Kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè
Bài văn kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè – Mẫu 1
Ai đã từng một lần nghe qua truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy có lẽ sẽ không quên được tòa thành Cổ Loa kinh đô của Âu Lạc trong buổi đầu dựng nước. Em may mắn khi được đến tham quan khu di tích lịch sử Cổ Loa cùng với các ban trong lớp và cô giáo chủ nhiệm.
Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan thành Cổ Loa với chủ đề “Về nguồn”. Chúng em được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía các thầy cô cũng như các bác đại diện hội phụ huynh để có thể có chuyến tham quan bổ ích.
Bảy giờ chuyến xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Em đến Cổ Loa và một ngày nắng đẹp của mùa thu, tiết trời mát mẻ. Sau gần tiếng di chuyển, xe đã đến nơi. Đoàn chúng em bắt đầu được cô hướng dẫn viên trình bày những nét chính về Cổ Loa. Cô hướng dẫn viên xinh đẹp với một giọng nói ấm áp, kể cho chúng em nghe rằng: Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc. Đây là thủ đô thứ hai của Việt Nam sau Phong Châu, là thủ đô thời các vua Hùng. Qua đó, chúng em đã thấy được một Cổ Loa của mấy nghìn năm lịch sử hiện ra trước mắt cùng lòng quyết tâm đánh giặc của vua tôi nước Âu Lạc. Mối tình đáng thương của nàng công chúa Mị Châu xinh đẹp và Trọng Thuỷ, và đặc biệt cả lớp ai cũng ghi nhớ thật sâu sắc hình ảnh một Cổ Loa của chín vòng thành được xây hình xoáy trôn ốc với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Từng bước chân di chuyển trên con đường khám phá tòa thành là những bước đi trở về lịch sử. Cả đoàn ai cũng lắng nghe về Cổ loa một cách say sưa.
Sau đó, cô hướng dẫn đoàn đi thăm cụm di tích Cổ Loa hiện nay với đền thờ Thục Phán An Dương Vương (đền Thượng), giếng Ngọc, am thờ Mị Châu. Qua cổng làng, cũng là cổng thành trong, là tới Cổ Loa. Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính với không khí vô cùng nghiêm trang, cổ kính. Gian chính giữa của đền có thờ bức tượng An Dương Vương trong bộ long bào uy nghi. Ngoài ra, trong đền còn thờ thần Kim Quy, cùng các vị anh hùng có công gìn giữ bảo về đất nước thời Âu Lạc.
Tiếp theo, đoàn đến thăm giếng Ngọc rồi vào dâng hương tại am công chúa Mị Châu. Đến đây, ai cũng bùi ngùi xúc động vì nghe câu chuyện tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy. Trong lòng em bỗng dâng lên một nỗi niềm xót xa, khi giờ đây giếng Ngọc rêu phong cổ kính vẫn còn, bức tượng không đầu của Mị Châu vẫn hằng ngày được hương khói. Nhưng tình yêu chân thành của nàng vẫn mãi là một chuyện tình dở dang mà đau xót. Em lại bồi hồi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi viết về nàng: “Người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp/ Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu”. Am Mị Châu là điểm tham quan cuối cùng của đoàn, chúng em lên xe trở về khi chiều đã bắt đầu ngả bóng. Nhưng đọng lại trong chúng em là sự thành kính, lòng biết ơn sâu sắc với vua An Dương Vương, và lòng đầy thương cảm với nàng Mị Châu.
Vậy là chúng em đã “Về nguồn” trở lại với những ngày đầu dựng nước của vua Hùng qua buổi tham quan thành Cổ Loa vô cùng ý nghĩa. Sau chuyến đi em thấy lịch sử dân tộc là những điều thiêng liêng và vô cùng đáng trân trọng. Thế hệ trẻ ngày nay cần tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử đất nước mình để hiểu và thêm tự hào về truyền thống của quê hương.
Bài văn kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè – Mẫu 2
Chủ nhật tuần trước, em đã có một chuyến tham quan cùng với các bạn trong lớp. Điểm đến là kinh thành Huế. Nơi đây là một di tích lịch sử nổi tiếng của quê hương em.
Đúng bảy giờ ba mươi phút, toàn bộ học sinh trong lớp phải tập hợp ở sân trường. Cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lớp trưởng điểm danh sĩ số. Chúng em xếp thành hàng để lên xe. Khoảng bảy giờ ba mươi, xe bắt đầu xuất phát. Cùng đi có bác hội trưởng và hội phó của hội phụ huynh học sinh. Khoảng ba mươi phút, xe đã đến nơi.
Cả lớp xếp lại thành hai hàng, sau đó đi tham quan theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên. Đi đến đâu, chúng em cũng được dừng lại, nghe chị thuyết trình về nơi đó. Nhiều bạn còn đặt ra những câu hỏi thú vị và được chị hướng dẫn viên giải đáp khá chi tiết.
Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần ba mươi năm năm đến thời vua Minh Mạng. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 – 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 – 1820) lăng Minh Mạng (1820 – 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.
Sau một ngày tham quan, chúng em đã biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về lịch sử của dân tộc. Không chỉ vậy, cả lớp còn có rất nhiều ảnh kỉ niệm. Chuyến đi đã diễn ra rất thành công. Em cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc.
Em mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để học hỏi thêm những bài học bổ ích, thêm yêu mến và tự hào về đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Bài văn kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè – Mẫu 3
Chuyến tham quan nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Với chủ đề “Về nguồn”, chúng em được đến thăm mảnh đất lịch sử của Địa đạo Củ Chi.
Buổi sáng hôm ấy, khi em đến trường thì đã nhìn thấy năm chiếc xe ô tô đỗ sẵn. Các học sinh đều vô cùng háo hức. Khoảng ba mươi phút sau, chúng em di chuyển lên xe theo sự hướng dẫn của thầy cô chủ nhiệm. Xe xuất phát khoảng ba mươi phút thì đến nơi.
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Nơi đây là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất. Đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Biết vậy chúng ta mới thấy rằng sự bền bỉ, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của chiến sĩ ta. Đúng như câu nói “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đường hầm sâu dưới đất 3 – 8m, chiều cao chỉ đủ một người đi lom khom. Khi một lần chui vào địa đạo Củ Chi, ta sẽ cảm nhận rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, y chí bất khuất của “vùng đất thép” và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Hoa Kỳ. Ta sẽ hiểu vì sao Củ Chi mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt hai mươi năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi.
Chúng em đi tham quan địa đạo Củ Chi theo sự hướng dẫn của các anh chị hướng dẫn viên. Khoảng mười một giờ thì cả trường được nghỉ ngơi để ăn trưa. Nghỉ ngơi khoảng mười lăm phút, chúng em đem cơm nắm mang theo ra ăn. Tất cả tập trung lại một chỗ ăn uống, cười nói vui vẻ. Sau đó, tất cả nghe thầy phổ biến lịch tham quan. Hình ảnh làng quê Củ Chi, lũy tre, đồng ruộng và hầm địa đạo cứ chờn vờn trong em.
Sau đó, đoàn đã đến thắp hương tưởng niệm và tri ân 44.520 anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược. Nơi những người con ưu tú của quê hương được khắc tên trong đền vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Đoàn đã dâng lên những bó hoa tươi thắm và thắp lên bia đá những nén hương để tưởng nhớ những người con của dân tộc đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng.
Rời phòng họp âm, chúng em được dẫn tới một đoạn địa đạo “mẫu”, mà theo lời giới thiệu thì đã được khoét rộng hơn “nguyên bản” để du khách có thể chui qua chứ không phải bò như những du kích dũng cảm năm nào. Dẫu địa đạo đã được khoét rộng hơn, nhưng để có thể dịch chuyển trong đó, ai nấy đều phải lom khom, không được cao hơn mặt đất quá 80 – 90cm.
Sau khi làm lễ và tham quan Đền Bến Dược xong, đoàn tiếp tục chuyến tham quan của mình tới khu vực tái hiện Vùng giải phóng. Con đường nhỏ dẫn chúng em tới Phòng họp âm – một gian phòng đào chìm xuống lòng đất, sâu ngập đầu – nơi mà bốn mươi mấy năm trước, những chiến sĩ đã từng ngồi họp, bàn phương án đánh giặc. Sơ đồ nổi trong phòng giới thiệu cho du khách thấy địa đạo được đào sâu bốn tầng dưới lòng đất, thông với nhau theo muôn vàn ngách nhỏ, với tổng cộng chiều dài tới 250km. Tầng trên cùng thường là những phòng rộng dùng làm phòng họp, trụ sở, bếp ăn, khu điều trị của thương binh… những tầng dưới chỉ là những đường ngầm nhỏ và hẹp, thông với nhau nhằng nhịt như mạng nhện, toả nhánh khắp nơi. “Cầu thang”, nối các tầng với nhau là những đoạn dốc trượt xuống. Cuối mỗi đoạn “cầu thang” đó thường có một hầm chông nắp gỗ đợi sẵn, phòng khi giặc liều mạng bò xuống thì ta rút nắp cho chúng trượt xuống
Sau đó, toàn trường tập trung lại để cô Loan (cô Tổng phụ trách) tổng kết các cuộc đi tham quan bổ ích này. Chúng em thu dọn lều, bạt, đồ đạc rồi ra về. Đoàn xe chầm chậm rời khỏi khu địa đạo, tiến ra đường quốc lộ, rồi thẳng tiến về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi trên xe, chúng em hồi tưởng lại diễn biến buổi đi chơi, ai ai cũng cảm thấy tiếc khi phải ra về.
Hình ảnh làng quê Củ Chi, lũy tre, đồng ruộng và hầm địa đạo cứ chờn vờn trong em. Buổi đi chơi này đã để lại trong chúng em những kỉ niệm đẹp và sâu sắc. Qua chuyến đi đã góp phần khơi lại, hun đúc lòng yêu nước trong mỗi đoàn viên thanh niên, ý thức tinh thần dân tộc sâu sắc. Khâm phục những khó khăn, gian lao, vất vả và sự hy sinh cống hiến của những vị anh hùng đất thép.
Bài văn kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè – Mẫu 4
Hằng năm, trường em đều tổ chức các chuyến tham quan. Mỗi điểm đến đều đem lại cho học sinh bài học bổ ích. Năm nay, chúng em cũng đã có một chuyến đi vô cùng bổ ích ở khu di tích Cổ Loa.
Chuyến tham quan sẽ được tổ chức vào ngày thứ sáu. Học sinh tham gia sẽ được nghỉ học. Các học sinh không tham gia sẽ tự học ở nhà. Mỗi lớp đi tham quan sẽ có giáo viên chủ nhiệm và hai phụ huynh đi cùng. Theo như em tìm hiểu, Cổ Loa là một khu di tích lịch sử khá nổi tiếng nằm ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo yêu cầu của nhà trường, học sinh đi tham quan phải có mặt vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng. Buổi sáng thứ sáu, em thức dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị xong, bố đưa em đến trường. Trước cổng trường, rất nhiều chiếc xe ô tô khách đang đỗ thành từng hàng. Em chào bố rồi vào trường tìm các bạn lớp mình. Trước khi về, bố còn chúc em có một chuyến tham quan an toàn và vui vẻ.
Em bước vào trường mà vô cùng hân hoan. Trên sân trường có rất đông học sinh. Em đã tìm thấy các bạn của lớp mình. Cô giáo đã đứng chờ ở đầu hàng. Cô điểm danh lại các bạn học sinh tham gia. Bảy giờ kém mười lăm chúng em lên xe. Đúng bảy giờ là xe xuất phát. Trên xe, chúng em được nghe chị hướng viên trò chuyện. Sau đó, chúng em còn có những tiết mục văn nghệ giao lưu. Em tranh thủ ngủ một lúc cho đỡ mệt. Khoảng một tiếng sau thì đến nơi.
Đầu tiên, chúng em tập trung theo từng khối lớp để làm lễ ở đền thờ vua An Dương Vương. Bầu không khí lúc này thật trang nghiêm. Sau đó, chúng em lần lượt ghé thăm: đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chúng em lại được nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu nhiều điều thú vị, bổ ích.
Sau khi tham quan xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn trưa và nghỉ ngơi. Em tranh thủ ăn trưa thật nhanh, rồi cùng các bạn vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh toàn trường sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố… Không chỉ vậy, chúng em còn được xem một tiết mục múa rối nước vô cùng hấp dẫn. Buổi tham quan kết thúc trong sự tiếc nuối của tất cả các học sinh.
Như vậy, chuyến tham quan đến khu di tích Cổ Loa thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.
Bài văn kể lại một lần đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè – Mẫu 5
Hè vừa qua trường chúng em có tổ chức đi thăm di tích đền Hùng với mục đích giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử nước nhà. Chuyến đi rất bổ ích và giúp em cùng các bạn biết thêm nhiều kiến thức mới.
Đền Hùng khu di tích thờ phụng Vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch nơi này tổ chức lễ hội Đền Hùng rất lớn. Bắt đầu từ chân núi đi lên chúng em bắt gặp đền Hạ, tương truyền kể rằng đây là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Tiếp tục di chuyển lên sẽ là đền Trung, vị trí quan trọng nơi tổ chức họp bàn việc nước của vua và quan. Cao nhất là đền Thượng, vị trí tối cao dùng để thờ cúng các vị thần theo tín ngưỡng xưa. Kế bên đó là đền Giếng, ngôi đền xây dựng trong thế ký 18, theo dân gian tương truyền đây là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa soi gương. Trước mỗi cảnh vật bên trong chúng em đều bước đi chậm rãi, bồi hồi trước khung cảnh cổ kính, thiêng liêng.
Điều đặc biệt mà em chú ý nhất là được tham quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật, hình ảnh,tư liệu về Vua Hùng. Các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu các câu chuyện, hiện vật và hình ảnh của nhiều dân tộc thời vua Hùng cũng như những câu chuyện bổ ích về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông. Ấn tượng nhất với chúng em là hình ảnh Bác Hồ trò chuyện với chiến sĩ thuộc “Đại đoàn Quân tiên phong”, và căn dặn ân cần các chiến sĩ câu nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong thời gian tham quan chúng em còn được biết đến phần lễ quan trọng trong hội Đền Hùng đó là lễ rước kiệu vua gồm có nhiều cờ, hoa, trang phục truyền thống. Lễ dâng hương đền Hùng, trước tiên là lãnh đạo nhà nước và sau đó là những người dân thắp nén hương cho các vua Hùng. Tham gia các trò chơi truyền thống như thi vật, thi kéo co, thi bơi…
Một chuyến đi chỉ vỏn vẹn một buổi nhưng đã để lại nhiều bài học sâu sắc, giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đền Hùng là nơi thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến, đó là cội nguồn của mỗi chúng ta.