Chữ bầu lên nhà thơ – Ngữ văn lớp 1
I. Văn bản Chữ bầu lên nhà thơ
1 Tôi xin phép được nhắc lại tóm tắt một số ý kiến cần thiết đã được phát biểu tại cuộc Hội thảo Văn Miếu và trong tập Bóng chữ;
– Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”,
– Thơ khác hẳn, dựa vào “ý tại ngôn ngoại”. Đã “ý tại ngôn ngoại” tất nhiên phải cô đúc và đa nghĩa.
– Người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ.
– Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở “nghĩa tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, súc gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu, bài thơ.
Nói như Va-lê-ri, chữ trong thơ và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về hoá trị. […]
2 Người ta hay nói đến công phu người viết tiểu thuyết. Tôn-xtôi đã chữa đi chữa lại nhiều lần cuốn tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình. Phlô-be cân nhắc chữ trên cân tiểu li như một thầy lang bốc những vị thuốc công phạt” có thể chết người.
Nhưng các nhà lí thuyết ít nói đến công phu của nhà thơ. Ngược lại thiên hạ sinh ca tụng những nhà thơ viết tức khắc trong những cơn bốc đồng, những nhà thơ thiên phú.
Trời cho thì trời lại lấy đi. Những cơn bốc đồng thường ngắn ngủi.
Tôi rất biết những câu thơ hay đều kì ngộ, nhưng là kì ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuổi, làm động lòng quỷ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần.
Làm thơ không phải đánh quả. Và không ai trúng số độc đắc suốt đời.
Có người hiểu lầm câu nói của Trang Tử vứt thánh bỏ trí để coi thường việc học tập, rèn luyện, làm như Trang Tử khuyến khích một nỗ lực vô văn hoá.
Vứt thánh bỏ trí được lắm. Nhưng trước khi vút, khi bỏ phải có đã chứ.
Tôi rất ghét cái định kiến quái gở, không biết xuất hiện từ bao giờ; các nhà thơ Việt Nam thường chín sớm nên cũng tàn lụi sớm.
Đó là những nhà thơ chủ yếu sống bằng vốn trời cho.
Mà trời tuy là kho vô tận, thường khi cũng bản xin lắm. Hình như tất cả những người “cho” đều bủn xỉn. Và hoàn
toàn sống dựa vào viện trợ, dầu là hào phóng vô tư nhất,nhiều khi còn khổ quá đi ăn mày.
Tôi không mê những nhà thơ thần đồng. Tôi ưa những nhà thơ một nắng hai sương, lầm lũi, lục điền trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ.
Chúng ta cần học những nhà thơ như Lý Bạch, Xa-a-đi, Gớt, Ta-go, ở vào buổi chiều tóc bạc vẫn thu hoạch những mùa thơ dậy thì.
Cái trẻ, cái già của nhà thơ quyết định không phải đo ở tuổi trời, mà ở nội lực của chữ Pi-cát-xô có nói một câu khá thâm thuý: “Người ta cần rất nhiều thời gian để trở nên trẻ.”
Có lẽ vì vậy mà tôi rất ủng hộ lời phát biểu của một nhà thơ Pháp, gốc Do Thái Ét-mông Gia-bét; Chữ bầu lên nhà thơ.
Gia-bét muốn nói rằng không có chúc nhà thơ suốt đời. Mỗi lần làm một bài thơ, nhà thơ lại phải ứng cử trong một cuộc bầu khắc nghiệt của cử tri chữ.
Tôi không nhớ Gít-đơ” hay Pét-xoa – nhà thơ lớn Bồ Đào Nha – đã có một nhận xét khá nghiêm khắc về Vich-to Huy-gô,
Vích-to nhiều lần tưởng mình là Huy-gô.
Như thế có nghĩa mặc dầu là một thiên tài đồ sộ đã không ít lần Huy-gô không được tái cử vào cương vị nhà thơ qua cuộc bỏ phiếu của chữ.
3 Con đường thơ gồm nhiều con đường riêng rất khác nhau của từng người. Không có đại lộ chung một chiều cho tất cả.
Ta có thể nói con đường thơ chính là số phận của một nhà thơ.
Nhưng, dầu theo con đường nào, một nhà thơ cũng phải cúc cung tận tuỵ đem hết tâm trí dùi mài và lao động chữ biến ngôn ngữ công cộng thành ngôn ngữ đặc sản độc nhất làm phong phú cho tiếng mẹ như một lão bộc trung thành của ngôn ngữ.
II. Tác giả Lê Đạt
1. Tiểu sử
– Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, (10/09/1929 – 21/04/2008), là một nhà thơ Việt Nam
– Ông quê ở Bắc Giang nhưng sinh ra tại Yên Bái
– Ông là một trong những nhân vật trụ cột của phong trào nhân văn giai phẩm
– Ông tham gia cách mạng ngay sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Gần như trong suốt quá trình hoạt động ông đều công tác ở ngành Tuyên huấn, sau lên Tuyên huấn Trung ương, trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì vậy ông có dịp tiếp xúc với gần như tất cả giới văn nghệ Cách mạng Việt Nam.
– Hòa bình lập lại năm 1954, ông về Hà Nội làm biên tập viên, bí thư chi bộ của báo Văn nghệ, rồi được học lớp tiếp quản để về tiếp quản khu 300 ngày ở Quảng Ninh, trước khi Nhân văn giai phẩm bùng nổ.
– Với bài thơ Ông bình vôi đăng trên báo Nhân Văn mà nhiều người cho là ám chỉ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo đảng, ông bị lên án “phản động” và bị trừng phạt
– Đầu tiên ông được thuyên chuyển sang làm ở ban đối ngoại của Hội Nhà Văn Việt Nam để không cho tiếp xúc với việc làm báo nữa, trước khi bị truất quyền đảng viên vào tháng 7 năm 1957.
– Một năm sau, sau khi dự lớp “đấu tranh tư tưởng” tại Thái Hà Ấp, vào tháng 8 năm 1958, ông chính thức bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn và đình chỉ xuất bản trong thời hạn 3 năm. Thực tế hình phạt 3 năm đã kéo dài 30 năm, cho đến năm 1988, khi ông được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn và quyền xuất bản.
– Năm 2007, cùng với ba nhà thơ khác của Phong trào Nhân văn – giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán và Hoàng Cầm, ông được nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.
– Ông mất ngày 21/04/2008 tại Hà Nội.
2. Lê Đạt và phong trào nhân văn giai phẩm
Như nhà thơ Lê Đạt kể, sau vụ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu năm 1955, Trần Dần và Tử Phác bị giam 3 tháng kiểm thảo trong quân đội, khi hai người được ra, Lê Đạt có ý kiến để cách tân thơ ca Việt Nam, thoát khỏi ảnh hưởng của Thơ Mới, bây giờ phải làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ – nghĩa là không bị kiểm duyệt cả. Sẽ là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về bài của mình và không có kiểm duyệt.
Tập thơ mang tên Giai phẩm Mùa xuân xuất bản vào tháng 1 năm 1956. Hoàng Cầm và Lê Đạt là hai người làm chính đi thu thập sáng tác của mọi người và mang đi in, vì trong thời gian này Trần Dần cùng Tử Phác đang đi tham gia cải cách ruộng đất Hà Nội 12 cây số. Bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần làm xương sống của cả quyển. Theo ông kể thì ngay sau khi in ảnh hưởng của nó rất ghê gớm, khiến ngay cả các tác giả cũng không thể ngờ được, đi đâu ra đường ở Hà Nội cũng thấy người ta nói đến mấy câu thơ nổi tiếng của Trần Dần:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Sau Tết năm đó Lê Đạt phải lên Tuyên Huấn trung ương làm kiểm thảo 15 ngày, Trần Dần và Tử Phác bị bắt, Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu.
Đến giữa năm 1956, ở Trung Quốc có phát động phong trào trăm hoa đua nở, việc sáng tác ở Việt Nam vì thế cũng được nới lỏng. Giai phẩm Mùa xuân được tái bản, tiếp đó là xuất bản tiếp Giai phẩm Mùa Thu và Giai phẩm Mùa Đông. Tiếp nữa, Nguyễn Hữu Đang, người cùng làm với Lê Đạt tại báo Văn nghệ, muốn hợp tác cùng nhóm Giai phẩm mùa thu để ra một tờ báo, tờ Nhân Văn vì thế mà ra đời. Lê Đạt có nói sau khi ra Giai phẩm Mùa xuân đã khá mệt mỏi, lại mới lập gia đình nên ông muốn rút, nhưng phong trào lúc này đã phát triển tương đối mạnh, người gửi tiền về ủng hộ khá nhiều, một mình Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang sợ quán xuyến không nổi nên mọi người vẫn mời Lê Đạt vào báo, cho dù ông vẫn giữ công tác tại báo Văn nghệ trong thời gian đó. Vì vẫn là đảng viên nên ông không thể đứng ra làm Tổng thư ký của báo Nhân Văn được, Nguyễn Hữu Đang cũng không muốn nhận nên mới đưa ra ý kiến mời cụ Phan Khôi vào vị trí nào, dù thực ra, làm việc chính ở tờ báo vẫn là hai người trên.
Báo Nhân Văn ra được 5 số thì bị đình bản. Đấy là vào cuối năm 1956, nhưng đời sống của các nhân vật vẫn chưa bị ảnh hưởng lắm, Hoàng Cầm khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào đầu năm 1957 vẫn được bầu vào ban chấp hành và giữ chức phó giám đốc nhà xuất bản của Hội. Lê Đạt chỉ phải thuyên chuyển công tác từ báo Văn nghệ sang làm ở ban đối ngoại của Hội nhà văn, và bị cho ra khỏi đảng vào tháng 7 năm 1957 khi đang chuẩn bị cho phát hành tập thơ Cửa hàng Lê Đạt giữa lúc đấu tranh chống tư sản sục sôi nhất.
Đến đầu năm 1958, sau khi hoạt động của nhóm Nhân văn giai phẩm đã chính thức chấm dứt được hơn một năm, thì ở Trung Quốc có vụ đấu tranh gay gắt chống phái hữu khuynh, Trăm hoa đua nở chấm dứt. Việt Nam có cử Huy Cận và một người nữa sang quan sát học tập. Khi về ban Tuyên Huấn có tổ chức hai lớp học tập “đấu tranh tư tưởng” tại Thái Hà Ấp. Một lớp dành cho Đảng viên vào tháng 2, những người tham gia Nhân văn giai phẩm có Đặng Đình Hưng và Văn Cao tham dự khóa học này. Lớp thứ hai được tổ chức vào tháng 3, dành cho tất cả mọi người, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán,… có đến họp. Trong vòng một tháng, như Lê Đạt kể thì lớp học này thực chất là một cuộc đấu tố những người trong Nhân văn giai phẩm. Đến tháng 8 năm 1958, ông chính thức nhận kết quả kỷ luật, bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn và cấm xuất bản trong vòng 3 năm, ông cùng Trần Dần và Tử Phác về Chí Linh lao động cải tạo, ông được phân công đi chăn bò, việc đi lao động cải tạo như vậy kéo dài trong vòng 10 năm, đan xen giữa những khoảng thời gian được về nhà và thời gian phải lên trại.
3. Sự nghiệp văn học
– Về thơ, Lê Đạt tự nhận mình là phu chữ, vì thơ ông viết rất kỹ tính, cẩn thận từng câu chữ, chọn lọc, suy nghĩ và dằn vặt rất nhiều.
– Bài thơ trên ghế đá (thơ, in chung với Vĩnh Mai, 1958)
– Cửa hàng Lê Đạt (trường ca, 1959)
– 36 bài thơ tình (thơ,in chung với Dương Tường, 1990)
– Bóng chữ (thơ, 1994), 95 bài thơ
– Hèn đại nhân (tập truyện, 1994)
– Ngó lời (thơ, 1997), 241 bài thơ
– Mi là người bình thường (tập truyện, 2007)
– U75 Từ tình (thơ và đoản ngôn, 2007), 88 bài
III. Tác phẩm Chữ bầu lên nhà thơ
1. Xuất xứ
– Văn bản được in lần đầu trên báo Văn nghệ, số 34, năm 1994
– Tiểu luận thể hiện rõ quan niệm của Lê Đạt về nghề thơ, giúp soi sáng phần nào hướng tìm tòi độc đáo trong thơ ông.
2. Bố cục Chữ bầu lên nhà thơ
Văn bản Chữ bầu lên nhà thơ được chia thành 3 phần:
Phần 1: Đoạn 1
Phần 2: Đoạn 2: Tầm quan trọng và ý nghĩa của con chữ đối với một tác giả được thể hiện trong văn học
Phần 3:
3. Giá trị nội dung của Chữ bầu lên nhà thơ
– Tiểu luận thể hiện rõ quan niệm của Lê Đạt về nghề thơ, giúp soi sáng phần nào hướng tìm tòi độc đáo trong thơ ông
– Theo tác giả, nhà thơ là một nghề nghiệp không dễ làm, để tạo ra một bài thơ thì nhà thơ cần phải thông qua một cuộc bầu cử chữ. Chữ trong thơ cũng không giống chữ trong văn chương, không thể chỉ hiểu theo nghĩa từ điển mà phải hiểu theo “ý tại ngôn ngoại”.
– Trong quá trình sáng tạo chữ, nhà thơ sẽ có những phát bất chợt, những cảm hứng ngắn ngủi hoặc phải làm việc chăm chỉ trên những trang giấy để tạo ra những câu thơ hay và ý nghĩa. Một nhà thơ có thành công tạo ra một bài thơ xuất sắc hay không là phải nhờ vào ngôn ngữ, ý nghĩa thơ.
4. Giá trị nghệ thuật của Chữ bầu lên nhà thơ
– Lời văn rõ ràng, rành mạch
– Cách trình bày luận điểm rõ ràng
– Lời văn súc tích, dễ hiểu
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Tác giả – tác phẩm: Yêu và đồng cảm
Tác giả – tác phẩm: Chữ bầu lên nhà thơ
Tác giả – tác phẩm: Thế giới mạng và tôi
Tác giả – tác phẩm: Héc- to từ biệt Ăng- đrô- mác
Tác giả – tác phẩm: Đăm Săn đi bắt Nữ thần mặt trời