Mùa xuân chín – Ngữ văn lớp 10
I. Bài thơ Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
II. Tác giả Hàn Mặc Tử
1. Tiểu sử
– Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình.
– Cha mất sớm, ông sống với mẹ tại Quy Nhơn.
– Năm 21, tuổi ông vào Sài Gòn lập nghiệp.
– Đi làm công chức thời gian ngắn rồi mắc bệnh phong và mất.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
Các sáng tác của Hàn Mặc Tử, gồm có:
– Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật)
– Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời)
– Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ gồm ba tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu cuồng và hồn điên -1938)
– Xuân như ý
– Thượng Thanh Khí (thơ)
– Cẩm Châu Duyên
– Duyên kỳ ngộ (kịch thơ – 1939)
– Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang – 1940)
– Chơi Giữa Mùa Trăng (tập thơ – văn xuôi)
b. Phong cách sáng tác
– Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới.
– Đọc thơ của ông, ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng.
– Trong thơ ông, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo… nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời.
– Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái – dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kỳ đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.
– Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.
– Tâm hồn thơ ông đã thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu, chẳng những gợi cho ta niềm thương cảm còn đem đến cho ta những cảm xúc thẩm mĩ kì thú và niềm tự hào về sức sáng tạo của con người.
– Quá trình sáng tác thơ của ông đã thâu tóm cả quá trình phát triển của thơ mới từ lãng mạn sang tượng trưng đến siêu thực.
III. Tác phẩm Mùa xuân chín
1. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ
In trong tập Thơ, Hàn Mặc Tử – 1988
b. Bố cục Mùa xuân chín
Văn bản Mùa xuân chín được chia thành 2 phần:
– Phần 1: 2 khổ đầu: khung cảnh tươi mới, đầy sức sống của mùa xuân
– Phần 2: 2 khổ cuối: tâm trạng của người con gái sắp lấy chồng và nhân vật trữ tình
2. Tìm hiểu chi tiết
a. Hai khổ đầu
Khung cảnh tươi mới, đầy sức sống của mùa xuân
– Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương, gắn với những sự vật gần gũi thân thuộc nhất của làng quê Việt Nam
– Dấu hiệu báo xuân sang:
+ Làn nắng ửng
+ Khói mơ
+ Mái nhà tranh bên giàn thiên lý
=> Thanh tĩnh, bình dị, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Những hình ảnh bầu trời xanh đang dần gợi lại những hình ảnh tươi đẹp, nó đang dần lan tỏa và bom trùm lên toàn bộ không gian ở nơi đây, nó thể hiện một tình cảm đặc biệt nhất, với những hình ảnh của cánh đồng đang hát vang và vang và đám xuân xanh, ở đây ẩn dụ để nói những người con gái đang đến tuổi xuân thì
– Cảnh vật thôn quê đẫm hơi xuân:
+ Làn mưa xuân tưới thêm sức sống
+ Cỏ cây xanh tươi” gợn tới trời”
b. Hai khổ cuối
+ Niềm vui của con người khi xuân đến
– Niềm hạnh phúc của lứa đôi: “nghe ra ý vị và thơ ngây”
– Tiếng thơ ngây sao khiến lòng người bâng khuâng, xao xuyến
=> Xuân mang vị “chín” của lòng người, của đời người
+ Tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng của con người vào mùa xuân:
– “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng”
c. Giá trị nội dung của Mùa xuân chín
– Bài thơ thể hiện khung cảnh mùa xuân tươi mới, đẹp đẽ, tràn đầy sức sống nơi nông thôn dân dã của làng quê Việt Nam
– Bên cạnh đó là tâm trạng háo hức, bồn chồn của người con gái sắp lấy chồng và tâm trạng bâng khuâng, nhung nhớ của nhân vật trữ tình khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa
– Thể hiện niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của thi nhân, gửi gắm niềm yêu thương và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, mùa xuân mang vị “chín” của lòng người
d. Giá trị nghệ thuật của Mùa xuân chín
– Ngôn từ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu
– Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc
– Giọng thơ tự nhiên, thủ thỉ, tâm tình
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Tác giả – tác phẩm: Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)
Tác giả – tác phẩm: Mùa xuân chín
Tác giả – tác phẩm: Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư
Tác giả – tác phẩm: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Tác giả – tác phẩm: Yêu và đồng cảm