Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
A. Lý thuyết KHTN 7 Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
I. CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở ĐỘNG VẬT
– Ở động vật, sinh trưởng diễn ra ở các mô và cơ quan trong cơ thể.
– Quá trình sinh trưởng và phát triển bao gồm 2 giai đoạn chính: giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.
+ Giai đoạn phôi: Hợp tử phát triển thành phôi, sau đó các tế bào phôi phân hóa thành các mô, cơ quan. Ở động vật đẻ trứng, phôi phát triển trong trứng đã thụ tinh. Ở động vật đẻ con, giai đoạn phôi diễn ra trong cơ thể mẹ.
+ Giai đoạn hậu phôi: Diễn ra sau khi trứng nở hoặc sau khi con sinh ra. Ở một số loài động vật, con non có đặc điểm hình thái khác với con trưởng thành (muỗi, ếch,…) nhưng cũng có một số loài động vật, con non có đặc điểm hình thái gần giống như con trưởng thành (người, gà,…).
Sự sinh trưởng và phát triển của một số động vật
II. THỰC HÀNH QUAN SÁT CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở ĐỘNG VẬT
Chuẩn bị: Hình ảnh, video các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của một số động vật và phiếu quan sát.
Tiến hành
– Bước 1: Quan sát sinh trưởng và phát triển của động vật ở giai đoạn phôi và hậu phôi
– Bước 2: Vẽ sơ đồ vòng đời phát triển của động vật quan sát được
– Bước 3: Hoàn thành phiếu quan sát
Báo cáo kết quả
– Trình bày kết quả quan sát theo phiếu quan sát.
Giai đoạn sinh trưởng và phát triển |
Mô tả sự sinh trưởng và phát triển |
Giai đoạn phôi |
Diễn ra trong trứng, hợp tử phân chia nhiều lần tạo thành phôi, các tế bào của phôi phân hóa và tạo thành các cơ quan. |
Giai đoạn hậu phôi |
Sau khi được sinh ra, sâu bướm (sử dụng thức ăn chủ yếu là lá cây) lớn lên rất nhanh và trải qua nhiều lần lột xác để đạt được hình thái nhộng (kén). Trải qua một quá trình biến đổi phức tạp, bướm (sử dụng thức ăn chủ yếu là mật hoa) được hình thành rồi phá kén chui ra ngoài. Như vậy, trong quá trình phát triển của loài bướm trải qua biến thái hoàn toàn: con non (sâu bướm) có đặc điểm cấu tạo và sinh lí khác hoàn toàn với con trưởng thành (bướm). |
III. MỘT SỐ ỨNG DỤNG SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG THỰC TIỄN
Một số biện pháp vận dụng hiểu biết về sinh trưởng, phát triển của động vật trong thực tiễn:
– Điều hòa sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi bằng cách sử dụng các loại vitamin, khoáng chất kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển ở vật nuôi.
Bổ sung vitamin A, C, D, E,… cho trâu, bò
– Điều khiển yếu tố môi trường làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi bằng cách đảm bảo cân đối chất lượng, số lượng thức ăn; cải tạo chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi.
Cải tạo chuồng trại thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông
– Dựa vào hiểu biết về chu kì sinh trưởng của các loài sâu để tiêu diệt hiệu quả sâu bọ gây hại cây trồng.
Tiêu diệt sâu đục thân trước khi sâu đục thân đẻ trứng
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Câu 1. Cho vòng đời của loài sâu bướm như sau:
Muốn tiêu diệt sâu bướm hại cây trồng tận gốc thì người ta nên tiêu diệt vào giai đoạn nào?
A. Giai đoạn trứng.
B. Giai đoạn sâu bướm.
C. Giai đoạn nhộng.
D. Giai đoạn bướm
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Muốn tiêu diệt sâu bệnh hại tận gốc thì người ta nên tiêu diệt vào giai đoạn sâu bướm. Đây là giai đoạn dễ tiêu diệt đồng thời ở giai đoạn này sâu bướm chưa sinh sản.
Câu 2. Cho đoạn thông tin sau: Con người ứng dụng hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở động vật trong nông nghiệp như điều hòa sinh trưởng và phát triển của vật nuôi bằng sử dụng các loại (1)………….. và (2)………….. kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; (3) …………..; (4) …………..
Điền từ thích hợp để hoàn thiện đoạn thông tin trên:
A. (1) vitamin; (2) protein; (3) điều khiển yếu tố môi trường; (4) tiêu diệt sâu hại.
B. (1) vitamin; (2) lipit; (3) điều khiển yếu tố môi trường; (4) tiêu diệt sâu hại.
C. (1) vitamin; (2) gluxit; (3) điều khiển yếu tố môi trường; (4) tiêu diệt sâu hại.
D. (1) vitamin; (2) khoáng chất; (3) điều khiển yếu tố môi trường; (4) tiêu diệt sâu hại.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: D
Con người ứng dụng hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở động vật trong nông nghiệp như điều hòa sinh trưởng và phát triển của vật nuôi bằng sử dụng các loại vitamin và khoáng chất kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; điều khiển yếu tố môi trường; tiêu diệt sâu hại.
Câu 3. Cho ví dụ: Trong chăn nuôi trâu, bò, lợn, để làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, người ta thực hiện các biện pháp đảm bảo cân đối chất lượng, số lượng thức ăn; cải tạo chuồng trại đủ ánh sáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Đây là ví dụ về điều khiển yếu tố nào trong chăn nuôi để tăng sinh trưởng và phát triển của vật nuôi?
