Địa Lí lớp 10 Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
A. Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
I. Môi trường
1. Khái niệm
– Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên (theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam, 2020).
Môi trường (minh họa)
– Theo UNESCO (năm 1981), môi trường của con người bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra, trong đó con người sống và lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo nhằm thoả mãn những nhu cầu của mình.
– Như vậy: môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, tạo điều kiện để chúng ta sống, hoạt động và phát triển
2. Đặc điểm
– Có quan hệ mật thiết và tác động qua lại với con người.
– Môi trường có thể tác động và ảnh hưởng đến con người.
3. Vai trò
– Tạo ra không gian sống cho con người và sinh vật.
– Chứa đựng và cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động sản xuất và đời sống con người.
– Là nơi chứa đựng, cân bằng và phân huỷ các chất thải do con người tạo ra.
– Lưu giữ và cung cấp thông tin, nhờ đó con người có thể hiểu biết được quá khứ và dự đoán được tương lai cho chính mình.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Khái niệm
– Tài nguyên thiên nhiên bao gồm tất cả các dạng vật chất tồn tại khách quan trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng phục vụ cuộc sống cá nhân và sự phát triển của xã hội loài người.
2. Đặc điểm
– Phân bố không đồng đều theo không gian lãnh thổ.
– Phần lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
– Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất rất phong phú, đa dạng nhưng có giới hạn nhất định.
– Phân loại: Cách phân loại thông dụng nhất hiện nay là dựa vào tính chất và việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, gồm:
+ Tàu nguyên thiên nhiên vô hạn
+ Tài nguyên thiên nhiên hữu hạn (tài nguyên thiên nhiên tái tạo được và tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được).
3. Vai trò
– Là nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội
+ Không có tài nguyên thiên nhiên thì không thể có hoạt động sản xuất và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển.
+ Tài nguyên thiên nhiên là cơ sở để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế,…
– Là tiền đề quan trọng cho tích luỹ, tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.
B. 15 câu trắc nghiệm Địa Lí 10 Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Câu 1. Loại tài nguyên nào sau đây không thuộc nhóm tài nguyên thiên nhiên vô hạn?
A. Sóng biển.
B. Đất trồng.
C. Không khí.
D. Thủy triều.
Đáp án: B
Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên vô hạn: Là các loại tài nguyên có thể tự tái tạo liên tục, không phụ thuộc vào sự tác động của con người, như các loại năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều, sóng biển, địa nhiệt,…
Câu 2. Phát biểu nào sau đây không đúng với môi trường nhân tạo?
A. Phát triển theo các quy luật của tự nhiên.
B. Tồn tại hoàn toàn phụ thuộc con người.
C. Không có sự chăm sóc thì bị huỷ hoại.
D. Là kết quả của lao động của con người.
Đáp án: A
Giải thích: Môi trường xã hội bao gồm các mối quan hệ giữa con người với con người (luật lệ, thể chế, quy định,…). Là kết quả của lao động của con người, tồn tại hoàn toàn phụ thuộc con người và nếu không có sự chăm sóc thì bị huỷ hoại.
Câu 3. Loại tài nguyên nào sau đây thuộc nhóm tài nguyên thiên nhiên vô hạn?
A. Địa nhiệt.
B. Khoáng sản.
C. Đất trồng.
D. Sinh vật.
Đáp án: A
Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên vô hạn: Là các loại tài nguyên có thể tự tái tạo liên tục, không phụ thuộc vào sự tác động của con người, như các loại năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều, sóng biển, địa nhiệt,…
Câu 4. Tài nguyên thiên nhiên có đặc điểm nào sau đây?
A. Phong phú và đa dạng, có giá trị sử dụng vô hạn.
B. Tài nguyên có giá trị kinh tế cao hình thành lâu dài.
C. Tất cả các tài nguyên đã được con người khai thác.
D. Phân bố khá đồng đều ở các nước, vùng, khu vực.
Đáp án: B
Giải thích:
Tài nguyên thiên nhiên có đặc điểm chung là:
– Phân bố không đồng đều theo không gian lãnh thổ.
– Phần lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
– Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất rất phong phú, đa dạng nhưng có giới hạn nhất định. Nhiều loại tài nguyên đang bị cạn kiệt, nhất là tài nguyên khoáng sản, trong khi nhu cầu cho sự phát triển kinh tế không ngừng tăng lên.
Câu 5. Nhận định nào sau đây không phải là vai trò chính của môi trường?
A. Cung cấp tài nguyên cho sản xuất.
B. Nơi tạo ra các hiện tượng tự nhiên.
C. Nơi lưu giữ và cung cấp thông tin.
D. Là không gian sống của con người.
Đáp án: B
Giải thích:
Môi trường có những vai trò chủ yếu sau:
– Môi trường là không gian sống của con người.
– Môi trường là nguồn cung cấp tài nguyên cho sản xuất và đời sống con người.
– Môi trường là nơi chứa đựng chất thải do con người tạo ra.
– Môi trường là nơi lưu giữ và cung cấp thông tin.
Câu 6. Phát biểu nào sau đây đúng với môi trường tự nhiên?
A. Phát triển theo các quy luật của tự nhiên.
B. Là kết quả của lao động của con người.
C. Không có sự chăm sóc thì bị huỷ hoại.
D. Tồn tại hoàn toàn phụ thuộc con người.
Đáp án: A
Giải thích: Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần của tự nhiên (địa chất, địa hình, khoáng sản, đất, nước, khí hậu, sinh vật) và phát triển theo các quy luật của tự nhiên.
Câu 7. Loại tài nguyên nào sau đây thuộc nhóm tài nguyên không thể tái tạo?
A. Sóng biển.
B. Sinh vật.
C. Khoáng sản.
D. Thủy triều.
Đáp án: C
Giải thích: Tài nguyên không thể tái tạo: Là các tài nguyên mà tốc độ tiêu thụ của con người vượt quá tốc độ bổ sung, phục hồi của chúng, như: than đá, sắt,…
Câu 8. Loại tài nguyên nào sau đây thuộc nhóm tài nguyên có thể tái tạo?
A. Sắt.
B. Gió.
C. Nước.
D. Đồng.
Đáp án: C
Giải thích: Tài nguyên có thể tái tạo: Là các tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục nếu được quản lí một cách thông minh, như: nước, đất, sinh vật,…
Câu 9. Nhận định nào sau đây không đúng về môi trường tự nhiên?
A. Cơ sở vật chất của sự sống trên Trái Đất.
B. Cơ sở vật chất của sự tồn tại xã hội con người.
C. Là điều kiện cần thiết để phát triển xã hội.
D. Quyết định đến sự tồn tại và phát triển xã hội.
Đáp án: D
Giải thích: Môi trường tự nhiên bao gồm đất, nước, khí hậu, sinh vật, sông ngòi, địa hình,… Các yếu tố này tồn tại và phát triển theo quy luật tự nhiên nhưng vẫn chịu tác động của con người. Môi trường tự nhiên là điều kiện cần thiết để phát triển xã hội, cơ sở vật chất của sự sống trên Trái Đất và sự tồn tại xã hội con người.
Câu 10. Phát biểu nào sau đây không đúng về vai trò của môi trường đối với con người?
A. Là điều kiện thường xuyên và cần thiết của loài người.
B. Là nguyên nhân quyết định sự phát triển của loài người.
C. Là không gian sống của con người và nguồn tài nguyên.
D. Là cơ sở vật chất của sự tồn tại xã hội của loài người.
Đáp án: B
Giải thích:
Môi trường có ảnh hưởng đến sự sống, sự phát triển và chất lượng cuộc sống của con người với các vai trò quan trọng, đó là:
– Nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người.
– Giúp lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.
– Không gian sống và bảo vệ con người, sinh vật khỏi những tác động từ bên ngoài.
– Chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong sinh hoạt và sản xuất.
Câu 11. Tài nguyên thiên nhiên có đặc điểm nào sau đây?
A. Phong phú và đa dạng nhưng có giới hạn nhất định.
B. Phân bố khá đồng đều ở các nước, vùng, khu vực.
C. Tài nguyên có giá trị kinh tế cao hình thành nhanh.
D. Tất cả các tài nguyên đã được con người khai thác.
Đáp án: A
Giải thích:
Tài nguyên thiên nhiên có đặc điểm chung là:
– Phân bố không đồng đều theo không gian lãnh thổ.
– Phần lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
– Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất rất phong phú, đa dạng nhưng có giới hạn nhất định. Nhiều loại tài nguyên đang bị cạn kiệt, nhất là tài nguyên khoáng sản, trong khi nhu cầu cho sự phát triển kinh tế không ngừng tăng lên.
Câu 12. Thành phần cơ bản của môi trường gồm có
A. tài nguyên thiên nhiên, môi trường kinh tế – xã hội.
B. môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế – xã hội.
C. điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, xã hội.
D. tự nhiên; quan hệ xã hội trong sản xuất, phân phối.
Đáp án: B
Giải thích: Thành phần cơ bản của môi trường gồm có môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế – xã hội.
Câu 13. Loại môi trường phụ thuộc chặt chẽ vào sự tồn tại và phát triển của con người là
A. môi trường nhân tạo.
B. môi trường địa lí.
C. môi trường xã hội.
D. môi trường tự nhiên.
Đáp án: A
Giải thích: Môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất, kĩ thuật do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người (nhà ở, công viên, thành phố, tiện nghi cuộc sống,…). Các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị huỷ hoại nếu không có sự chăm sóc của con người. Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp, môi trường nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Câu 14. Phát biểu nào sau đây không đúng với tài nguyên thiên nhiên?
A. Là các vật chất tự nhiên được con người sử dụng hoặc có thể sử dụng.
B. Số lượng tài nguyên được bổ sung không ngừng trong lịch sử phát triển.
C. Nhiều tài nguyên do khai thác quá mức dẫn đến ngày càng bị cạn kiệt.
D. Phân bố đều khắp ở tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đáp án: D
Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên phân bố không đồng đều trong không gian, phụ thuộc vào cấu tạo địa chất, khí hậu,… của các lãnh thổ -> Nhận định: Phân bố đều khắp ở tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới không đúng.
Câu 15. Biện pháp quan trọng nhất để tránh nguy cơ cạn kiệt của tài nguyên khoáng sản là
A. sản xuất các vật liệu thay thế, sử dụng một số loại nhất định và chỉ được khai thác ít.
B. ngừng khai thác, hạn chế sử dụng nhiều nhất và sản xuất vật liệu thay thế hiệu quả.
C. sử dụng tiết kiệm, phân loại tài nguyên, ngừng khai thác những tài nguyên cạn kiệt.
D. khai thác một cách hợp lí, sử dụng tiết kiệm, sản xuất các vật liệu thay thế hiệu quả.
Đáp án: D
Giải thích: Tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, được phân loại dựa vào thuộc tính tự nhiên, dựa vào công dụng kinh tế và khả năng bị hao kiệt trong quá trình sử dụng của con người. Một số loại tài nguyên không thể khôi phục được, đặc biệt là khoáng sản nên đòi hỏi con người cần phải khai thác một cách hợp lí, sử dụng tiết kiệm, sản xuất các vật liệu thay thế hiệu quả
Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 26: Vai trò, đặc điểm, cơ cấu, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên
Lý thuyết Địa lí 10 Bài 30: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh