Giải bài tập Lịch sử & Địa lí lớp 8 Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long
Giải Lịch sử 8 trang 156
Mở đầu trang 156 Chủ đề chung 1 Lịch Sử và Địa Lí 8: Châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long là nơi tập trung đông dân cư đồng thời là hai vùng kinh tế quan trọng của nước ta. Vậy, hai châu thổ này được hình thành và phát triển như thế nào? Chế độ nước của các dòng sông chính và quá trình con người chinh phục châu thổ ra sao?
Trả lời:
* Vùng châu thổ sông Hồng:
– Quá trình hình thành và phát triển:
+ Châu thổ sông Hồng có diện tích khoảng 15.000 km2, được hình thành trong thời gian dài nhờ phù sa của hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ trầm tích trên vùng trũng.
+ Trong 2000 năm gần đây, châu thổ sông Hồng có nhiều thay đổi do hoạt động đắp đê, lấn biển ở vùng châu thổ và sự xuất hiện các công trình thuỷ lợi – thuỷ điện ở vùng thượng nguồn.
– Chế độ nước sông:
+ Mùa lũ: từ tháng 6 đến tháng 10, chiếm khoảng 75% lưu lượng dòng chảy cả năm.
+ Mùa cạn: từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.
– Quá trình khai khẩn, chế ngự:
+ Ngay từ thời xa xưa, con người đã khai phá vùng châu thổ sông Hồng.
+ Để phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước, con người sớm đã quan tâm đến việc: điều tiết và chế ngự nguồn nước.
* Vùng châu thổ sông Cửu Long:
– Quá trình hình thành và phát triển:
+ Châu thổ sông Cửu Long là một phần của châu thổ sông Mê Công, rộng khoảng 40.000 km2. Là châu thổ trẻ, có quá trình hình thành chủ yếu cách đây hơn 2.000 năm, được bồi đắp bởi phù sa sông Cửu Long và ảnh hưởng của các đợt biển tiến, biển thoái.
+ Châu thổ sông Cửu Long còn nhiều ô trũng lớn chưa được phù sa bồi đắp. Do địa hình thấp nên hằng năm, các vùng trũng này bị ngập nước vào mùa lũ.
+ Ở bãi triều ven biển và vùng cửa sông của châu thổ, rừng ngập mặn rất phát triển.
– Chế độ nước sông:
+ Mùa lũ: từ tháng 7 đến tháng 11, chiếm khoảng 75% lưu lượng dòng chảy cả năm.
+ Mùa cạn: từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau.
– Quá trình khai khẩn, thích ứng:
+ Ngay từ thời vương quốc Phù Nam, vùng châu thổ sông Cửu Long đã được con người khai phá.
+ Việc khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với quá trình con người thích ứng với tự nhiên.
1. Châu thổ sông Hồng
Câu hỏi trang 156 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào hình 1.1 và thông tin trong bài, em hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng.
Trả lời:
– Châu thổ sông Hồng có diện tích khoảng 15.000 km2, được hình thành trong thời gian dài nhờ phù sa của hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ trầm tích trên vùng trũng:
+ Hệ thống sông Hồng có nhiều phụ lưu lớn và chi lưu, giữ vai trò chính trong việc bồi tụ châu thổ. Nhờ có lượng phù sa lớn nên châu thổ sông Hồng có xu hướng lấn ra biển với tốc độ trung bình khoảng 80 – 100m/năm, tiêu biểu như ở Thái Bình, Ninh Bình.
+ Hệ thống sông Thái Bình được hợp lưu bởi sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và một số phụ lưu khác, chảy đến hạ lưu thì chia ra các nhánh như sông Kinh Thầy, sông Bạch Đằng, sông Cấm,… Hệ thống sông Thái Bình góp phần vào việc bồi tụ nên châu thổ sông Hồng.
– Ở phía bắc châu thổ sông Hồng có nhiều đồi núi sót, phía nam còn nhiều ô trũng giữa sông Hồng và sông Đáy.
– Trong 2000 năm gần đây, châu thổ sông Hồng có nhiều thay đổi do hoạt động đắp đê, lấn biển ở vùng châu thổ và sự xuất hiện các công trình thuỷ lợi – thuỷ điện ở vùng thượng nguồn.
Câu hỏi trang 157 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào hình 1.2 và thông tin trong bài, em hãy mô tả chế độ nước của sông Hồng.
Trả lời:
– Chế độ nước sông Hồng chia thành hai mùa rõ rệt:
+ Mùa lũ: kéo dài 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), chiếm khoảng 75% lưu lượng dòng chảy cả năm. Lũ lên nhanh và đột ngột, đem theo lượng phù sa lớn mở rộng châu thổ.
+ Mùa cạn: kéo dài 7 tháng (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), chiếm khoảng 25% lưu lượng dòng chảy cả năm.
– Trong thời gian gần đây, hệ thống các hồ chứa ở thượng lưu của sông Hồng đã góp phần làm cho chế độ nước điều hoà hơn.
Câu hỏi trang 158 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy trình bày quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự với chế độ nước của sông Hồng.
Trả lời:
– Trong lịch sử, sự biến đổi của châu thổ sông Hồng gắn liền với quá trình khai thác, quản lí nguồn nước và khai phá đất đai nhằm xây dựng các vùng nông nghiệp lúa nước:
+ Thiên niên kỉ thứ nhất, dân di cư từ vùng trung du xuống khu vực thấp dọc hai bên bờ sông và sang phía đông (Hải Dương, Quảng Ninh); Thiên niên kỉ thứ hai, người dân di cư vào các vùng trũng và duyên hải phía đông, đông nam (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định).
+ Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIII, sự xuất hiện của lúa chiêm phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai nơi đây đã đem đến sự thịnh vượng cho Đại Việt, dẫn đến sự gia tăng dân số nhanh chóng của đồng bằng sông Hồng giai đoạn này. Cuối thế kỉ XIII, biến đổi khí hậu, thiên tai và đặc biệt là lũ lụt ngày càng nghiêm trọng đã làm thay đổi cấu trúc của đồng bằng sông Hồng.
– Để chế ngự và thích ứng với chế độ nước sông Hồng, con người đã xây dựng nên hệ thống đê điều.
+ Công trình đê lớn đầu tiên được bắt đầu vào năm 1248 (thời nhà Trần).
+ Đến cuối thế kỉ XIV, đê điều trên vùng châu thổ sông Hồng về cơ bản được hoàn thành và vẫn tiếp tục được xây dựng ở các thế kỉ sau.
+ Đầu thế kỉ XX, hệ thống đê có độ dài 4.000 km và tiếp tục được nối dài.
2. Châu thổ sông Cửu Long
Câu hỏi trang 159 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào hình 1.3 và thông tin trong bài, em hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Cửu Long.
Trả lời:
– Châu thổ sông Cửu Long là một phần của châu thổ sông Mê Công, rộng khoảng 40.000 km2. Đây là châu thổ trẻ, có quá trình hình thành chủ yếu cách đây hơn 2.000 năm, được bồi đắp bởi phù sa sông Cửu Long và ảnh hưởng của các đợt biển tiến, biển thoái.
– Hệ thống sông Cửu Long gồm hai dòng chính là sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống kênh, rạch chằng chịt, có lượng phù sa lớn nên đồng bằng phát triển nhanh, mỗi năm lấn ra biển khoảng 100 m như ở bán đảo Cà Mau (Cà Mau).
– Châu thổ sông Cửu Long còn nhiều ô trũng lớn chưa được phù sa bồi đắp ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, trung tâm bán đảo Cà Mau. Do địa hình thấp nên hằng năm, các vùng trũng này bị ngập nước vào mùa lũ.
– Ở bãi triều ven biển và vùng cửa sông của châu thổ, rừng ngập mặn rất phát triển.
Câu hỏi trang 160 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào hình 1.4 và thông tin trong bài, em hãy mô tả chế độ nước của sông Cửu Long.
Trả lời:
– Chế độ nước sông Cửu Long chia thành 2 mùa:
+ Mùa lũ: kéo dài 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11), chiếm hơn 75% lưu lượng dòng chảy cả năm. Nước sông khá điều hoà, lũ lên chậm và rút chậm.
+ Mùa cạn: kéo dài 7 tháng (từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau), chiếm gần 25% lưu lượng dòng chảy cả năm.
Giải Lịch sử 8 trang 161
Câu hỏi trang 161 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy trình bày quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, thích ứng với chế độ nước của sông Cửu Long.
Trả lời:
– Từ thế kỉ I, trên vùng trũng sông nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những cư dân đầu tiên là người Phù Nam đã sinh sống và thích ứng với chế độ nước sông lên xuống theo mùa trong năm.
+ Cư dân Phù Nam làm ruộng và làm nhà bên bờ kênh rạch, ven sông, đi lại bằng ghe, thuyền.
+ Nhiều thành thị xuất hiện, trong đó Óc Eo là thương cảng lớn nhất Đông Nam Á.
+ Vào thế kỉ VII, Phù Nam suy yếu và sau đó bị Chân Lạp thôn tính.
– Tuy vậy, người Chân Lạp lại không thích nghi với điều kiện sống ở đây nên đã rút về khu vực Biển Hồ, khiến cho vùng đất Nam Bộ bị bỏ hoang cho đến cuối thế kỉ XVI.
– Từ thế kỉ XVI, trên vùng đất Tây Nam Bộ bắt đầu xuất hiện lưu dân người Việt ở các tỉnh phía bắc và miền Trung, rời quê hương vào vùng đất này để tìm đường sinh sống. Công cuộc khai phá vùng đất mới được chia làm 2 thời kì:
+ Từ cuối thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XVII: lưu dân người Việt tự tiến hành khai phá, trồng trọt trên những diện tích nhỏ, khai thác nguồn lợi tự nhiên sẵn có, hiệu quả không cao vì thiếu thốn phương tiện.
+ Từ cuối thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XVIII: công cuộc khai phá được tiến hành có tổ chức với những chính sách và biện pháp của các chúa Nguyễn, trong đó đáng kể là những chính sách: khai hoang và xây dựng các công trình thủy lợi, như: kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà, kênh Tháp Mười, Chợ Gạo,…
Luyện tập – Vận dụng
Luyện tập 1 trang 161 Lịch Sử và Địa Lí 8: Lập sơ đồ thể hiện quá trình hình thành và phát triển, khai khẩn châu thổ sông Hồng hoặc châu thổ sông Cửu Long.
Trả lời:
(*) Lựa chọn: Lập sơ đồ quá trình khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long
Luyện tập 2 trang 161 Lịch Sử và Địa Lí 8: So sánh chế độ nước của sông Hồng và sông Cửu Long
Trả lời:
|
Chế độ nước của sông Hồng |
Chế độ nước của sông Cửu Long |
Hình dạng mạng lưới sông |
– Mạng lưới sông có hình nan quạt |
– Mạng lưới sông có dạng lông chim |
Nguồn cung cấp nước chủ yếu |
– Nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước mưa. |
– Nguồn cung cấp nước chủ yếu là nước mưa. |
Mùa lũ |
– Kéo dài 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), chiếm khoảng 75% lưu lượng dòng chảy cả năm. – Các đợt lũ lên nhanh và đột ngột |
– Kéo dài 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11), chiếm khoảng 80% lưu lượng dòng chảy cả năm. – Lũ lên và khi rút đều diễn ra chậm. |
Mùa cạn |
– Kéo dài 7 tháng (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), chiếm khoảng 25% lưu lượng dòng chảy cả năm. |
– Kéo dài 7 tháng (từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau), chiếm khoảng 20% lưu lượng dòng chảy cả năm |
Vận dụng 3 trang 161 Lịch Sử và Địa Lí 8: Em hãy sưu tầm tài liệu và viết một đoạn văn ngắn mô tả mùa lũ và mùa cạn của một dòng sông ở nước ta.
Trả lời:
(*) Tham khảo: Mô tả chế độ nước sông Hồng
Chế độ nước của hệ thống sông Hồng có hai mùa: mùa lũ bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10 phù hợp với mùa mưa, lượng nước mùa lũ chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm; mùa cạn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau, lượng nước mùa cạn chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nước cả năm.
Do mạng lưới sông có dạng nan quạt, nên khi mưa lớn, nước tập trung nhanh, dễ gây lũ lụt.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử & Địa lí lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học
Bài 14: Vị trí địa lí Biển Đông, các vùng biển của Việt Nam
Bài 15: Đặc điểm tự nhiên, môi trường và tài nguyên vùng biển đảo Việt Nam
Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long
Chủ đề chung 2: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông