Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Bài 29.1 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu khái niệm sinh trưởng và khái niệm phát triển ở sinh vật. Cho ví dụ.
Lời giải:
– Khái niệm sinh trưởng ở sinh vật: Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào (ở sinh vật đơn bào chỉ tăng kích thước tế bào), làm cơ thể lớn lên. Ví dụ: Cây tăng chiều cao và đường kính thân, con mèo tăng khối lượng cơ thể,…
– Khái niệm phát triển ở sinh vật: Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn. Ví dụ: Cây ra rễ, ra lá, nảy chồi, nở hoa, kết quả; gà đẻ trứng;
Bài 29.2 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Các hiện tượng trong bảng sau đây là sinh trưởng hay phát triển?
Hiện tượng |
Sinh trưởng |
Phát triển |
1. Cây lúa trổ bông. |
|
|
2. Cây cau cao lên. |
|
|
3. Hạt cam nảy mầm. |
|
|
4. Trứng gà nở thành gà con. |
|
|
5. Vịt con lớn thành vịt trưởng thành. |
|
|
6. Mèo trưởng thành đẻ ra mèo con. |
|
|
Lời giải:
Hiện tượng |
Sinh trưởng |
Phát triển |
1. Cây lúa trổ bông. |
|
x |
2. Cây cau cao lên. |
x |
|
3. Hạt cam nảy mầm. |
|
x |
4. Trứng gà nở thành gà con. |
|
x |
5. Vịt con lớn thành vịt trưởng thành. |
x |
|
6. Mèo trưởng thành đẻ ra mèo con. |
|
x |
Bài 29.3 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Quan sát hình 29.1, nêu vai trò của chất dinh dưỡng đối với từng loài cây. Từ đó rút ra vai trò của chất dinh dưỡng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật.
Lời giải:
– Vai trò của chất dinh dưỡng đối với từng loài cây ở trong hình:
+ Vai trò của chất đạm đối với cây lúa: Đạm là một trong những nguyên tố hóa học cơ bản của cây lúa, đồng thời cũng là yếu tố cơ bản trong quá trình phát triển của tế bào và các cơ quan rễ, thân, lá,… Thiếu đạm, cây lúa còi cọc, ít đẻ nhánh, lá vàng úa.
+ Vai trò của chất lân đối với cây cà rốt: Lân ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột tích lũy về hạt và các bộ phận của chất nguyên sinh làm cho cây chống được lạnh, chống được nóng. Thiếu lân ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng củ của cây cà rốt.
– Vai trò của chất dinh dưỡng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật: Chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật. Thiếu chất dinh dưỡng hoặc thừa chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tốc độ sinh trưởng và phát triển của thực vật qua các giai đoạn.
Bài 29.4 trang 63 SBT Khoa học tự nhiên 7: Quan sát hình 29.2 và nêu vai trò của chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập đối với con người.
Lời giải:
Vai trò của chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập đối với con người: Chất dinh dưỡng và chế độ luyện tập ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng và sức khỏe của con người. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ bị suy sinh dưỡng khiến thể trạng thấp còi, suy giảm hệ miễn dịch, giảm phát triển trí tuệ, giảm khả năng giao tiếp,… Thừa chất dinh dưỡng và lười vận động sẽ khiến trẻ bị béo phì khiến suy giảm miễn dịch; tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, tim mạch, tiêu hóa, sinh sản,… Bởi vậy, để đảm bảo sự phát triển thể trạng và sức khỏe, cần có chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập hợp lí.
Bài 29.5 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu một số nhân tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật. Cho ví dụ.
Lời giải:
Một số nhân tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật:
– Thức ăn: Thức ăn ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển ở người và động vật. Ví dụ: Thiếu protein, động vật chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh. Thiếu vitamin gây bệnh còi xương, chậm lớn ở động vật.
– Nhiệt độ: Mỗi loài động vật chỉ phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp, nếu quá cao hoặc quá thấp đều làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật. Ví dụ: Khi nhiệt độ môi trường dưới 18oC thì cá rô phi ngừng lớn và ngừng đẻ.
– Ánh sáng: Ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển động vật qua tia tử ngoại biến tiền vitamin D thành vitamin D. Vitamin D có vai trò trong chuyển hóa calcium để hình thành xương, qua đó ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của động vật. Ví dụ: Những ngày trời rét, động vật mất nhiều nhiệt, vì vậy chúng phơi nắng để thu thêm nhiệt và giảm mất nhiệt.
Bài 29.6 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?
Lời giải:
Gia súc thuộc nhóm động vật hằng nhiệt. Vào mùa đông khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (trời rét), do thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ môi trường nên động vật mất rất nhiều nhiệt lượng vào môi trường xung quanh. Để bù lại số nhiệt lượng đã mất và duy trì thân nhiệt ổn định, cơ chế chống lạnh được tăng cường, quá trình phân hủy các chất hữu cơ giúp sinh nhiệt cho cơ thể. Vì vậy nên cho gia súc (đặc biệt là gia súc non) ăn nhiều hơn để tăng lượng chất hữu cơ cho cơ thể, tăng sức đề kháng, chống rét.
Bài 29.7 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Việc ấp trứng của hầu hết các loài chim có tác dụng gì?
Lời giải:
Việc ấp trứng ở hầu hết các loài chim có tác dụng cung cấp và đảm bảo điều kiện nhiệt độ phù hợp, giúp hợp tử phát triển bình thường. Ngoài ra, việc ấp trứng cũng giúp trứng được trông chừng và bảo vệ được tốt hơn trước những kẻ săn mồi.
Bài 29.8 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy đọc và giải thích các logo trong hình 29.3. Từ đó, nêu ảnh hưởng của các chất kích thích đối với sức khỏe của con người.
Lời giải:
– Giải thích các logo trong hình 29.3:
a) Tác hại của ma túy: Người nghiện ma túy có suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột.
b) Tác hại của rượu bia: Sau khi uống rượu bia có thể có các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi; chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.
c) Tác hại của thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở mọi cơ quan trong cơ thể như: phổi, tim mạch,… và gây đột quỵ, bệnh lao,…
– Ảnh hưởng của các chất kích thích đối với sức khỏe của con người: Các chất kích thích gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, gây nhiều loại bệnh tật và tăng nguy cơ tử vong ở người. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con người, không nên sử dụng các chất kích thích.
Bài 29.9 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Làm thế nào để giúp cơ thể chúng ta phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển bình thường?
Lời giải:
Để cơ thể phát triển khoẻ mạnh, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, thể thao hợp lí; cần kết hợp công việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp,…
Bài 29.10 trang 64 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hãy thiết kế một thí nghiệm chứng minh vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật.
Lời giải:
Thiết kế một thí nghiệm chứng minh vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật:
– Bước 1: Thiết kế hai chậu đất và trồng vào đó hai cây đậu như nhau nhưng một chậu tưới đầy đủ nước hằng ngày còn một chậu chỉ tưới nước một lần trong tuần.
– Bước 2: Theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của hai cây đậu sau 2 tuần, 3 tuần,…
– Bước 3: Rút ra kết luận về vai trò của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển ở thực vật.
Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 28: Tập tính ở động vật
Bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật
Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật