Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, ôn luyện trắc nghiệm từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung Bài 33: Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp Địa lí lớp 10.
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Địa Lí 10 Bài 33: Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp:
ĐỊA LÍ 10 BÀI 33: MỘT SỐ HÌNH THỨC CHỦ YẾU CỦA TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÔNG NGHIỆP
Phần 1: Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 33: Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp
I. Vai trò của tổ chức lãnh thổ công nghiệp
– Sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vật chất và lao động.
– Góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
II. Một số hình thức của tổ chức lãnh thổ công nghiệp
1. Một số khái niệm cơ bản
– Điểm công nghiệp là hình thức tổ chức đơn giản nhất, trên đó có một, hai hoặc ba xí nghiệp phân bố ở nơi có nguồn nguyên liệu, nhiên liệu với chức năng khai thác hay sơ chế nguyên liệu hoặc ở những điểm dân cư nằm trong vùng nguyên liệu nông lâm, thủy sản đồng nhất với một điểm dân cư.
– Khu công nghiệp tập trung là khu vực đất đai có ranh giới rõ ràng, vị trí thuận có kết cấu hạ tầng tương đối tốt và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
– Trung tâm công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao, gắn với đô thị vừa và lớn, có vị trí thuận lợi.
– Vùng công nghiệp là hình thức cao nhất của tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
2. Đặc điểm của một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Hình 33. Sơ đồ của một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Phần 2: 15 câu hỏi trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 33: Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Câu 1: Ý nào sau đây không phải là đặc điểm chính của khu công nghiệp tập trung ?
A. Có ranh giới rõ ràng , vị trí thuận lợi.
B. Đồng nhất với một điểm dân cư.
C. Tập trung tương đối nhiều xí nghiệp.
D. Sản xuất các sản phẩm để tiêu dùng, xuất khẩu.
Lời giải:
Đặc điểm của khu công nghiệp tập trung là:
– Khu vực đất đai có ranh giới địa lí rõ ràng (không gắn với khu dân cư), vị trí thuận lợi, có kết cấu hạ tầng tương đối tốt và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
⇒ Nhận xét A đúng, B không đúng
– Đặc điểm:
+ Tập trung tương đối nhiều các xí nghiệp với khả năng hợp tác sản xuất cao, có ưu đãi riêng.
+ Sản phẩm vừa phục vụ trong nước, vừa xuất khẩu.
⇒ Nhận xét C, D đúng
⇒ Đồng nhất với một điểm dân cư không phải là đặc điểm chính của khu công nghiệp tập trung
Đáp án cần chọn là: B
Câu 2: Điểm khác nhau giữa điểm công nghiệp và khu công nghiệp là
A. Điểm công nghiệp đồng nhất với một điểm dân cư, khu công nghiệp không có dân cư sinh sống.
B. Điểm công nghiệp không có dân cư sinh sống, khu công nghiệp gắn với đô thị.
C. Điểm công nghiệp có nhiều xí nghiệp tập trung, khu công nghiệp có 1 – 2 xí nghiệp.
D. Điểm công nghiệp phân bố ở nơi có vị trí thuận lợi, khu công nghiệp phân bố gần các vùng nguyên liệu.
Lời giải:
Các nhận xét B, C, D không đúng về đặc điểm của 2 hình thức này ⇒ loại đáp án B, C, D
So sánh ta thấy: Điểm công nghiệp đồng nhất với một điểm dân cư. Khu công nghiệp tập trung không có dân cư sinh sống.
⇒ Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa điểm công nghiệp và khu công nghiệp
⇒Nhận xét A đúng
Đáp án cần chọn là: A
Câu 3: Cho các sơ đồ sau:
Các sơ đồ trên lần lượt phù hợp với các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào sau đây ?
A. Điểm công nghiệp, trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp, vùng công nghiệp.
B. Khu công nghiệp tập trung, điểm công nghiệp, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
C. Điểm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, vùng công nghiệp, trung tâm công nghiệp.
D. Điểm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
Lời giải:
– Hình 1: có 1 điểm công nghiệp và 1 điểm dân cư → đây là đặc điểm của điểm công nghiệp: bao gồm 1 – 2 xí nghiệp công nghiệp đơn lẻ và thường gắn với một điểm dân cư.
– Hình 2: không có điểm dân cư sinh sống, có ranh giới phân định tạo thành một khu riêng biệt, gần sông, cảng biển, sân bay…⇒ đây là đặc điểm của khu công nghiệp: có ranh giới rõ ràng và vị trí địa lí thuận lợi, tách biệt với khu dân cư.
– Hình 3: gồm nhiều xí nghiệp công nghiệp với hướng chuyên môn hóa khác nhau; các xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ và bổ trợ cho nhau; gắn với nhiều điểm dân cư; gần sông, hệ thống giao thông thuận lợi (cảng, sân bay, đường tàu, đường ô tô…)
⇒ Đây là đặc điểm của trung tâm công nghiệp: gồm nhiều khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệp; gắn với đô thị, vị trí thuận lợi.
– Hình 4: Có nhiều ngành công nghiệp, các ngành có mối liên hệ với nhau (dựa vào mũi tên) và hỡ trợ nhau phát triển; có một vài ngành công nghiệp hạt nhân, đóng vai trò quan trọng.
⇒ Đặc điểm này phù hợp với vùng công nghiệp: Có nhiều ngành công nghiệp, các ngành có mối liên hệ với nhau, trong đó có một vài ngành công nghiệp chủ yếu tạo nên hướng chuyên môn hóa.
⇒ Như vậy, sơ đồ trên lần lượt phù hợp với các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp là: điểm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 4: Nhân tố có tác động lớn nhất đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng khu công nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam
A. Vị trí địa lí
B. Tài nguyên thiên nhiên
C. Dân cư và nguồn lao động
D. Cơ sở hạ tầng
Lời giải:
Các khu công nghiệp và khu chế xuất thường phân bố chủ yếu ở những vùng gần trục đường giao thông, các cảng biển…để thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, trao đổi máy móc, nguyên vật liệu hàng hóa.
⇒ Vị trí địa lí có tác dụng lớn nhất đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng khu công nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: “TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của nước ta, là đầu mối giao thông vận tải của khu vực phía Nam; gồm nhiều khu công nghiệp (khu công nghệ cao), điểm công nghiệp, xí nghiệp công nghiệp có mốí liên hệ chặt chẽ với nhau; các khu công nghiệp tiêu biểu là khu công nghiệp Tân Thuận, Hiệp Phước; khu công nghệ cao Linh Trung 1, Linh Trung 2…”. Những đặc điểm trên cho biết TP. HCM thuộc hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào sau đây:
A. Điểm công nghiệp
B. Khu công nghiệp
C. Trung tâm công nghiệp
D. Vùng công nghiệp
Lời giải:
Đặc điểm của trung tâm công nghiệp:
– Trung tâm công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao, gắn với đô thị vừa và lớn, có vị trí thuận lợi.
– Gồm nhiều khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ.
⇒ TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của nước ta, là đầu mối giao thông vận tải của khu vực phía Nam; gồm nhiều khu công nghiệp (khu công nghệ cao), điểm công nghiệp, xí nghiệp công nghiệp có mốí liên hệ chặt chẽ với nhau.
⇒ Các đặc điểm của TP. Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm của một trung tâm công nghiệp
⇒ TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn của nước ta
Đáp án cần chọn là: C
Câu 6: Gồm 1 – 2 xí nghiệp riêng lẻ, phân bố gần vùng nguyên nhiên liệu và đồng nhất với một điểm dân cư là đặc điểm nổi bật của
A. Vùng công nghiệp.
B. Điểm công nghiệp.
C. Trung tâm công nghiệp.
D. Khu công nghiệp tập trung.
Lời giải:
Đặc điểm nổi bật của điểm công nghiệp là:
– Có một, hai hoặc ba xí nghiệp
– Phân bố ở nơi có nguồn nguyên liệu, nhiên liệu với chức năng khai thác hay sơ chế nguyên liệu.
– Đồng nhất với một điểm dân cư.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 7: Đâu là đặc điểm của vùng công nghiệp:
A. Là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao, gắn với đô thị vừa và lớn, có vị trí thuận lợi.
B. Có các xí nghiệp hạt nhân(thể hiện hướng chuyên môn hóa).
C. Có các xí nghiệp phục vụ, bổ trợ.
D. Có các ngành phục vụ, bổ trợ.
Lời giải:
– Đáp án A, B, C là đặc điểm của trung tâm công nghiệp.
⇒ Loại A, B, C
– Đặc điểm vùng công nghiệp là có các ngành phục vụ, bổ trợ.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 8: “Sản xuất các sản phẩm vừa để phục vụ tiêu dùng trong nước, vừa để xuất khẩu”, đây là đặc điểm của hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào?
A. Điểm công nghiệp
B. Khu công nghiệp
C. Trung tâm công nghiệp
D. Vùng công nghiệp
Lời giải:
Các khu công nghiệp sản xuất các sản phẩm vừa để phục vụ tiêu dùng trong nước, vừa để xuất khẩu.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 9: Đâu không phải là đặc điểm của điểm công nghiệp?
A. Chỉ bao gồm 1 – 2 xí nghiệp riêng lẻ.
B. Phân bố gần nguồn nguyên liệu, nhiên liệu hoặc trung tâm tiêu thụ.
C. Giữa các xí nghiệp không có mối liên hệ về sản xuất.
D. Có các xí nghiệp dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.
Lời giải:
Đặc điểm của điểm công nghiệp là:
– Gồm 1 đến 2 xí nghiệp.
– Phân bố gần nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ.
⇒ Nhận xét A, B đúng.
– Giữa các xí nghiệp không có mối liên hệ với nhau.
⇒ Nhận xét C đúng, D không đúng
– Nhận xét D không phải là đặc điểm của điểm công nghiệp
Đáp án cần chọn là: D
Câu 10: Về phương diện quy mô có thể xếp các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn như sau:
A. Điểm công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
B. Điểm công nghiệp, vùng công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp.
C. Khu công nghiệp, điểm công nghiệp, vùng công nghiệp, trung tâm công nghiệp.
D. Vùng công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp, điểm công nghiệp.
Lời giải:
– Điểm công nghiệp là hình thức tổ chức đơn giản nhất, trong đó có một hoặc hai xí nghiệp đơn lẻ, thường gắn với một điểm dân cư,phân bố gần vùng nguyên – nhiên liệu.
– Khu công nghiệp là khu vực đất đai có ranh giới rõ ràng (quy mô khoảng vài trăm ngàn ha), vị trí thuận lợi, có kết cấu hạ tầng tương đối tốt; gồm nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ với nhau, hỗ trợ nhau trong sản xuất.
– Trung tâm công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao, gắn với đô thị vừa và lớn, gồm nhiều khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ.
– Vùng công nghiệp là hình thức cao nhất, quy mô rộng lớn nhất của tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Gồm nhiều điểm, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp có mối liên hệ sản xuất và nét tương đồng trong quá trình hình thành công nghiệp.
⇒ Như vậy, về phương diện quy mô có thể xếp các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn như sau: Điểm công nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 11: Đối với các nước đang phát triển, các khu công nghiệp tập trung thường được xây dựng nhằm mục đích:
A. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa
B. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết vốn, kỹ thuật và công nghệ
C. Sản xuất phục vụ xuất khẩu
D. Tạo sự hợp tác sản xuất giữa các xí nghiệp công nghiệp với nhau
Lời giải:
Các khu công nghiệp tập trung: Là khu vực đất đai có ranh giới rõ ràng, vị trí thuận lợi (gần cảng, gần sân bay, gần biển, quốc lộ lớn), có kết cấu hạ tầng tương đối tốt và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới cùng với cơ chế chính sách thông thoáng.
⇒ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (các nước phát triển chuyển giao công nghệ sản xuất, đặt cơ sở sản xuất tại các nước đang phát triển) từ đó tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại từ các nước phát triển.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 12: Hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là
A. Vùng công nghiệp.
B. Khu công nghiệp tập trung.
C. Điểm công nghiệp.
D. Trung tâm công nghiệp.
Lời giải:
Điểm công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất, thường gắn với một điểm dân cư, phân bố gần các vùng nguyên – nhiên liệu.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 13: Bao gồm khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ là đặc điểm của
A. Điểm công nghiệp.
B. Vùng công nghiệp.
C. Trung tâm công nghiệp.
D. Khu công nghiệp tập trung.
Lời giải:
Trung tâm công nghiệp bao gồm khu công nghiệp, điểm công nghiệp và nhiều xí nghiệp công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ về sản xuất, kĩ thuật, công nghệ.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 14: Hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào sau đây có trình độ cao nhất, quy mô lớn nhất ?
A. Điểm công nghiệp.
B. Khu công nghiệp tập trung.
C. Trung tâm công nghiệp.
D. Vùng công nghiệp.
Lời giải:
Vùng công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp có trình độ cao nhất, quy mô lớn nhất.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 15: Có ranh giới địa lí xác định là một trong những đặc điểm của hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào ?
A. Điểm công nghiệp.
B. Khu công nghiệp tập trung.
C. Trung tâm công nghiệp.
D. Vùng công nghiệp.
Lời giải:
Khu công nghiệp tập trung có ranh giới địa lí xác định, phân bố ở nơi có vị trí địa lí thuận lợi (gần sân bay, đường ô tô, cảng biển,…), nằm tách biệt với khu dân cư.
Đáp án cần chọn là: B
Xem thêm