Giải SBT Ngữ văn lớp 7 Bài 6: Hành trình tri thức
Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày khái niệm và yêu cầu của văn nghị luận về một vấn đề đời sống (nghị luận xã hội).
Trả lời:
Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống (nghị luận xã hội) viết ra nhằm bàn về một sự vật, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, hay một vấn đề thuộc lĩnh vực thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
Đặc điểm:
– Thể hiện rõ ý kiến của người viết về vấn đề bàn luận.
– Trình bày lí lẽ, bằng chứng thuyết phục người đọc, người nghe.
– Sắp xếp ý kiến, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dựa vào bảng sau em hãy nêu điểm giống và khác nhau giữa văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống và văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học
Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống |
Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học |
|
Giống |
||
Khác (về đề tài, ý kiến, lí lẽ, bằng chứng) |
Trả lời:
Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống |
Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học |
|
Giống |
Thuộc thể loại văn nghị luận, viết nhằm thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của người viết. – Có yếu tố cơ bản là ý kiến, lí lẽ, bằng chứng. Lí lẽ và bằng chứng cần thuyết phục, làm sáng tỏ ý kiến; cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí. |
|
Khác (về đề tài, ý kiến, lí lẽ, bằng chứng) |
– Đề tài về lĩnh vực đời sống: hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lí. – Ý kiến, lí lẽ, bằng chứng xoay quanh vấn đề đời sống. Lí lẽ là những kiến giải của người viết về vấn đề đời sống. Bằng chứng có thể là nhân vật, sự kiện, số liệu, … từ đời sống. |
– Đề tài về văn học: là một khía cạnh về nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. – Ý kiến, lí lẽ, bằng chứng xoay quanh tác phẩm văn học cần phân tích. Lí lẽ là những phân tích, lí giải về tác phẩm. Bằng chứng là những từ ngữ, chi tiết, trích dẫn, … từ tác phẩm để làm sáng tỏ lí lẽ. |
Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi đọc văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống, em nên chú ý điều gì?
Trả lời:
Khi đọc văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống, em nên:
– Xác định ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được nêu trong văn bản.
– Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ, bằng chứng.
– Chỉ ra mục đích viết của văn bản và mối quan hệ giữa mục đích viết.
Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Chỉ ra câu văn thể hiện lí lẽ, câu văn thể hiện bằng chứng trong đoạn văn sau:
Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước. Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá: Pát-xơ-tơ (Pasteur), Anh-xơ-tanh (Einstein), hai vợ chồng Kiu-ri (Curie) và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng, cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn quá mau, là nhờ thú tự học tìm tòi của họ.
(Theo Nguyễn Hiến Lê, Tự học – một nhu cầu thời đại,
NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007)
Trả lời:
– Các câu văn thể hiện lí lẽ trong đoạn văn: Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và giúp đời nhiều hơn trước.
– Các câu văn thể hiện bằng chứng trong đoạn văn: Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá: Pát-xơ-tơ (Pasteur), Anh-xơ-tanh (Einstein), hai vợ chồng Kiu-ri (Curie) và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng, cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn quá mau, là nhờ thú tự học tìm tòi của họ.
Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Đừng sợ thất bại
Theo Kim Thị Mùa Đông
Nếu ta muốn sống một cuộc đời mà không phạm sai lầm nào, làm gì được nấy thì hoặc là ta ảo tưởng hoặc là ta hèn nhát trước cuộc đời. Bởi cuộc đời giống như một con đường không phải lúc nào cũng tràn ngập hoa thơm và ánh nắng, sẽ có những đoạn đường đầy gai góc, đầy mưa và bão tố. Những lúc như thế, ta có thể ngã khụy xuống nhưng ta không thể đầu hàng, tuyệt vọng, bởi đó không phải là con đường cùng, thất bại không phải là ta vô dụng, ngu ngốc mà chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. Có thể nói, dám đối mặt và đứng lên từ thất bại là một bài học quan trọng cho chúng ta trên đường đời.
Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra những bài học kinh nghiệm. Do vậy, đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, hãy biến thất bại thành bàn đạp vươn lên đến thành công.
Lu-y Pát-xơ-tơ (Louise Pasteur) – nhà khoa học nổi tiếng thế giới, người có công vĩ đại trong việc tìm ra vắc xin (vaccine) phòng dại đã từng chỉ là sinh viên bình thường trong số những sinh viên chưa tốt nghiệp, từng xếp hạng 15/22 ở môn Hóa. Ông cũng phải nếm mùi thất bại và khó khăn khi công bố phát minh của mình về sự tiệt trùng. Người đương thời không công nhận ông. Nhưng điều kì diệu là ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình và sự đúng đắn của khoa học, luôn rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại. Sự kiên nhẫn và niềm tin ấy đã làm cho tên tuổi của ông tỏa sáng mãi trong lịch sử văn minh nhân loại.
Bạn biết không? “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải). Vậy thì hãy dũng cảm lên bạn ơi! Đừng bao giờ nghĩ là ta đã thất bại mà đó chỉ là một bước lùi cho ba bước tiến và hãy học cách đứng dậy sau khi vấp ngã. Có gì đâu khi “thất bại là mẹ thành công” và nếu không có mùa đông thì mùa xuân đã không dễ chịu đến thế; nếu đôi khi chúng ta không nếm trải khó khăn thì không thể cảm nhận vị của thành công lại ngọt ngào đến thế.
(In trong Tuyển tập đề bài văn nghị luận xã hội, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014)
a. Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì?
b. Vẽ sơ đồ thể hiện ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản.
c. Em có nhận xét gì về bằng chứng tác giả nêu ra tring văn bản? Việc đưa bằng chứng như vậy có tác dụng gì trong việc thực hiện mục đích văn bản?
d. Chỉ ra các đặc điểm của văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống thể hiện trong Đừng sợ thất bại.
đ. Tại sao tác giả cho rằng thất bại là “một bước lùi cho ba bước tiến”?
e. Theo em, việc học hỏi từ thất bại sẽ mang đến cho chúng ta lợi ích gì?
Trả lời:
a. Văn bản được viết ra nhằm mục đích thuyết phục người đọc về việc đối mặt và vượt qua thất bại.
b. Vẽ sơ đồ dàn ý dựa trên những nội dung sau:
– Ý kiến: dám đối mặt và đứng lên từ thất bại là một bài học quan trọng cho chúng ta trên đường đời.
– Lí lẽ: thất bại là điều khó tránh, nhưng nếu đối diện với thất bại ta sẽ có được kinh nghiệm và vươn đến thành công.
– Bằng chứng: Lu-y Pát-xơ-tơ, thất bại nhiều lần những vẫn giữ niềm tin vào khoa học, rút kinh nghiệm và kiên trì, nhờ đó thành công.
c.
– Bằng chứng tác giả nêu ra là một nhân vật nổi tiếng, có nhiều đóng góp, được nhiều người biết đến và thừa nhận, đồng thời cũng là một tấm gương sáng cho việc vươn lên từ thất bại.
– Việc chọn bằng chứng như vậy làm tăng sức thuyết phục cho văn bản, giúp người đọc thêm tin vào bài học vượt lên thất bại.
d. Có thể chỉ ra một số đặc điểm như: thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề, có lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, lí lẽ và bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
đ/ Tác giả cho rằng thất bại là “một bước lùi cho ba bước tiến” bởi vì nếu ta dám đối mặt và học hỏi từ thất bại, thì đó chỉ là một “thành công bị trì hoãn” cho ta nhiều kinh nghiệm, từ đó làm nên những thành công lớn lao hơn trong tương lai.
e. Hãy liên hệ với trải nghiệm thực tế của bản thân để trả lời. Có thể nêu một số ý như: học hỏi từ thất bại cho ta kinh nghiệm sống; giúp ta rèn luyện bản lĩnh sống để trưởng thành, cứng cỏi hơn; giúp ta khám phá những tiềm năng của bản thân; giúp ta thấu hiểu những người xung quanh, …
Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Tìm từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống:
a. Liên kết có tác dụng làm cho văn bản……………………………………….
b. Đặc điểm của một văn bản có tính liên kết
– Nội dung cấc câu, các đoạn …………… và …………. Chặt chẽ với nhau.
– Các câu, các đoạn được kết nối với nhau bằng các …………….. thích hợp.
Trả lời:
Các em lần lượt điền các từ dưới đây vào chỗ trống:
a. Trở nên mạch lạc, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức
b.
– thống nhất; gắn bó
– phép liên kết
Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Dựa vào gợi ý trong bảng sau, trình bày hiểu biết của em về các phép liên kết:
Phép liên kết |
Khái niệm |
Ví dụ |
Phép lặp từ ngữ |
||
Phép thế |
||
Phép nối |
||
Phép liên tưởng |
Trả lời:
Phép liên kết |
Khái niệm |
Ví dụ |
Phép lặp từ ngữ |
lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước |
Buổi sáng, Bé dậy sớm ngồi học bài. Dậy sớm học bài là một thói quen tốt. Nhưng phải cố gắng lắm mới có được thói quen ấy. Rét ghê. Thế mà Bé vùng dậy, chui ra được khỏi cái chăn ấm. Bé ngồi học bài. |
Phép thế |
sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước. |
Rõ ràng Trống Choai của chúng ta đã hết tuổi bé bỏng thơ ngây. Chú chẳng còn phải quấn quýt quanh chân mẹ nữa rồi. |
Phép nối |
sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước. |
Nguyễn Trãi sẽ sống mãi trong trí nhớ và tình cảm của người Việt Nam ta. Và chúng ta phải làm cho tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi rạng rỡ ra ngoài bờ cõi nước ta. |
Phép liên tưởng |
sử dụng ở câu đứng trước các từ cùng liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước. |
Mặt trời lên bằng hai con sào thì ông về đến con đường nhỏ rẽ về làng. Không cần phải hỏi thăm nữa cũng nhận ra rặng tre ở trước mặt kia là làng mình rồi. Cái chấm xanh sẫm nhô lên đó là cây đa đầu làng. Càng về đến gần càng trông rõ những quán chợ khẳng khiu nấp dưới bóng đa. (Nguyễn Ðịch Dũng) → Làng được đặc trưng bằng rặng tre, cây đa, quán chợ |
Câu 3 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Chỉ ra một phép liên kết được sử dụng để liên kết hai đoạn văn sau:
Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra những bài học kinh nghiệm. Do vậy, đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, hãy biến thất bại thành bàn đạp vươn đến thành công.
Lu-y Pát-xơ-tơ (Louise Pasteur) – nhà khoa học nổi tiếng thế giới, người có công lao vĩ đại trong việc tìm ra vắc – xin (vaccine) phòng dại đã từng chỉ là sinh viên bình thường trong số những sinh viên chưa tốt nghiệp, từng xếp hạng 15/22 ở môn Hóa. Ông cũng phải nếm mùi thất bại và khó khăn khi công bố phát minh của mình về sự tiệt trùng. Người đương thời không công nhận ông. Nhưng điều kì diệu là ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình và sự đúng đắn của khoa học, luôn rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại. Sự kiên nhẫn và niềm tin ấy đã làm cho tên tuổi của ông tỏa sáng mãi trong lịch sử văn minh nhân loại.
(Kim Thị Mùa Đông, Đừng sợ thất bại)
Trả lời:
Đoạn văn sử dụng phép lặp từ ngữ: “thất bại”, “kinh nghiệm”, “niềm tin vào bản thân”.
Câu 4 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Trong đoạn văn sau, tác giả sử dụng phép liên kết nào?
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
a. Phép lặp từ ngữ
b. Phép nối
c. Phép thế
d. Cả ba phương án trên
Trả lời:
– Đáp án c. Phép thế
– Giải thích:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.
Câu 5 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Chỉ ra phép liên tưởng trong đoạn văn sau:
Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.
(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)
Trả lời:
Phép liên tưởng thể hiện qua các từ: “tác phẩm nghệ thuật”, “nghệ sĩ”.
Câu 6 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Xác định phép liên kết trong các đoạn văn sau:
a. Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước.
(Nguyễn Hiến Lê, Tự học – một thú vui bổ ích)
b. Muốn có được cuộc sống thoải mái, sung sướng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Nhưng chúng ta lại thường không biết dừng lại đúng lúc vì lòng tham của con người là vô đáy, sẽ mang đến những hậu quả khôn lường.
c. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hóa, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xóa bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ, thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước.
(Chu Quang Tiềm, Bàn về đọc sách)
Trả lời:
Phép liên kết trong các đoạn văn.
a. Phép lặp từ ngữ: “vui”, “ta”
b.
– Phép lặp từ ngữ: “con người”
– Phép thế: “chúng ta” thay thế cho “con người”
– Phép nối: “nhưng
c.
– Phép thế: “thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ” thay thế cho “di sản tinh thần của nhân loại”
– Phép lặp từ ngữ: “thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ”.
Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống:
Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống thuộc thể …………….. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ ………………….., hoặc một vấn đề thuộc về …………………..
Trả lời:
Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống thuộc thể nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày những yêu cầu của bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống.
Trả lời:
Yêu cầu đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề đời sống:
– Nêu được vấn đề cần bàn luận
– Trình bày được ý kiến tán thành, phản đối của người viết với vấn đề cần bàn luận
– Đưa ra lí lẽ rõ ràng, bằng chứng xác thực, đa dạng để làm sáng tỏ cho ý kiến.
– Bố cục
+ Mở bài: giới thiệu được vấn đề cần bàn luận và thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề ấy.
+ Thân bài: giải thích vấn đề cần bàn luận; đưa ra hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết; sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí.
+ Kết bài: khẳng định lại ý kiến, đưa ra bài học nhận thức và phương hướng hành động.
Câu 3 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dòng nào dưới đây không phải là đề tài của bài văn nghị luận về vấn đề đời sống:
a. Nghị lực sống
b. Tai nạn giao thông
c. Bàn về câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công
d. Bàn về truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng
Trả lời:
– Đáp án d. Bàn về truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng
– Giải thích: vì đây là đề bài văn nghị luận bàn về tác phẩm văn học.
Câu 4 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Vẽ sơ đồ thể hiện dàn ý của bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống.
Trả lời:
Các em vẽ theo sơ đồ sau:
Câu 5 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Khi viết bài văn nghị luận về đời sống, làm thế nào để lí lẽ, dẫn chứng được chặt chẽ, thuyết phục?
Trả lời:
– Để lí lẽ được chặt chẽ, thuyết phục cần nêu được cơ sở và kết luận.
– Để bằng chứng được chặt chẽ, thuyết phục cần lựa chọn bằng chứng cụ thể, tiêu biểu, xác thực, cần phân tích bằng chứng để làm sáng tỏ cho lí lẽ.
Câu 6 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Chỉ ra phần cơ sở và kết luận trong các lí lẽ sau:
Lí lẽ 1: Bởi vì không ai có thể tránh khỏi những lầm lạc, cho nên một bàn tay đưa ra để vực ta dậy từ sai lầm, một trái tim bao dung tha thứ sẽ cho ta động lực để sửa sai, từ đó dần hoàn thiện bản thân.
Lí lẽ 2: Bên cạnh đó, sự tha thứ giúp chúng ta buông bỏ thù hận, sự cố chấp và định kiến để từ đó tìm thấy sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.
Lí lẽ 3: Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra những bài học kinh nghiệm. Do vậy, đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, hãy biến thất bại thành bàn đạp vươn đến thành công.
Trả lời:
Lí lẽ |
Cơ sở |
Kết luận |
Lí lẽ 1 |
Bởi vì không ai có thể tránh khỏi những lầm lạc |
Cho nên một bàn tay đưa ra để vực ta dậy từ sai lầm, một trái tim bao dung tha thứ sẽ cho ta động lực để sửa sai, từ đó dần hoàn thiện bản thân. |
Lí lẽ 2 |
Sự tha thứ giúp chúng ta buông bỏ thù hận, sự cố chấp và định kiến. |
Để từ đó tìm thấy sự bình an, thanh thản trong tâm hồn. |
Lí lẽ 3 |
Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra những bài học kinh nghiệm. |
Do vậy, đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, hãy biến thất bại thành bàn đạp vươn đến thành công. |
Câu 7 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Thực hiện đề bài sau:
Đề bài: Chuyên mục “Góc nhìn” của tập san trường em phát động cuộc thi viết với chủ đề “Vì một ngôi trường hạnh phúc”. Để tham gia cuộc thi này, em hãy viết bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong nhà trường mà em quan tâm.
Trả lời:
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
Xác định đề tài, người đọc, mục đích viết
Đề tài ở đây là một vấn đề trong nhà trường mà em quan tâm. Đó có thể là vấn đề tiêu cực như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói chuyện riêng trong giờ học …, hoặc các vấn đề tích cực như: vai trò của nhóm học tập, giải pháp giúp bạn tiến bộ trong học tập, sự cần thiết của việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, .. Chủ đề của cuộc thi là “ Vì một ngôi trường hạnh phúc “, do đó đối với các vấn đề tiêu cực, em cần đề xuất cách khắc phục và đề ra các giải pháp thực hiện các vấn đề tích cực.
Mục đích viết của bài này: (1) tham gia một cuộc thi do trường tổ chức; (2) nhằm thuyết phục người đọc về ý kiến của em. Bài tham gia cuộc thi do trường tổ chức có thể được đăng trên tập san, do vậy người đọc bài viết có thể là bạn bè, thầy cô, các cô chú cán bộ, công nhân viên trong nhà trường. Em hãy chọn một đối tượng người đọc mà em muốn hướng đến chủ yếu và chọn cách viết cho phù hợp với đối tượng người đọc và mục đích viết.
Thu thập tư liệu
Sau khi xác định được vấn đề mình muốn viết, em hãy tiến hành thu thập tư liệu về vấn đề này. Em có thể thu thập tư liệu dựa vào bảng sau:
STT |
Tên bài viết, tác giả |
Ý kiến của tác giả |
Lí lẽ, bằng chứng đáng lưu ý |
Ý kiến của tôi về vấn đề trong bài viết |
1 |
||||
2 |
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý
Em tìm ý bằng cách viết ra những ý kiến của mình về vấn đề cần bàn luận, dựa vào sơ đồ sau:
Sau đó, em chọn ra một ý kiến mình tâm đắc nhất để lập dàn ý
Lập dàn ý
Em lập dàn ý theo gợi ý sau:
MỞ BÀI |
– Vấn đề cần bàn luận: ……………… – Ý kiến của tôi về vấn đề đó: ……………… |
THÂN BÀI |
1. Giải thích: …………………………………………………. 2. Bàn luận: – Khẳng định lại ý kiến : ……………………….. – Lí lẽ 1: ………………………..,……………….. – Bằng chứng 1: …………………………………. – Lí lẽ 2: ……………………………….. – Bằng chứng 2: ……………………….. 3. Lật lại vấn đề hoặc trao đổi với các ý kiến trái chiều: ………………………………………………………………….. ………………………………………………………………….. |
KẾT BÀI |
– Khẳng định lại vấn đề : ……………………. – Giải pháp của tôi: …………………………. |
Bước 3: Viết bài
Em tiến hành viết bài. Trước khi viết, em có thể tham khảo phần Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản trong SGK
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Sau khi viết, em tự đánh giá lại bài viết của mình dựa vào Bảng kiểm bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống.
* Bài viết tham khảo:
Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức với bạn mình. Đó là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị.
Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường.
Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp với các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?
Bạo lực học đường là hiện tượng không tốt đối và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường rất thiết thực và cần thiết. Hãy cùng chung tay để nói không với bạo lực học đường. Xây dựng một môi trường giáo dục văn minh và nhà trường sẽ là nơi để học, để phát triển nhân cách, kỹ năng trong mỗi cá nhân.
Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Ghi lại những kinh nghiệm của bản thân khi thực hiện bài trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống.
Trả lời:
Một số kinh nghiệm khi thực hiện bài trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống:
– Chuẩn bị thêm các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
– Dự kiến câu hỏi, phản hồi của người nghe và chuẩn bị câu trả lời.
– Tóm tắt hệ thống ý dưới dạng sơ đồ.
– Nêu rõ ý kiến, lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày cách thức bảo vệ ý kiến của bản thân trước sự phản bác của người nghe bằng cách hoàn thành bảng sau:
Tâm thế tôi cần chuẩn bị là …………. |
Để hiểu đúng ý kiến phản bác của người nghe, tôi sẽ nói ….. |
Để khẳng định lại ý kiến mình đưa ra (khi người nghe hiểu lầm), tôi sẽ nói ….. |
Tôi phản biện lại những ý kiến chưa hợp lí của người nghe bằng cách nói … |
Tôi ghi nhận và phản hồi những ý kiến phản biện hợp lí bằng cách nói …. |
Trả lời:
Tâm thế tôi cần chuẩn bị là tích cực. |
Để hiểu đúng ý kiến phản bác của người nghe, tôi sẽ nói: Có phải ý của bạn là…?; Theo tôi hiểu, bạn cho rằng ….; Vì sao bạn cho rằng ….?; Bạn có thể giải thích rõ hơn về ….? |
Để khẳng định lại ý kiến mình đưa ra (khi người nghe hiểu lầm), tôi sẽ nói: Có phải bạn đã hiểu lầm ý của tôi. Ý của tôi là….; Tôi không cho rằng … ý tôi là….; Tôi xin được nhắc lại ý kiến của mình, đó là …., chứ không phải là …. |
Tôi phản biện lại những ý kiến chưa hợp lí của người nghe bằng cách nói: Tôi nghĩ rằng ý kiến của bạn chưa hợp lí, bởi vì ….; Những bằng chứng bạn đưa ra chưa thuyết phục vì …. |
Tôi ghi nhận và phản hồi những ý kiến phản biện hợp lí bằng cách nói: Cảm ơn ý kiến của bạn, tôi sẽ tiếp thu để bài nói của mình hoàn thiện hơn; Cảm ơn ý kiến của bạn, đúng là …. |
Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Thực hiện đề bài sau:
Đề bài: Sau khi tổng kết trao thưởng cuộc thi viết “Vì một ngôi trường hạnh phúc”, trường em tổ chức buổi tọa đàm để học sinh trình bày ý kiến về những vấn đề trong nhà trường mà mình quan tâm. Em hãy chuyển bài viết của mình thành bài nói để tham gia buổi tọa đàm.
Trả lời:
Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói
– Đề tài ở đây chính là đề tài em đã thực hiện trong bài viết.
– Em sẽ trình bày bài nói trong buổi tọa đàm được trưởng tổ chức, với người nghe là thầy cô, các bạn. Do đó, em cần dự kiến thời gian trình bày cho hợp lí, chuẩn bị cách nói lịch sự, trang trọng, phù hợp với buổi trình bày trước tập thể.
Bước 2: Tìm ý là lập dàn ý
Tìm ý
Từ bài viết đã chuẩn bị, em lựa chọn những ý quan trọng trong bài nói của mình, đặc biệt nhấn mạnh đến những ý liên quan đến chủ đề “Vì một ngôi trường hạnh phúc” của buổi tọa đàm
Lập dàn ý
– Tóm tắt nội dung bài nói thành sơ đồ
– Tìm hình ảnh, đoạn phim, sơ đồ, bảng biểu phù hợp để tăng sự sinh động cho phần trình bày.
– Dự kiến những câu hỏi, ý kiến phản biện của người nghe và có phương án trả lời. Em có thể dựa vào những tư liệu mình tìm được trong phần viết để trả lời.
Bước 3: Luyện tập và trình bày
Luyện tập
Em có thể luyện nói trước gương hoặc luyện nới với các bạn trong nhóm. Khi luyện tập em cần chú ý lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với văn nói, dự kiến phần mở đầu và kết thúc hấp dẫn. Em có thể xem lại SGK để nắm vững cách thức bảo vệ ý kiến của bản thân trước sự phản bác của người nghe.
Trình bày
Khi trình bày em nên chú ý đến việc tương tác với người nghe. Cần nhấn mạnh vào thông điệp của bài nói và liên kết nội dung bài nói với chủ đề buổi tọa đàm.
Bước 4: Trao đổi và đánh giá
Trao đổi với các bạn về bài nói của mình. Khi trao đổi cần có thái độ cầu thị, lắng nghe.
Sau đó, trong vai trò người nói và người nghe, em hãy đánh giá bài nói của bản thân và của các bạn khác dựa vào Bảng kiểm trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống (SGK, bài 6)
* Bài mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn, tôi tên là ……, học sinh lớp …. Đến với buổi tọa đàm trình bày ý kiến về những vấn đề trong nhà trường đáng quan tâm để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, tôi xin phép được cùng thảo luận với các bạn về vấn đề bạo lực học đường.
Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức với bạn mình. Đó là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị.
Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường.
Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp với các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?
Bạo lực học đường là hiện tượng không tốt đối và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường rất thiết thực và cần thiết. Hãy cùng chung tay để nói không với bạo lực học đường. Xây dựng một môi trường giáo dục văn minh và nhà trường sẽ là nơi để học, để phát triển nhân cách, kỹ năng trong mỗi cá nhân.
Trên đây là phần trình bày ý kiến của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân
Bài 6 : Hành trình tri thức
Bài 8 : Nét đẹp văn hóa Việt
Bài 9 : Trong thế giới viễn tưởng
Bài 10 : Lắng nghe trái tim mình