Giải bài tập Lịch Sử lớp 11 Bài 16: Các nước Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)
Trả lời câu hỏi giữa bài
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 84 SGK Lịch sử 11: Tình hình các nước Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có những chuyển biến quan trọng nào về mặt kinh tế, chính trị, xã hội?
Trả lời:
* Nguyên nhân: do chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa của thực dân phương Tây.
* Chuyển biến:
– Về kinh tế: trở thành thị trường và nơi cung cấp nguyên liệu cho các nước chính quốc.
– Về chính trị: các nước Đông Nam Á đều bị chính quyền thực dân khống chế.
– Về xã hội: sự phân hóa giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc.
+ Giai cấp tư sản dân tộc lớn mạnh dần cùng với sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp.
+ Giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành về số lượng và ý thức cách mạng.
+ Phong trào độc lập dân tộc ở các nước Đông Nam Á cũng có bước phát triển mới.
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 85 SGK Lịch sử 11: Nét mới trong phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939) là gì?
Trả lời:
Nét mới trong phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939):
– Phong trào dân tộc tư sản có những bước tiến rõ rệt cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản dân tộc:
+ Mục tiêu đấu tranh: đòi tự do kinh doanh, tự chủ về chính trị, đòi dùng tiếng mẹ đẻ trong trường học,…
+ Một số chính đảng tư sản được thành lập và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như: Đảng Dân tộc ở Inđônêxia, phong trào Thakin ở Miến Điện, Đại hội toàn Mã Lai,…
– Giai cấp vô sản bắt đầu trưởng thành:
+ Một số Đảng Cộng sản được thành lập như: Đảng Cộng sản Inđônêxia (5-1920); Đảng Cộng sản Đông Dương, Mã Lai, Xiêm, Philippin (1930).
+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi, quyết liệt như: khởi nghĩa vũ trang ở Inđônêxia (1926-1927); phong trào 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh ở Việt Nam,…
Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 86 SGK Lịch sử 11: Nêu những diễn biến chính của phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a trong thập niên 20 của thế kỉ XX.
Trả lời:
Diễn biến chính của phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a trong thập niên 20 của thế kỉ XX được chia 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 1: Phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a (đảng của giai cấp vô sản).
– Tháng 5-1920, Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a thành lập.
– Trong những năm 1926-1927, diễn ra cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Gia-va và Xu-ma-tơ-ra. Tuy thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa đã làm rung chuyển nền thống trị của thực dân Hà Lan ở In-đô-nê-xi-a.
* Giai đoạn 2: Phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân tộc In-đô-nê-xi-a (đảng của giai cấp tư sản).
– Từ năm 1927, phong trào cách mạng chuyển vào tay Đảng Dân tộc của giai cấp tư sản, đứng đầu là Ác-mét Xu-các-nô.
– Chủ trương: đoàn kết các lực lượng dân tộc, chống đế quốc.
– Đường lối: đấu tranh bằng con đường hòa bình và phong trào bất hợp tác với chính quyền thực dân (giống đường lối đấu tranh của Đảng Quốc đại ở Ấn Độ).
– Mục tiêu: Đòi độc lập.
Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 86 SGK Lịch sử 11: Lập niên biểu về phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a trong thập niên 30 của thế kỉ XX.
Trả lời:
* Bảng niên biểu về phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a trong thập niên 30 của thế kỉ XX
Thời gian |
Sự kiện |
Kết quả |
Năm 1933 |
Cuộc khởi nghĩa của các thủy binh ở cảng Su-ra-bay-a. |
Bị đàn áp, thất bại và đặt Đảng ra ngoài vòng pháp luật. |
Tháng 12-1939 |
Liên minh chính trị In-đô-nê-xi-a đã triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân, biểu thị sự thống nhất dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. |
Thông qua Nghị quyết về ngôn ngữ, Quốc kì, Quốc ca. |
Tháng 9-1941 |
Hội đồng nhân dân In-đô-nê-xi-a được thành lập. Muốn hợp tác với chính quyền thực dân để chống phát xít Nhật. |
Thực dân Hà Lan từ chối. |
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 87 SGK Lịch sử 11: Liên minh chiến đấu chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương được thể hiện ở những sự kiện nào?
Trả lời:
Liên minh chiến đấu chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương được thể hiện:
– 1918 – 1922, ở Lào, cuộc khởi nghĩa của người Mèo do Chậu Pa-chay lãnh đạo diễn ra ở Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam.
– Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 10-1930, đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) đã mở ra thời kì mới của phong trào cách mạng Đông Dương.
– 1936 – 1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã tập hợp đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh.
– Một số cơ sở cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương đã được xây dựng và củng cố ở Viêng Chăn, Phnôm Pênh…
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 88 SGK Lịch sử 11: Nêu những nét chính của phong trào giải phóng dân tộc ở Mã Lai và Miến Điện.
Trả lời:
Những nét chính của phong trào giải phóng dân tộc ở Mã Lai và Miến Điện:
* Ở Mã Lai:
– Nguyên nhân: chính sách bóc lột nặng nề của thực dân Anh.
– Nét chính:
+ Từ đầu thế kỉ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Anh đã lan rộng trên khắp bán đảo Mã Lai.
+ Lực lượng tham gia: giai cấp tư sản dân tộc, công nhân.
+ Hình thức đấu tranh: phong phú: đòi dùng tiếng Mã Lai trong nhà trường; đòi thực hiện tự do dân chủ trong kinh doanh; bãi công đòi tăng lương; cải thiện điều kiện làm việc,…
+ Tháng 4-1930, Đảng Cộng sản Mã Lai thành lập.
* Ở Miến Điện:
– Đầu thập kỉ 20, các nhà sư trẻ do Ốt-ta-ma đứng đầu đã khởi xướng phong trào bất hợp tác, không đóng thuế và tẩy chay hàng hóa Anh. Phong trào lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
– Trong thập niên 30, phong trào phát triển lên bước cao hơn. Tiêu biểu:
+ Phong trào Thakin của học sinh, sinh viên Miến Điện.
+ Mục tiêu: đòi cải cách quy chế đại học, thành lập trường đại học riêng cho Miến Điện, đòi tách Miến Điện ra khỏi Ấn Độ và được quyền tự trị.
+ Kết quả: năm 1937, Miến Điện được tách khỏi Ấn Độ, chấm dứt hơn nửa thế kỉ là một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.
Trả lời câu hỏi thảo luận trang 89 SGK Lịch sử 11: Cuộc cách mạng năm 1932 ở Xiêm có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
Cách mạng năm 1932 ở Xiêm có ý nghĩa:
– Đối với Xiêm
+ Thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng chế độ quân chủ lập hiến,
+ Tạo điều kiện cho việc tiến hành các cải cách theo hướng tư sản,
+ Mở ra một thời kì phát triển mới của Xiêm.
– Đối với các nước khác
+ Để lại bài học kinh nghiêm cho các nước trong khu vực.
Câu hỏi và bài tập (trang 89 sgk Lịch Sử 11)
Bài 1 trang 89 SGK Lịch sử 11: Nêu một số nét khái quát về phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trả lời:
Một số nét khái quát về phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới:
– Phong trào dân tộc tư sản có những bước tiến rõ rệt cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản dân tộc:
+ Mục tiêu đấu tranh: đòi tự do kinh doanh, tự chủ về chính trị, đòi dùng tiếng mẹ đẻ trong trường học,…
+ Một số chính đảng tư sản được thành lập và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như: Đảng Dân tộc ở Inđônêxia, phong trào Tha Kin ở Miến Điện, Đại hội toàn Mã Lai,…
– Giai cấp vô sản bắt đầu trưởng thành:
+ Một số Đảng Cộng sản được thành lập như: Đảng Cộng sản Inđônêxia (5-1920); Đảng Cộng sản Đông Dương, Mã Lai, Xiêm, Philippin (1930).
+ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi, quyết liệt như: khởi nghĩa vũ trang ở Inđônêxia (1926-1927); phong trào 1930 -1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam,…
– Kết quả: chưa giành thắng lợi nhưng có ý nghĩa quyết định.
Bài 2 trang 89 SGK Lịch sử 11: Phong trào chống Pháp của nhân dân Lào và Cam-pu-chia giữa hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Phong trào chống Pháp của nhân dân Lào và Cam-pu-chia giữa hai cuộc chiến tranh thế giới:
* Nguyên nhân: do chính sách bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp.
* Diễn biến:
– Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời mở ra một thời kì đấu tranh mới, đưa phong trào tiếp tục phát triển.
– Trong những năm 1936 – 1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã tập hợp đông đảo nhân dân tham gia chống chủ nghĩa phát xít, phản động thuộc địa và chống chiến tranh.
– Những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu:
+ Ở Lào: cuộc khởi nghĩa ở Ong Kẹo và Com-ma-đam (1901-1937); khởi nghĩa của người Mèo do Chậu Pa-chay lãnh đạo (1918-1922).
+ Ở Cam-pu-chia: phong trào chống thuế, chống bắt phu (1925-1926); cuộc nổi dậy của nông dân ở huyện Rô-lê-phan,…
* Nhận xét:
– Phong trào phát triển mạnh mẽ, kéo dài.
– Mang tính tự phát.
– Có sự liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương.
– Chưa giành được thắng lợi.
Lý thuyết Bài 16: Các nước Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918-1939)
I. Tình hình các nước Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ nhất
Bản đồ hành chính khu vực Đông Nam Á hiện nay
1. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội (đọc thêm)
Sau chiến tranh, chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa của thực dân phương Tây đã tác động mạnh mẽ đến tình hình các nước Đông Nam Á. Tạo nên những chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội:
– Về kinh tế: Đông Nam Á trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và nơi cung cấp nguyên liệu cho các nước chính quốc.
– Về chính trị: đều bị chính quyền thực dân khống chế. Toàn bộ quyền hành đều tập trung trong tay một đại diện của chính quyền thuộc địa hay chịu ảnh hưởng của các nước tư bản thực dân.
– Về xã hội: sự phân hóa giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc.
+ Giai cấp tư sản dân tộc lớn mạnh dần cùng với sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp.
+ Giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành về số lượng và ý thức cách mạng.
– Cùng với những chuyển biến trong nước, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và cao trào cách mạng thế giới đã tác động mạnh mẽ đến phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.
2. Khái quát về phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á
a) Nguyên nhân, điều kiện bùng nổ:
– Tác động từ chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa của các nước thực dân phương Tây.
– Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga và cao trào cách mạng thế giới.
b) Nét lớn về phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á:
So với những năm đầu thế kỉ XX, phong trào đã có những bước tiến mới:
Một là: Bước phát triển của phong trào dân tộc tư sản và sự lớn mạnh của giai cấp tư sản dân tộc.
– Giai cấp tư sản đề ra mục tiêu đấu tranh rõ ràng, bên cạnh mục tiêu kinh tế, mục tiêu độc lập tự chủ như đòi quyền tự chủ về chính trị, đòi dùng tiếng mẹ đẻ trong nhà trường.
– Đảng Tư sản được thành lập và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. (Đảng Dân tộc ở Inđônêxia, phong trào Tha Kin ở Miến Điện, Đại hội toàn Mã Lai…)
Hai là: Sự xuất hiện xu hướng vô sản
– Công nhân tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê-nin nên chuyển biến mạnh về nhận thức. Vì vậy, Đảng Cộng sản đã được thành lập ở nhiều nước: Đảng Cộng sản Inđônêxia (5- 1920); năm 1930: Đảng Cộng sản Đông Dương, Mã Lai, Xiêm, Philippin…).
– Đảng lãnh đạo cách mạng, đưa phong trào trở nên sôi nổi, quyết liệt như: khởi nghĩa vũ trang ở Inđônêxia (1926-1927); phong trào 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam.
II. Phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a
1. Phong trào độc lập dân tộc trong thập niên 20 của thế kỉ XX
* Phong trào đấu tranh theo khuynh hướng vô sản
– Nguyên nhân, điều kiện bùng nổ:
+ Sự phát triển của phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
+ Giai cấp công nhân In-đô-nê-xia tăng nhanh về số lượng và ngày càng trưởng thành về ý thức chính trị; chủ nghĩa Mác-Lê-nin được truyền bá rộng rãi ở In-đô-nê-xia => đưa đến sự thành lập của Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a (tháng 5/1920).
– Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a đã lãnh đạo cách mạng, tập hợp quần chúng đấu tranh => đưa phong trào cách mạng phát triển, lan rộng ra khắp cả nước. Tiêu biểu: khởi nghĩa vũ trang ở Giava và Xumatơra (1926 – 1927).
– Kết quả: Thất bại.
* Phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản
– Từ năm 1927, quyền lãnh đạo phong trào cách mạng chuyển sang Đảng dân tộc In-đô-nê-xi-a đứng đầu là Ác-mét Xucácnô.
– Chủ trương, đường lối đấu tranh:
+ Đoàn kết với các lực lượng dân tộc, chống đế quốc.
+ Đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, không bạo lực, bất hợp tác với chính quyền thực dân.
=> Phong trào đấu tranh phát triển mạnh, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
2. Phong trào độc lập dân tộc trong thập niên 30 của thế kỉ XX
* Đầu thập niên 30
– Phong trào lên cao và lan rộng khắp các đảo thuộc In-đô-nê-xi-a, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của các thủy binh ở cảng Su-ra-bay-a.
=> Phong trào bị thực dân Hà Lan đàn áp đã dã man, Đảng Dân tộc bị khủng bố và bị đặt ra ngoài pháp luật.
* Cuối thập niên 30
– Phong trào cách mạng của nhân dân In-đô-nê-xi-a phát triển mạnh mẽ.
– Mặt trận thống nhất chống phát xít với tên gọi chính thức là Liên minh chính trị In-đô-nê-xi-a được thành lập, đứng đầu là A.Xucácnô.
A.Xu-cac-nô
– Tháng 12/1939, Liên minh chính trị In-đô-nê-xi-a đã triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân, biểu thị sự thống nhất dân tộc. Đại hội đã thông qua nghị quyết về ngôn ngữ, quốc kì, quốc ca.
– Tháng 9/1941, Hội đồng nhân dân In-đô-ne-xi-a được thành lập, bày tỏ nguyện vọng muốn hợp tác với chính quyền thực dân để chống phát xít Nhật song bị thực dân Hà Lan từ chối.
III. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Lào và Cam-pu-chia
1) Nguyên nhân bùng nổ phong trào
– Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa, đặc biệt là ở Đông Dương – được coi là quan trọng và giàu có nhất trong hệ thống thuộc địa của Pháp.
– Chính sách khai thác tàn bạo, chế độ thuế khóa, lao dịch nặng nề.
=> Đã bùng nổ phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đông Dương.
2. Các phong trào đấu tranh tiêu biểu
– Ở Lào: phong trào đấu tranh phát triển mạnh những mang tính tự phát, chủ yếu ở địa bàn Bắc Lào phong trào cách mạng liên hệ chặt chẽ với Việt Nam.
– Ở Campuchia: phong trào bùng lên mạnh mẽ vào 1925 – 1926, phát triển thành đấu tranh vũ trang. Cũng mang tính tự phát, phân tán.
– Ở Việt Nam: phong trào phát triển mạnh mẽ:
+ Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời mở ra thời kỳ mới của cách mạng 3 nước Đông Dương.
+ Tập hợp – đoàn kết tất cả các giai cấp, các lực lượng trong xã hội.
+ Xây dựng cơ sở của Đảng Cộng sản ở nhiều nơi.
+ Đưa phong trào cách mạng phát triển theo xu hướng vô sản.
– Trong những năm 1936 – 1939, Mặt trận Dân chủ Đông Dương tập hợp nhân dân chống phát xít và chiến tranh. Một số cơ sở của Đảng cộng sản Đông Dương được xây dựng và củng cố ở Viêng Chăn, PhnômPênh … kích thích sự phát triển của phong trào đấu tranh ở Lào và Campuchia cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
IV. Cuộc đấu tranh chống thực dân Anh ở Mã Lai và Miến Điện
1. Mã Lai
* Nguyên nhân bùng nổ: chính sách bóc lột nặng nề của thực dân Anh làm cho những mâu thuẫn giữa nhân dân Mã Lai với thực dân Anh ngày càng sâu sắc.
* Nét chính về cuộc đấu tranh chống thực dân Anh:
– Đầu thế kỉ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Mã Lai diễn ra mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đại hội toàn Mã Lai.
– Mục tiêu: đòi dùng tiếng Mã Lai trong trường học, đòi tự do kinh doanh, cải thiện việc làm,…
– Tháng 4/1930, Đảng Cộng sản được thành lập đã thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện để lãnh đạo phát triển cách mạng.
2. Miến Điện
– Đầu thế kỉ XX, phong trào đấu tranh phát triển dưới nhiều hình thức (bất hợp tác, tẩy chay hàng hóa Anh, không đóng thuế…), lôi cuốn đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nhà sư Ốt-ta-ma.
– Trong thập niên 30, phong trào đấu tranh phát triển lên bước cao hơn, tiêu biểu là phong trào Tha Kin đã lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia đòi quyền làm chủ đất nước (đòi cải cách quy chế đại học, thành lập trường đại học riêng cho Miến Điện, đòi tách Miến Điện ra khỏi Ấn Độ và được quyền tự trị).
=> Kết quả: năm 1937 Miến Điện tách ra khỏi Ấn Độ và hưởng quyền tự trị trong khối liên hiệp Anh.
V. Cuộc cách mạng năm 1932 ở Xiêm
– Nguyên nhân: các tầng lớp nhân dân Xiêm bất mãn với với nền quân chủ Ra-ma VII => năm 1932, một cuộc cách mạng đã nổ ra ở Băng Cốc dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản mà thủ lĩnh là Priđi Phanômiông.
– Mục tiêu đấu tranh: đòi thực hiện cải cách kinh tế – xã hội theo hướng tư sản nhưng vẫn duy trì ngôi vua.
– Kết quả: lật đổ nền quân chủ chuyên chế Ra-ma VII, lập nên nền quân chủ lập hiến. Mở đường cho Xiêm phát triển theo hướng tư bản.
– Tính chất: cuộc cách mạng tư sản không triệt để.