Tác giả tác phẩm: Trong lời mẹ hát – Ngữ văn 8
I. Tác giả Trương Nam Hương
– Trương Nam Hương: (23-10-1963) là người gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh từ năm 12 tuổi.
– Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
– Từng biên tập sách ở nhà xuất bản Công an nhân dân, báo An ninh Thế giới.
– Nguyên ủy viên Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII và khoá IX.
– Nguyên ủy viên BCH, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh 3 khóa (2000-2015).
– Nguyên ủy viên BCH, Trưởng ban Công tác hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VII (2015-2020).
– Đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VIII (2021-2025).
– Hiện sống và viết tại TP Hồ Chí Minh.
II. Tìm hiểu tác phẩm Trong lời mẹ hát
1. Thể loại: Thơ 6 chữ
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– In trong tập Ban mai xanh, NXB Đồng Nai, 1994.
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Trong lời mẹ hát có phương thức biểu đạt là biểu cảm
4. Tóm tắt Trong lời mẹ hát
Văn bản “Trong lời mẹ hát” tác giả gửi gắm sự yêu thương và biết ơn mẹ bằng cách sử dụng những hình ảnh bình dị, thân thương, mộc mạc và đặc biệt sử dụng lời ru, tác giả không trực tiếp nói ra nhưng từng câu, từng hình ảnh lại thể hiện rõ điều đó, điều này vừa cho thấy sự tinh tế của nhà thơ vừa thấy được cái tài của Trương Nam Hương.
5. Bố cục bài Trong lời mẹ hát
Gồm 3 phần:
+ Phần 1: 3 khổ đầu – Cuộc đời được thu nhỏ trong tầm mắt của con khi nghe lời mẹ hát.
+ Phần 2: 4 khổ tiếp – Niềm xót xa của con trước công lao to lớn và sự hi sinh thầm lặng của mẹ.
+ Phần 3: Khổ cuối – Tình yêu thương sâu sắc của người mẹ dành cho con mình.
6. Giá trị nội dung
+ Bài thơ bộc lộ niềm xót xa và lòng biết ơn của người con trước những hi sinh thầm lặng của người mẹ.
7. Giá trị nghệ thuật
– Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
– Xây dựng hình tượng người mẹ tảo tần, vất vả hi sinh tất cả vì con.
– Lựa lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Trong lời mẹ hát
1. Ba khổ đầu: Cuộc đời được thu nhỏ trong tầm mắt của con khi nghe lời mẹ hát.
– Những dòng thơ đầu tiên, tác giả nhớ về tuổi thơ đầy ấm áp thơ mộng, từ khi sinh ra đều được sự chăm sóc, nuôi nấng của mẹ:
“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước”
+ Hình ảnh người mẹ quen thuộc bên những lời ru ngọt ngào.
+ Những câu chuyện cổ tích đầy màu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn con được trong trẻo và ấm áp.
= > Sự nuôi dưỡng đó không ngại khó khăn, vất vả, mẹ ru con ngủ những trưa hè oi ả, những tiếng ru à ơi nhẹ nhàng ấm áp khiến con chìm vào giấc ngủ ngon.
– Chòng chành nhịp võng ca dao:
+ “chòng chành” ẩn dụ “khó khăn, vất vả của mẹ”
= > Dù có bộn bề lo toan vất vả, mẹ vẫn chịu đựng nuôi con khôn lớn, dành cho con những điều tốt nhất, muốn con được nhìn ngắm những vẻ đẹp tuyệt vời nhất của đất nước, của cuộc đời.
+ Đảo tính từ “chòng chành” lên đầu câu.
= > Nhấn mạnh lời ru của mẹ đi cùng năm tháng, gắn liền với vẻ đẹp của đất nước.
– Con lớn lên như thế, lớn lên qua lời ru và sự chăm sóc nuôi dưỡng của mẹ. Tình cảm của mẹ là tình cảm vô giá:
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.
+ “cánh cò trắng”, “dải đồng xanh”, “màu vàng hoa mướp”, “con gà cục tác”, “lá chanh” – tác giả miêu tả và khắc họa khá thú vị bởi đó là những hình ảnh độc đáo pha chút bình dị mà mộc mạc của một làng quê đầy ấm áp.
– Vầng trăng mẹ thời con gái
Vẫn còn thơm ngát hương cau
+ “mẹ thời con gái” ẩn dụ cho “quãng thời gian trước đây”.
= > Trong lời ru của mẹ, con thấy được những hình ảnh quen thuộc về quê hương, đất nước ngày xưa, những hình ảnh thân thuộc ấy giúp con thêm yêu mến, hiểu và trân trọng hơn vẻ đẹp của thiên nhiên đồng thời thấy được nỗi vất vả của mẹ chảy trôi cùng thời gian và năm tháng.
2. 4 khổ tiếp: Niềm xót xa của con trước công lao to lớn và sự hi sinh thầm lặng của mẹ.
– Một bài thơ không quá dài nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến con người, khiến con người phải nhìn nhận lại bản thân mình với một cái nhìn đúng nghĩa:
“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến xôn xao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.”
+ Biện pháp nhân hóa “thời gian” “chạy” “qua tóc mẹ”
Thời gian chảy trôi chạy qua tóc mẹ, cứ thế trôi nhanh, thật nhanh làm cho mái tóc xanh mượt ngày nào của mẹ giờ đây trở nên bạc trắng, bạc của những âu lo, bạc của những vất vả trong cuộc sống đã đè nặng trên đôi vai mòn mỏi của mẹ, mẹ đã già yếu đi dần, khiến cho người con đi làm không khỏi xót xa.
+ Từ láy “xôn xao” cùng phép đối tinh tế “Lưng mẹ cứ còng dần xuống/Cho con ngày một thêm cao” làm lay động trái tim, tình cảm yêu thương của mẹ là vô hạn, yêu thương con bằng cả trái tim, dù có phải làm việc như thế nào, dù có khó khăn đến đâu, mẹ vẫn cố gắng để cho con có một cuộc sống đủ đầy, một cuộc sống tốt mà không phải ghen tị với ai.
= > Sự hi sinh cao cả đầy ấm áp của mẹ, đó là tình cảm vô giá không thể nói và thể hiện ra ngày một ngày hai, đó là một tình cảm to lớn vô cùng, thiêng liêng quý giá.
3. Khổ cuối: Tình yêu thương sâu sắc của người mẹ dành cho con mình.
– Người con đã bộc lộ những tình cảm chân thật của mình dành cho người mẹ, trong hình ảnh giản dị từ cuộc đời, lời ru của mẹ, sự chăm sóc nuôi nấng của mẹ là sức mạnh để cho con bước vào đời, vươn cao và bay xa đến những tầm cao mới.
“Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa …”
+ Phép nhân hóa “chắp con đôi cánh” giúp cho câu thơ tiếp thêm động lực, sức mạnh cho người con vững tin hơn vào cuộc sống, vững chân trên con đường mình đã đi, dù có ra sao, thành công hay thất bại thì vẫn có mẹ ở đây, ở phía sau con chắp cánh cho ước mơ của con và giúp con vượt qua những khó khăn.
Video bài giảng Ngữ văn 8 Trong lời mẹ hát – Chân trời sáng tạo