Giải bài tập Chuyên đề Vật lí 10 Bài 7: Môi trường và bảo vệ môi trường
Chuyên đề Vật lí 10 trang 57
Mở đầu trang 57 Chuyên đề Vật lí 10: Trong những năm gần đây, các chiến lược bảo vệ môi trường đang ngày càng được quan tâm và triển khai tại Việt Nam và trên thế giới nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Vậy môi trường là gì? Môi trường đóng vai trò như thế nào đối với sự an toàn phát triển của bản thân và xã hội? Điều kiện để phát triển bền vững là gì?
Lời giải:
– Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, chúng bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
– Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn phát triển của bản thân và xã hội: Do môi trường có những chức năng cơ bản như: cung cấp nơi sống cho con người, cung cấp nhiên liệu và năng lượng nên việc bảo vệ môi trường có tầm quan trọng ảnh hưởng không những đến những cá nhân mà còn đến xã hội và toàn thể nhân loại.
– Điều kiện để phát triển bền vững là đảm bảo hài hòa, kết hợp chặt chẽ giữa sự phát triển kinh tế trong đó tính đến việc bảo tồn hệ tự nhiên, đảm bảo phúc lợi nhân văn.
1. Môi trường
Chuyên đề Vật lí 10 trang 57
Câu hỏi 1 trang 57 Chuyên đề Vật lí 10: Dựa vào kiến thức đã học ở môn khoa học tự nhiên, hãy trình bày những hiểu biết của em về môi trường và cho một số ví dụ về các loại môi trường trong tự nhiên
Lời giải:
Môi trường là nơi sống của sinh vật bao gồm tất cả những gì bao quanh chúng. Có 4 loại môi trường chủ yếu đó là: môi trường trên cạn, môi trường nước, môi trường trong đất và môi trường sinh vật. Ví dụ môi trường rừng rậm nhiệt đới, môi trường hoang mạc, môi trường nước mặn, môi trường nước ngọt, môi trường đất cát, môi trường thân cây (nấm kí sinh vào thân cây), môi trường ruột động vật ( nơi ở của giun, sán).
Câu hỏi 2 trang 57 Chuyên đề Vật lí 10: Dựa vào định nghĩa về môi trường của Luật bảo vệ môi trường. Em hãy nhận xét về mức độ đóng góp của môn Vật lí trong bảo vệ môi trường?
Lời giải:
Từ định nghĩa về môi trường của Luật Bảo vệ môi trường chúng ta thấy rằng môn Vật lí đóng vai trò rất quan trọng vì nó nghiên cứu sự vận động và chuyển đổi trạng thái của các yếu tố vật chất tạo thành môi trường (bao gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác). Từ việc nghiên cứu sự vận động của các môi trường vật chất này mà ta cảm nhận thấy được sự thay đổi (tích cực và tiêu cực) của môi trường, đồng thời đề ra giải pháp để duy trì sự tích cực và phương án để khắc phục những tình huống tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, những thành tựu của Vật lí hiện đại cũng đang được ứng dụng để góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường như phát triển công nghệ xử lí chất thải, tận dụng và phát huy các nguồn năng lượng tái tạo phát triển các vật liệu mới thân thiện với môi trường…
Chuyên đề Vật lí 10 trang 58
Câu hỏi 3 trang 58 Chuyên đề Vật lí 10: Liệt kê những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta? Những yếu tố này có tác động tích cực hãy tiêu cực đến môi trường?
Lời giải:
Những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta:
– Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường: ô nhiễm không khí gây ra các bệnh nguy hiểm đường hô hấp, ô nhiễm nước gây ra các bệnh truyền nhiễm bệnh ung thư, ô nhiễm đất có thể trở nên cằn cối không thích hợp cho cây trồng gây ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác.
– Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường: các đợt nắng nóng đã trở nên thường xuyên và gay gắt hơn từ những năm 1950, trong khi các hiện tượng lạnh quá mức ít xảy ra hơn và ít xuất hiện hơn, Bắc Cực và Nam Cực dần thu nhỏ.
