Giải SBT Ngữ văn lớp 7 Bài 10: Lắng nghe trái tim mình
Câu 1 trang 72 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy đọc lại bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai trong SGK và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Chỉ ra những đặc điểm về vần và nhịp trong bài thơ.
b. Tìm những từ ngữ có ý nghĩa trái ngược nhau được sử dụng trong văn bản. Những từ ngữ trái nghĩa ấy gắn liền với việc khắc họa những hình ảnh nào? Lí giải ý nghĩa của việc khắc họa song hành những hình ảnh ấy trong văn bản.
c. Những hình ảnh như: “Cau ngày càng cao”, “Mẹ ngày một thấp”, “Cau gần với giời”, “Mẹ thì gần đất” gợi cho em liên tưởng đến điều gì? Việc sử dụng những hình ảnh ấy góp phần thể hiện tình cảm gì của nhà thơ?
d. Trong khổ thơ sau, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào và tác dụng của chúng là gì? Nhận xét về cách sử dụng từ “nâng” và “cầm” trong khổ thơ:
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
Trả lời:
a. Chỉ ra những đặc điểm về vần và nhịp trong bài thơ.
– Vần: sử dụng vần chân theo kiểu vần cách. Hai câu cách nhau cùng một vần bằng hoặc trắc.
– Nhịp: cách ngắt nhịp linh hoạt 2/2, 1/3 nhịp nhàng trong toàn bộ bài thơ.
– Nhận xét: Vần và nhịp góp phần tạo nên âm điệu tha thiết của bài thơ, góp phần diễn tả tâm trạng, tình cảm của tác giả.
b. Những từ ngữ có ý nghĩa trái ngược nhau được sử dụng trong văn bản: còng – thẳng, xanh rờn – bạc trắng, cao – thấp.
Những từ ngữ trái nghĩa ấy gắn liền với việc khắc họa hình ảnh mẹ già và cau xanh. Việc khắc họa song hành những hình ảnh ấy trong văn bản làm nổi bật sự tương phản và qua đó giúp người đọc thấy rõ hơn mẹ ngày càng già đi, yếu đi.
c. Những hình ảnh như: “Cau ngày càng cao”, “Mẹ ngày một thấp”, “Cau gần với giời”, “Mẹ thì gần đất” gợi sự tương phản: cau ngày một lớn, một cao thì mẹ ngày một già, lưng mẹ ngày một còng hơn, thấp hơn. Việc sử dụng những hình ảnh ấy góp phần thể hiện tình cảm yêu thương của nhà thơ dành cho mẹ. Vì có yêu thương mẹ, lo lắng cho mẹ thì mới quan sát, thấy được những thay đổi mà thời gian ghi dấu trên tấm lưng mẹ, thấy được lưng mẹ ngày một còng thêm.
d. Trong khổ thơ này, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “Khô gầy như mẹ”. Việc sử dụng biện pháp tu từ này làm nổi bật hình ảnh mẹ ngày một già đi, gầy hơn, yếu hơn. Cách sử dụng từ “nâng” và “cầm” trong khổ thơ đã thể hiện được tình cảm của tác giả dành cho mẹ: nâng niu, yêu thương, không ngăn được xúc động khi thấy mẹ ngày càng già, yếu đi như vậy.
Câu 2 trang 72 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:
Khát vọng
Xuân Quỳnh
Ngày còn bé ta mơ trăng tháng Tám
Giữa đêm rằm bày cỗ, vui chơi
Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát
Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!
Chỉ thế thôi ư? Ta còn mơ ước
Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời
Những vần thơ cùng du hành vũ trụ
Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng
Biết bai rồi, ta lại muốn bay cao.
(In trong Tơ tằm – Chổi biếc, NXB Văn học, Hà Nội, 1963)
a. Bài thơ thể hiện những mơ ước gì của nhân vật xưng “ta”? Hãy chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện mơ ước ấy.
b. Nhận xét nét độc đáo của các hình ảnh trong câu thơ.
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
c. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối. Theo em, việc sử dụng biện pháp tu từ ấy có tác dụng gì trong việc biểu lộ khát vọng của nhân vật xưng “ta”?
d. tác giả đã bộc lộ những tình cảm, cảm xúc gì qua bài thơ? Em cảm nhận như thế nào về những tình cảm, cảm xúc ấy?
đ. Ở ba khổ thơ đầu, tác giả sử dụng từ “mơ ước” hoặc “ước mơ”, nhưng ở khổ thơ cuối lại dùng từ “khát vọng”. Theo em, sự thay đổi này có dụng ý gì?
e. Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì? Thông điệp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Trả lời:
a. Cách nhận biết mơ ước của nhân vật xưng “ta” đầu tiên em cần xác định những từ ngữ, hình ảnh thể hiện mơ ước ấy, chẳng hạn như:
– Từ ngữ: bày cỗ, vui chơi, rước đèn, múa hát, ca ngợi cuộc đời, du hành, bay cao.