A. Yếu tố môi trường.
B. Yếu tố nhiệt độ.
C. Yếu tố ánh sáng.
D. Yếu tố độ ẩm.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Trong ví dụ trên, các yếu tố được nhắc đến là thức ăn, ánh sáng, nhiệt độ, vaccine. Như vậy, đây là ví dụ về điều khiển yếu tố môi trường trong chăn nuôi để tăng sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.
Câu 4. Trong nhóm các động vật sau, nhóm động vật nào có hình thái con non giống với con trưởng thành?
A. Con muỗi, bướm, thằn lằn, ếch đồng, châu chấu.
B. Thằn lằn, trăn, rắn, chim sẻ, tinh tinh, gấu.
C. Con muỗi, thằn lằn, trăn, rắn, chim sẻ, tinh tinh.
D. Thằn lằn, bướm, rắn, chim sẻ, tinh tinh, gấu
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Trong nhóm các động vật trên, nhóm động vật có hình thái con non giống với con trưởng thành: thằn lằn, trăn, rắn, chim sẻ, tinh tinh, gấu.
Câu 5. Cần phải giữ vệ sinh trong chăn nuôi và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để
A. hạn chế tối đa nguy cơ hóa chất gây hại cho vật nuôi, đảm bảo cho vật nuôi đủ điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
B. hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho vật nuôi, đảm bảo cho vật nuôi đủ điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
C.hạn chế tối đa nguy cơ chất phóng xạ gây hại cho vật nuôi, đảm bảo cho vật nuôi đủ điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
D. hạn chế tối đa nguy cơ vi khuẩn gây hại cho vật nuôi, đảm bảo cho vật nuôi đủ điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Cần phải giữ vệ sinh trong chăn nuôi và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho vật nuôi, đảm bảo cho vật nuôi đủ điều kiện để sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Câu 6. Quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật gồm 2 giai đoạn chính. Đó là
A. giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.
B. giai đoạn phôi và giai đoạn tiền phôi.
C. giai đoạn tiền phôi và giai đoạn hậu phôi.
D. giai đoạn phôi và giai đoạn trung gian.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật gồm 2 giai đoạn chính. Đó là giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.
Câu 7. Ở giai đoạn phôi, hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa tạo thành các mô, cơ quan. Ở động vật đẻ trứng, giai đoạn phôi diễn ra ở
A. trong trứng đã thụ tinh.
B. trong cơ thể mẹ.
C. ngoài tự nhiên.
D. trong môi trường nước.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Ở giai đoạn phôi, hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa tạo thành các mô, cơ quan. Ở động vật đẻ trứng, giai đoạn phôi diễn ra trong trứng đã thụ tinh.
Câu 8. Ở giai đoạn phôi, hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa tạo thành các mô, cơ quan. Ở động vật đẻ con, giai đoạn phôi diễn ra ở
A. trong trứng đã thụ tinh.
B. trong cơ thể mẹ.
C. ngoài tự nhiên.
D. trong môi trường nước.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Ở giai đoạn phôi, hợp tử phát triển thành phôi, các tế bào phôi phân hóa tạo thành các mô, cơ quan. Ở động vật đẻ con, giai đoạn phôi diễn ra trong cơ thể mẹ.
Câu 9. Cho hình ảnh sau:
Hình ảnh trên phản ánh quá trình nào của gà?
A. Quá trình sinh trưởng và phát triển của gà.
B. Quá trình sinh trưởng và phát dục của gà.
C. Quá trình sinh trưởng của gà.
D. Quá trình phát triển của gà.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Hình ảnh mô tả quá trình sinh trưởng và phát triển của gà.
Câu 10. Trong các nhóm động vật sau, nhóm động vật nào có đặc điểm con non nở ra từ trứng có đặc điểm hình thái khác với cơ thể trưởng thành?
A. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, rắn.
B. Ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, bướm.
C. Ong, ruồi, rắn, muỗi, ếch.
D. Chim sẻ, ong, ruồi, muỗi, rắn.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: B
Nhóm động vật có đặc điểm con non nở ra từ trứng có đặc điểm hình thái khác với cơ thể trưởng thành là: ruồi, muỗi, ếch, châu chấu, bướm.
Rắn, chim sẻ là những động vật có đặc điểm con non nở ra từ trứng có đặc điểm hình thái giống với cơ thể trưởng thành.
Câu 11. Tại sao trong một số mô hình chăn nuôi bò sữa hiện nay lại cho bò nghe nhạc?
A. Vì khi cho bò nghe nhạc, bò được thư giãn khiến sản lượng và chất lượng của sữa bò đều tăng.
B. Vì khi cho bò nghe nhạc, bò được tăng sức đề kháng khiến sản lượng và chất lượng của sữa bò đều tăng.
C. Vì khi cho bò nghe nhạc, bò được kích thích sinh sản khiến sản lượng và chất lượng của sữa bò đều tăng.
D. Vì khi cho bò nghe nhạc, bò được kích thích sinh trưởng khiến sản lượng và chất lượng của sữa bò đều tăng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng: A
Yếu tố tâm lí cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật. Căn cứ vào đó, trong một số mô hình chăn nuôi bò sữa hiện nay lại cho bò nghe nhạc vì khi cho bò nghe nhạc, bò được thư giãn khiến sản lượng và chất lượng của sữa bò đều tăng.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật
Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật