Lí ngựa ô ở hai vùng đất – Ngữ văn lớp 10
I. Bài thơ Lí ngựa ô ở hai vùng đất
Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
gặp câu hát bền lòng giong ruổi mãi
đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu
Hoá vô tận bao điều mơ tưởng ấy
bao câu hát ông cha mình gởi lại
sao em thương câu lý ngựa ô này
sao anh nghe đến lầm nào cũng vậy
sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
chỉ riêng mình em hát với anh đây.
Làng anh ở ven sông
sắp vào tháng tư
mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bổng
ai chẳng ngở mình đang đi trong mây
ai chẳng tin mình đang rong ngựa săt
cả một vùng sông ai chẳng hát
sao không nghe câu lý ngựa ô này.
Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
qua phá rộng duềnh doàng lên dợn sóng
qua truông rậm
đến bây giờ anh buộc võng
gặp mối dây buộc ngựa gỗc lim già
suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện
suốt miền Trung núi choài ra biển
nên gập ghềnh câu lý ngạ ô qua.
Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm
đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
vạch lá rừng nhìn xuống quê em
mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
lý ngựa ô hát đến mê người
mỗi bước mõi bồn chồn về đó em ơi.
Hay vì làng anh ở ven sông
những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
đã hát quen lý ngựa ô rồi
khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng
móng gõ mặt thời gian gõ trống
khen câu miền Nam như giục như mời
ngựa tung bờm bay qua biển lúa
ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa
tiếng hí chào xa khơi…
hay em biết quê anh ngoài đó
câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
có điều gì như thể ẩn vào trong?
Em muốn về hội Gióng với anh không
để anh khoe với họ hàng câu lý ấy
em muốn làm dâu thì em ở lại
lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi
đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc
cũng sắp về chia vui.
II. Tác giả Phạm Ngọc Cảnh
1. Tiểu sử
– Phạm Ngọc Cảnh (20/7/1934 – 2014) là tên khai sinh, sinh tại thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện sống ở Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1974). Ông còn có bút danh Vũ Ngàn Chi.
– Ông sinh trưởng trong một gia đình tiểu thị dân, Phạm Ngọc Cảnh được cha mẹ cho ăn học tử tế.
– Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Ngọc Cảnh mới 12 tuổi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên, rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của trung đoàn 103 Hà Tĩnh rồi trở thành diễn viên kịch nói.
– Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ở đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, từng biểu diễn giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Về sau ông là diễn viên trụ cột của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.
– Cuộc đời vẫn có những nẻo đi bất ngờ. Làm diễn viên nhưng ông say mê sáng tác thơ. Vì vậy ông được điều về tạp chí Văn nghệ quân đội là biên tập thơ, rồi cán bộ sáng tác của tạp chí trong 20 năm lại đây. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết kịch phim, đọc lời bình, dẫn các chương trình thơ trên sóng phát thanh, truyền hình và đóng một số vai phụ trong các phim.
2. Sự nghiệp văn học
Tác phẩm đã xuất bản:
– Gió vào trận bão (thơ, in chung, 1967)
– Đêm Quảng Trị (thơ, ký tên Vũ Ngàn Chi, 1972)
– Ngọn lửa dòng sông (thơ, 1976)
– Một tiếng Xamakhi (thơ, in chung với Duy Khán, 1981)
– Lối vào phía Bắc (thơ, 1982)
– Trăng sau rằm (thơ, 1985)
– Đất hai vùng (thơ, 1986)
– Miền hương lặng (thơ, 1992)
– Nhặt lá (thơ, 1995)
– Góc núi xôn xao (bút ký, 1999)
– Bài hát về cây ngải cứu (bút ký, 2000)
III. Tác phẩm Lí ngựa ô ở hai vùng đất
1. Xuất xứ
– Văn bản in trong Thơ miền Trung thế kỉ XX, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 359 – 361
2. Giá trị nội dung của Lí ngựa ô ở hai vùng đất
– Văn bản cho thấy sự đặc sắc của làn điệu lí ngựa ô khi được thể hiện ở hai nơi khác nhau là “làng anh” và “làng em”
– Qua làn điệu lí ngựa ô, kín đáo bộc lộ tâm tư của chàng trai, cô gái với nỗi nhớ nhung khắc khoải và mong chờ trong tình yêu
– Cho thấy những làn điệu, câu hò là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mơ và khát vọng của con người
– Phần nào thể hiện văn hóa truyền thống của dân tộc qua những câu hát giao duyên, điệu hò, điệu lí và cho thấy nét giao lưu văn hóa cộng đồng của thế hệ xưa, tuy ở hai vùng đất khác nhau nhưng không ngăn cản sự gặp gỡ, hòa hợp văn hóa của họ
3. Giá trị nghệ thuật của Lí ngựa ô ở hai vùng đất
– Lời lẽ, văn phong của văn bản là lời của một làn điệu dân ca
– Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, da diết, nhẹ nhàng
– Ngôn từ mộc mạc, giản dị, thuần Việt, đậm chất văn hóa dân gian
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Tác giả – tác phẩm: Thêm một bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nhật
Tác giả – tác phẩm: Lí ngựa ô ở hai vùng đất
Tác giả – tác phẩm: Chợ nổi – nét văn hóa sông nước miền Tây
Tác giả – tác phẩm: Thị Mầu lên chùa (chèo cổ)
Tác giả – tác phẩm: Huyện Trìa xử án