Giải bài tập Địa Lí lớp 8 Bài 6: Đặc điểm khí hậu
Giải Địa Lí 8 trang 114
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 8: Hãy nêu một số đặc điểm nổi bật của khí hậu Việt Nam mà em biết.
Trả lời:
– Một số đặc điểm nổi bật của khí hậu Việt Nam:
+ Khí hậu mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa
+ Khí hậu phân hóa đa dạng (phân hóa theo chiều bắc – nam, đông – tây, theo độ cao và theo mùa).
1. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 8: Dựa vào thông tin trong bài và hình 6.1, hãy nêu những đặc điểm thể hiện tính nhiệt đới ẩm của khí hậu nước ta.
Trả lời:
– Tính chất nhiệt đới thể hiện qua các yếu tố bức xạ:
+ Lượng bức xạ tổng cộng của nước ta lớn; cán cân bức xạ trên lãnh thổ luôn dương (từ 70 – 100 kcal/cm2/năm).
+ Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 200C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.
+ Số giờ nắng nhiều, đạt từ 1400 – 3000 giờ/ năm.
– Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm:
+ Lượng mưa trung bình năm lớn: từ 1500 – 2000 mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trong năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 – 4000 mm/ năm.
+ Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 8: Dựa vào hình 6.1 và thông tin trong bài, em hãy cho biết tính chất gió mùa của khí hậu nước ta được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có gió Tín Phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm. Mặt khác, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
* Gió mùa đông:
– Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau
– Nguồn gốc:
+ Ở miền Bắc, do tác động của khối khí lạnh phương bắc di chuyển xuống;
+ Ở miền Nam, do hoạt động của gió Tín Phong Bắc bán cầu.
– Hướng gió: Đông Bắc
– Hệ quả:
+ Tạo nên mùa đông lạnh ở miền Bắc (nửa đầu mùa đông có thời tiết lạnh, khô; nửa sau mùa đông, thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn);
+ Tạo mùa khô cho khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; gây mưa cho khu vực Duyên hải miền Trung.
* Gió mùa hạ:
– Thời gian hoạt động: từ tháng 5 đến tháng 10
+ Nguồn gốc: do tác động của các khối khí nhiệt đới ẩm:
+ Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm xuất phát từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương;
+ Vào giữa và cuối mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm xuất phát từ áp cao cận chí tuyến Nam.
– Hướng gió: Tây Nam (riêng miền Bắc, do ảnh hưởng của áp thấp Bắc Bộ nên gió thổi vào đất liền theo hướng Đông Nam).
– Hệ quả:
+ Vào đầu mùa hạ: gió Tây Nam gây mưa cho Nam Bộ và Tây Nguyên; tạo nên hiệu ứng phơn khô, nóng cho Trung Bộ và Bắc Bộ.
+ Vào giữa và cuối mùa hạ, gió Tây Nam gây mưa lớn kéo dài trên cả nước.
2. Khí hậu phân hoá đa dạng
Câu hỏi trang 116 Địa Lí 8: Dựa vào hình 6.1 và thông tin trong bài, em hãy chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo chiều bắc – nam, đông – tây và theo độ cao.
Trả lời:
* Nguyên nhân: do ảnh hưởng của vị trí địa lí, hình dạng lãnh thổ và địa hình nên khí hậu nước ta có sự phân hóa đa dạng.
* Chứng minh:
– Khí hậu nước ta phân hoá từ Bắc vào Nam:
+ Miền khí hậu phía Bắc (từ dãy Bạch Mã về phía bắc):khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông ẩm ướt; mùa hè nóng, ẩm và mưa nhiều.
+ Miền khí hậu phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào nam):khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ quanh năm cao và hầu như không thay đổi trong năm, mùa mưa và mùa khô tương phản sâu sắc.
– Khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Đông – Tây:
+ Khí hậu có sự phân hóa giữa hai sườn của dãy Hoàng Liên Sơn; Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, tạo nên sự khác biệt về chế độ nhiệt và ẩm giữa hai sườn.
+ Vùng Biển Đông, khí hậu có tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.
