Giải SBT Sinh học 11 Bài 26: Sinh sản ở động vật
Câu 26.1 trang 85 SBT Sinh học 11: Cơ sở của sinh sản vô tính ở động vật là quá trình
A. nguyên phân.
B. trực phân.
C. giảm phân và trực phân.
D. nguyên phân và trực phân.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Sinh sản vô tính ở động vật là sự sinh sản mà các cơ thể con sinh ra từ một phần của cơ thể mẹ, cơ sở của sinh sản vô tính ở động vật là quá trình nguyên phân, cơ thể con giống nhau và giống mẹ.
Câu 26.2 trang 85 SBT Sinh học 11: Hãy chọn câu trả lời đúng khi ghép tên các loài sinh vật tương ứng với hình thức sinh sản của chúng.
Sinh vật |
Hình thức sinh sản |
1. Cá răng cưa |
a. Phân đôi |
2. Sao biển |
b. Nảy chồi |
3. San hô |
c. Phân mảnh |
4. Trùng giày |
d. Trinh sinh |
A. 1-b, 3-a, 2-d, 4-c.
B. 1-c, 2-a, 3-b, 4-d.
C. 1-b, 2-a, 3-d, 4-c.
D. 1-d, 2-c, 3-b, 4-a.
Lời giải:
Đáp án đúng là: D
1-d: Cá răng cưa sinh sản bằng trinh sinh.
2-c: Sao biển sinh sản bằng phân mảnh.
3-b: San hô sinh sản bằng nảy chồi.
4-a: Trùng giày sinh sản bằng phân đôi.
Câu 26.3 trang 85 SBT Sinh học 11: Điều kiện để noãn bào bậc 2 hoàn thành giảm phân II là gì?
A. Trứng rụng và đã thụ tinh.
B. Có tinh trùng đi vào để thụ tinh.
C. Noãn bào tiếp xúc với trứng.
D. Có enzyme phân huỷ màng được hoạt hoá.
Lời giải:
Đáp án đúng là: B
Noãn bào bậc 2 ngừng ở kì giữa của giảm phân II; khi trứng rụng, tinh trùng đi vào để thụ tinh, quá trình giảm phân II ở noãn bào bậc 2 mới được tiếp tục → Điều kiện để noãn bào bậc 2 hoàn thành giảm phân II là có tinh trùng đi vào để thụ tinh.
Câu 26.4 trang 85 SBT Sinh học 11: Tác dụng của thuốc viên tránh thai hằng ngày là
A. ngăn không cho trứng chín và rụng.
B. ngăn tinh trùng gặp trứng.
C. ngăn sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.
D. ngăn tuyến yên tiết FSH và ICSH.
Lời giải:
Đáp án đúng là: A
Thuốc tránh thai hằng ngày có chứa hormone estrogen, progesterone hoặc chất tương đương, có tác dụng ức chế trứng chín và rụng.
Câu 26.5 trang 85 SBT Sinh học 11: Giải thích vì sao những động vật thụ tinh ngoài thường đẻ số lượng trứng rất lớn.
Lời giải:
Vì hiệu quả thụ tinh ngoài không cao và những trứng đã thụ tinh dễ bị các động vật khác ăn, nên những động vật thụ tinh ngoài thường phải đa nhiều trứng để bù lại.
Câu 26.6 trang 85 SBT Sinh học 11: Hành vi ếch đực kết cặp và ôm eo trên lưng ếch cái có phải để giao phối không? Vì sao?
Lời giải:
Ếch là loài thụ tinh ngoài, do đó hành vi ếch đực kết cặp và ôm eo trên lưng ếch cái không phải để giao phối mà để kích thích ếch cái đẻ trứng, đồng thời ếch đực tưới tinh dịch lên đám trứng vừa đẻ.
Câu 26.7 trang 85 SBT Sinh học 11: Hiện tượng cá đực ấp trứng đã thụ tinh ở trong miệng cho đến khi nở ra cá con nhằm mục đích gì?
Lời giải:
Hiện tượng cá đực ấp trứng đã thụ tinh ở trong miệng cho đến khi nở ra cá con nhằm bảo vệ trứng khỏi bị kẻ thù ăn hoặc bị nước cuốn trôi, đảm bảo tỉ lệ trứng nở cao.
Câu 26.8 trang 85 SBT Sinh học 11: Khi thảo luận về nội dung sinh đẻ có kế hoạch ở người, bạn A cho rằng nước ta không cần áp dụng biện pháp sinh đẻ có kế hoạch mà nên sinh càng nhiều càng tốt để gia tăng lực lượng lao động, có lợi cho việc phát triển kinh tế đất nước. Em có đồng ý với bạn A không? Vì sao?
Lời giải:
Em không đồng ý với ý kiến của bạn A vì: nước ta có quy mô dân số lớn, phát triển nhanh, chưa tương xứng với điều kiện kinh tế và xã hội của đất nước. Do đó, việc gia tăng dân số quá đông sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Mặt khác, việc sinh đẻ có kế hoạch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là nâng cao sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em.
Câu 26.9 trang 85 SBT Sinh học 11: Sinh đẻ có kế hoạch ở người có ý nghĩa gì đối với gia đình và xã hội?
Lời giải:
Ý nghĩa của việc sinh đẻ có kế hoạch ở người:
– Đảm bảo cho các cặp vợ chồng chủ động về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh con sao cho phù hợp với điều kiện gia đình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình.
– Duy trì ổn định và kiểm soát tỉ lệ sinh của các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ, đảm bảo cho tỉ lệ gia tăng dân số phù hợp với sự phát triển của xã hội.
– Giảm áp lực về việc sử dụng tài nguyên môi trường cho xã hội.
– Nâng cao sức khoẻ cho giới nữ.
– Nâng cao sức khoẻ của trẻ sơ sinh.
– Giảm tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai.
Câu 26.10 trang 85 SBT Sinh học 11: Nhiều người cho rằng việc giáo dục các biện pháp tránh thai cho trẻ vị thành niên là “bày đường cho hươu chạy”. Em có đồng ý với ý kiến này không?
Lời giải:
Việc giáo dục các biện pháp tránh thai cho trẻ vị thành niên không phải là “bày đường cho hươu chạy” mà góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khoẻ tuổi dậy thì và tình dục an toàn, góp phần giảm tỉ lệ mang thai và nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.
Xem thêm các bài giải sách bài tập Sinh học lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 25: Thực hành: Nhân giống vô tính và thụ phấn ở thực vật
Bài 26: Sinh sản ở động vật
Ôn tập Chương 4
Bài 27: Cơ thể sinh vật là một hệ thống mở và tự điều chỉnh
Bài 28: Một số ngành nghề liên quan đến sinh học cơ thể