Giải bài tập Chuyên đề Ngữ văn 10 Soạn bài Trình bày, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết
I. Những yêu cầu chung
Trình bày, giới thiệu về một tập thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết tức là trình bày bằng lời trước người nghe những thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm, tóm tắt nội dung tác phẩm và thể hiện được cảm nhận/đánh giá về một số nét đặc sắc của nội dung, nghệ thuật, giúp người khác hiểu rõ nội dung mình truyền tải. Để việc trình bày, giới thiệu một tác phẩm văn học đạt được hiệu quả, bạn cần lưu ý các yêu cầu sau:
– Xác định đề tài, người nghe, thời gian, không gian và mục đích của việc trình bày bài giới thiệu.
– Giới thiệu các thông tin cơ bản về tập thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết: thể loại, tác giả, nhan đề, chủ đề chung, nhà xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản,…
– Trình bày về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, có điểm nhấn ở một vài điểm.
– Nêu cảm nhận/đánh giá về một số nét đặc biệt trong cách viết của tác giả.
– Thể hiện sự yêu thích tác phẩm, đề xuất mọi người nên đọc tác phẩm.
– Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ,…), điều khiển quá trình giao tiếp đạt được mục đích đã xác định.
II. Các bước thực hiện
1. Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian, thời gian nói
– Đề tài: giới thiệu về một tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết mà bạn yêu thích.
– Người nghe: bạn cần xác định người nghe có thể là ai.
– Mục đích: trước khi trình bày giới thiệu về một tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết, bạn cần xác định “mục đích nói là gì?”.
– Không gian, thời gian: địa điểm trong lớp học hoặc ở hội trường.
2. Chuẩn bị nội dung nói: tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
– Chọn một tập thơ, một tập truyện ngắn hay tiểu thuyết mà bạn yêu thích và muốn trình bày, giới thiệu, chia sẻ với người khác (bạn có thể chọn lại các tác phẩm đã được trình bày trong phần viết bài giới thiệu về một tập thơ, tập truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết).
– Đọc kĩ tác phẩm và tìm kiếm các thông tin liên quan đến tác phẩm, tác giả.
– Xác định các ý chính trong bài giới thiệu, các nội dung cần phân tích, giải thích, các dẫn chứng tiêu biểu để minh họa.
Lập dàn ý
Đọc lại bài đã viết, gạch chân các từ khóa, tìm các ý chính và lập dàn ý bài nói dưới dạng đề cương hoặc sơ đồ. Đề cương hoặc sơ đồ cần đảm bảo những ý sau:
* Mở bài
– Nêu ngắn gọn lí do vì sao chọn tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết này để giới thiệu.
– Giới thiệu thông tin chung về tập thơ, tập truyện hay tiểu thuyết: thể loại, tác giả, chủ đề chung,…
* Thân bài
– Tóm tắt được nội dung chính của cuốn sách.
– Nêu nét đặc sắc về nghệ thuật của cuốn sách.
– Trình bày nhận xét, đánh giá về cuốn sách.
– Chỉ ra một vài điểm tương đồng và khác biệt về nội dung và cách viết giữa các bài thơ/các truyện và giữa các tác giả (nếu là tập thơ/tập truyện của nhiều tác giả).
* Kết bài
– Tóm tắt ngắn gọn nội dung vừa giới thiệu, khẳng định một lần nữa giá trị về nội dung, nghệ thuật của tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết.
– Thể hiện sự yêu thích tác phẩm, đề xuất mọi người nên đọc tác phẩm.
3. Luyện tập và trình bày
– Phác thảo kịch bản cho phần trình bày: chuẩn bị một số câu dẫn, câu chuyển phù hợp với văn phong nói – giới thiệu; ghi chủ cách trình bày, thời gian dành cho từng phần; dự kiến những câu hỏi mà người nghe có thể hỏi và chuẩn bị câu trả lời.
– Chuẩn bị phương tiện hỗ trợ: slide trình chiếu, hình ảnh hoặc clip minh họa, thiết bị âm thanh (nếu cần); phối hợp hiệu quả giữa bài giới thiệu (lời nói) và các phương tiện hỗ trợ (hình ảnh, âm thanh,…)
– Lựa chọn cách xưng hô phù hợp; chào hỏi, giới thiệu bản thân.
– Tương tác với người nghe, định hướng điều chỉnh để quá trình giao tiếp đạt được mục đích đã xác định.
– Dựa vào bảng kiểm dưới đây để định hướng cho bài trình bày, giới thiệu của mình.
4. Trao đổi và đánh giá
Trong vai trò người nói và người nghe, bạn tiếp tục dùng bảng kiểm trên để rút kinh nghiệm và cách trình bày của bản thân và góp ý cho phần trình bày của bạn mình.
Lưu ý:
Với vai trò người nghe, bạn cần góp ý, chia sẻ những hiểu biết, cảm xúc của mình sau khi nghe lời giới thiệu; đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về văn bản tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết.
Với vai trò của người nói, bạn cần lắng nghe những ý kiến góp ý, câu hỏi của người nghe một cách cẩn thận với thái độ lịch sự, cởi mở và trao đổi, trả lời những câu hỏi của người nghe.
III. Tổ chức sự kiện câu lạc bộ đọc, giới thiệu tác phẩm văn học
1. Yêu cầu
Đây là hình thức tổ chức hoạt động có tính chất câu lạc bộ. Hình thức tổ chức sự kiện câu lạc bộ đọc, giới thiệu tác phẩm văn học, yêu cầu các thành viên tham gia câu lạc bộ cần có sự hợp tác tích cực và lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Có thể tổ chức sự kiện dưới hình thức cuộc thi trình bày, giới thiệu về một tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết giữa các nhóm.
2. Cách thực hiện
Bước 1: Lập kế hoạch thực hiện
Để buổi giới thiệu sách thành công, bạn cần lập kế hoạch thực hiện một cách chi tiết. Đầu tiên là phân công mỗi nhóm đọc một cuốn sách, điều này sẽ giúp buổi thảo luận thú vị hơn và các thành viên trong câu lạc bộ học hỏi được nhiều hơn. Bạn có thể tham khảo bảng kế hoạch dưới đây:
Bước 2: Chuẩn bị buổi giới thiệu sách
– Xác định địa điểm, thời gian tổ chức sự kiện.
– Thành lập ban tổ chức và phân công nhiệm vụ:
+ Người viết kịch bản chương trình.
+ Người dẫn chương trình.
+ Bộ phận hậu cần: phụ trách trang trí sân khấu và kĩ thuật (máy chiếu, âm thanh).
Bước 3: Tổ chức thực hiện
– Người dẫn chương trình:
+ Giới thiệu khách mời, thành phần tham gia.
+ Nêu lí do, mục đích tổ chức buổi giới thiệu sách.
+ Dẫn dắt, giới thiệu phần trình bày của các nhóm.
– Các nhóm:
+ Thực hiện bài giới thiệu (một hoặc nhiều thành viên cùng tham gia trình bày).
+ Tương tác với người nghe (trao đổi và trả lời các câu hỏi).
Bước 4: Tổng kết, rút kinh nghiệm
– Ban tổ chức rút kinh nghiệm về khâu tổ chức.
– Từng nhóm rút kinh nghiệm về những gì đã trải nghiệm trong phần trình bày, giới thiệu về tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết:
+ Bài giới thiệu nào ấn tượng nhất? Vì sao?
+ Nhóm học được kĩ năng gì trong khi trình bày giới thiệu về tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết hoặc khi nghe bạn trình bày?
+ Nếu được trình bày lại, nhóm sẽ điều chỉnh, thay đổi những gì?