– Hình ảnh: mơ trăng tháng Tám, trải tâm tư dưới trời trăng sáng, vần thơ cùng du hành vũ trụ, sưởi ấm vừng trăng lạnh, cập bến các vì sao, …
Từ những từ ngữ, hình ảnh tìm được, em có thể khái quát hóa để nhận ra ước mơ của nhân vật xưng “ta”: được vui chơi trăng rằm tháng Tám, có một tình yêu đẹp, trở thành nhà thơ để ca ngợi cuộc đời.
b. Cách nhận xét nét độc đáo của các hình ảnh trong câu thơ:
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
– Các hình ảnh trong câu thơ: thơ ta lên trăng, theo những con tàu cập bến các vì sao.
– Nét độc đáo:
+ Hình ảnh thơ ấn tượng, thi vị bởi chúng gợi ra không gian vũ trụ kì vĩ, lãng mạn.
+ Có tác dụng làm nổi bật khát vọng bay bổng, lãng mạn của nhân vật xưng “ta”.
c. Cách xác định và nêu tác dụng biểu đạt của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối.
Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp
Theo những con tàu cập bến các vì sao
Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng
Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao.
– Biện pháp tu từ: so sánh
– Tác dụng: cách so sánh khát vọng của lòng ta với hình ảnh “thơ ta còn bay khắp”, “theo những con tàu cập bến các vì sao” làm cho khát vọng của nhân vật xưng “ta” gợi hình, gợi cảm, sống động, sâu sắc hơn.
d. Em cần nêu những điều em cảm nhận được về tình cảm, cảm xúc của tác giả và chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh, cách trình bày cụ thể trong bài thơ khiến em cảm nhận được tình cảm, cảm xúc đó.
đ. Ở ba khổ thơ đầu, tác giả dùng từ “mơ ước” hoặc “ước mơ”, ở khổ thơ cuối, dùng từ “khát vọng”. Dụng ý của sự thay đổi này là cho thấy sự trưởng thành trong nhận thức của nhân vật xưng “ta” theo thời gian: từ mơ ước đơn giản được vui chơi đêm rằm tháng Tám đến ước vọng tình yêu ở tuổi mới lớn và khát vọng cháy bỏng trở thành thi sĩ để ca ngợi cuộc đời, bay cao, bay xa vào tương lai tươi đẹp.
e. Cách xác định thông điệp của tác giả: em cần đọc lại toàn bộ bài thơ; chú ý những từ ngữ, hình ảnh thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân vật xưng “ta” và tình cảm, cảm xúc của tác giả. Em cũng cần liên hệ với kiến thức và trải nghiệm của chính mình để trả lời câu hỏi thông điệp của tác giả có ý nghĩa thế nào đối với em.
Câu 3 trang 74 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:
Chợ tết
Đoàn Văn Cừ
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghê người khách nói bô bô
Anh hàng tranh kiux kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lí bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.
Lũ trẻ ccon mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượu,
Cạnh anh chàng bán pháp dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa con pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thể đến gần đêm
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh
Những người quê lũ lượt trở ra về
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
(Đoàn Văn Cừ toàn tập, NXB Hội nhà văn, 2013)
a. Bức tranh thiên nhiên ở khổ thứ nhất được miêu tả có gì độc đáo? Nét độc đáo ấy thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ nào?
Khổ |
Từ ngữ |
Hình ảnh |
Biện pháp tu từ |
1 |
|
|
|
Nhận xét nét độc đáo: ……………………………………………………………………… ………………………………………………………….. ……………………………………………………………… ……………………………………………………………… |
b. Nhận xét nét độc đáo của từ ngữ, hình ảnh trong các câu thơ sau:
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
c. Em nhận xét như thế nào về vần và nhịp của bài thơ?
d. Cho biết chủ đề của bài thơ
Trả lời:
a. Cách nhận xét nét độc đáo của khổ thơ thứ nhất:
– Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ được sử dụng để miêu tả bức tranh thiên nhiên
– Nhận xét tác dụng của những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ ấy trong việc tạo ra nét độc đáo của khổ thơ.
Khổ |
Từ ngữ |
Hình ảnh |
Biện pháp tu từ |
1 |
Đỏ dần, trắng, hồng, lam, ôm ấp, viền, rỏ, nháy, … |
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh; sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa; tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa; đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh; … |
So sánh (sương trắng – giọt sữa); nhân hóa (tia nắng nháy, núi uốn mình, đồi thoa son); ẩn dụ (chiếc áo the xanh). |
Nhận xét nét độc đáo: Khung cảnh thiên nhiên làng quê lúc bình minh và con đường đi chợ Tết được miêu tả bằng những từ láy đặc sắc; hình ảnh vui tươi, trong sáng với bốn màu được phối sắc hài hòa: trắng, đỏ, hồng, lam; các biện pháp tu từ được sử dụng khéo léo, làm nổi bật vẻ sống động của cảnh vật và sự tươi tắn của con người. |
b. Cách nhận xét nét độc đáo của từ ngữ, hình ảnh trong các câu thơ:
– Từ ngữ: kĩu kịt, hí hoáy, nước thời gian, phau phau, …
– Hình ảnh: anh chàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ; thầy khóa gò lưng trên cánh phản, tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân; cụ đồ nho vuốt râu cằm, nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ; bà lão tóc trắng phau phau bán hàng bên miếu cổ.
– Nét độc đáo: mỗi nhân vật được miêu tả gắn với hoạt động liên quan đến nghề nghiệp, có dáng vẻ riêng, ví dụ như bức chân dung bầ lão bán hàng bên miếu cổ được khắc tạc bằng lời như một bức vẽ truyền thần; sử dụng từ láy đặc sắc và cách dùng từ độc đáo (nước thời gian) để miêu tả cảnh họp chợ tết nhộn nhịp đông vui, là nét đẹp của nền văn hóa lâu đời, đậm đà, ý vị.
c. Cách nhận xét vần và nhịp của bài thơ
– Vần: sử dụng vần chân, hai câu đi liền nhau một vần; vần bằng, vần trắc nối tiếp luân chuyển.
– Nhịp: cách ngắt nhịp linh hoạt 3/5, 3/2/3 nhịp nhàng trong toàn bộ bài thơ tạo nhịp điệu lúc chậm rãi, lúc sôi động ở buổi chợ tết điển hình của làng quê Việt Nam.
– Nhận xét: Vần vầ nhịp góp phần tạo nên âm điệu đa dạng của bài thơ: sôi động, náo nhiệt, rộn rã của cảnh bình minh và hoạt động chợ tết; trầm buồn, tiếc nuối khi chợ đã tan.
d. Cách xác định chủ đề của bài thơ
– Chủ đề là vấn đề chính mà văn bản nêu lên quâ một hiện tượng đời sống. Bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ là bức tranh làng quê rực rỡ sắc màu, vui tươi, sinh động, mang vẻ đẹp văn hóa dân tộc cuar một thời quá vãng.
Câu 1 trang 76 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Ngữ cảnh của một từ là gì? Ngữ cảnh có vai trò thế nào trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe?
Trả lời:
– Ngữ cảnh của một từ là những yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ xung quanh nó. Như vậy, ngữ cảnh có thể là một tình huống, một đoạn văn, một câu, một cụm từ và cũng có thể là một từ.
– Ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe.
Câu 2 trang 76 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi gặp một từ không biết nghĩa, chúng ta có thể dựa vào đâu để xác định nghĩa của từ? Cho ví dụ.
Trả lời:
– Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ.
– Khi xác định nghĩa của từ, cần phải lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường (nghĩa có trong từ điển) hay được dùng với nghĩa khác.
– Ví dụ:
Em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa
Trời tối trên đầu hè. Nửa vầng trăng non.
(Vũ Quần Phương, Đợi mẹ)
+ Từ “non” để chỉ sự mới, mới mọc, mới nhú được một phần của vầng trăng. Trăng non là vầng trăng đầu tháng chưa tròn, còn khuyết.
+ Dựa vào từ “nửa vầng trăng” để xác định nghĩa của từ “non”.
Câu 3 trang 76 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn thơ sau:
Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ,
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt
(Xuân tâm, Nghỉ hè)
Sự xuất hiện của từ “phượng” bên cạnh từ “huyết” trong đoạn thơ trên làm thay đổi cách hiểu thông thường về từ “huyết” không? Xác định nghĩa của từ “huyết” trong đoạn thơ trên.
Trả lời:
Sự xuất hiện của từ “phượng” bên cạnh từ “huyết” đã làm thay đổi cách hiểu thông thường về từ “huyết” (máu). Trong đoạn thơ này, “huyết” không được dùng với nghĩa “máu” mà dùng để chỉ mầu đỏ rực của hoa phượng.
Câu 4 trang 76 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn thơ sau:
Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát
Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo.
(Anh Ngọc, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi)
a. xác định nghĩa của từ “ca hát” trong đoạn thơ trên.
b. Dựa vào đâu em xác định được nghĩa ấy của từ?
Trả lời:
a. Từ “ca hát” (xuất hiện sau cụm từ “trái tim mình”) trong đoạn thơ được dùng để chỉ trạng thái tinh thần vui sướng.
b. Căn cứ để xác định được nghĩa của từ “ca hát” là ngữ cảnh xung quanh, đặc biệt là từ “trái tim” đi cùng với động từ “ca hát”.
Câu 5 trang 77 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn thơ sau:
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!
(Xuân Quỳnh, Khát vọng)
a. Dựa vào ngữ cảnh, hãy xác định nghĩa của từ “cháy bỏng”.
b. Đặt một câu có từ “cháy bỏng” được dùng với nghĩa trên.
Trả lời:
a. Từ “cháy bỏng” (đi cùng từ “ước mơ”) được dùng để chỉ ý “mãnh liệt”.
b. Lan có một ước mơ cháy bỏng là làm giáo viên vùng cao để dạy học cho các em nhỏ còn gặp nhiều khó khăn.
Câu 6 trang 77 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn thơ sau:
Em bé nhìn đóm bay, chờ tiếng bàn chân mẹ
Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa
Trời về khuya lung linh trắng
Vườn hoa mận trắng
Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ.
(Vũ Quần Phương, Đợi mẹ)
a. Mẹ đã bế ai vào nhà? Vì sao em biết?
b. Em có nhận xét gì về cách viết câu thơ cuối trong đoạn thơ trên?
Trả lời:
a. Dù tác giả viết mẹ bế vào nhà “nỗi đợi vẫn nằm mơ” nhưng chúng ta hiểu mẹ đã bế em bé đang mơ ngủ vào nhà. Ngữ cảnh của đoạn thơ với các câu mô tả em bé đang chờ mẹ trong đêm cho phép ta hiểu như vậy.
b. Câu thơ “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ” diễn tả một cách hình tượng. độc đáo, làm rõ tình yêu mẹ của bé (chờ đợi đến ngủ quên ngoài đầu hè) cũng như tình yêu bé của mẹ (âm yếm, thương yêu). Hình ảnh ví bé như “nỗi đợi vẫn nằm mơ” là một cách nói rất độc đáo, thi vị.
Câu 1 trang 77 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Một bài văn biểu cảm về con người cần đạt những yêu cầu nào?
Trả lời:
Một bài văn biểu cảm về con người cần đạt những yêu cầu:
+ Tình cảm phải chân thực, trong sáng.
+ Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.
+ Kết hợp biểu cảm với miêu tả, tự sự.
+ Bố cục gồm 3 phần.
Câu 2 trang 77 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Mỗi người chúng ta ai cũng có những người mà mình yêu quý. Em hãy viết một bài văn thể hiện tình cảm của mình với một người mà em yêu quý nhất. Chú ý các yêu cầu về bài văn mà em đã trình bày trong câu 1.
Trả lời:
Để viết bài văn này, em hãy xem lại mục Hướng dẫn quy trình viết (SGK) và lần lượt thực hiện từng bước theo quy trình, gồm: Chuẩn bị trước khi viết; Tìm ý, lập dàn ý; Viết bài; Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
Trước khi viết, em hãy xác định:
– Đề tài: Người mà em yêu quý nhất là ai? Vì sao em lại chọn người ấy?
– Mục đích viết: Em viết bài này nhằm mục đích gì? (bộc lộ cảm xúc, tâm sự, …)
– Người đọc: Người đọc bài viết này có thể là ai? (thầy cô, bạn bè, người thân, chính người được viết đến, ..)
– Nội dung và cách viết dự kiến: Em sẽ trình bày những nội dung gì? (Em sẽ bộc lộ cảm xúc gì? Em sẽ miêu tả những gì về nhân vật? Em sẽ kể lại kỉ niệm gì với nhân vật?) Em sẽ lựa chọn cách viết như thế nào? (Em sẽ bộc lộ cảm xúc bằng cách nào? Em sẽ kết hợp với yếu tố tự sự và miêu tả như thế nào khi bộc lộ cảm xúc?)
– Em sẽ thu thập tư liệu cho bài viết bằng cách nào? (quan sát để tìm tư liệu miêu tả, phỏng vấn để tìm tư liệu tự sự, hồi tưởng kỉ niệm để nhận diện các cảm xúc của bản thân, ..)
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
Em có thể tìm ý bằng cách điền vào bảng sau:
Tình cảm, cảm xúc về nhân vật |
Một số yếu tố miêu tả, tự sự |
||
Từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc |
Cchi tiết lí giải tình cảm, cảm xúc |
Yếu tố miêu tả |
Yếu tố tự sự |
Ví dụ: Tôi vô cùng vui sướng |
Vì được cô giáo khen kết quả học kì II tiến bộ hơn so với học kì I |
– Người đó có gì đặc biệt về hình dáng? – Tính cách nào của người đó khiến em ấn tượng? – Hành động nào của người đó đã khơi gợi cảm xúc cho em? |
– Người đó và em có kỉ niệm gì sâu sắc? – Cuộc đời của người đó có điều gì đặc sắc để kể không? |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
… |
Lập dàn ý
Em có thể tham khảo trình tự sắp xếp các ý trong SGK (bài 10, tập 2)
Bước 3: Viết bài
Trước khi viết bài, em cần đọc lại những lưu ý trong SGK (bài 10, tập 2). Trong khi viết bài, em cần đối chiếu với bảng kiểm bài văn biểu cảm về con người được giới thiệu trong SGK để đảm bảo bài viết sẽ đáp ứng các yêu cầu về kiểu bài.
Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm
Sau khi viết xong, em hãy dùng bảng kiểm bài văn biểu cảm về con người được giới thiệu trong SGK để tự kiểm tra lại xem bài viết của mình đã đạt các yêu cầu chưa. Nếu chưa, em hãy chỉnh lại những chỗ chưa đạt.
Em có thể sử dụng hai câu hỏi gợi ý ở mục Rút kinh nghiệm để tự đánh giá những gì mình đã học được sau khi thuwcjc hiện bài viết này. Sau đây là một cách ghi chép kinh nghiệm.
Bí quyết viết bài văn biểu cảm về con người |
|
1 |
Cách bộc lộ tình cảm, cảm xúc sâu sắc, chân thành: …………………………………………………. |
2 |
Cách kết hợp các chi tiết miêu tả hiệu quả khi bộc lộ cảm xúc: …………………………………………………… |
3 |
Cách kết hợp các chi tiết tự sự hiệu quả khi bộc lộ cảm xúc: …………………………………………………. |
* Bài viết mẫu tham khảo:
“Sinh con cơ cực lầm than.
Nuôi con khôn lớn, gian nan bội phần.
Mẹ luôn chu đáo ân cần.
Nhịn ăn nhịn mặc để phần cho con”.
Trong cả cuộc đời của mình, mẹ luôn là người bên cạnh, chăm sóc, nuôi dưỡng em nên người. Chính vì vậy, tôi rất yêu thương mẹ của mình. Mẹ vừa là mẹ, vừa như một người bạn để tôi giãi bày mọi chuyện.
Trước đây, khi tôi đang tuổi mới lớn, tâm trạng thường bất ổn nên tôi thường sống khép mình lại, không muốn chia sẻ với ai cả. Mẹ luôn dặn dò tôi mọi thứ và tôi cảm thấy điều đó rất phiền, tôi không cảm thấy vui vẻ chút nào.
Nhưng sau đó một khoảng thời gian, tôi đã thay đổi thái độ với mẹ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm đó, cũng như bao buổi chiều khác tôi đang mê man ngủ. Hình như do buổi đi chơi hôm qua tôi đã bị sốt. Mê man trong cơn sốt tôi thấy hình bóng một người phụ nữ hết đứng lại ngồi, đắp khăn, bón thuốc cho tôi uống. Thì ra đó chính là mẹ tôi. Nửa đêm tỉnh dậy tôi thấy mẹ ngồi gục trên giường nhưng khi tôi vừa tỉnh mẹ liền bật dậy hỏi xem tôi có chỗ nào không ổn không. Mẹ ôm tôi vào lòng và thủ thỉ, mẹ nói mẹ cảm thấy tôi và mẹ có khoảng cách gì đó. Mẹ mong muốn tôi và mẹ sẽ tâm sự với nhau nhiều hơn, mẹ muốn lắng nghe những tâm sự của tôi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tôi như những người bạn. Lúc đó tôi chợt nhận ra, vì sao mình luôn vui vẻ với người ngoài nhưng đối với mẹ-người mình cần yêu thương- mình lại luôn tỏ ra cau có, khó chịu trong khi những điều mẹ nói, mẹ làm đều vì muốn tốt cho chúng ta mà thôi.
Sau hôm ấy, tôi và mẹ tâm sự nhiều hơn, tôi chia sẻ cho mẹ nghe những chuyện xảy ra trên lớp, những mối quan hệ bạn bè của tôi. Thỉnh thoảng hai mẹ con còn rủ nhau đi chơi, chụp ảnh. Mẹ còn dạy tôi học bài, luôn động viên tôi cố gắng trong học tập.
Cho đến bây giờ, tôi mới thấm thía sâu sắc tình mẫu tử ruột thịt. Nhờ có mẹ mà tôi cảm thấy được yêu thương, bảo vệ. Tôi muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”.
Câu 1 trang 77 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Để có thể trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống một cách thuyết phục, chúng ta cần chú ý những gì?
Trả lời:
Để có thể trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống một cách thuyết phục, chúng ta cần chú ý:
+ Mục đích nói là gì?
+ Người nghe có thể là ai?
+ Nội dung và cách nói như thế nào?
Câu 2 trang 78 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt nhóm bàn về vấn đề thần tượng đối với giới trẻ hiện nay, em sẽ chuẩn bị như thế nào? Hãy chuẩn bị cho phần trình bày của mình với những lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, đồng thời chuẩn bị cách bảo vệ ý kiến của mình trước sự phản bác của người nghe.
Trả lời:
Để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt nhóm bàn về vấn đề thần tượng đối với giới trẻ hiện nay, em sẽ làm những việc gì? Hãy chuẩn bị cho phần trình bày của mình với những lí lẽ vầ bằng chứng thuyết phục, đồng thời dự kiến cách bảo vệ ý kiến của mình trước sự phản bác của người nghe.
Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói
Hãy suy nghĩ xem với người nghe và mục đích của buổi sinh hoạt như vậy thì mình nên lựa chọn nói gì và nói như thế nào, em có bao nhiêu thời gian để nói, …
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
– Để tìm ý cho bài trình bày, em có thể trả lời những câu hỏi sau:
+ Thần tượng là gì?
+ Ý nghĩa, vai trò của thần tượng?
+ Nên có cách ứng xử với thần tượng sao cho đúng?
– Dựa trên các ý đã tìm, em hãy vẽ sơ đồ dàn ý, trong đó chú ý làm rõ từng luận điểm bằng những lí lẽ và bằng chứng cụ thể, tiêu biểu và xác thực từ cuộc sống, từ sách báo, …
Bước 3: Luyện tập và trình bày
Hãy xem lại các hướng dẫn ở bài 6 SGK về cách mở đầu, kết thúc, cách lựa chọn từ ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ (biểu cảm của nét mặt, động tác hình thể, tranh ảnh, clip, bản nhạc, …) khi luyện tập. Em cũng cần lưu ý cách để làm tăng sự tương tác với người nghe như: nhìn vào mắt người nghe khi nói, nêu câu hỏi cho người nghe. Đồng thời, em thử tự đặt ra một số câu hỏi phản biện mà người nghe có thể đặt ra khi nghe bài trình bày của em và thử trả lời những câu hỏi đó một cách thuyết phục.
Bước 4: Đánh giá
Sử dụng Bảng kiểm trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống ở bài 6, SGK để tự đánh giá cách trình bày của mình. Sau đó, dựa vào kết quả của bảng kiểm, em hãy tự nhận xét những ưu điểm và hạn chế của bản thân khi trình bày bài nói trên và thử đề xuất cách để khắc phục những điểm hạn chế (nếu có).
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn!
Mọi người thân mến! Nhắc đến văn hóa thần tượng, hầu hết mọi người đều có suy nghĩ tiêu cực về những hình ảnh gào khóc, ăn ngủ ngoài đường đợi chờ thần tượng của các bạn trẻ hiện nay. Vậy rốt cục, thần tượng làm xấu đi bản chất của người hâm mộ, hay việc hâm mộ thần tượng tới mức điên cuồng, vượt ngoài tầm kiểm soát của một số các bạn trẻ hiện nay đang làm xấu đi hình ảnh văn hóa thần tượng trong mắt công chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con mắc chứng “cuồng thần tượng”.
Thần tượng là từ ngữ được dùng để thể hiện sự yêu thích, quý trọng những người nổi tiếng, tài năng trong một lĩnh vực nghệ thuật như phim ảnh, ca nhạc, nhiếp ảnh, thời trang,… Họ thường là những cá nhân được đào tạo bài bản trong khoảng thời gian dài để hoàn thiện kĩ năng. Có thể nói, thần tượng là hình mẫu lý tưởng của đại bộ phận giới trẻ cả về danh tiếng, nhan sắc, tiền tài, sự nghiệp. Chính vì vậy, thần tượng thường có xu hướng bị “thần thánh hóa”, dẫn đến sự “cuồng” một cách quá đà, mất kiểm soát. Các bạn trẻ yêu thích và tôn thờ thần tượng quá khích, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc cho cả cá nhân và cộng đồng.
Hiện tượng cuồng thần tượng đã và đang vô cùng phổ biến trong xã hội. Cách đây mười năm, khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một” đã gây rúng động xã hội, tạo ra làn sóng phản đối vô cùng gay gắt. Ngay cả bây giờ, những bài báo với tiêu đề như “Fan cuồng mắng bố mẹ vì không cho tiền mua vé xem Sơn Tùng diễn”, “Giới trẻ phát cuồng vì thần tượng: Tình yêu hay khủng hoảng” trên những trang thông tin điện tử đáng tin cậy vẫn thu hút số lượng lớn người quan tâm. Các bạn trẻ có xu hướng “bắt chước” thần tượng về lối sống, cách ăn mặc, quần áo, phong cách vì với họ, thần tượng chính là hình mẫu tiêu chuẩn, hội tụ tất cả những tinh hoa đáng quý. Hay cảnh tượng nhóm bạn trẻ ăn nằm ở sân bay, trên tay là những tấm băng rôn, áp phích in hình thần tượng để chờ đón các nghệ sĩ sang lưu diễn cũng bị đánh giá là rảnh rỗi, điên rồ, mất thời gian, Tệ hại hơn, từ cuồng thần tượng dẫn tới sính ngoại, các bạn trẻ học rất nhanh những câu nói được cho là “ngầu”, sành điệu từ thần tượng và áp dụng trực tiếp vào cuộc sống. Chẳng hay ho gì khi sống ở Việt Nam nhưng một câu tiếng Việt hoàn chỉnh cũng không nói được, buộc phải thêm những từ tiếng Hàn, tiếng Anh sao cho thật chất chơi và phong cách thì mới là hợp thời, đón đầu xu hướng.
