Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 29: Virus
Phần 1. Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 29: Virus
Câu 1: Các đơn vị cấu tạo nên vỏ capsid của virus là
A. capsomer.
B. glycoprotein.
C. glycerol.
D. nucleotide.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Vỏ capsid của virus được cấu tạo từ các đơn vị protein là capsomer.
Câu 2: Cho các chức năng sau:
(1) Nhận diện tế bào vật chủ để xâm nhập.
(2) Bảo vệ virus khỏi hệ thống miễn dịch của tế bào vật chủ.
(3) Giúp virus bám vào tế bào vật chủ.
(4) Giúp virus nhân lên nhanh chóng.
Lớp vỏ ngoài của virus đảm nhận số chức năng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Các chức năng của lớp vỏ ngoài của virus là: (1) và (3).
Câu 3: Nhận định nào sau đây đúng về vật chất di truyền của virus?
A. Chỉ có thể là DNA, mạch đơn hoặc mạch kép.
B. Chỉ có thể là RNA, mạch đơn hoặc mạch kép.
C. Có thể là DNA hoặc RNA, mạch đơn hoặc mạch kép.
D. Có thể là DNA mạch kép hoặc RNA mạch đơn.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Vật chất di truyền của virus là DNA hoặc RNA, mạch đơn hoặc mạch kép.
Câu 4: Franken và Conrat đã tiến hành thí nghiệm tách lõi RNA ra khỏi vỏ protein của hai chủng virus A và B.Sau đó, tiến hành lấy lõi nucleic acid của chủng A kết hợp với vỏ capsid của chủng B để tạo thành virus lai. Nhiễm chủng virus lai vào cây thuốc lá thì cây sẽ bị bệnh. Theo lí thuyết, khi tiến hành phân lập từ lá cây bị bệnh sẽ thu được virus có cấu tạo gồm
A. lõi nucleic acid của chủng A và vỏ capsid của chủng B.
B. lõi nucleic acid của chủng B và vỏ capsid của chủng A.
C. lõi nucleic acid của chủng A và vỏ capsid của chủng A.
D. lõi nucleic acid của chủng B và vỏ capsid của chủng B.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Khi xâm nhập vào tế bào chủ, lõi nucleic acid sẽ quy định tổng hợp nên phần lõi và phần vỏ capsid của virus mới mà virus lai có lõi nucleic acid của chủng A → Virus mới sẽ có lõi nucleic acid của chủng A và vỏ capsid của chủng A.
Câu 5: Cho các tiêu chí sau:
(1) Sự tồn tại của lớp vỏ ngoài
(2) Sự sắp xếp của capsomer ở vỏ capsid
(3) Loại vật chất di truyền
(4) Loại vật chủ
Số tiêu chí được sử dụng để phân loại virus là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Sự phân loại của virus có thể dựa trên cả 4 tiêu chí: sự tồn tại của lớp vỏ ngoài, sự sắp xếp của capsomer ở vỏ capsid, loại vật chất di truyền, loại vật chủ.
Câu 6: Đặc điểm nào sau đây không đúng với virus?
A. Có kích thước siêu nhỏ (khoảng 20 – 300 nm).
B. Có cấu tạo tế bào mặc dù còn rất đơn giản.
C. Có vật chất di truyền là DNA hoặc RNA.
D. Chỉ có thể nhân lên trong tế bào vật chủ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Virus là thực thể chưa có cấu tạo tế bào.
Câu 7: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về sự khác nhau của virus và vi khuẩn?
A. Virus không nhất thiết phải sống kí sinh nội bào bắt buộc còn vi khuẩn phải sống kí sinh nội bào bắt buộc.
B.Virus không có hệ thống sinh năng lượng còn vi khuẩn thì có hệ thống sinh năng lượng.
C. Virus có hiện tượng sinh trưởng và nhân lên còn vi khuẩn thì không có hiện tượng sinh trưởng và nhân lên.
D. Virus có thể mẫn cảm với các chất kháng sinh còn vi khuẩn thì không mẫn cảm với các chất kháng sinh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Virus sống kí sinh nội bào bắt buộc, không có hệ thống sinh năng lượng, không có hiện tượng sinh trưởng và không mẫn cảm với các chất kháng sinh.
Câu 8: Tại sao virus không thể nuôi trong môi trường tổng hợp như vi khuẩn?
A. Vì virus có kích thước rất nhỏ.
B. Vì virus có vật chất di truyền là RNA.
C. Vì virus sống kí sinh nội bào bắt buộc.
D. Vì virus không mẫn cảm với chất kháng sinh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Virus có đời sống kí sinh nội bào bắt buộc, không thể nhân lên và thực hiện các hoạt động chuyển hóa bên ngoài tế bào chủ nên không thể nuôi trong môi trường tổng hợp như vi khuẩn.
Câu 9: Thành phần cơ bản của virus là
A. vỏ capsit và lõi nucleic acid.
B. vỏ capsit và vỏ ngoài.
C. vỏ ngoài và lõi nucleic acid.
D. lõi nucleic acidvàgai glycoprotein.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Virus có 2 thành phần cơ bản là: vỏ capsit và lõi nucleic acid. Vỏ ngoài chứa các gai glycoprotein là thành phần chỉ có ở một số virus.
Câu 10: Quan sát hình ảnh mô tả cấu tạo của virut dưới đây. Thành phần cấu tạo gồm các số 1, 2, 3, 4 theo thứ tự lần lượt là
A. vỏ capsid, vỏ ngoài, lõi nucleic acid, gai glycoprotein.
B. vỏ ngoài, vỏ capsid, lõi nucleic acid, gai glycoprotein.
C. vỏ capsid, gai glycoprotein, lõi nucleic acid, vỏ ngoài.
D. gai glycoprotein, vỏ capsid, lõi nucleic acid, vỏ ngoài.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
(1) vỏ ngoài
(2) vỏ capsid
(3) lõi nucleic acid
(4) gai glycoprotein
Câu 11: Dựa vào lớp vỏ ngoài, virus được phân thành các nhóm gồm
A. virus trần và virus có vỏ ngoài.
B. virus có cấu trúc xoắn, virus có cấu trúc khối và virus có cấu trúc hỗn hợp.
C. virus DNA và virus RNA.
D. virus kí sinh ở vi khuẩn, virus kí sinh ở nấm, virus kí sinh ở thực vật, virus kí sinh ở động vật và người.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A.
Dựa vào lớp vỏ ngoài, virus được chia làm 2 loại là virus trần và virus có vỏ ngoài.
Câu 12: Phát biểu nào sau đây sai khi nói về virus trần và virus có vỏ ngoài?
A. Virus trần và virus có vỏ ngoài đều có vỏ capsid.
B. Virus trần và virus có vỏ ngoài đều có lõi nucleic acid.
C. Bề mặt của virus trần có các gai glycoprotein còn bề mặt của virus có vỏ ngoài thì không có các gai glycoprotein.
D. Virus trần không có lớp vỏ ngoài bằng phospholipid và protein còn virus có vỏ ngoài thì có lớp vỏ ngoài bằng phospholipid và protein.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Virus có vỏ ngoài mới có lớp vỏ ngoài bằng phospholipid và protein chứa các gai glycoprotein.
Câu 13: Virus được phân thành 3 nhóm gồm virus có cấu trúc xoắn, virus có cấu trúc khối và virus có cấu trúc hỗn hợp. Sự phân loại này dựa trên tiêu chí nào sau đây?
A. Sự tồn tại của lớp vỏ ngoài.
B. Sự sắp xếp của capsomer ở vỏ capsid.
C. Loại vật chất di truyền.
D. Loại vật chủ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Dựa vào sự sắp xếp của capsomer ở vỏ capsid, virus được phân thành 3 nhóm gồm virus có cấu trúc xoắn, virus có cấu trúc khối và virus có cấu trúc hỗn hợp.
Câu 14: Virus có thể kí sinh ở bao nhiêu sinh vật trong các sinh vật sau đây?
(1) Vi khuẩn
(2) Nấm
(3) Thực vật
(4) Động vật
(5) Người
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Virus có thể kí sinh ở vi khuẩn, nấm, thực vật, động vật và người.
Câu 15: Trình tự các giai đoạn trong quá trình nhân lên của virus là
A. xâm nhập → hấp phụ → tổng hợp → lắp ráp → phóng thích.
B. xâm nhập → hấp phụ → lắp ráp → tổng hợp → phóng thích.
C. hấp phụ → xâm nhập → lắp ráp → tổng hợp → phóng thích.
D. hấp phụ → xâm nhập → tổng hợp → lắp ráp → phóng thích.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Quá trình nhân lên của virus trong tế bào vật chủ được chia thành 5 giai đoạn theo trình tự là: hấp phụ → xâm nhập → tổng hợp → lắp ráp → phóng thích.
Câu 16: Sự liên kết giữa phân tử bề mặt của virus với thụ thể bề mặt của tế bào chủ xảy ra trong giai đoạn
A. hấp phụ.
B. xâm nhập.
C. tổng hợp.
D. phóng thích.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Sự liên kết giữa phân tử bề mặt của virus với thụ thể bề mặt của tế bào chủ xảy ra trong giai đoạn hấp phụ.
Câu 17: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về sự khác nhau trong giai đoạn xâm nhập giữa phage và virus có vỏ ngoài?
A. Ở phage, nucleocapsid được đưa vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng nucleic acid. Ở virus có vỏ ngoài, nucleic acid được bơm vào tế bào chất còn vỏ nằm bên ngoài.
B. Ở phage, nucleic acid được bơm vào tế bào chất còn vỏ nằm bên ngoài. Ở virus có vỏ ngoài, nucleocapsid được đưa vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng nucleic acid.
C. Ở phage, vỏ capsid được bơm vào tế bào chất còn nucleic acid nằm bên ngoài. Ở virus có vỏ ngoài, nucleocapsid được đưa vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng nucleic acid.
D. Ở phage, nucleocapsid được đưa vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng nucleic acid. Ở virus có vỏ ngoài, vỏ capsid được bơm vào tế bào chất còn nucleic acid nằm bên ngoài.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Ở phage, nucleic acid được bơm vào tế bào chất còn vỏ nằm bên ngoài. Ở virus có vỏ ngoài, nucleocapsid được đưa vào tế bào chất sau đó “cởi vỏ” để giải phóng nucleic acid.
Câu 18: Vì sao mỗi loại virus chỉ xâm nhập vào tế bào của vật chủ nhất định?
A. Vì mỗi loại virus chỉ xâm nhập được vào những tế bào của vật chủ có hệ gene tương thích với hệ gene của virus.
B. Vì mỗi loại virus chỉ xâm nhập được vào những tế bào của vật chủ có màng sinh chất tương thích với vỏ capsid của virus.
C. Vì mỗi loại virus chỉ xâm nhập được vào những tế bào của vật chủ có hình dạng tương thích với hình dạng của virus.
D. Vì mỗi loại virus chỉ xâm nhập được vào những tế bào của vật chủ có thụ thể tương thích với phân tử bề mặt của virus.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Muốn xâm nhập được vào tế bào, phân tử bề mặt của virus phải gắn đặc hiệu vào thụ thể bề mặt của tế bào vật chủ theo nguyên tắc “chìa và khóa”. Do do, mỗi loại virus chỉ có thể lây nhiễm một số hạn chế tế bào vật chủ nhất định.
Câu 19: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về sự khác nhau giữa virus độc và virus ôn hòa?
A. Virus độc không thể nhân lên nhưng tiết chất độc phá vỡ tế bào chủ. Virus ôn hòa cũng không thể nhân lên nhưng tiết chất dinh dưỡng để nuôi tế bào chủ.
B. Virus độc không thể nhân lên nhưng tiết chất độc phá vỡ tế bào chủ. Virus ôn hòa thì có thể nhân lên và làm phá vỡ tế bào chủ.
C. Virus độc xâm nhập, nhân lên và phá vỡ tế bào chủ. Virus ôn hòa gắn bộ gen vào bộ gen tế bào chủ, không tạo thành virus mới và không phá vỡ tế bào chủ.
D. Virus độc gắn bộ gen vào bộ gen tế bào chủ, không tạo thành virus mới và không phá vỡ tế bào chủ. Virus ôn hòa xâm nhập, nhân lên và phá vỡ tế bào chủ.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Virus độc xâm nhập, nhân lên và phá vỡ tế bào chủ. Virus ôn hòa gắn bộ gen vào bộ gen tế bào chủ, không tạo thành virus mới và không phá vỡ tế bào chủ.
Câu 20: Cho các yếu tố sau:
(1) Lượng virus
(2) Tốc độ nhân lên và lây lan của virus
(3) Tình trạng sức khỏe của vật chủ
(4) Các bệnh nền của vật chủ
Trong số các yếu tố trên, số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh của virus là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Khả năng gây bệnh của virus có liên quan đến những yếu tố khác nhau của virus (lượng virus, con đường xâm nhập, tốc độ nhân lên và lây lan) và vật chủ (tuổi, tình trạng miễn dịch, tình trạng sức khỏe, các bệnh nền, bộ phận nhiễm virus,…).
Phần 2. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 29: Virus
I. Khái niệm và đặc điểm của virus
1. Khái niệm
Virus là thực thể chưa có cấu tạo tế bào, vô cùng nhỏ bé và được nhân lên trong tế bào của sinh vật sống.
Cấu trúc của virus rất đơn giản: lõi là nucleic acid (DNA hoặc RNA), vỏ là protein (vỏ capsid)., kích thước siêu nhỏ (20 – 300 micromet).
Chúng kí sinh nội bào bắt buộc và chỉ nhân lên trong tế bào vật chủ.
2. Đặc điểm
a) Virus được cấu trúc bởi 2 thành phần cơ bản:
– Lõi nucleic acid: DNA hoặc RNA, mạch kép hoặc mạch đơn.
– Lớp vỏ capsid: cấu tạo từ protein là capsomer. Ngoài ra, một số virus có lớp vỏ ngoài (phosphplipid + protein) chứa gai glycoprotein giúp bám chặt vào vật chủ, nhận diện tế bào chủ để xâm nhập.
b) Phân loại virus:
– Dựa vào vỏ ngoài: virus trần và virus có vỏ ngoài.
– Dựa vào sự sắp xếp capsomer ở vỏ capsid: virus xoắn, virus khối và virus có cấu trúc hỗn hợp.
– Dựa vào vật chất di truyền: virus DNA và virus RNA.
– Dựa vào đối tượng vật chủ: virus kí sinh ở vi khuẩn, virus kí sinh ở nấm, virus kí sinh ở thực vật và virus kí sinh ở động vật và người.
II. Quá trình nhân lên của virus trong tế bào chủ
1. Quá tình nhân lên của virus trong tế bào chủ
Quá trình nhân lên của virus chỉ được thực hiện bên trong tế bào vật chủ. Quá trình này diễn ra rất nhanh.
Quá trình nhân lên của virus trong tế bào chủ gồm 5 giai đoạn: hấp phụ => xâm nhập => tổng hợp => lắp ráp => phóng thích.
2. Chu trình tan, tiềm tan và cơ chế gây bệnh của virus
a) Chu trình tan và tiềm tan:
Chu trình tan: chu trình nhân lên kết thúc bằng sự làm tan và giết chết tế bào vật chủ, virus nhân lên theo chu trình này gọi là virus độc.
Chu tình tiềm tan: cho phép hệ gene của virus có thể tái bản, chúng không tạo thành virus mới và không phá vỡ tế bào vật chủ.
Những virus có khả năng dùng cả hai chu trình tỏng một tế bào vật chủ gọi là virus ôn hòa.
b) Cơ chế gây bệnh của virus:
Quá trình nhân lên của virus làm cho tế bào vật chủ bị chết. Virus gây bệnh cho cơ thể bằng cách giết chết tế bào, làm tổn thương mô, cơ quan trong cơ thể và làm cho các bệnh nền (bệnh đã có trước khi nhiễm virus) nặng hơn.
Sơ đồ tư duy khái quát về virus:
Xem thêm các bài trắc nghiệm Sinh học 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 27: Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn
Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 28: Thực hành: Lên men
Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 29: Virus
Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 30: Ứng dụng của virus trong y học và thực tiễn
Trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 31: Virus gây bệnh