từ một mảng xanh tươi mát trở nên u ám và tối tăm. Hệ quả tất yếu, con người cũng không tránh khỏi chuyện trở thành nạn nhân của ô nhiễm môi trường, khi mỗi năm, phải chống chọi với những cơn thịnh nộ dữ dội của thiên nhiên. Mỗi ngày, phải đối diện với cảnh khói bụi nghi ngút và mỗi giờ phải chịu đựng sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của môi trường như hiện nay, con người cần phải hành động lập tức, bắt đầu từ những điều cơ bản nhất.
Sống xanh chính là chìa khoá cho vấn đề này. Sống xanh tuy không mới nhưng có lẽ với nhiều người, nó cũng còn khá lạ lẫm và mơ hồ. Sống xanh giúp giảm thiểu sử dụng không khoa học nguồn tài nguyên của Trái Đất, không hi sinh hay ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ mai sau nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu hiện tại.
Đừng ích kỉ, hãy mở lòng để quan tâm nhiều hơn đến thế giới ta đang sống là chiếc chìa khoá thứ hai để giải quyết tình trạng môi trường đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Cần phải nhớ rằng, Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người rất nhiều thứ quy giá, thế nên, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Bảo vệ môi trường không nhất thiết là phải soạn thảo ra một kế hoạch tầm vĩ mô hay nghiên cứu tạo thành một cỗ máy hiện đại. Thay vào đó, chỉ cần những hành động nhỏ nhặt như tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi ni lông, giữ gìn vệ sinh đường phố và nơi ở, trồng cây xanh, yêu thương bảo vệ động vật,… là bạn đang thể hiện một cách đúng đắn lối sống văn minh, sự quan tâm và ý thức bảo vệ môi trường. Đối xử thân thiện với môi trường đồng nghĩa với việc đối xử tốt với cuộc sống của chính mình.
(Sống xanh cho Trái Đất xanh, theo báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, ngày 23/4/2019,httpsz/baotainguyenmoitruong.vn/song-xanh-cho-trai-dat-xanh-249404.htmi)
Câu 1 trang 32 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tuy cùng đề cập vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng đoạn trích trên có cách tiếp cận khác với văn bản Thuỷ tiên tháng Một. Hãy nêu rõ cách tiếp cận khác đó.
Trả lời:
Tuy cùng đề cập vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng văn bản Thuỷ tiên tháng Một và đoạn trích thể hiện hai cách tiếp cận khác nhau. Nếu Thuỷ tiên tháng Một tập trung nêu các biểu hiện khó lường của hiện tượng biến đổi khí hậu (với nhu cầu xác định đúng tên gọi cho nó) thì đoạn trích lại nghiêng về xác định trách nhiệm của con người trước hiện tượng này.
Câu 2 trang 32 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dựa vào những gợi mở của tác giả, hãy bổ sung ý để làm sáng tỏ thêm khái niệm “sống xanh”
Trả lời:
Dựa vào những gợi mở của tác giả, có thể nói về khái niệm “sống xanh“như sau:
– Sống xanh là cách nói hình ảnh về một lối sống được cổ vũ, khuyến khích hiện nay, trong bối cảnh môi trường sống trên Trái Đất đang bị “tổn thương”
– Sống xanh đòi hỏi mỗi người phải luôn nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường, có hiểu biết đầy đủ về những tác hại đối với môi trường của một số thói quen sinh hoạt, lề lối sản xuất và kiểu khai thác vô tội vạ tài nguyên trên Trái Đất.
– Sống xanh gắn với nỗ lực không mệt mỏi nhằm phục hồi sự cân bằng sinh thái, đảm bảo quyền tồn tại cho mọi loài sinh vật.
– Nhìn gần hơn, sống xanh cũng là sống “giảm rác” xem rác – nhất là loại rác thải có hại cho môi trường – là một trong những yếu tố cản trở con người tìm được cách sống hoà điệu với tự nhiên.
Câu 3 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày khái quát về hai vấn đề được tác giả xem là “chìa khoá” trong việc cải thiện môi trường sống hiện nay. Nêu nhận xét của em về tính thuyết phục của ý kiến này.
Trả lời:
Trong đoạn trích, tác giả nêu hai vấn đề có ý nghĩa “chìa khoá” đối với việc cải thiện môi trường sống hiện nay:
– “Chìa khoá” thứ nhất là cần thực hiện sống xanh, giảm thiểu việc sử dụng thiếu khoa học những tài nguyên của Trái Đất.
– “Chìa khoá” thứ hai là mỗi người cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng niu những quà tặng quý giá của Mẹ thiên nhiên.
Thực ra, hai “chìa khoá” này bao hàm lẫn nhau. Sống xanh là gì nếu không phải là sống với sự ý thức cao độ về vấn đề bảo vệ môi trường? Ngược lại, nếu thực sự quan tâm đến việc chung tay bảo vệ Trái Đất thì làm sao lại từ chối sống xanh?
Câu 4 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đoạn trích gồm có 4 đoạn văn. Mạch lạc giữa các đoạn văn đó đã được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Đoạn trích gồm 4 đoạn văn có mối quan hệ với nhau khá chặt chẽ và hướng tới một chủ đề chung: cùng hành động để giảm tác hại của biến đổi khí hậu và cứu vãn sự suy thoái của môi trường sống. Đoạn 1 phác hoạ bối cảnh chung và nêu lên tính cấp thiết của việc phải hành động nhằm khắc phục những hậu quả do con người gây ra cho thiên nhiên. Đoạn 2 và đoạn 3 lần lượt nêu các giải pháp (được gọi là “chìa khoá”) có thể giúp làm thay đổi tình hình theo hướng tích cực. Đoạn 4 đưa ra khuyến nghị về những việc mỗi người cần làm hằng ngày, tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn để góp phần vào nỗ lực chung của cả nhân loại. Nói chung, lô-gíc triển khai nội dung đoạn trích là đi từ trình bày thực trạng đến nêu giải pháp. Theo lô-gíc, mạch lạc của đoạn trích được thể hiện rất rõ.
Câu 5 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nếu cần xác định một số từ khoá cho đoạn trích, em sẽ chọn từ hoặc cụm từ nào? Nêu rõ lí do chọn lựa của em.
Trả lời:
Việc xác định từ khoá cho đoạn trích không nhất thiết phải dẫn đến một đáp án duy nhất, bởi ở đây, một số từ, thuật ngữ có nghĩa tương đương, có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, nếu xác định đoạn trích có tính chất của một văn bản thông tin về chương trình hành động, có thể chọn cụm từ hay thuật ngữ sống xanh. Chính thuật ngữ này có thể trở thành trung tâm kết nối các thông tin, các ý đã được trình bày trong đoạn trích với nhau.
-
Bài tập 8. trang 33, 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Kinh tế biển xanh lấy môi trường và bảo toàn vốn tự nhiên biển làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội1. Trong khi “tăng trưởng xanh” được xem là một định hướng mới, thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ hệ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào2). Như vậy, có thể xem tăng trưởng xanh định hướng mục tiêu cần đạt cho một phương thức phát triển nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (global change) và trở thành nền tảng cho phát triển bền vững biển. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới3), Tương tự như vậy, “một nền kinh tế biển đạt được mức “xanh” hay “bền vững” khi các hoạt động kinh tế ở trạng thái cân bằng với năng lực tải của các hệ sinh thái biển trong dài hạn (để hỗ trợ cho các hoạt động đó) và vẫn bảo toàn được sức chống chịu và sức khoẻ của các hệ sinh thái này4 ),
(Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên), An ninh môi trường và hoà bình ở Biển Đông, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019, tr. 147 – 148)
1 Nguyễn Chu Hồi (2014), Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam, tạp chí Lí luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 10/ 2014, tr. 33 – 39.
2 Trương Quang Học – Hoàng Văn Thắng (2013), Kinh tế xanh – con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, trong tập Báo cáo khoa học của Hội thảo khoa học quốc gia về Tài nguyên thiên nhiên và Tăng trưởng xanh, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3 Ngô Lực Tải (2012), Kinh tế biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
4 An Economist Intelligence Unit (2015), The blue economy: Growth, opportunity and a sustainable ocean economy. The briefing paper for the World Ocean Summit 2015, 20 pages.
Câu 1 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nếu được đặt nhan đề cho đoạn trích, em sẽ đặt như thế nào? Nói rõ lí do vì sao em đặt nhan đề như vậy.
Trả lời:
Có thể đặt nhan đề cho đoạn trích là “Kinh tế biển bền vững” hay “Vì một nền kinh tế biển bền vững”, bởi trọng tâm của đoạn trích là nói đến vai trò của kinh tế biển trong chiến lược tăng trưởng xanh của các nền kinh tế tham gia cuộc chơi toàn cầu trên thế giới.
Câu 2 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Em hiểu như thế nào về khái niệm tăng trưởng xanh được tác giả sử dụng nhiều lần trong đoạn trích này?
Trả lời:
Đặt trong ngữ cảnh của đoạn trích, cụm từ tăng trưởng xanh có thể được hiểu như sau:
– Đó là một định hướng thúc đầy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững.
– Đó là mục tiêu cần đạt của nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.
– Đó là nhân tố tích cực làm chất xúc tác cho chiến lược đầu tư và đổi mới các nền kinh tế trên thế giới.
Hai khái niệm tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nền kinh tế chọn hướng tăng trưởng xanh sẽ được gọi là nền kinh tế xanh.
Câu 3 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy chỉ ra điểm chung về nội dung giữa đoạn trích này và các văn bản, đoạn trích khác được nhắc tới trong các bài tập 1, 3, 7 ở trên.
Trả lời:
Các điểm chung về nội dung giữa đoạn trích này và các văn bản, đoạn trích khác được nhắc tới trong các bài tập 1, 3, 7:
– Đều quan tâm đến thực trạng môi trường trên Trái Đất hiện nay với những biến đổi khí hậu đáng lo ngại.
– Đều hướng người đọc tới một nhận thức đúng đắn về sự suy thoái của môi trường tự nhiên mà một phần nguyên nhân nằm ở các hoạt động thiếu cân nhắc của con người.
– Đều gợi mở chiến lược hoạt động nhằm cải biến thực trạng môi trường, khiến cho nó trở nên thân thiện với con người.
Câu 4 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nội dung các cước chú gắn với đoạn trích trên nhắc em nhớ tới kiến thức nào được học trong bài 9. Hoà điệu với tự nhiên? Có thể rút ra từ đây kinh nghiệm gì khi đọc hay viết một văn bản thông tin?
Trả lời:
Tất cả các cước chú đều cho biết nguồn tài liệu tham khảo mà tác giả đã sử dụng khi triển khai nội dung của đoạn trích. Rõ ràng, để viết một văn bản thông tin có hàm lượng thông tin khoa học cao, việc tham khảo nhiều tài liệu liên quan là hết sức cần thiết. Ở đây, những thông tin từ tài liệu tham khảo đã được tác giả sử dụng dưới hai hình thức: tóm lược bằng ngôn ngữ của mình và trích dẫn nguyên văn (đặt câu trích dẫn trong dấu ngoặc kép). Dù sử dụng tài liệu theo hình thức nào, tác giả đều ghi rõ nguồn. Điều này thể hiện sự nghiêm túc trong việc kế thừa những ý tưởng, ý kiến của người khác và sự chuyên nghiệp trong việc tạo lập một văn bản thông tin. Với độc giả, nếu muốn tìm hiểu sâu về vấn đề đang bàn, có thể tìm đọc các tài liệu đã được tác giả ghi nguồn.
Qua đoạn trích, có thể thấy thêm một cách ghi tài liệu tham khảo nữa, ngoài hai cách đã được nhận biết và tìm hiểu qua đọc văn bản Thuỷ tiên tháng Một và qua tiết Thực hành tiếng Việt (SGK, tr. 83 – 84). Nếu tác giả Thô-mát L. Phrít-man ghi ngay nguồn tài liệu tham khảo ở phần chính của văn bản bên cạnh nội dung được trích dẫn thì tác giả Nguyễn Chu Hồi lại đặt nguồn tài liệu tham khảo vào vị trí cước chú.
Câu 5 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong đoạn trích có một số thuật ngữ chưa được ghi cước chú. Hãy nêu một vài thuật ngữ trong số đó và thử tra cứu tài liệu để ghi cước chú cho mỗi thuật ngữ.
Trả lời:
Một số thuật ngữ chưa được ghi cước chú trong đoạn trích: hệ sinh thái, kinh tế biển xanh, kinh tế nâu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh,… Em hãy dựa vào kết quả thực hiện một số bài tập trước đó (của cùng bài học), kết hợp với việc tra cứu những tài liệu có thể tìm được để ghi cước chú cho một vài thuật ngữ tự chọn.
Câu 6 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm thêm những cụm từ có từ xanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ như xanh trong tăng trưởng xanh và giải thích nghĩa của những cụm từ đó.
Trả lời:
Trong tiếng Việt, từ xanh ngoài việc được dùng để chỉ màu sắc của một sự vật cụ thể, nhiều khi còn được dùng theo nghĩa ẩn dụ để gợi lên ấn tượng về sự yên bình hay sức sống của một đối tượng nào đó. Xanh trong tăng trưởng xanh, kinh tế xanh xuất hiện ở đoạn trích này là một ví dụ. Có thể nói đến một số cụm từ khác có từ xanh được sử dụng theo cách này như: ước mơ xanh, khát vọng xanh, tuổi xanh, ngày Chủ nhật xanh,…
-
Bài tập 9. trang 34, 35, 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Lễ hội “nghinh Ông” ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những lễ hội thờ cúng cá voi được xác định đã có lâu đời, ít nhất là từ đầu thế kỉ trước. […] Tại xã Cần Thạnh, trước ngày lễ hội người ta đã tạm ngưng mọi việc đi biển để lo trang trí ghe thuyền cũng như chuẩn bị các điều kiện khác cho lễ hội. Từ chiều ngày 15 tháng 8 đến sáng ngày 16 tháng 8 âm lịch, quanh khu vực Lăng Ông (nơi thờ cá voi), người ta đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi… Khoảng 9 giờ ngày 16 tháng 8, nghi thức chính của lễ hội bắt đầu bằng “Lễ nghinh (rước) Ông” trên biển với hàng trăm chiếc ghe (thuyền) được trang hoàng cờ hoa rực rỡ và có bày hương án cùng các lễ vật như heo quay (với đủ cả “bộ đồ lòng”), xôi, gạo, muối, hoa, trái, nhang, đèn và vàng bạc,… Trong đó, chiếc ghe của chủ lễ phải là ghe lớn nhất và được trang hoàng đặc biệt nhất: rồng được vẽ hai bên thành ghe, hoa (vạn thọ) trang trí bốn góc mui ghe, cờ nước và nhiêu cờ ngũ hành ở trước và sau ghe, những hoành phi đề chữ to “Cung nghinh Ông Thuỷ Tướng? “Hiển hách anh linh” và “Quốc thái dân an” Trên ghe, bên cạnh bàn hương án có linh vị thờ Ông là các lễ vật, các đồ khí tự… và túc trực chung quanh là Ban tế lễ, Ban nhạc lễ cùng các lễ sinh… Tất cả đều mặc lễ phục trang trọng.