Không phủ nhận việc thần tượng một cá nhân hay một tập thể nào đó khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Khi có thần tượng, chúng ta sẽ có mục tiêu phấn đấu, lấy thần tượng làm đích đến để chăm chỉ làm việc, nâng cao hiểu biết và kĩ năng, lấy đó làm động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, việc cuồng thần tượng hoàn toàn không mang lợi ích lợi cho bất kì ai. Đe dọa giết cha mẹ, bỏ nhà ra đi vì không được cho phép đi gặp thần tượng, đó là biểu hiện của suy đồi đạo đức và lối sống. Sẵn sàng bán máu, bán thận để có tiền đi xem thần tượng, đó là liều lĩnh, nguy hiểm, ấu trĩ. Ăn mặc, trang phục lòe loẹt quá đà, cắt những kiểu tóc lố lăng, kệch cỡm đến những nơi như trường học, bệnh viện, đó không phải thể hiện cá tính thời trang mà là sự thiếu tôn trọng người đối diện và thiếu tôn trọng chính bản thân mình. Đương nhiên, cơ thể mỗi người do tự mỗi người quyết định, nhưng tự do quá lố, không phải phép thì quyền ghét bỏ lại thuộc về xã hội và dư luận. Ngoài ra, việc một số bạn trẻ sẵn sàng chịu chi một số tiền khổng lồ để tổ chức sự kiện, mua đĩa, mua phụ kiện của thần tượng cũng gây không ít bất ngờ cho cộng đồng. Đa số những bạn trẻ thường dưới độ tuổi lao động, vậy các bạn lấy tiền ở đâu ra để chi trả cho những sở thích của mình? Một vài trường hợp phụ huynh của các bạn chấp nhận cho con cái chi tiêu một cách thoải mái như vậy, một vài trường hợp cực đoan, các bạn trẻ sẵn sàng đánh đổi những công việc không hợp pháp để có một số tiền lớn nhằm chi trả cho sở thích “cuồng nhiệt” của mình.
Xã hội thường chĩa mũi rìu vào các bạn trẻ hâm mộ văn hóa Hàn Quốc, nhưng không thể bác bỏ rằng, việc cuồng thần tượng bóng đá, thể thao cũng đang tồn tại. Ắt hẳn hầu hết các bậc phụ huynh cũng từng có một tuổi trẻ đam mê những câu lạc bộ bóng đá như Manchester United, Liverpool,… Cụm từ “Hooligan” được dùng để chỉ những cá nhân cuồng bóng đá đến mất kiểm soát, sẵn sàng lột đồ ăn mừng giữa nơi công cộng, ném vỏ chai, rác thải xuống sân thi đấu khi bất mãn. Những hình ảnh gào khóc xấu xí của họ được chụp lại và lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội, để đến khi trưởng thành và nhìn lại, họ có cảm thấy tự hào, vui sướng về quá khứ oai hùng đó của mình hay không?
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng cuồng thần tượng trước hết phải kể đến sự phát triển của các loại hình giải trí. Nếu như ngày trước, các kênh truyền hình bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ trước khi được phát sóng thì ngày nay, với internet và toàn cầu hóa, chúng ta có thể tùy chọn kênh giải trí yêu thích trên khắp thế giới. Truyền thông được trả tiền để xây dựng thần tượng trở thành ngôi sao tỏa sáng, gây cho các bạn trẻ ảo mộng về con người hoàn mĩ, không tì vết mà không bao giờ được nhìn thấy cuộc sống thường nhật của họ. Tuy vậy, xét đến cùng, nguyên nhân vẫn là do cá nhân các bạn trẻ tự lựa chọn cho mình con đường hâm mộ sai trái. Đối mặt với xã hội quá nhiều thiếu thốn thì thần tượng chính là thế giới mà họ mong muốn, khát khao, tạo điều kiện cho sự “cuồng” phát triển mạnh mẽ. Cha mẹ không quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái, trường học khô khan, cứng nhắc khiến các bạn trẻ tìm đến những văn hóa giải trí làm giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Không có gì đáng nói nếu như chính bản thân các bạn với những hành động thái quá đang ngày càng bôi nhọ chính những sở thích xuất phát với mục đích hoàn toàn lành mạnh, tốt đẹp.
Hậu quả của việc hâm mộ quá đà không khó để có thể liệt kê. Năm 2017, trước sự ra đi của nam ca sĩ Jonghyun, anh đã tự tử sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh trầm cảm, đã có đến sáu người hâm mộ của anh trên toàn cầu tìm cách tự tử theo thần tượng vì quá đau lòng. Hay như khi huyền thoại David Beckham lập gia đình, hàng loạt người hâm mộ đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc hôn nhân giữa nam cầu thủ và cô ca sĩ nổi tiếng Victoria của nhóm nhạc Spice Girls. Họ cho rằng hai người đã phản bội lòng tin người hâm mộ bởi kết hôn sẽ khiến phong độ giảm sút và không còn nhiều thời gian dành cho công chúng. Bản thân những thần tượng cũng bị làm phiền bởi sự đeo bám dai dẳng từ fan cuồng. Năm 2019 tại Nhật Bản, thành viên Maho Yamaguchi của nhóm nhạc AKB48 đã bị fan cuồng theo dõi đến tận nơi. Fan cuồng này đã bán thông tin địa chỉ nhà riêng của cô ca sĩ để những người hâm mộ khác kéo nhau đến làm phiền cuộc sống của cả một khu dân phố. Đặt mình vào vị trí của thần tượng, liệu họ có cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi nghe những tin fan hâm mộ hành động thiếu suy nghĩ, bất hiếu với cha mẹ chỉ để đi gặp mình hay không? Khi sự riêng tư của họ bị xâm phạm bởi chính những người yêu thích họ, họ có còn cảm thấy muốn phục vụ công chúng, muốn cống hiến cho nghệ thuật? Câu trả lời đã quá rõ ràng, tuy nhiên dường như một số fan cuồng vẫn cho rằng, họ chẳng qua chỉ là yêu thích thần tượng một cách chân thành và nồng nhiệt mà thôi.
Là người của công chúng, được tô vẽ một cách hào nhoáng, những nghệ sĩ chắc chắn sẽ cảm thấy áp lực với việc giữ gìn hình tượng. Đáng tiếc rằng, chính sự yêu thích quá độ từ công chúng khiến thần tượng thường tìm đến những thú vui giải khuây tiêu cực như chất gây nghiện, chất kích thích. Một khi sự việc bị phanh phui, bị công chúng quay lưng, các fan cuồng trở nên mù quáng. Đứng giữa vòng xoáy dư luận, không mấy ai đủ bản lĩnh để có thể giữ được phong độ. Trong năm qua, sự việc nam thần tượng Seungri của nhóm nhạc Big Bang dính nghi án buôn bán ma túy và tham gia vào đường dây mại dâm, hàng loạt người hâm mộ đã quay sang công kích, lên án hành vi vô đạo đức của anh chàng. Fan cuồng dựa vào cái cớ đó để phản biện, bệnh vực một cách phi lý, vô căn cứ, vô tình khiến dư luận thổi bùng lên ngọn lửa phẫn nộ khi cho rằng những kẻ hâm mộ quá đà đã quên mất cả nhân tính, tiếp tay cho kẻ phạm tội. Cuộc chiến không hồi kết giữa cha mẹ và con cái là fan cuồng, giữa fan cuồng và anti-fan không chỉ gây ảnh hưởng tới thần tượng, tới cách nhìn nhận và suy nghĩ của xã hội về hai tiếng “thần tượng” mà thậm chí, nó còn trực tiếp làm xấu mặt tới những người hâm mộ chân chính.
Đứng trước những hành vi sai trái của các bạn trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội cần có định hướng rõ ràng nhằm bài trừ và ngăn chặn. Về phía gia đình, cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu những sở thích của con, qua đó định hướng đúng đắn, vừa phải để con vừa có thể theo đuổi đam mê, vừa cân bằng với cuộc sống hàng ngày. Nhà trường cần phổ cập giáo dục tư tưởng đến học sinh, tuy nhiên, tuyệt đối không được lên án hay bài xích vì điều đó sẽ gây phản tác dụng. Ngoài ra, trong những buổi giao lưu, thay đổi không khí bằng cách mời những ca sĩ đến góp vui cũng giúp các bạn trẻ cảm thấy được nhà trường tôn trọng, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Đặc biệt, cá nhân mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về văn hóa thần tượng, không để bản thân sa đà vào những thứ ảo mộng mà xa rời thực tế. Sự liên kết chặt chẽ giữa ba yếu tố trên, cùng định hướng của truyền thông sẽ tạo nên một nền nếp thần tượng văn minh, sạch sẽ và bổ ích,
Thần tượng không xấu, và thần tượng cũng không đáng để bị đánh giá bằng những con mắt khinh miệt, dè bỉu, miễn là bạn kiểm soát nó đúng mực, đúng tầm. Hãy để thần tượng là tấm gương phấn đấu, phát triển, đừng biến thần tượng thành cái gai trong mắt bố mẹ, thành chủ đề khơi nguồn sự cãi vã giữa các thế hệ. Hãy hâm mộ một cách văn minh, văn hóa và có học.
Cảm ơn mọi người đã lắng nghe phần trình bày của tôi!
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân
Bài 6 : Hành trình tri thức
Bài 8 : Nét đẹp văn hóa Việt
Bài 9 : Trong thế giới viễn tưởng
Bài 10 : Lắng nghe trái tim mình