– Khí hậu nước ta phân hóa theo độ cao:ở những miền núi cao, khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo độ cao, điển hình nhất ở vùng núi Tây Bắc với 3 đai khí hậu là: nhiệt đới gió mùa; cận nhiệt đới gió mùa trên núi và ôn đới gió mùa trên núi.
+ Đai nhiệt đới gió mùa trên núi:(miền Bắc đến độ cao 600 – 700 m, miền Nam đến độ cao 900 – 1000 m); Mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình các tháng mùa hạ đều trên 25°C. Độ ẩm và lượng mưa thay đổi tuỳ nơi.
+ Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi:(từ độ cao 600 – 700m, hoặc 900 – 1000 m đến dưới 2 600 m); Khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình các tháng đều dưới 25°C, lượng mưa và độ ẩm tăng lên.
+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: (từ độ cao 2600 m) quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ dưới 5°C.
– Ngoài ra, khí hậu Việt Nam còn có sự phân hóa theo mùa:
+ Mùa hạ có sự hoạt động của rõ mùa Tây Nam.
+ Mùa đông có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc.
Luyện tập – Vận dụng
Giải Địa Lí 8 trang 117
Luyện tập 1 trang 117 Địa Lí 8: Chứng minh rằng khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
Trả lời:
– Tính chất nhiệt đới thể hiện qua các yếu tố bức xạ:
+ Lượng bức xạ tổng cộng của nước ta lớn; cán cân bức xạ trên lãnh thổ luôn dương (từ 70 – 100 kcal/cm2/năm).
+ Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 200C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.
+ Số giờ nắng nhiều, đạt từ 1400 – 3000 giờ/ năm.
– Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm:
+ Lượng mưa trung bình năm lớn: từ 1500 – 2000 mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trong năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 – 4000 mm/ năm.
+ Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.
– Tính chất gió mùa:
+ Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có gió Tín Phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm.
+ Mặt khác, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
Luyện tập 2 trang 117 Địa Lí 8: Giải thích vì sao khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng
Trả lời:
– Ảnh hưởng của vị trí địa lí và lãnh thổ: làm cho khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Bắc – Nam rõ rệt, khí hậu thất thường, thường xuyên đón bão nhiệt đới, các thiên tai khác (lũ lụt, sương giá…).
– Tác động của địa hình và hoàn lưu gió mùa:
+ Địa hình tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.
+ Địa hình kết hợp với hướng gió làm cho khí hậu nước ta phân hóa Đông – Tây (Đông Bắc và Tây Bắc ranh giới là dãy Hoàng Liên Sơn; phân hóa giữa sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn; mùa mưa-khô đối lập nhau giữa khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và ven biển Trung Bộ….)
Vận dụng 3 trang 117 Địa Lí 8: Hãy thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau:
Nhiệm vụ 1: Hãy sưu tầm và viết báo cáo về đặc điểm khí hậu ở địa phương em (nhiệt độ, số giờ nắng, lượng mưa, mùa mưa, mùa khô, độ ẩm không khí, biên độ nhiệt năm, các hiện tượng thời tiết đặc biệt).
Nhiệm vụ 2: Hãy sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ, bài thơ có nội dung về khí hậu và các hiện tượng thời tiết ở nước ta.
Trả lời:
(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ 2
(*) Trình bày: những câu ca dao, tục ngữ, bài thơ có nội dung về khí hậu và các hiện tượng thời tiết ở nước ta
– Một số câu ca dao, tục ngữ:
+ Tháng Giêng rét dài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân.
+ Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm.
+ Gió bấc thì hanh, gió nồm thì ẩm.
+ Gió nam đưa xuân sang hè.
+ Tháng bảy mưa gãy cành trám/ Tháng tám nắng rám trái bòng.
– Đoạn trong bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”
“Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền”
(Phạm Tiến Duật)
Video bài giảng Địa Lí 8 Bài 6: Đặc điểm khí hậu – Chân trời sáng tạo
Xem thêm các bài giải SGK Địa lí lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 5: Thực hành: Phân tích đặc điểm phân bố các loại khoáng sản chủ yếu
Bài 6: Đặc điểm khí hậu
Bài 7: Thực hành: Vẽ và phân tích biểu đồ khí hậu
Bài 8: Đặc điểm thủy sản
Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam