Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 3: Trung Quốc
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 13 SGK Lịch sử 11: Xác định trên bản đồ Trung Quốc (treo tường) những vùng bị các nước đế quốc chiếm đóng.
Trả lời:
Sau Chiến tranh thuốc phiện, các nước đế quốc từng bước xâu xé Trung Quốc.
Đến cuối thế kỉ XIX, Đức đã chiếm vùng Sơn Đông; Anh chiếm vùng châu thổ sông Dương Tử (Trường Giang); Pháp chiếm vùng Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông; Nga, Nhật Bản chiếm đóng vùng Đông Bắc,…
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 14 SGK Lịch sử 11: Nêu diễn biến chính của các phong trào yêu nước của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Diễn biến chính của các phong trào yêu nước của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX:
* Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 – 1864):
– Do Hồng Tú Toàn lãnh đạo, nổ ra ngày 1-1-1851 ở Kim Điền (Quảng Tây), sau đó lan ra nhiều địa phương khác, kéo dài suốt 14 năm.
– Ngày 19-7-1864, chính quyền Mãn Thanh với sự giúp đỡ của các nước đế quốc đã tấn công Thiên Kinh, đàn áp phong trào. Cuộc khởi nghĩa thất bại.
* Cuộc vận động Duy Tân năm Mậu Tuất (1898):
– Năm 1898, cuộc vận động Duy tân do hai nhà nho yêu nước là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu khởi xướng, được vua Quang Tự ủng hộ, kéo dài hơn 100 ngày, nhưng cuối cùng bị thất bại vì Từ Hi Thái hậu làm chính biến.
* Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX):
– Là một cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân chống đế quốc diễn ra ở miền Bắc Trung Quốc. Bùng nổ ở Sơn Đông, phong trào nhanh chóng lan rộng ra Trực Lệ, Sơn Tây.
– Nghĩa quân tấn công các đại sứ quán của nước ngoài ở Bắc Kinh. Ngay sau đó, liên quân 8 nước (Anh, Nhật Bản, Đức, Mĩ, Nga, Pháp, Áo – Hung, Italia) tiến vào Bắc Kinh, đàn áp phong trào.
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 17 SGK Lịch sử 11: Dựa trên lược đồ (hình 8), trình bày diễn biến chính của Cách mạng Tân Hợi.
Trả lời:
Diễn biến chính của Cách mạng Tân Hợi (1911):
– Ngày 10-10-1911, Đồng minh hội phát động khởi nghĩa ở Vũ Xương, cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng và lan rộng ra khắp miền Nam và miền Trung Trung Quốc.
– Ngày 29-12-1911, Quốc dân đại hội (gồm đại biểu các tỉnh nổ ra cách mạng) họp ở Nam Kinh, tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân Quốc, bầu Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống, đứng đầu chính phủ lâm thời, thông qua Hiến pháp mới.
– Tháng 2-1912, Tôn Trung Sơn từ chức, ngày 6-3-1912, Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống Trung Hoa Dân quốc. Trên thực tế, cách mạng đến đây chấm dứt.
Câu hỏi và bài tập (trang 17 sgk Lịch Sử 11)
Bài 1 trang 17 SGK Lịch sử 11: Nêu kết quả của Cách mạng Tân Hợi. Vì sao gọi cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng tư sản không triệt để?
Trả lời:
* Kết quả của Cách mạng Tân Hợi:
– Đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
– Có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á.
* Cách mạng Tân Hợi được xem là cuộc cách mạng tư sản không triệt để, vì:
– Chưa thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến.
– Không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược.
– Chưa giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân.
Bài 2 trang 17 SGK Lịch sử 11: Nhận xét về phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Nhận xét về phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX:
– Quy mô: diễn ra liên tục, rộng lớn, quyết liệt, sôi nổi và đạt được những kết quả nhất định.
– Lãnh đạo: sĩ phu yêu nước tiến bộ, giai cấp tư sản.
– Lực lượng tham gia: chủ yếu là nông dân.
– Kết quả: đều thất bại.
– Tính chất: mang tính dân tộc sâu sắc.
– Ý nghĩa: Cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc và các nước thuộc địa khu vực Châu Á. Thể hiện tinh thần yêu nước và đấu tranh kiên cường của nhân dân Trung Quốc và để lại những bài học kinh nghiệm cho cách mạng.
Lý thuyết Bài 3: Trung Quốc
1. Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược (Đọc thêm)
a) Nguyên nhân Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược
– Từ cuối thế kỉ XVIII, nhất là sang thế kỉ XIX, các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây tăng cường xâm chiếm thị trường thế giới.
– Trung Quốc:
+ Vị trí địa lí chiến lược quan trọng.
+ Giàu tài nguyên thiên nhiên.
+ Dân số đông => Lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng.
+ Chế độ phong kiến Mãn Thanh lâm vào khủng hoảng, suy thoái ngiêm trọng.
=> Trung Quốc trở thành đối tượng xâm lược của các nước thực dân phương Tây.
b) Quá trình xâm lược Trung Quốc của các nước phương Tây
– Tháng 6/1840 – tháng 8/1842, thực dân Anh gây ra cuộc chiến tranh thuốc phiện => Triều đình Mãn Thanh thất bại, buộc phải kí với Anh Hiệp ước Nam Kinh.
=> Đây là mốc mở đầu cho quá trình biến Trung Quốc từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
– Sau chiến tranh thuốc phiện, các nước đế quốc khác đua nhau xâu xé Trung Quốc.
=> Đến cuối thế kỉ XIX, các nước đế quốc đã cơ bản hoàn thành quá trình phân chia thuộc địa, khu vực ảnh hưởng ở Trung Quốc:
+ Đức chiếm Sơn Đông.
+ Anh chiếm châu thổ sông Dương Tử.
+ Pháp chiếm Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông.
+ Nga – Nhật Bản chiếm vùng Đông Bắc.
2. Phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX
Trước sự xâm lược của các nước đế quốc và thái độ thỏa hiệp của triều đình Mãn Thanh, từ giữa thế kỉ XIX nhân dân Trung Quốc liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
– Năm 1901, nhà Mãn Thanh kí với các nước đế quốc Điều ước Tân Sửu, theo đó Trung Quốc phải trả một khoản tiền lớn để bồi thường chiến tranh và buộc phải để cho các nước đế quốc được quyền đóng quân ở Bắc Kinh => Trung Quốc thực sự trở thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến.
Nguyên nhân thất bại chung của các phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX:
– Triều đình Mãn Thanh suy yếu, cấu kết với đế quốc.
– Thiếu vũ khí chiến đấu.
– Chưa có sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị vững mạnh, thực lực và thế lực của giai cấp tư sản còn quá yếu.
– Các nước đế quốc đang phát triển mạnh
3. Tôn Trung Sơn và Cách mạng Tân Hợi 1911
a) Hoàn cảnh lịch sử
– Vào đầu thế kỉ XX, giai cấp tư sản Trung Quốc đã lớn mạnh lên rất nhiều. Họ bị tư bản nước ngoài và triều đình phong kiến Mãn Thanh chèn ép, kìm hãm.
– Dựa vào các cuộc đấu tranh bền bỉ của quần chúng nhân dân, giai cấp tư sản Trung Quốc bắt đầu thành lập các tổ chức chính trị của mình. Tôn Trung Sơn là đại diện ưu tú và là lãnh tụ của phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Trung Quốc.
b, Tôn Trung Sơn và Đồng minh hội
– Tôn Trung Sơn là một trí thức có tư tưởng cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
– Tháng 8/1905, Tôn Trung Sơn tập hợp giai cấp tư sản Trung Quốc thành lập Trung Quốc Đồng minh hội – chính Đảng của giai cấp tư sản Trung Quốc.
– Thành phần: tri thức tư sản, tiểu tư sản, địa chủ, thân sĩ bất bình với nhà Thanh, cùng một số ít đại biểu công nông.
– Cương lĩnh chính trị: theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, nêu rõ: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”
– Mục tiêu: lật đổ Mãn Thanh, thành lập dân quốc, thực hiện bình đẳng về ruộng đất cho dân cày.
c, Cách mạng Tân Hợi 1911
* Nguyên nhân
– Nhân dân Trung Quốc mâu thuẫn với đế quốc phong kiến
– Ngòi nổ của cách mạng là do nhà Thanh trao quyền kinh doanh đường sắt cho đế quốc, bán rẻ quyền lợi dân tộc (quốc hữu hóa đường sắt) nên phong trào “giữ đường” bùng nổ, nhân cơ hội đó Đồng minh hội phát động đấu tranh.
*Diễn biến:
– Khởi nghĩa bùng nổ ở Vũ Xương 10/10/1911, lan rộng khắp miền Nam, miền Trung Trung Quốc.
– Ngày 29/12/1911: Quốc dân đại hội họp ở Nam Kinh
+ Tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân quốc.
+ Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống lâm thời.
+ Hiến pháp lâm thời được thông qua, công nhận quyền bình đẳng và quyền tự do dân chủ của mọi công dân. Không đề cập đến vấn đề ruộng đất của nông dân.
– Trước thắng lợi của cách mạng, tư sản thương lượng với nhà Thanh, đế quốc can thiệp.
=> Vua Thanh thoái vị, Tôn Trung Sơn từ chức (12/2/1912), Viên Thế Khải làm Tổng thống (6/3/1912) – thế lực phong kiến quân phiệt lên nắm quyền.
* Tính chất – ý nghĩa: là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản
+ Lật đổ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
+ Ảnh hưởng nhất định đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Châu Á.
* Hạn chế
– Không thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến.
– Không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược.
– Không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.
=> Cách mạng Tân Hợi (1911) mang tính chất là cuộc cách mạng tư sản không triệt để.
* Nguyên nhân thất bại
– Chưa thủ tiêu triệt để giai cấp phong kiến, chưa tấn công đế quốc.
– Chưa giải quyết vấn đề thiết yếu cho dân cày: Ruộng đất.