Địa lí lớp 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới
Video giải Địa lí 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới – Chân trời sáng tạ
A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới
I. DÂN SỐ THẾ GIỚI
1. Đặc điểm dân số thế giới
– Dân số tăng lên theo thời gian, năm 2020, dân số thế giới khoảng 7,79 tỉ người, gấp khoảng 3 lần so với năm 1950.
– Dân số giữa các nước, các vùng lãnh thổ rất khác nhau.
2. Tình hình phát triển dân số thế giới
– Dân số không ngừng tăng, đặc biệt từ khoảng giữa thế kỉ XX
– Hiện tượng “bùng nổ dân số” gây ra những vấn đề về kinh tế – xã hội, môi trường nghiêm trọng, suy thoái tài nguyên.
– Dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thế kỉ XXI với tốc độ chậm hơn so với thời gian trước. Dự báo đạt khoảng 9 tỉ người vào năm 2037.
II. GIA TĂNG DÂN SỐ
1. Gia tăng dân số tự nhiên
– Là sự tăng giảm dân số do hai nhân tố sinh đẻ và tử vong quyết định, thể hiện qua tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô.
a. Tỉ suất sinh thô
– Là sự tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm còn sống so với số dân trung bình ở cùng thời điểm. Tỉ suất sinh thô thế giới năm 2020 là 19‰, xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉ suất sinh thô cao nhất thế giới là châu Phi có 33,6‰, thấp nhất là Châu Âu chỉ 10,4‰.
b. Tỉ suất tử thô
– Là sự tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm. Tỉ suất tử thô thế giới năm 2020 là 7‰, xu hướng tăng. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉ suất tử thô cao nhất thế giới là châu Âu có 11,0‰, thấp nhất là Châu Đại Dương chỉ 6,8‰.
c. Tỉ suất tăng dân số tự nhiên
– Xác định bằng hiệu số giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô trong một khoảng thời gian xác định trên một đơn vị lãnh thổ. Tỉ suất tăng dân số tự nhiên thế giới năm 2020 là 1,2%, xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉ suất tăng dân số tự nhiên cao nhất thế giới là châu Phi (2,5%), thấp nhất là Châu Âu (-0,06%).
2. Gia tăng dân số cơ học
Gồm hai bộ phận: xuất cư và nhập cư.
– Tỉ suất nhập cư: tương quan giữa số người di chuyển đến một vùng lãnh thổ so với số dân trung bình cùng thời điểm.
– Tỉ suất xuất cư: tương quan giữa số người di chuyển ra khỏi một vùng lãnh thổ so với số dân trung bình cùng thời điểm
– Tỉ suất gia tăng dân số cơ học là hiệu số giữa tỉ suất nhập cư và tỉ suất xuất cư.
Gia tăng cơ học không làm thay đổi số dân trên toàn thế giới nhưng đối với từng quốc gia, khu vực thì nó có thể làm thay đổi số dân và tác động quan trọng đến phát triển kinh tế – xã hội.
3. Gia tăng dân số thực tế
– Được xác định bằng tổng số giữa tỉ suất tăng dân số tự nhiên và tỉ suất tăng dân số cơ học (tính bằng %). Gia tăng dân số thực tế của thế giới có xu hướng giảm. Giai đoạn 2015 – 2020, gia tăng dân số thực tế cao nhất ở châu Phi với 2,5%, thấp nhất ở châu Âu chỉ 0,1%.
– Quy mô thế giới, gia tăng dân số thực tế phụ thuộc vào gia tăng dân số tự nhiên. Quy mô quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng dân số thực tế phụ thuộc vào cả gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học.
III. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIA TĂNG DÂN SỐ THẾ GIỚI
1. Kinh tế – xã hội
– Các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao, điều kiện sống tốt, thu nhập của người dân cao, cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ thu hút dân nhập cư và ngược lại. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, tỉ lệ dân số làm nông nghiệp cao dẫn đến nhu cầu về nguồn lao động nhiều hơn, gia tăng dân số cao.
– Chính sách dân số ở các nước, phong tục, tập quán và tâm lí xã hội, độ tuổi kết hôn,… ở mỗi vùng lãnh thổ trong những thời kì nhất định có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự gia tăng dân số.
2. Tự nhiên – sinh học
– Điều kiện tự nhiên (vị trí địa lí, khí hậu, đất đai, sông ngòi,…); cơ cấu sinh học của dân số (độ tuổi, giới tính),… cũng tác động đến gia tăng dân số.