– Phát triển dân số ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường: gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có giới hạn trên Trái Đất, những yêu cầu về thức ăn, nước, nhà ở, y tế, năng lượng, giao thông tăng mạnh. Đồng thời có thể dẫn đến rủi ro mức độ cao cho sự phát triển của dịch bệnh như đại dịch COVID 19 từ cuối năm 2019.
Chuyên đề Vật lí 10 trang 59
Vận dụng trang 59 Chuyên đề Vật lí 10: Kể tên một số chiến dịch bảo vệ môi trường mà em biết? Chia sẻ trải nghiệm hoặc dự định của em về việc tham gia vào những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng này.
Lời giải:
Một số chiến dịch bảo vệ môi trường mà em biết:
– Chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên Nhân Nhựa, với thông điệp xuyên suốt Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai.
– Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021: “Cùng hành động để thay đổi thế giới”
Dự định của em về việc tham gia vào những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng này:
– Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 trên toàn quốc.
Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên”, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của đoàn viên thanh niên trong các hoạt động bảo vệ môi trường, đề nghị các đoàn thanh niên của trường tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi về mục đích, ý nghĩa của Chiến dịch thông qua các phương thức khác nhau mang tính sáng tạo, đổi mới; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội và tuyên truyền trực quan.
Bên cạnh đó, bản thân sẽ đề nghị, đoàn viên thanh niên cần tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại nơi sinh sống, cơ quan, đơn vị nơi công tác, trường học, giảng đường nơi học tập, làm việc…trồng và chăm sóc cây xanh, nâng cao ý thức tự giác trong giữ gìn và bảo vệ môi trường. Tổ chức triển khai, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, mô hình thanh niên về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Bảo vệ môi trường.
Câu hỏi 4 trang 59 Chuyên đề Vật lí 10: Phân tích sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường.
Lời giải:
Chúng ta phải bảo vệ môi trường vì mục đích hướng đến sự phát triển bền vững của nhân loại. Môi trường là không gian sinh sống, phát triển của con người và sinh vật khác đồng thời là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Vì thế việc bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của một cá nhân hay đất nước mà là một mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại.
Chuyên đề Vật lí 10 trang 60
Câu hỏi 5 trang 60 Chuyên đề Vật lí 10: Hãy nhận xét về việc các chính phủ ở các nước kể cả Việt Nam tham gia vào hành động bảo vệ môi trường (Hình 7.4).
Lời giải:
– Dựa vào Hình 7.4, ta có thể thấy sự quan tâm của các quốc gia về vấn đề bảo vệ môi trường khi số lượng nước xây dựng Luật Bảo vệ môi trường đã tăng rất nhanh từ năm 1972 đến năm 2017. Đến năm 2017 hầu hết các nước trên thế giới đã xây dựng hoàn chỉnh Luật Bảo vệ môi trường.
– Vì tầm ảnh hưởng quan trọng của môi trường, nên chính phủ các nước (có cả Việt Nam) đều đề ra những chiến lược quan trọng tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường như ban hành luật quốc gia về môi trường, các hiệp ước quốc tế và ngày thế giới về môi trường (Ngày Trái Đất, chương trình môi trường Liên hợp quốc, Giao thức Montreal,…) và các hiệp ước đa phương và song phương của các quốc gia với mục đích hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ môi trường.
– Ở Việt Nam đã có những hành động cụ thể siết chặt việc bảo vệ môi trường như đề ra các nguyên tắc liên quan đến môi trường tự nhiên trong văn bản chỉnh sửa Luật Bảo vệ môi trường (vào năm 2020), bên cạnh đó là tổ chức các các chiến dịch môi trường thường xuyên và lan rộng. Điều này đều hướng đến mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường chất lượng tốt mà đảm bảo quyền được sống trong môi trường an toàn của nhân dân.
Luyện tập trang 60 Chuyên đề Vật lí 10: Tìm hiểu và trình bày hiểu biết của em về “Ngày Trái Đất”.
Lời giải:
– Ngày Trái đất (Earth Day – ED) được đề xuất lần đầu ở Mỹ năm 1970, ông John McConnell là người đề xướng Ngày Trái đất. Ông đã vận động cử hành tôn vinh Trái đất ngày 21/03/1970.
– Thành phố San Francisco của Mỹ đã hưởng ứng, công bố ngày 21/3/1970 là Ngày Trái đất, và sau đó Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc U Thant đã công bố đó là Ngày Trái đất Quốc tế. Tuy nhiên, sau này một bộ phận đông đảo những người ủng hộ Ngày Trái đất tin tưởng sau ngày Chúa Phục sinh mới thật sự là Ngày Trái đất, và họ cử hành vào ngày 22/4 hàng năm.
– Ngày Trái đất thứ hai do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, phát động vào ngày 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia. Đó là ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: “Là cha đẻ của Ngày Trái đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái đất, đó là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Không khí sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống an toàn”. Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ.
– Năm 1995, 15 năm sau khi về hưu, Nelson được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do cho những nỗ lực của ông trong công tác môi trường. Ông qua đời ngày 3/7/2005.
– Năm 2009, Ngày Trái đất đã được Liên Hợp Quốc công nhận.
– Ngày Trái đất là ngày vận động toàn dân nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu. Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp..
Chuyên đề Vật lí 10 trang 61
Câu hỏi 6 trang 61 Chuyên đề Vật lí 10 :Liệt kê một số ví dụ về ô nhiễm môi trường và cho biết hiểu biết của em về một số chiến lược bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Lời giải:
– Một số ví dụ về ô nhiễm môi trường:
+ Xả rác bừa bãi và xử lý rác không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường đất.
+ Nước từ các nhà máy chưa được xử lý đổ thẳng ra sông và biển gây ô nhiễm môi trường nước.
+ Khí thải từ sinh hoạt và nhà máy phát ra gây ô nhiễm không khí.
+ Lạm dụng quá nhiều ánh sáng nhân tạo kể cả khi không cần thiết gây ô nhiễm ánh sáng.
– Một số chiến lược bảo vệ môi trường tại Việt Nam:
+ Chỉnh sửa luật bảo vệ môi trường vào năm 2020 trong Luật này có bảy nguyên tắc thiết yếu với những nội dung như:
* Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn với quản lý tài nguyên.
* Ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường ,giảm thiểu phát sinh chất thải tăng cường tái sử dụng.
+ Dự án “Tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, đảm bảo quyền được sống trong môi trường lành mạnh và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên; kinh tế tuần hoàn; kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển.
Câu hỏi 7 trang 61 Chuyên đề Vật lí 10: Hãy liệt kê một số hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường tại Việt Nam liên quan đến:
a) Xử lý rác.
b) Trồng rừng.
c) Xử lí nước thải đặc biệt là nước thải công nghiệp.
Lời giải:
Một số hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường tại Việt Nam liên quan đến:
a) Xử lý rác:
– Các địa phương tiến hành thực hiện các phương án xử lý rác sinh hoạt đúng quy định.
– Các chương trình thu gom và tái sử dụng rác thải nhựa được tiến hành như chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa”,…
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lí rác thải y tế.
b) Trồng rừng:
– Khởi động “Chương trình 1 tỷ cây xanh” trên cả nước.
– Thực hiện chương trình “Phát động trồng cây, phủ xanh đồi trọc” tại tỉnh Lào Cai.
c) Xử lí nước thải đặc biệt là nước thải công nghiệp:
– Tổ chức hàng loạt chương trình kiểm tra hệ thống xử lí rác thải.
– Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải ở các địa phương.
Luyện tập trang 61 Chuyên đề Vật lí 10: Liệt kê, sắp xếp theo thời gian thành lập và nêu ý nghĩa của các tổ chức hỗ trợ bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Lời giải:
Thời gian thành lập và nêu ý nghĩa của các tổ chức hỗ trợ bảo vệ môi trường ở Việt Nam:
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập năm 2006.
Hoạt động tín dụng đầu tư nhà nước của VDB tập trung vào những dự án lớn, chậm thu hồi vốn, lợi nhuận không cao, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt của nền kinh tế (cho vay phát triển kỹ thuật hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển nông, lâm nghiệp và xóa đói, giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…). VDB quản lý tài chính và thực hiện huy động vốn theo quy định tại Nghị định số 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam
– Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) được thành lập năm 2002.
+ Huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam để tạo nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường.
+ Hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án, các hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường mang tính quốc gia, liên ngành, liên vùng hoặc giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn dưới các hình thức sau:
* Cho vay với lãi suất ưu đãi;
* Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho dự án đầu tư bảo vệ môi trường khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng khác;
* Tài trợ cho một số hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
+ Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn uỷ thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ đầu tư hoặc tài trợ cho các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định và xét chọn các hoạt động, nhiệm vụ và dự án bảo vệ môi trường xin tài trợ hoặc xin hỗ trợ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
+ Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có sự thoả thuận của tổ chức, cá nhân cung cấp vốn để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.
– Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) được thành lập năm 2007.
Giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính khi không đủ khả năng ký quỹ để vay vốn thông qua việc bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ một phần vốn đầu tư để DN lắp đặt vận hành công nghệ sạch hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
– Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập 2021.
Có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Quỹ tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ KHCN có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.
Vận dụng trang 61 Chuyên đề Vật lí 10: Tìm hiểu và viết bài luận ngắn về quy trình xử lí chất thải của một số nước trên thế giới hoặc ở Việt Nam.
Lời giải:
Với sự gia tăng dân số, kinh tế và quá trình đô thị hóa, lượng rác thải rắn phát sinh đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Nhưng trong những năm gần đây, tư duy về quản lý chất thải đã thay đổi, từ “tiêu hủy” đến “quản lý”, “quản lý tổng hợp”, từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ nền “kinh tế tuyến tính’ sang “nền kinh tế tuần hoàn”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng, tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có quản lý và triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, chất thải nhựa đang là vấn đề môi trường được sự quan tâm của cả thế giới do những tác động đến môi trường. Ước tính tổng lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 242 triệu tấn, chiếm 12% lượng CTR đô thị toàn cầu. Ở nhiều nước, chất thải nhựa không được quản lý tốt, đã và đang được xả thải ra các đại dương, gây nhiều tác động xấu đối với môi trường và hệ sinh thái biển. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Ngân hàngThế giới, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt trung bình toàn cầu khoảng 0,74 kg/người/ngày, trong đó ở quốc gia thấp nhất là 0,11 kg/người/ngày, cao nhất là 4,54 kg/người/ngày. Tổng khối lượng CTR đô thị phát sinh trên toàn cầu vào khoảng 2 tỷ tấn năm 2016, trong đó nhiều nhất là ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với 468 triệu tấn (~23%) và thấp nhất là Trung Đông và Bắc Phi với 129 triệu tấn (~6%). Ước tính tổng khối lượng các loại CTR có thể vào khoảng 7-10 tỷ tấn/năm 2016. Dự báo CTR đô thị sẽ tăng lên 2,59 tỷ tấn năm 2030 và 3,4 tỷ tấn năm 2050, trong đó tốc độ tăng nhanh nhất ở các khu vực châu Phi cận Sahara, Nam Á và Trung Đông.
Về thành phần CTR sinh hoạt, thành phần chất thải rắn khác nhau ở các nhóm nước. Theo đó các nước có thu nhập cao có hàm lượng chất thải hữu cơ thấp hơn, với khoảng 32%, trong khi các nước có thu nhập thấp và trung bình có hàm lượng hữu cơ cao hơn, khoảng 53-56%. Ngược lại, các thành phần CTR có thể tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh…) là cao hơn ở các nước có thu nhập cao, khoảng 50% và thấp hơn, chỉ khoảng 16% ở các nước thu nhập thấp.
Một loại chất thải đặc thù khác là chất thải điện tử với số lượng phát sinh trên toàn cầu ngày càng tăng. Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” được Liên hợp quốc công bố vào tháng 7/2020 cho biết, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn, tiếp đến là khu vực châu Mỹ 13,1 triệu tấn và châu Âu 12 triệu tấn. Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử và ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Đóng góp vào thành công trong hệ thống quản lý, xử lý CTR của Nhật Bản phải kể đến chính sách phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Với mục tiêu “không rác thải” vào năm 2020, việc phân loại, thu gom, xử lý được Nhật Bản quan tâm thực hiện. Theo đó, rác được phân loại thành rác cháy được, không cháy được, vô cơ không tái chế được và rác tái tạo được, nguy hại, cồng kềnh. Trên mỗi thùng rác đều dán hình ảnh minh họa cho biết thùng rác đó được phép bỏ loại rác nào, vì thế hầu hết các sản phẩm của Nhật Bản đều có hình minh họa thùng rác trên bao bì. Các hộ gia đình ở Nhật đều được phát bảng hướng dẫn phân loại rác chi tiết, trong đó, rác thải từ nhà bếp (chiếm khối lượng nhiều nhất) sẽ được thu gom theo các ngày quy định trong tuần (2-3 lần/tuần). Các loại rác khác sẽ được đóng vào túi, mỗi túi đều ghi tên của các hộ gia đình. Nếu sau khi kiểm tra, túi rác của hộ gia đình nào chưa phân loại đúng sẽ bị trả lại, sau đó, sẽ được nhắc nhở thêm về cách phân loại rác. Các loại túi nhựa, bao bì sẽ được các hộ rửa sạch, treo lên cho khô ráo và cho vào túi mang đến các điểm thu gom. Công tác này sẽ làm cho khâu phân loại và kiểm kê rác thải của các đơn vị xử lý rác thải trở nên đơn giản và nhanh hơn. Ở vùng nông thôn Nhật Bản, khi vứt rác, đầu tiên mọi người phải kiểm tra xem hôm nay loại rác nào sẽ được phép vứt. Vào các ngày trong tuần sẽ có quy định rõ loại nào sẽ được phép vứt. Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương sẽ có lịch vứt rác và cách phân loại rác khác nhau. Khi vứt rác, đầu tiên là phải bỏ rác vào bao, trước ngày thu rom rác phải mang bao rác ra để ở nơi đã được quy định. Ngoài ra, để ngăn ngừa chim hoặc những con vật khác sẽ bới lục thùng rác, có một số vùng nông thôn phải dùng lưới chuyên dụng để trùm lên các bao rác. Rác thải sinh hoạt cháy được xử lý bằng phương pháp “công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi” là chủ yếu. Rác không được đốt trực tiếp vì dễ phát sinh ra các khí độc gây hại đến bầu không khí mà được vùi vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò và một số hóa chất khác để tiêu hủy. Cụ thể, khi cho rác vào buồng đốt, luồng không khí được nung từ dưới đáy buồng sẽ thổi lên, đẩy những phần rác chưa cháy hết đi lên, sau đó lại quay ngược trở lại phía dưới để đốt thêm một lần nữa. Nhiệt độ của buồng đốt không yêu cầu quá cao, chỉ cần đạt khoảng 800oC nên lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 sẽ ít hơn nhiều.
Ở Hàn Quốc, chất thải được quản lý theo hệ thống kép. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xử lý chất thải sinh hoạt cuối cùng, trong khi đó, người thải chất thải công nghiệp chịu trách nhiệm xử lý cuối cùng. Luật quản lý chất thải của Hàn Quốc được thành lập năm 1986, thay thế cho Luật BVMT (1963) và Luật Ô nhiễm (1973). Luật này nhằm giảm chất thải chung theo hệ thống phân cấp chất thải (hoặc 3R) tại Hàn Quốc. Luật Quản lý chất thải áp dụng cho một hệ thống phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng, có hiệu lực đối với chất thải sinh hoạt và công nghiệp (hoặc chất thải rắn đô thị). Theo đó, tất cả các chất thải phải được loại bỏ theo quy định của địa phương, các túi đựng chất thải riêng biệt được sử dụng khi các hộ gia đình xử lý chất thải này (gửi đến các cơ sở đốt rác hoặc chôn lấp). Các loại rác thải lớn được yêu cầu phải mua nhãn dán tại các cơ quan quản lý ở địa phương, sau đó được gắn vào vật phẩm trước khi vứt bỏ, hoặc những mặt hàng lớn có thể được giao cho các đại lý thu gom chất thải chuyên dụng. Trẻ em Hàn Quốc được gia đình và nhà trường giáo dục từ nhỏ về “văn hóa đổ rác” thông qua cách nhận biết các chất liệu, thu gom, phân loại rác và ý thức để rác đúng nơi, đúng chỗ. Màu sắc của túi đựng rác ở mỗi địa phương cũng khác nhau… Từ năm 1993, Hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc đã được thông qua để thúc đẩy việc thu gom và tái sử dụng các loại chai lọ đã qua sử dụng bằng cách hoàn trả tiền đặt cọc chai lọ được thu gom cho người tiêu dùng. Việc thu gom rác thải sinh hoạt được quy định theo giờ và ngày cụ thể. Hệ thống phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng (VBWF) được Chính phủ Hàn Quốc triển khai năm 1995. Điều này đã được thực hiện trong một nỗ lực để giảm phát sinh chất thải và khuyến khích tái chế. Chất thải được thu gom trong các túi tổng hợp, rác tái chế được phân tách và phân loại trong các thùng tái chế. Tất cả các chất thải (ngoại trừ vật liệu tái chế, vật dụng cồng kềnh và than bánh, than đá) đều được xử lý theo hệ thống VBWF.
Từ kinh nghiệm xử lý CTR của các quốc gia nêu trên có thể thấy, hiệu quả của các biện pháp xử lý CTR đều bắt nguồn từ việc tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định về phân loại rác. Đó là điều mà Việt Nam hiện nay đang còn hạn chế do chưa có các quy định cụ thể, nghiêm ngặt dành cho việc phân loại từ các hộ gia đình đến các cơ sở, doanh nghiệp ở tất cả các ngành kinh tế. Thêm nữa, để đạt được thành công trong việc quản lý, xử lý rác thải như các quốc gia nêu trên, yêu cầu rất lớn về nguồn lực và công nghệ. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, tập trung đầu tư vào lĩnh vực quản lý, xử lý CTR, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề CTR với những tác động xấu đến môi trường vốn tồn tại lâu nay.
3. Cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường.
Chuyên đề Vật lí 10 trang 61
Câu hỏi 8 trang 61 Chuyên đề Vật lí 10: Liệt kê một số việc làm thiết thực mà em có thể thực hiện hàng ngày để bảo vệ môi trường.
Lời giải:
Một số việc làm thiết thực mà em có thể thực hiện hàng ngày để bảo vệ môi trường:
– Hạn chế sử dụng đồ nhựa và tham gia tái chế đồ nhựa.
– Bỏ rác đúng nơi quy định.
– Phân loại rác sinh hoạt.
– Tắt điện và các máy móc khi không sử dụng.
– Xử lí pin sau khi sử dụng đúng cách, không được vất pin cũ vào thùng rác.
Câu hỏi 9 trang 61 Chuyên đề Vật lí 10: Tìm hiểu và phân tích tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường.
Lời giải:
Tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường:
Rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất dài (có thể lên đến cả 100 năm thậm chí là 1.000 năm), sau đó chúng bị phân hủy thành những hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đến hệ hô hấp và hệ thần kinh. Do đó người ta luôn tìm cách ngăn chặn các hạt vi nhựa thâm nhập vào môi trường đất, nguồn nước và không khí bằng cách xử lý rác thải nhựa đúng quy định.
Chuyên đề Vật lí 10 trang 62
Luyện tập trang 62 Chuyên đề Vật lí 10: Hãy sáng tạo một câu khẩu hiệu để phát động phong trào bảo vệ môi trường ở trường em.
Lời giải:
Câu khẩu hiệu để phát động phong trào bảo vệ môi trường ở trường em: “Vì một môi trường xanh không có rác”.
Vận dụng trang 62 Chuyên đề Vật lí 10: Hãy tái chế rác thải nhựa thành một vật dụng mà em có thể dùng trong học tập.
Lời giải:
Tái chế rác thải nhựa thành một vật dụng mà em có thể dùng trong học tập:
Dụng cụ: kéo, 1 chai nhựa, giấy màu, keo dán.
Cách tiến hành: cắt 2/3 chai nhựa, dùng giấy màu phủ xung quanh phần chai đã cắt và lấy keo dán dán vào.
Sản phẩm: hộp đựng bút để bàn.
Bài tập (trang 62)