Sau vài giờ di chuyển ra khơi xa, trong khi cả đoàn ghe di chuyển chậm lại để chờ đợi thì chiếc ghe của chủ lễ đi thêm một đoạn rồi dừng lại giữa biển để làm “Lễ cúng Ông? Sau ba hồi trống nổi lên, vị chủ lễ bắt đầu thực hiện việc tế tự theo nghi thức cổ truyền Nam Bộ như dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế (trước kia sau khi làm lễ xong người ta còn ném các lễ vật xuống biển để “cúng” những người chết biển…). Sau đó, kết thúc “Lễ cúng Ông” trên biển trước đây phải là những tràng pháo ròn rã, là hiệu lệnh để tất cả các ghe thuyền cùng tiến ra đón “Ông” và cùng “Ông” diễu hành quay trở về bờ. Không khí lúc này thật rộn ràng bởi tiếng pháo, tiếng chiêng, tiếng trống vang động cả một vùng biển trời dày đặc những thuyền ghe lớn nhỏ xen cài vào nhau. […]
Từ bến tàu trở về Lăng Ông lại tiếp tục diễn ra “Lễ rước Ông” rất long trọng với múa lân (sau này có cả múa rồng) cùng tiếng nhạc, tiếng pháo tưng bừng và đông nghịt người kéo theo đoàn rước giữa những bàn hương án toả nhang khói mù mịt hai bên đường đi. Sau khi làm lễ an vị Ông tại lăng, lễ tế Tiền Hiền, Hậu Hiền diễn ra và tiếp theo, ngay tối hôm đó (tức ngày 16 tháng 8, khoảng 12 giờ khuya), lễ “Chánh tế” được cử hành với các nghi thức và lễ vật tương tự như trong lễ Kì Yên của cung đình Nam Bộ. Sau đó là phần “Hát bội” Chen kẽ giữa các nội dung trên là phần tế lễ tự do cho khách thập phương, và đương nhiên không thể thiếu những buổi liên hoan ăn uống, sinh hoạt văn nghệ vui vẻ tại lăng hoặc tại các gia đình ngư dân.
(Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ, Viện Văn hoá và
NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 105 – 109)
Câu 1 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Có thể xem đoạn trích trên là một văn bản thông tin độc lập. Theo em, “văn bản” này có thể xếp cùng loại với văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô được không? Vì sao?
Trả lời:
Có thể xem đoạn trích là một văn bản thông tin độc lập. Xét về mục đích viết và nội dung thông tin, “văn bản” này hoàn toàn có thể được xếp cùng loại với văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô vì cả hai đều viết về lễ tục, có phần giới thiệu chi tiết các quy tắc, luật lệ phải được tuân thủ trong quá trình thực hành lễ tục.
Câu 2 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Xác định mạch triển khai thông tin được thể hiện trong đoạn trích. Hãy so sánh cách triển khai ở đây với cách triển khai của văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô.
Trả lời:
Vì giới thiệu về lễ tục – một loại hoạt động diễn ra theo các bước được quy định chặt chẽ – nên thông tin trong đoạn trích chủ yếu được triển khai theo trình tự thời gian. Đây cũng là cách triển khai đã được tác giả văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô chọn lựa. Cũng như văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô, các thông tin trong đoạn trích còn được tổ chức theo bố cục: Giới thiệu về lễ tục (xuất xứ, không gian, thời gian tiến hành, đối tượng tham gia,…)
=> Thuật lại diễn biến của lễ tục (các nghi thức, lễ vật, các bước tiến hành, các hoạt động bắt buộc và tự do,…)
=> Đánh giá chung về lễ tục (ý nghĩa, tác dụng, ảnh hưởng,…). Cần lưu ý: Việc đánh giá chung về lễ tục ở đoạn trích có phần mờ nhạt so với văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô, do đoạn trích được lấy từ một cuốn sách mà phần đánh giá về các lễ tục nằm ở một đoạn khác.
Câu 3 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Các luật lệ của lễ hội nghinh Ông ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã được tác giả giới thiệu như thế nào?
Trả lời:
Các luật lệ của lễ hội nghinh Ông ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã được tác giả giới thiệu rất cụ thể:
– Các đồ lễ (khí tự) phải được chuẩn bị đầy đủ, công phu.
– Ngày, giờ làm lễ phải được xác định rõ ràng.
– Trình tự tiến hành lễ và các nghi thức phải được thực hiện đúng.
– Nơi nào làm lễ gì phải được phân định rõ.
Câu 4 trang 35 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo hiểu biết của em, lễ hội thờ cúng cá voi thể hiện nét đẹp gì trong đời sống của cư dân vùng duyên hải Việt Nam?
Trả lời:
Lễ hội thờ cúng cá voi được ngư dân nhiều vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam tổ chức hằng năm. Tuy mỗi nơi có cách tiến hành riêng nhưng tỉnh thần chung toát lên từ tất cả các lễ hội đó vẫn là niềm biết ơn đối với sự hào phóng của Mẹ thiên nhiên cũng như sự hỗ trợ to lớn của một số lực lượng tự nhiên đã giúp con người vượt qua nhiều hoạn nạn (cá voi hay cá Ông được xem là hiện thân của sự hỗ trợ ấy đối với những người lao động trên biển). Qua các lễ hội này, có thể thấy người dân lao động xưa, cụ thể là ngư dân, luôn muốn duy trì nếp sống hài hoà với tự nhiên, tôn trọng và nương theo quy luật của tự nhiên để xây dựng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Câu 5 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu đánh giá khái quát về sức hấp dẫn riêng của loại văn bản thông tin giới thiệu về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động được thể hiện qua đoạn trích trên và qua văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô.