3. Các nhân tố khác
– Thiên tai, dịch bệnh,… cũng ảnh hưởng đến gia tăng dân số ở các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
B. Bài tập trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới
Câu 1. Tỉ suất sinh thô không phụ thuộc vào yếu tố nào sau đây?
A. Tự nhiên – sinh học.
B. Phong tục tập quán.
C. Tâm lí xã hội.
Đáp án: D
Giải thích: Tỉ suất sinh thô là tương quan giữa số trẻ em sinh ra trong năm còn sống so với dân số trung bình ở cùng thời điểm => Tỉ suất sinh thô phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên – sinh học, phong tục tập quán và tâm lí xã hội,… Các yếu tố này có tác động khác nhau ở từng vùng, khu vực trên thế giới.
Câu 2. Gia tăng cơ học không có ý nghĩa đối với
A. từng vùng.
B. qui mô dân số.
C. từng quốc gia.
D. từng khu vực.
Đáp án: B
Giải thích: Sự chênh lệch giữa số người xuất cư và số người nhập cư được gọi là gia tăng cơ học. Gia tăng cơ học có ý nghĩa với từng khu vực, vùng, quốc gia trên phạm vi toàn thế giới nhưng không ảnh hưởng đến qui mô dân số.
Câu 3. Dân số trên thế giới tăng lên hay giảm đi là do
A. xuất cư và tử vong.
B. sinh đẻ và xuất cư.
C. sinh đẻ và tử vong.
D. sinh đẻ và nhập cư.
Đáp án: C
Giải thích: Gia tăng dân số tự nhiên biểu hiện sự thay đổi dân số do chênh lệch giữa số sinh và số chết. Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên là hiệu số giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô => Dân số trên thế giới tăng lên hay giảm đi là do sinh đẻ và tử vong.
Câu 4. Yếu tố nào sau đây có ảnh hưởng quyết định đến tỉ suất sinh của một quốc gia?
A. Phong tục tập quán.
B. Tự nhiên – sinh học.
C. Chính sách dân số.
D. Tâm lí xã hội.
Đáp án: C
Giải thích: Yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến tỉ suất sinh của một quốc gia là chính sách dân số. Ví dụ: Ở Trung Quốc thực hiện chính sách triệt để “Mỗi gia đình chỉ được sinh 1 con” nên dẫn đến mất cân bằng giới tính (giới nam nhiều hơn giới nữ) hay Việt Nam thực hiện chính sách, kế hoạch hóa gia đình “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con” nên dân số Việt Nam tăng nhưng chậm và có kiểm soát,…
Câu 5. Gia tăng cơ học không có ảnh hưởng lớn đến vấn đề dân số của
A. toàn thế giới.
B. một khu vực.
C. vùng lãnh thổ.
D. một quốc gia.
Đáp án: A
Giải thích: Gia tăng cơ học gồm hai bộ phận là xuất cư và nhập cư nên gia tăng cơ học chỉ ảnh hưởng đến dân số ở 1 khu vực, quốc gia hay vùng lãnh thổ => Gia tăng cơ học không có ảnh hưởng lớn đến vấn đề dân số của toàn thế giới.
Câu 6. Ở những nước phát triển, tỉ suất tử thô thường cao là do tác động chủ yếu của yếu tố nào sau đây?
A. Dân số già.
B. Bão lụt.
C. Dịch bệnh.
D. Động đất.
Đáp án: A
Giải thích: Ở các nước phát triển tỉ suất tử thô thường cao là do tác động của dân số già (người trên độ tuổi lao động cao, số trẻ em sinh ra thấp, có nước rất thấp).
Câu 7. Tỉ suất sinh thô của thế giới năm 2020 là 19% có nghĩa là
A. trung bình 1000 dân, có 19 trẻ em bị chết trong năm đó.
B. trung bình 1000 dân, có 19 trẻ em dưới 5 tuổi trong năm đó.
C. trung bình 1000 dân, có 19 trẻ em được sinh ra trong năm đó.
D. trung bình 1000 dân, có 19 trẻ em nguy cơ tử vong trong năm.
Đáp án: C
Giải thích: Tỉ suất sinh thô của thế giới năm 2020 là 19% có nghĩa là trung bình 1000 dân, có 19 trẻ em được sinh ra trong năm đó.
Câu 8. Tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình cùng thời điểm được gọi là
A. gia tăng tự nhiên.
B. gia tăng cơ học.
C. tỉ suất sinh thô.
D. tỉ suất tử thô.
Đáp án: D
Giải thích: Tỉ suất tử thô là tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình cùng thời điểm (đơn vị: ‰).
