Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ
* Đọc ngữ liệu tham khảo
Văn bản: Bạn đang ở đâu trong “hành trình” khẳng định bản thân?
Câu 1 (trang 18 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Tìm bố cục của bài viết và xác định vấn đề được bàn luận trong bài viết.
Trả lời:
– Bố cục bài viết gồm 3 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến lời nhắn đó: Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận.
+ Phần 2: Tiếp đến thử thách bản thân: Giải thích, trình bày luận điểm, nêu lí lẽ, bằng chứng để làm rõ luận điểm.
+ Phần 3: Còn lại: Khẳng định lại ý kiến và đề xuất phương hướng hành động.
– Vấn đề được bàn luận: Người trẻ trong hành trình khẳng định giá trị bản thân.
Câu 2 (trang 18 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nhận xét cách mở bài và kết bài của bài viết.
Trả lời:
Mở bài khơi gợi, tạo sự hứng thú, tò mò cho người đọc. Kết bài là sự thôi thúc, cổ vũ con người hãy tiến về phía trước, mạnh dạn bước trên con đường tự khẳng định mình, không được bỏ cuộc.
Câu 3 (trang 18 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong bài viết.
Trả lời:
Sơ đồ mối quan hệ giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng:
Câu 4 (trang 18 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Bạn học được điều gì về cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ qua bài viết trên?
Trả lời:
Qua cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ qua bài viết trên, em học được:
– Khi nêu luận điểm, lí lẽ, bằng chứng cần sáng rõ, thuyết phục.
– Sắp xếp luận điểm phù hợp, để bài viết trở nên mạch lạc, rõ ràng.
* Thực hành viết theo quy trình
Đề bài (trang 19 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Trường bạn mở một diễn đàn bàn về vấn đề người trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa, có gợi ý một số đề tài cụ thể: hòa nhập chứ không hòa tan; những xu hướng nghề nghiệp trong tương lai; người trẻ và vai trò công dân toàn cầu;…Hãy chọn một trong những đề tài nêu trên (hoặc đề xuất một đề tài khác) và viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến của bạn.
Bước 1: Chuẩn bị viết
• Bạn chọn đề tài nào?
• Bạn viết bài này nhằm mục đích gì?
• Người đọc bài viết này là ai? Họ mong chờ điều gì từ bài viết của bạn?
• Với mục đích và người đọc như vậy, bạn sẽ chọn cách viết như thế nào?
• Thu thập những lí lẽ, bằng chứng trong sách, báo, trong cuộc sông liên quan đến vấn đề cần bàn luận.
• Trao đổi hoặc phỏng vấn ý kiến của các bạn trong lớp, trên mạng xã hội về vấn đề mà đề bài đặt ra.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
• Chọn lọc những lí lẽ, bằng chứng đã thu thập.
• Thống kê, phân loại các ý kiến mà bạn đã phỏng vấn/ trao đổi.
• Trên cơ sở đó, phác thảo ý tưởng cho bài viết.
• Phân loại ý nào là luận điểm, ý nào là lí lẽ, bằng chứng; loại bỏ các ý trùng lặp hoặc không phục vụ cho vấn đề cần bàn luận.
• Sắp xếp các ý vừa tìm được theo một trình tự hợp lí (tham khảo hướng dẫn lập dàn ý ở Bài 2).
Bước 3: Viết bài
Từ dàn ý đã lập, bạn hãy viết bài văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo yêu cầu đối với kiểu bài.
Bài viết tham khảo
Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ 4.0, hội nhập thế giới. Kỉ nguyên công nghệ đem đến cho cuộc sống con người nhiều điều mới mẻ và một trong số đó chính là cụm từ Công dân toàn cầu.
Công dân toàn cầu là một khái niệm đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Nó đề cập đến những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch mà không bị rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia khác. Công dân toàn cầu hay con người nói chung cùng nhau chung sống ở trên hành tinh này và chúng ta có trách nhiệm gắn kết với nhau để đưa thế giới phát triển theo hướng văn minh hơn.
Trong thời đại ngày nay, hòa nhập vào thế giới là điều vô cùng cần thiết để có sự kết nối hơn về kiến thức của các ngành nghề. Nếu không hòa nhập, chúng ta có thể bị bỏ lại phía sau và mất cơ hội phát triển. Việc hòa nhập vào thế giới có thể giúp chúng ta tận dụng tối đa tiềm năng của mình và đối mặt với các thách thức toàn cầu. Để trở thành một công dân toàn cầu, ta cần có kiến thức và hiểu biết rõ những giá trị chung của từng khu vực. Tinh thần trách nhiệm và sự tự giác là một điều không thể thiếu trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người bảo thủ, không hòa nhập để học hỏi, để lĩnh hội tri thức mới. Lại có những người chạy theo lối sống “ngoại”, rồi chê bai truyền thống dân tộc. Cả hai trường hợp này đều đáng bị phê phán.
Xưa kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước. Trong suốt hành trình của mình, Người đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Người vừa học tập, lĩnh hội tri thức của các đất nước đó, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa người Việt. Bác Hồ được bạn bè quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ và được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng. Xa quê là thế nhưng Bác không bao giờ quên đi nguồn cội. Người sống giản dị với nhà sàn, ao cá và ăn những món ăn đạm bạc. Một công dân toàn cầu chính là như vậy. Từ đó, ta có thể thấy việc kết hợp hài hòa giữa tiếp thu tinh hoa nhân loại với phát huy truyền thống dân tộc không phải điều xa lạ, khó thực hiện.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Chỉ khi chúng ta cùng nhau thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thế giới, và với chính dân tộc mình, chúng ta mới có thể xây dựng được một thế giới bền vững, hòa bình và phát triển.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sủa
• Đọc lại bài viết, dùng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (Bài 2) để tự kiểm soát bài viết của mình.
• Bạn đã có những tiến bộ gì về kĩ năng viết kiểu bài này so với bài nghị luận viết ở bài trước?
Trả lời:
Những tiến bộ của em về kĩ năng viết ở kiểu bài này:
– Đã xác định được luận điểm, luận cứ, trình bày logic.
– Đưa ra được dẫn chứng gần gũi với cuộc sống hiện đại.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Tự do
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ
Trao đổi về một vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức đối với đất nước
Ôn tập trang 22
Tri thức ngữ văn trang 23
Hai quan niệm về gia đình và xã hội