Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Bài 5: Ai tài giỏi nhất?
Đọc: Ai tài giỏi nhất? trang 96, 97
Khởi động
Trao đổi về điểm nổi bật của một nhân vật là đồ vật, con vật hoặc cây cối trong truyện em đã đọc, đã nghe.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình để trả lời.
Trả lời:
Truyện “Sự tích hoa mào gà”: Truyện kể về cô Gà mái mơ, có một chiếc mào rất đẹp ở trên đầu y như các chú gà trống bây giờ. Trong khi đi kiếm mồi, gà gặp một cây đang khóc vì không có hoa như các cây xung quanh. Gà đã quyết định tặng chiếc mào đỏ của mình cho cây, cây nở những bông hoa đỏ rực như mào gà nên gọi cây đó là hoa mào gà.
Bài đọc
Ai tài giỏi nhất?
Một sáng nọ, gà đến bờ sông tìm nước uống. Trời lạnh, nước đóng băng. Tìm mãi mới thấy một chỗ có nước nhỏ xíu như miệng chai, gà mừng rỡ thò mỏ xuống uống. Tuy bị lạnh cóng nhưng gà vẫn cảm thấy thích thú với ý nghĩ: “Mình đi trên mặt sông như đi trên bờ”. Nó thốt lên:
– Ôi, băng! Anh thật tài giỏi!
Băng khiêm tốn đáp:
– Không, gà ạ! Mưa mới tài giỏi, nhờ mưa, có nước, mùa đông mới có tôi.
Nghe băng nói, mưa tí tách thưa:
– Đất tài giỏi hơn chứ! Tôi rơi xuống, đất giữ lại nuôi cây cối xanh tươi.
– Cây tài giỏi hơn tôi nhiều. – Đất giải thích. – Cây đứng trên cơ thể tôi, hút nước, hút chất màu để xanh tốt, tỏa bóng râm mát. Ra hoa kết trái.
Cây lắc đầu:
– Không! Lửa mới tài giỏi. Lửa có những cái lưỡi dài soi sáng và sưởi ấm. Lửa có thể đốt cành khô của tôi và nhiều cây cỏ thành tro giúp đất màu mỡ.
– Đúng, tôi có thể làm những việc như cây nói. Nhưng gió sẽ dập tắt tôi nếu tôi thiêu đốt lung tung. Gió mới tài giỏi! – Lửa giãi bày.
Gió rì rào xác nhận:
– Tôi có thể thổi bùng hoặc dập tắt lửa. Nhưng các bạn xem kìa, nàng cỏ bé nhỏ hiên ngang trong gió bão, xanh tươi quanh năm, lại còn trổ những bông hoa xinh xắn nữa chứ. Cỏ mới xứng đáng là những người tài giỏi nhất.
Cỏ dịu dàng xua tay và nói:
– Bác cừu mới là tài giỏi nhất…
Cỏ nói chưa hết câu, cừu đã kêu to:
– Không phải đâu! Người biết thuần dưỡng gà, cừu cùng những con vật khác. Họ có thể làm mưu, làm tan băng, trồng cây, trồng cỏ, tạo ra lửa. Họ biết nhờ gió đẩy thuyền, biết làm nhiều vật dụng,…Tài giỏi nhất trên đời chính là con người!
Câu hỏi 1 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Mỗi nhân vật trong truyện cho rằng ai tài giỏi? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Gà cho rằng băng tài giỏi -> băng cho rằng mưa tài giỏi -> mưa cho rằng đất tài giỏi -> đất cho rằng cây tài giỏi ->cây cho rằng lửa tài giỏi -> lửa cho rằng gió tài giỏi -> gió cho rằng cỏ tài giỏi -> cỏ cho rằng cừu tài giỏi -> cừu cho rằng con người tài giỏi.
Câu hỏi 2 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Vì sao cừu nói: “Tài giỏi nhất trên đời chính là con người!”
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời.
Trả lời:
Cừu nói: “Tài giỏi nhất trên đời chính là con người!”, bởi vì con người biết thuần dưỡng gà, cừu cùng những con vật khác. Họ có thể làm mưa, làm băng tan, trồng cây, trồng cỏ, tạo ra lửa. Họ biết nhờ gió đẩy thuyền, biết làm nhiều vật dụng…
Câu hỏi 3 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Theo em, các nhân vật trong truyện giống nhau ở điểm nào?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Các nhân vật trong truyện đều giống nhau ở điểm đều khiêm tốn về tài năng và sự cống hiến của bản thân, đều cho rằng những điều mình làm được chưa bằng người khác.
Câu hỏi 4 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đặt tên khác cho câu chuyện và nêu lí do em chọn tên đó.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Tên khác cho truyện: “Con người tài giỏi nhất”. Bởi vì, con người có thể làm được tất cả những gì mà cây cối, con vật,… làm được. Con người sáng tạo, phát minh ra chúng, con người thay đổi và tận dụng sự vốn có của thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống,…
Câu hỏi 5 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Cùng bạn đọc phân vai truyện “Ai tài giỏi nhất?”
Trả lời:
Học sinh tự phân vai đọc truyện
Luyện từ và câu: Biện pháp nhân hóa trang 97, 98, 99
Câu hỏi 1 trang 97 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:
Gió vườn không mải chơi xa
Nhắc chị cửa sổ mở ra suốt ngày,
Gió đi lắc lắc cành cây
Giục bác cổ thụ kể ngày xa xưa.
Tìm hoa làn gió nhẹ đưa
Hương thơm tặng bướm ong vừa bay qua,
a. Cửa sổ và cây cổ thụ được gọi bằng gì?
b. Hoạt động của gió vườn được tả bằng những từ ngữ nào?
c. Cách gọi, cách tả đó có tác dụng gì?
Chọn đáp án đúng:
– Làm cho bài thơ có vần nhịp, khác với bài văn xuôi
– Làm cho gió và cây cối khác biệt với hoa, bướm, ong
– Làm cho sự vật trở nên sinh động, gần gũi, đáng yêu.
– Làm cho người đọc nhận ra gió, cây, hoa, bướm, ong
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời.
Trả lời:
a. Cửa sổ và cây cổ thụ được gọi là chị và bác.
b. Hoạt động của gió vườn được miêu tả bằng những từ ngữ: nhắc, đi, lắc lắc, giục, tìm
c. Làm cho sự vật trở nên sinh động, gần gũi, đáng yêu.
Câu hỏi 2 trang 98 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi:
Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
a. Bài ca dao nhắc đến con vật nào?
b. Từ ngữ nào cho thấy tác giả trò chuyện rất thân mật với con vật đó?
c. Cách trò chuyện ấy giúp em có cảm nhận gì về tình cảm của tác giả với con vật?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a. Bài ca dao nhắc đến nhân vật con trâu.
b. Từ ngữ cho thấy tác giả trò chuyện rất thân mật với con vật đó: bảo
c. Người nông dân đã gọi con trâu bằng từ ngữ như gọi một người bạn. Bài thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa có tác dụng là thể hiện sự thân thiết giữa người nông dân và con trâu. Người nông dân đã coi trâu như một người bạn đồng hành trong lao động và cuộc sống.
Câu hỏi 3 trang 98 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Thực hiện các yêu cầu sau:
a. Tìm sự vật được nhân hóa và từ ngữ dùng để nhân hóa có trong các câu thơ, câu văn dưới đây:
Bình minh treo trên mây
Thả nắng vàng xuống đất
Gió mang theo hương mát
Cho ong giỏ mật đầy
Bảo Ngọc
Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra.
Phong Thu
b. Nêu tác dụng của việc sử dụng biện pháp nhân hóa trong các câu thơ, câu văn ở bài tập a.
Phương pháp giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Trả lời:
a.
Sự vật được nhân hóa |
Từ ngữ dùng để nhân hóa |
Bình minh |
Treo, thả |
Gió |
Mang theo |
Tàu |
Mẹ, con |
Xe |
Anh, em |
b. Tác dụng của biện pháp nhân hóa sử dụng trong các câu thơ, câu văn ở bài tập a: giúp cho sự vật trở nên sinh động, gần gũi.
Câu hỏi 4 trang 99 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đặt 1 – 2 câu có sử dụng nhân hóa để nói về một trong các vật sau:
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Ông mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên chào buổi sáng.
Những nàng hoa cúc đang vươn mình trong gió
Viết: Trả bài văn thuật lại một sự việc trang 99
Câu hỏi 1 trang 99 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đề bài: Viết bài văn thuật lại một sự việc trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 của trường để lại cho em nhiều ấn tượng.
1. Nghe thầy cô nhận xét chung về bài văn
2. Đọc lời nhận xét của thầy cô và chỉnh sửa bài văn của em
3. Viết lại một đoạn trong bài văn của em, thêm vào hoạt động, lời nói, ý nghĩa của những người chứng kiến hoặc tham gia để đoạn văn sinh động hơn.
4. Trưng bày và bình chọn bài văn em thích.
Trả lời:
Học sinh nghe thầy cô nhận xét và sửa lại bài theo lời nhận xét
Câu hỏi 2 trang 99 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Trao đổi: Em có đồng ý với nhận định “Con người là tài giỏi nhất!” không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.
Trả lời:
Em đồng ý với quan điểm “Con người là tài giỏi nhất”, bởi vì:
– Con người được coi là một trong những sinh vật thông minh và tài giỏi nhất trên hành tinh này
– Con người có khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng học tập và thích nghi với môi trường mới.
– Con người có khả năng xây dựng các công trình vĩ đại, tìm ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp, có khả năng cải tiến và thay đổi môi trường xung quanh để phù hợp với nhu cầu của chính mình.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 4: Trống đồng Đông Sơn
Bài 5: Ai tài giỏi nhất
Bài 6: Kì quan đê biển
Bài 7: Chuyện cổ tích về loài người
Bài 8: Những mùa hoa trên cao nguyên đá