Câu 9. Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên được coi là
A. gia tăng cơ học trên thế giới.
B. động lực phát triển dân số.
C. số dân ở cừng thời điểm đó.
D. gia tăng dân số có kế hoạch.
Đáp án: B
Giải thích: Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (Tg) là sự chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô và tử thô (đơn vị: %). Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên được coi là động lực phát triển dân số.
Câu 10. Nguyên nhân làm cho tỉ lệ xuất cư của một nước tăng lên không phải là do
A. mức sống thấp.
B. đời sống khó khăn.
C. dễ kiếm việc làm.
D. tự nhiên khắc nghiệt.
Đáp án: C
Giải thích: Nguyên nhân làm cho tỉ lệ xuất cư của một nước hay một vùng lãnh thổ tăng lên là đời sống khó khăn, mức sống thấp và các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (khô nóng, thiên tai,…). Còn môi trường sống thuận lợi, dễ kiếm việc làm, thu nhập cao tạo lực hút mạnh mẽ đối với dân cư -> làm tăng tỉ lệ nhập cư của một lãnh thổ.
Câu 11. Yếu tố nào sau đây có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tỉ suất sinh của một quốc gia?
A. Phong tục tập quán.
B. Tự nhiên – sinh học.
C. Tâm lí xã hội.
D. Phát triển kinh tế – xã hội.
Đáp án: D
Giải thích: Yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tỉ suất sinh của một quốc gia trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao thì tỉ suất sinh giảm (có thể âm), điển hình là một số quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mĩ. Còn các có trình độ phát triển kinh tế, xã hội thấp thì tỉ suất sinh cao, điển hình là một số quốc gia thuộc khu vực châu Phi, Mĩ Latinh và châu Á.
Câu 12. Tỉ suất tử thô không phụ thuộc vào yếu tố nào sau đây?
A. Sinh học.
B. Đói kém.
C. Thiên tai.
D. Chiến tranh.
Đáp án: A
Giải thích: Tỉ suất tử thô là tương quan giữa số người chết trong năm so với dân số trung bình ở cùng thời điểm => Tỉ suất tử thô phụ thuộc vào yếu tố chiến tranh, đói kém và thiên tai.
Câu 13. Tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm được gọi là
A. gia tăng cơ học.
B. tỉ suất tử thô.
C. gia tăng tự nhiên.
D. tỉ suất sinh thô.
Đáp án: D
Giải thích: Tỉ suất sinh thô là tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm (đơn vị: ‰).
Câu 14. Xu hướng thay đổi tỉ suất sinh thô của các nhóm nước trên thế giới hiện nay là
A. tỉ suất sinh thô nhóm nước phát triển giảm, đang phát triển tăng nhanh.
B. nhóm nước đang phát triển có tỉ suất sinh thô cao hơn nhóm phát triển.
C. tỉ suất sinh thô các nhóm nước phát triển và đang phát triển tăng nhanh.
D. nhóm nước đang phát triển có tỉ suất sinh thô thấp hơn nhóm phát triển.
Đáp án: B
Giải thích:
Xu hướng thay đổi tỉ suất sinh thô của các nhóm nước trên thế giới là
– Tỉ suất sinh thô có xu hướng giảm mạnh, trong đó các nước phát triển giảm nhanh hơn.
– Tỉ suất sinh thô của nhóm nước đang phát triển cao hơn nhóm phát triển. Năm 2020, tỉ suất sinh thô trên thế giới khoảng 19%o, trong đó các nước phát triển khoảng 10%o, các nước đang phát là triển khoảng 20%o.
– Tỉ suất sinh thô trên thế giới có xu hướng giảm ở cả nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển.
Câu 15. Nhận định nào sau đây đúng với tình hình gia tăng dân số thế giới hiện nay?
A. Tốc độ gia tăng dân số chậm, quy mô dân số thế giới khá ổn định.
B. Tốc độ gia tăng dân số chậm, quy mô dân số thế giới ngày càng giảm.
C. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, quy mô dân số thế giới ngày càng lớn.
D. Gia tăng tự nhiên tăng nhanh, quy mô dân số thế giới ngày càng lớn.
Đáp án: C
Giải thích: Tình hình gia tăng dân số thế giới hiện nay là tốc độ gia tăng dân số nhanh, quy mô dân số thế giới ngày càng lớn. Tính đến năm 2020, số dân của thế giới đạt khoảng 7795 triệu người.
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 18: Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 19: Dân số và sự phát triển dân số thế giới
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 20: Cơ cấu dân số
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 23: Nguồn lực phát triển kinh tế
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế