Giải bài tập Sinh học lớp 11 Bài 23: Hướng động
Bài giảng Sinh học 22 Bài 23: Hướng động
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi 1 trang 97 SGK Sinh học 11: Quan sát hình 23.1, nêu nhận xét về sự sinh trưởng của thân cây non ở các điều kiện chiếu sáng khác nhau.
Hình 23.1: Cảm ứng của cây non đối với điều kiện chiếu sáng
a) Cây non được chiếu sáng từ một phía
b) Cây non mọc trong bóng tối hoàn toàn
c) Cây được chiếu sáng từ mọi phía
Phương pháp giải:
Ở điều kiện chiếu sáng khác nhau thân cây non có phản ứng sinh trưởng rất khác nhau
Trả lời:
– Ở điều kiện chiếu sáng từ một hướng, thân cây non sinh trưởng hướng về nguồn sáng (hình 23.1 a).
– Khi không có ánh sáng cây non mọc vống lên và có màu vàng úa (hình 23.1 b).
– Ở điều kiện ánh sáng chiếu bình thường từ mọi hướng, cây non mọc thẳng, cây khỏe, lá có màu xanh lục.
Trả lời câu hỏi 2 trang 98 SGK Sinh học 11: So sánh sự sinh trưởng của các cây trên hình 23.3 và trả lời các câu hỏi sau:
– Vì sao thân và rễ cây trên hình 23.3 a và 23.3 c sinh trưởng theo hướng nằm ngang?
– Phản ứng của thân và rễ cây đối với sự kích thích của trọng lực (hình 23.3 b và 23.3 d) có gì khác nhau?
Phương pháp giải:
Dựa vào tác động của máy hồi chuyển
Trả lời:
– Thân và rễ trên hình 23.3a và 23.3c sinh trưởng theo hướng nằm ngang vì tác động của trọng lực bị loại bỏ (do tác động của máy hồi chuyển)
– Phản ứng của thân và rễ cây đối với sự kích thích của trọng lực có sự khác nhau là:
+ Thân hướng lên trên (hướng trọng lực âm).
+ Rễ hướng xuống dưới (hướng trọng lực dương).
Trả lời câu hỏi 3 trang 100 SGK Sinh học 11: – Hãy nêu vai trò của hướng sáng dương của thân, cành cây và cho ví dụ minh họa.
– Hướng sáng âm và hướng trọng lực dương của rễ có ý nghĩa gì đối với đời sống của cây?
– Nêu vai trò của hướng hóa đối với sự dinh dưỡng khoảng và nước của cây.
– Lấy ví dụ một số loài cây trồng có hướng tiếp xúc.
Trả lời:
– Vai trò của hướng sáng dương của thân, cành cây là tìm đến nguồn sáng để quang hợp..
– Hướng sáng âm và hướng trọng lực dương đảm bảo cho rễ mọc vào đất để giữ cây và để hút nước cùng các chất khoáng có trong đất.
– Vai trò của hướng hóa đối với sự dinh dưỡng khoáng và nước của cây là nhờ có tính hướng hóa rễ cây sinh trưởng hướng tới nguồn nước và phân bón để dinh dưỡng.
– Những loài cây trồng có hướng tiếp xúc như: cây mướp, bầu, bí, dưa leo, nho, cây củ từ, đậu cô ve…
Câu hỏi và bài tập (trang 101 SGK Sinh học 11)
Bài 1 trang 101 Sinh học 11: Cảm ứng thực vật là gì ?
Trả lời:
Cảm ứng thực vật là khả năng của cơ thể thực vật phản ứng đối với sự kích thích của môi trường.
Bài 2 trang 101 SGK Sinh học 11: Các tua quấn ở các cây mướp, bầu, bí,… là hướng động kiểu gì?
Trả lời:
Kiểu hướng động của các tua quấn ở cây mướp, bầu, bí… là hướng tiếp xúc. Sự tiếp xúc với giá thể làm kích thích sự kéo dài của các tế bào tại phía không tiếp xúc với giá thể của tua, làm cho tua quấn quanh giá thể.
Bài 3 trang 101 SGK Sinh học 11: Vai trò của hướng trọng lực trong đời sống của cây.
Phương pháp giải:
Rễ cây hướng trọng lực dương, thân cây hướng trọng lực âm.
Trả lời:
Hướng trọng lực giúp cố định cây vững chắc vào đất và để rễ cây hút nước cùng các ion khoáng từ đất nuôi cây.
Bài 4 trang 101 SGK Sinh học 11: Hãy kể những tác nhân gây ra hướng hóa ở thực vật
Phương pháp giải:
Hướng hóa là phản ứng sinh trưởng của cây đối với các hợp chất hóa học
Trả lời:
Các tác nhân gây ra hướng hóa ở thực vật là các hợp chất hóa học. Ví dụ: axit, kiềm, các muối khoáng, các chất hữu cơ, hoocmôn, các chất dẫn dụ và các hợp chất khác.
Bài 5 trang 101 SGK Sinh học 11: Vào rừng nhiệt đới, ta gặp rất nhiều dây leo quấn quanh những cây gỗ lớn để vươn lên cao, đó là kết quả của:
a) Hướng sáng
b) Hướng tiếp xúc
c) Hướng trọng lực âm
d) Cả 3 loại hướng trên.
Trả lời:
Các dây leo quấn quanh những cây gỗ lớn để vươn lên cao, đó là kết quả của hướng tiếp xúc.
b) Đúng.
Lý thuyết Bài 23. Hướng động
I. Khái niệm hướng động
Cảm ứng ở thực vật là phản ứng vận động của các cơ quan thực vật đối với kích thích
Đặc điểm: phản ứng chậm, khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng.
Có 2 hình thức cảm ứng ở thực hướng động (vận động định hướng) và ứng động (vận động cảm ứng).
Hướng động là vận động sinh trưởng của các cơ quan thực vật đối với kích thích từ một hướng xác định.
Hướng của phản ứng được xác định bởi hướng của tác nhân kích thích
Có hai loại hướng động chính :
+ Hướng động dương: vận động sinh trưởng hướng tới nguồn kích thích
+ Hướng động âm: vận động tránh xa nguồn kích thích
Cơ chế:Hướng động xảy ra khi tốc độ sinh trưởng tại hai phía của cơ quan tiếp nhận kích thích không đều nhau.
+ Hướng động dương: do các tế bào ở phía không được kích thích phân chia và sinh trưởng nhanh hơn phía có kích thích → cơ quan uốn cong về phía kích thích.
+ Hướng động âm: xảy ra theo cơ chế giống hướng động dương nhưng ngược lại.
Vai trò: Hướng động giúp cây sinh trưởng hướng tới tác nhân môi trường thuận lợi (ánh sáng, nước, dinh dưỡng) và tránh xa các tác nhân không thuận lợi của môi trường → giúp cây thích ứng với những biến động của điều kiện môi trường để tồn tại và phát triển.
II. Các hình thức hướng động ở thực vật
Tùy theo tác nhân kích thích, có 5 kiểu hướng động: hướng sáng, hướng trọng lực, hướng hóa, hướng nước, hướng tiếp xúc.
Hướng sáng: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của ánh sáng.
Hướng trọng lực: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của trọng lực (hướng về tâm quả đất).
Hướng hóa: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp lại tác động của hoá chất.
Rễ cây luôn hướng về nơi có nguồn dinh dưỡng thích hợp và cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển (hướng hoá dương) và tránh xa nơi có hoá chất độc hại với nó.
Hướng nước: là phản ứng sinh trưởng của thực vật hướng tới nguồn nước. Hướng nước ở rễ là hướng dương
Hướng tiếp xúc: Phản ứng sinh trưởng của thực vật đáp ứng lại tác động của vật tiếp xúc với bộ phận của cây.