Trả lời:
Qua đoạn trích và qua văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô, có thể thấy loại văn bản thông tin giới thiệu về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động hoàn toàn có thể hấp dẫn được người đọc. Sự hấp dẫn đó một phần do cái lạ của trò chơi hay hoạt động đưa lại (cái lạ thường gây tò mò), một phần do cách viết của các tác giả tạo nên. Trong cách viết, điều đáng nhấn mạnh là các tác giả thường kết hợp một cách nhuần nhị lối trình bày khúc chiết và lối miêu tả cụ thể; trong khi liên tiếp đưa ra những thông tin khách quan vẫn không quên chêm vào một số lời bình luận, phân tích hợp lí,… Ở nhiều văn bản, việc in kèm các bức ảnh minh hoạ sống động cũng khiến người đọc có được những ấn tượng tốt đẹp.
Câu 6 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong đoạn trích, ngoài các địa danh, tác giả còn viết hoa một số từ, cụm từ khác. Đó là từ, cụm từ nào? Lí do những từ, cụm từ đó được viết hoa là gì?
Trả lời:
Trong đoạn trích, ngoài các địa danh, tác giả còn viết hoa một số từ, cụm từ khác như: Ông, Lăng Ông, Lễ hội nghinh Ông, Lễ nghinh Ông, Lễ cúng Ông,… Từ Ông được viết hoa là vì tác giả muốn thể hiện thái độ kính trọng của ngư dân đối với cá voi – loài động vật biển được xem là đấng linh thiêng cần được tôn thờ; Lăng Ông là tên của nơi cá voi được ngư dân mai táng, được gọi một cách trang trọng, thành kính; còn các trường hợp khác là tên của lễ tục, lễ hội.
-
Viết trang 36
-
Bài tập 1 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong xã hội hiện đại, càng ngày càng có nhiều người lựa chọn lối sống hoà hợp với tự nhiên. Hãy viết đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) thể hiện suy nghĩ của em về vấn đề này.
Trả lời:
– Cần đọc lại phần Giới thiệu bài học ở SGK (tr. 76) và văn bản Bản tin về hoa anh đào ở SGK (tr. 87 – 89) để có định hướng và cảm hứng viết.
– Đoạn văn cần trả lời được các câu hỏi chính: Thế nào là lối sống hoà hợp với tự nhiên? Tại sao hiện nay việc lựa chọn lối sống này lại trở thành một xu hướng rõ rệt? Phải chẳng khi chọn lối sống hoà hợp với tự nhiên là khi ta chối bỏ hoàn toàn những tiện nghi của xã hội hiện đại và giảm bớt tinh thần phấn đấu? Nếu lựa chọn lối sống này, em sẽ làm những việc cụ thể gì?
– Cần sắp xếp những ý đã tìm được từ việc trả lời các câu hỏi trên theo một trật tự hợp lí nhằm làm nổi bật vấn đề chính được đề cập.
* Đoạn văn mẫu tham khảo:
Khi đối diện với những tổn thương tinh thần, bạn – những người hiện đại – có xu hướng tìm đến tiệc tùng, mua sắm, hay vui chơi giải trí như một cách để xoa dịu bản thân, để cân bằng tâm lý trong nhịp sống thị thành náo nhiệt. Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ đến việc thong dong giữa một cánh rừng xanh mát hay lắng mình nhìn mặt nước trong xanh sẽ có tác dụng gấp nhiều lần? Chính thiên nhiên sẽ giúp ta xoa dịu những thương tổn đó, bởi tâm trí không bị nhiễu loạn từ tiếng còi xe, cảm xúc không bị tù túng giữa rừng bê-tông, không khí không bị ô nhiễm vì khói bụi. Khi hòa mình vào thiên nhiên, bạn có được sự an yên thật sự vì được hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận được sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn. Một môi trường sống gần thiên nhiên sẽ giúp bạn có được khoảng lặng để cân bằng giữa lý tính và cảm xúc. Đó cũng là lúc bạn cho phép bản thân bỏ qua những phiền nhiễu và lắng nghe tâm tư mình nhiều hơn. Vì thế, bạn có được sự cân bằng nội tại và dễ dàng kiềm chế cảm xúc trong các mối quan hệ. Ngay khi đặt chân vào thiên nhiên chính là lúc bạn đang tự chữa lành những tổn thương bên trong. Chỉ khi lấy lại tinh thần lạc quan nội tại, bạn mới mang đến sức sống tươi mới cho những mối quan hệ xung quanh. Hãy lắng nghe cảm xúc của chính mình để tìm về thiên nhiên kịp lúc!
-
Bài tập 2 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) thuyết minh về luật lệ của một trò chơi dân gian mà em hiểu rõ.
Trả lời:
– Xem lại phần hướng dẫn viết kiểu bài này trong SGK (tr. 91 – 95).
– Cần viết đoạn văn trên cơ sở hình dung cụ thể về trò chơi dân gian em đã từng tham gia hoặc chứng kiến (có thể tham khảo một số tài liệu cần thiết nhưng không được sao chép).
– Dù bài tập chỉ yêu cầu thuyết minh về luật lệ của một trò chơi dân gian nhưng đoạn văn nhất thiết phải có câu giới thiệu khái quát về trò chơi và câu nêu ý nghĩa của nó.
* Đoạn văn mẫu tham khảo:
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo. Trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt.
-
Bài tập 3 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) thuyết minh về một điều bắt buộc phải tuân thủ trong một hoạt động mang tính chất lễ tục nào đó mà em biết (qua trải nghiệm thực tế hoặc qua tìm hiểu các tài liệu liên quan).
Trả lời:
– Xem lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trong SGK (tr. 84 – 86) và đoạn trích nói về Lễ nghinh Ông ở bài tập 9 để hình dung được hướng triển khai đoạn văn.
– Để tìm ý, cần trả lời được các câu hỏi chính: Lễ tục có tên gọi là gì? Lễ tục được tiến hành khi nào, ở đâu, gồm những ai tham gia? Lễ tục có những điều bắt buộc nào? Điều bắt buộc mà em muốn trình bày kĩ là gì? Tại sao lại có sự bắt buộc đó trong lễ tục?
– Trọng tâm của đoạn văn là thuyết minh về một điều bắt buộc phải tuân thủ, vì vậy có thể nói lướt qua về những điều bắt buộc khác hoặc có thể viết một câu khái quát về phạm vi điều em sẽ thuyết minh ngay ở phần đầu đoạn văn.
* Đoạn văn mẫu tham khảo:
Trước đây (và cả bây giờ) người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ. Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà và cưới vợ) khi nhấn mạnh trong câu ca dao: “tậu trâu cưới vợ làm nhà…”. Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa có sáu lễ chính. Để tiến đến lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện những lễ chính sau: Lễ nạp tài: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Tóm lại các nghi lễ cưới theo văn hóa Việt Nam hiện nay đều tuân thủ các lễ như vậy, song ở các vùng miền khác nhau có sự thay đổi chút ít để phù hợp hơn nhưng mô hình chung không thể phá vỡ mô hình trên.
-
Nói và Nghe trang 36
-
Bài tập 1 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong vai người dẫn chương trình một cuộc thi được tổ chức tại trường em nhân ngày phát động Lối sống xanh, em hãy thuyết minh về thể lệ cuộc thi đó.
Trả lời:
– Đọc lại phần hướng dẫn nói và nghe trong SGK (tr. 95 – 97), nhớ lại những cách giới thiệu các cuộc thi mà em đã từng chứng kiến hoặc được xem qua một số kênh truyền hình.
– Cần chuẩn bị dàn ý bài nói với các thông tin: tên cuộc thi, ý nghĩa của cuộc thi, quy trình thi, cách tham gia cuộc thi, những điều bắt buộc phải tuân thủ, tiêu chí đánh giá, phần thưởng,…
– Cần tập nói (một mình hoặc theo nhóm) những nội dung đã chuẩn bị trong dàn ý. Chú ý cách xưng hô, ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể, các phương tiện hỗ trợ,…
* Bài nói mẫu tham khảo:
Thể lệ cuộc thi “Lối sống xanh”
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
– Tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của cộng đồng xã hội trong việc góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
– Ghi nhận, khen thưởng, phổ biến, nhân rộng và tiến tới áp dụng các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến độc đáo, mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
– Thu hút các tác phẩm sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình ảnh, truyền hình, ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin; đồng thời lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, mô hình, các phong trào, hoạt động cộng đồng vì môi trường.
– Thu hút sự quan tâm của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường thông qua các sáng kiến được ứng dụng hiệu quả, từ đó phổ biến qua kênh video của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường điện tử tương tác với mạng xã hội
– Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và gắn kết với các hoạt động cộng đồng xã hội thông qua tuyên truyền, truyền thông.
Điều 2. Đối tượng tham gia
Tác giả, nhóm tác giả (cá nhân từ 11 tuổi trở lên) đang sinh sống, làm việc việc tại Việt Nam. Công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, hoặc cá nhân là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Điều 3. Nội dung, chủ đề
Tập trung phản ánh những nội dung, thông điệp, sáng kiến, giải pháp, mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ngôn ngữ truyền hình.
Điều 4. Quy định định chung đối với tác phẩm, tác giả dự thi
– Quay phim, sản xuất video clip bằng máy quay phim, điện thoại di động có chức năng quay video, máy ảnh, máy tính bảng có chức năng quay video, …). Tác phẩm được định dạng: .avi, .mpeg, .mpg, .mkv, .wmv, .asf, .f1v, .3gp, .mp4.
– Thời lượng tác phẩm đảm bảo tối thiểu 02 phút và tối đa 07 phút.
Tác giả, nhóm tác giải gửi tác phẩm tham dự Cuộc thi gồm (01) một tác phẩm, nhưng tối đa không quá (03) ba tác phẩm.
– Tác phẩm dự thi phải do tác giả, nhóm tác giả tạo ra hoặc giữ bản quyền hợp pháp, đúng nội dung, chủ đề Ban Tổ chức đề ra. Tác giả, đại diện nhóm tác giả đăng ký dự thi; hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền và nội dung tác phẩm tham gia Cuộc thi.
– Nội dung, hình ảnh tác phẩm trong sáng, lành mạnh, phù hợp với văn hóa; tuân thủ quy định của pháp luật; không đưa các hình ảnh, nội dung thông tin ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức; không vì mục đích kinh doanh; không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
– Tác phẩm tham gia dự thi chưa được tham gia bất cứ Cuộc thi khác.
– Được sử dụng tiếng động gốc; hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, lời bình hoặc phụ đề cho ra tác phẩm. Hình ảnh phản ánh chân thực, khách quan; nội dung tường minh, chính xác. Thuyết minh và tài liệu tham khảo, minh dẫn không được làm sai lệch, biến dạng nội dung và ý nghĩa vốn có của hình ảnh gốc.
– Bản quyền sử dụng và quảng bá hình ảnh các tác phẩm tham gia Cuộc thi do Ban Tổ chức cuộc thi nắm giữ; không trả lại kể cả trường hợp không đoạt giải.
– Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm khiếu nại, tranh chấp về bản quyền hoặc quyền tác giả, tác phẩm và được quyền sử dụng tác phẩm video clip và ảnh phù hợp để phục vụ các hoạt động truyền thông phù hợp.
– Tác giả hoặc nhóm tác giả lưu giữ file hình ảnh gốc để đối chiếu trong trường họp video clip được lọt vòng tiếp theo hoặc
– Ban Tổ chức cuộc thi sẽ không xem xét, chấm và công nhận giải các trường hợp tác phẩm dự thi bị phát tán trước khi chuyển đến Ban Tổ chức.
– Trường hợp nhiều thành viên cùng thực hiện một tác phẩm, nếu đoạt giải thưởng Cuộc thi, thì trao cho đại diện của tập thể đó.
– Cuộc thi được phép huy động, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa đảm bảo theo quy định pháp luật.
Trong mọi trường hợp, quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng.
Điều 5. Hình thức gửi tác phẩm tham dự
Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm tham dự Cuộc thi theo hình thức đĩa CD hoặc DVD tác phẩm và file mềm qua địa chỉ email của trường.
Tác phẩm dự thi phải ghi đầy đủ thông tin: Tên tác phẩm, tên tác giả, nhóm tác giả, thông tin để liên hệ tác giả, điện thoại, email).
Tác phẩm dự thi được xây dựng do nhiều cá nhân tham gia phải ghi rõ số lượng, tên, địa chỉ các cá nhân tham gia. Tác phẩm được trao cho đại diện cho nhóm tác giả.
Điều 6. Thời gian
– Hình ảnh, nội dung thông tin để thiết kế, dàn dựng, biên tập trong tác phẩm dự thi được sử dụng tính từ thời điểm ngày 01 tháng 1 năm 2022 đến kết thúc 30 tháng 6 năm 2022.
– Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Đến hết ngày 15 tháng 7 năm 2022 (tính theo dấu bưu điện hoặc xác nhận thông tin trên hồ sơ điện tử).
– Không xét tác phẩm không phù hợp quy định và gửi sau thời hạn nêu trên.
– Dự kiến tổng kết trao giải: Nhân dịp hưởng ứng Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 – 2022) hoặc sự kiện tài nguyên và môi trường phù hợp.
Điều 7. Cơ cấu giải thưởng
1. Số lượng:
Tổng số: 20 Giải thưởng
2. Cơ cấu Giải thưởng
– 01 Giải đặc biệt: 15.000.000 đồng
– 01 giải Nhất: 10.000.000 đồng
– 03 giải Nhì: 5.000.000 đồng
– 05 giải Ba: 3.000.000 đồng
– 10 giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng
Ngoài tiền thưởng quy định tại Thể lệ này, tác giả, nhóm tác giả đoạt giải được trao Biểu trưng, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức hoặc hiện vật khác phù hợp.
Căn cứ số lượng, chất lượng và chất lượng chuyên môn đối với tác phẩm tham dự, Ban Tổ chức xem xét thống nhất tăng hoặc giảm cơ cấu giải thưởng; hoăc phần thưởng phù hợp khác.
Điều 9. Hội đồng sơ khảo, Hội đồng Giám khảo, Thường trực tổ chức Cuộc thi
1. Hội đồng sơ khảo:
Hội đồng sơ khảo do Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng, gồm không quá (05) thành viên, gồm đại diện Lãnh đạo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, các thành viên khác gồm đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
2. Hội đồng chung khảo:
Hội đồng chung khảo do Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập, gồm không quá (05) thành viên; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện cơ quan chuyên môn Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng chung khảo.
3. Thường trực Cuộc thi
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi.
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường ban hành tổ chức Cuộc thi kèm theo Thể lệ; Quy chế làm việc của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo và tiêu chí đánh giá tác phẩm dự thi; phương thức xét tác phẩm dự thi; cử bộ phận chuyên môn giúp Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo; tổng hợp kết quả và thực hiện các nhiệm vụ liên quan tổ chức Cuộc thi.
-
Bài tập 2 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Giả định em là người đăng kí phát biểu ý kiến trong một cuộc hội thảo về Lối sống xanh. Hãy chuẩn bị nội dung bài nói và tập thể hiện bài nói đó.
Trả lời:
– Xem lại văn bản “Thân thiện với môi trường” trong SGK (tr. 98 – 100), hai đoạn trích ở các bài tập 7, 8 để lựa chọn những ý có thể sử dụng, tham khảo. Ngoài ra, có thể tìm đọc một số tài liệu khác có nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo.
– Nội dung bài nói có thể đề cập những vấn đề chung trên cơ sở trả lời một số câu hỏi như: Thế nào là lối sống xanh? Nguyên nhân nảy sinh trào lưu sống xanh là gì? Lối sống xanh có những biểu hiện cụ thể nào? Mỗi người có thể làm gì để thực hiện lối sống xanh?…
– Hoàn toàn có thể phát biểu về một khía cạnh cụ thể của việc thực hiện lối sống xanh như: tiêu dùng thông minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm bớt rác thải nhựa,…
* Bài nói mẫu tham khảo:
Lối sống “xanh” đã có từ lâu trong ý thức và thói quen của người dân các nước phát triển trên thế giới. Họ coi việc xây dựng, phát triển nếp sống này là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhiều nước đã đưa ra những điều khoản cụ thể trong bảo vệ, cải tạo môi trường, quy định về lối sống, hành vi của người dân trong luật để quản lý, điều hành và xử lý các vi phạm. Họ còn xây dựng các chương trình giáo dục trong hệ thống trường học để tuyên truyền, giáo dục công dân trẻ có ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống “xanh”.
Ở nước ta, lối sống “xanh” đang dần trở thành xu hướng sống hiện đại, văn minh lịch sự. Tại các địa phương, nhất là ở đô thị, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và trường học đã tích cực tuyên truyền, vận động tới người dân lối sống lành mạnh, có ý thức bảo vệ và cải tạo môi trường sống. Có thể kể đến các hoạt động rất phổ biến như: Không xả rác bừa bãi; tiết kiệm điện nước; chăm sóc và bảo vệ cây xanh; buôn bán và sử dụng thực phẩm an toàn; có ý thức vệ sinh nơi ở, làm việc và nơi công cộng; ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường; tích cực vận động, rèn luyện thể chất và tinh thần, tạo không gian xanh tươi nơi mình sinh sống… Những việc làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường xung quanh.
Song, hiện nay, môi trường sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi quá nhiều hoạt động gây ô nhiễm như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước hay vấn đề thực phẩm không an toàn… đang tác động không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của mỗi người. Ngoài những lý do khách quan đem lại thì ý thức kém của không ít người dân đã làm cho môi trường sống của chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể.
Trên thực tế, không gian học tập, công tác và làm việc tác động rất lớn đến tâm trạng và sức khỏe của mỗi người. Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, sự tiện nghi và cảnh quan môi trường trong lành sẽ trở thành không gian để chúng ta tận hưởng cuộc sống, mang đến sự thư giãn, thoải mái, từ đó mỗi người có cơ hội nạp lại năng lượng sau những giờ phút lao động, học tập căng thẳng. Ở môi trường sống an toàn, sạch đẹp, thoáng mát sẽ tạo cho mỗi chúng ta thêm nguồn hứng khởi, kích thích sự năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, làm cho cuộc sống thêm thi vị.
Sống “xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên; là lối sống mà con người giảm thiểu tối đa phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng cạn kiệt tài nguyên. Khi môi trường sống tự nhiên ngày càng biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, giải pháp sống “xanh” bắt đầu được cả xã hội quan tâm thực hiện và lan tỏa. Trong sinh hoạt hàng ngày, có lẽ không cần ôm đồm làm nhiều việc, mỗi người hãy làm tốt một vài việc đơn giản cũng đã góp phần tạo dựng lối sống “xanh”. Ví dụ như thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần; không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; tắt bớt điện; hạn chế nước… đã có thể giúp cho cuộc sống “xanh” hơn. Hay trong ăn uống, dùng sản phẩm được sản xuất theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; tự trồng rau xanh tận dụng không gian trong gia đình hay ủ phân bón từ thức ăn thừa… cũng đã là sống “xanh” rồi. Những ý tưởng tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cộng đồng cùng chung tay, mọi người cùng hành động, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không hề nhỏ.
Sống “xanh” giờ đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà là vấn đề của cả cộng đồng. Sống “xanh” có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện tại của xã hội mà không phải hy sinh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống hay tài nguyên của thế hệ tương lai. Xu hướng sống “xanh” không thể có trong một sớm một chiều mà phải “mưa dầm thấm lâu”. Đừng đổ lỗi cho khách quan mà hãy hướng đến rèn luyện ý thức, hành vi của mỗi người khi hòa mình vào cộng đồng xã hội; đừng vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị cốt lõi bên trong của mỗi hành động, việc làm.
Có lẽ, chẳng có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là thay đổi ý thức, lối sống. Hãy cùng nhau xây dựng lối sống “xanh” trở thành phong trào thi đua sôi nổi, trở thành ý thức tự giác trong mỗi người, để xã hội của chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại và có một môi trường sống lý tưởng. Nếu chúng ta không biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống trong lành cho mình thì chính chúng ta sẽ là những người thua cuộc. Hãy chung tay vì một lối sống “xanh”!
-
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 7: Thế giới viễn tưởng
Bài 8: Trải nghiệm để trưởng thành
Bài 9: Hoà điệu với tự nhiên
Bài 10: Trang sách và cuộc sống
Ôn tập học kì 2
-