Địa lí lớp 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực
Video giải Địa lí 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực – Chân trời sáng tạo
A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực
I. KHÁI NIỆM THẠCH QUYỂN
– Thạch quyển là phần cứng ngoài cùng của Trái Đất, bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp man-ti. Vật chất cấu tạo thạch quyển chủ yếu là các loại đá.
– Theo thuyết kiến tạo mảng, thạch quyển được cấu tạo bởi các mảng kiến tạo có kích thước lớn nhỏ khác nhau, chuyển động trên lớp man-ti quánh dẻo.
– Vận động kiến tạo ở ranh giới các mảng đã làm thay đổi cấu trúc và hình thái địa hình bề mặt Trái Đất.
II. NỘI LỰC VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NỘI LỰC ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH ĐỊA HÌNH BỀ MẶT TRÁI ĐẤT
1. Nội lực
– Là lực phát sinh từ bên trong Trái Đất, sinh ra từ sự phân huỷ các nguyên tố phóng xạ, sự dịch chuyển của các dòng vật chất theo trọng lực, năng lượng của các phản ứng hoá học trong lòng đất,…
– Nội lực làm dịch chuyển các mảng kiến tạo; hình thành các dãy núi; tạo ra các uốn nếp, đứt gãy; gây ra động đất, núi lửa; làm thay đổi cấu trúc ban đầu, tạo nên cấu trúc mới;… từ đó làm biến đổi bề mặt Trái Đất.
2. Tác động của nội lực đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất
a. Vận động theo phương thẳng đứng
– Là vận động nâng lên, hạ xuống.
– Có thể làm mở rộng hoặc thu hẹp diện tích của một khu vực một cách chậm chạp và lâu dài, gây ra hiện tượng biển tiến, biển thoái.
b. Vận động theo phương nằm ngang
– Vỏ Trái Đất bị nén ép ở khu vực này và tách dãn ở khu vực khác, gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy. Tốc độ nén ép, tách dãn diễn ra mạnh nhất ở ranh giới các mảng kiến tạo.
* Hiện tượng uốn nếp
– Là hiện tượng các lớp đá bị xô ép, uốn cong thành các nếp uốn nhưng không phá vỡ tính liên tục của chúng.
– Nguyên nhân: do các lực nén ép vận động theo phương nằm ngang, xuất hiện nhiều ở những nơi đá có độ dẻo cao, nhất là các đá trầm tích.
– Cường độ nén ép: mới đầu thay đổi thế nằm ban đầu thành các nếp uốn, về sau bề mặt địa hình bị cắt xẻ thành miền núi uốn nếp.
* Hiện tượng đứt gãy
– Vận động theo phương nằm ngang xảy ra ở những vùng đá cứng sẽ làm cho các lớp đất đá bị gãy, đứt ra rồi dịch chuyển ngược hướng nhau theo phương gần như thẳng đứng hay nằm ngang, tạo ra các hẻm vực, thung lũng,…
– Cường độ tách dãn yếu thì đá chỉ nứt nẻ, không chuyển dịch, tạo nên các khe nứt.
– Tách dãn biên độ lớn sẽ làm cho các lớp đá có bộ phận trồi lên, có bộ phận sụt xuống, hình thành các địa hào, địa luỹ,…
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực
Câu 1. Địa hào thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá
A. uốn nếp.
B. trồi lên.
C. xô lệch.
D. sụt xuống.
Đáp án: D
Giải thích: Địa luỹ thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá trồi lên trên, còn địa hào thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá sụt xuống.
Câu 2. Phát biểu nào sau đây không đúng với vận động nội lực theo phương nằm ngang?
A. Các lục địa nâng lên, hạ xuống.
B. Sinh ra những địa luỹ, địa hào.
C. Tạo nên những nơi núi uốn nếp.
D. Có hiện tượng động đất, núi lửa.
Đáp án: A
Giải thích: Vận động theo phương nằm ngang làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở chỗ này và tách dãn ở chỗ khác, gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy, sinh ra những địa luỹ, địa hào và hiện tượng động đất, núi lửa,…
Câu 3. Sông nào sau đây ở Việt Nam chảy trên một đứt gãy kiến tạo?
A. Đồng Nai.
B. Cả.
C. Thu Bồn.
D. Hồng.
Đáp án: D
Giải thích: Đứt gãy Sông Hồng là một hệ thống đứt gãy trượt bằng gồm đứt gãy chính và nhiều đứt gãy phụ kéo dài từ Duy Tây, Vân Nam, Trung Quốc chạy dọc thung lũng sông Hồng đến vịnh Bắc Bộ, với chiều dài trên 1560 km -> Ở Việt Nam, sông Hồng chảy trên một đứt gãy kiến tạo.
Câu 4. Vận động kiến tạo theo phương nằm ngang xảy ra không phải do nguồn năng lượng của
A. bức xạ từ Mặt Trời đến Trái Đất.
B. sự dịch chuyển các dòng vật chất.
C. các phản ứng hóa học khác nhau.
D. sự phân huỷ các chất phóng xạ.
Đáp án: A
Giải thích: Nguyên nhân của nội lực chủ yếu do nguồn năng lượng từ quá trình phân huỷ các chất phóng xạ, sự sắp xếp vật chất theo trọng lực và các phản ứng hoá học,… xảy ra bên trong Trái Đất. Nguyên nhân chủ yếu sinh ra ngoại lực do nguồn năng lượng bức xạ mặt trời.
Câu 5. Vận động nội lực theo phương nằm ngang không làm
A. những nơi địa luỹ.
B. những nơi địa hào.
C. lục địa nâng lên.
D. thành núi uốn nếp.
Đáp án: C
Giải thích: Vận động theo phương nằm ngang làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở chỗ này và tách dãn ở chỗ khác, gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy. Lục địa nâng lên là kết quả của vận động theo phương thẳng đứng.
Câu 6. Vỏ Trái Đất và phần trên của lớp Manti được cấu tạo bởi các loại đá khác nhau, còn được gọi là
A. khí quyển.
B. thủy quyển.
C. thạch quyển.
D. sinh quyển.
Đáp án: C
Giải thích: Vỏ Trái Đất và phần trên của lớp Manti được cấu tạo bởi các loại đá khác nhau, tạo thành lớp vỏ cứng ở ngoài cùng của Trái Đất, gọi chung là thạch quyển.
Câu 7. Tác động nào sau đây làm cho biển tiến và biển thoái?
A. Lục địa nâng lên, hạ xuống.
B. Các lớp đá mềm bị uốn nếp.
C. Động đất, núi lửa hoạt động.
D. Các lớp đá cứng bị đứt gãy.
Đáp án: A
Giải thích: Vận động theo phương thẳng đứng là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trong một khu vực rộng lớn, làm cho bộ phận này của lục địa được nâng lên, trong khi bộ phận khác bị hạ xuống, kết quả dẫn tới hiện tượng biên tiến và biến thoái.
Câu 8. Biểu hiện nào sau đây là kết quả của vận động nội lực theo phương thẳng đứng?
A. Các địa luỹ.
B. Núi uốn nếp.
C. Các địa hào.
D. Lục địa nâng.
Đáp án: D
Giải thích: Vận động theo phương thẳng đứng là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trong một khu vực rộng lớn, làm cho bộ phận này của lục địa được nâng lên, trong khi bộ phận khác bị hạ xuống, kết quả dẫn tới hiện tượng biên tiến và biến thoái.
Câu 9. Mảng kiến tạo không phải là
A. chìm sâu mà nổi ở phần trên lớp Manti.
B. luôn luôn đứng yên không di chuyển.
C. bộ phận lục địa nổi trên bề mặt Trái Đất.
D. những bộ phận lớn của đáy đại dương.
Đáp án: B
Giải thích: các mảng kiến tạo nổi lên trên lớp vật chất quánh dẻo thuộc phần trên của lớp man-ti. Hoạt động của các dòng đối lưu vật chất quánh dẻo và có nhiệt độ cao trong lớp man-ti trên làm cho các mảng không đúng yên mà dịch chuyển trên lớp quánh dẻo này.
Câu 10. Ở vùng tiếp xúc của các mảng kiến tạo không bao giờ là
A. có xảy ra các loại hoạt động kiến tạo.
B. có những sống núi ngầm ở đại dương.
C. có nhiều hoạt động núi lửa, động đất.
D. những vùng ổn định của vỏ Trái Đất.
Đáp án: D
Giải thích: Mỗi mảng kiến tạo đều trôi nổi và di chuyển độc lập với tốc độ chậm (chỉ khoảng vài cm/năm). Trong khi dịch chuyển, các mảng có thể tách rời nhau, xô vào nhau; kết quả là tạo ra các sống núi ngầm, động đất, núi lửa, các dãy núi trẻ,…
Câu 11. Các lớp đá bị đứt gãy trong điều kiện vận động kiến tạo theo phương
A. ngang ở vùng đá cứng.
B. ngang ở vùng đá mềm.
C. đứng ở vùng đá mềm.
D. đứng ở vùng đá cứng.
Đáp án: A
Giải thích: Tại những khu vực cấu tạo bởi đá cứng, vận động kiến tạo làm các lớp đá của vỏ Trái Đất bị nứt vỡ, hình thành các vết nứt hoặc đứt gãy kéo dài. Hai bên đứt gãy có bộ phận được nâng lên (tạo thành dãy núi, khối núi,…) và có bộ phận hạ thấp (tạo thành thung lũng). Các đứt gãy lớn đã tạo điều kiện để hình thành nhiều thung lũng sông trên bề mặt Trái Đất.
Câu 12. Địa lũy thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá
A. sụt xuống.
B. trồi lên.
C. uốn nếp.
D. xô lệch.
Đáp án: B
Giải thích: Địa luỹ thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá trồi lên trên, còn địa hào thường được sinh ra trong điều kiện các lớp đá sụt xuống.
Câu 13. Theo thuyết kiến tạo mảng, thạch quyển gồm có
A. đất, nước và không khí.
B. đại dương, lục địa và núi.
C. các loại đá nhất định.
D. một số mảng kiến tạo.
Đáp án: D
Giải thích: Theo thuyết kiến tạo mảng, thạch quyển gồm một số mảng kiến tạo. Các mảng này có bộ phận nổi cao trên mực nước biển là lục địa, các đảo và có bộ phận trũng, thấp bị nước bao phủ là đại dương.
Câu 14. Vận động kiến tạo theo phương thẳng đứng xảy ra không phải do nguồn năng lượng của
A. các phản ứng hóa học khác nhau.
B. sự dịch chuyển các dòng vật chất.
C. sự phân huỷ các chất phóng xạ.
D. bức xạ từ Mặt Trời đến Trái Đất.
Đáp án: D
Giải thích: Nguyên nhân của nội lực chủ yếu do nguồn năng lượng từ quá trình phân huỷ các chất phóng xạ, sự sắp xếp vật chất theo trọng lực và các phản ứng hoá học,… xảy ra bên trong Trái Đất. Nguyên nhân chủ yếu sinh ra ngoại lực do nguồn năng lượng bức xạ mặt trời.
Câu 15. Sự hoạt động của các dòng đối lưu vật chất nóng chảy trong lòng Trái Đất là nguyên nhân khiến cho
A. các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển được trên lớp nhân.
B. các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển được trên lớp Manti.
C. các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển trượt lên bề mặt nhau.
D. các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển được trên vỏ lục địa.
Đáp án: B
Giải thích: Cơ chế làm cho các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển được trên lớp Manti là sự hoạt động của các dòng đối lưu vật chất nóng chảy trong lòng Trái Đất.
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 5: Hệ quả địa lí các chuyển động của trái đất
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 6: Thạch quyển, nội lực
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 7: Ngoại lực
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí quyển, sự phân bố nhiệt độ không khí trên trái đất
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 9: Khí áp và gió
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 10: Mưa