Lịch sử lớp 7 Bài 15: Nước Đại Ngu thời Hồ (1400 – 1407)
Video giải Lịch sử 7 Bài 15: Nước Đại Ngu thời Hồ – Kết nối tri thức
A. Lý thuyết Lịch sử 7 Bài 15: Nước Đại Ngu thời Hồ (1400 – 1407)
1. Sự thành lập nhà Hồ
– Hoàn cảnh lịch sử:
+ Nửa sau thế kỉ XIV, nhà Trần ngày càng suy yểu.
+ Khởi nghĩa của nông dân và nô tì nổ ra ở nhiều nơi.
+ Những cuộc tấn công của Chăm-pa ra Thăng Long càng làm cho triều Trần thêm rệu rã.
+ Trong bối cảnh đó, Hồ Quý Ly dần thâu tóm quyền lực. Năm 1397, ông ép vua Trần dời đô vào Thanh Hoá.
– Nhà Hồ thành lập: năm 1400, Hồ Quý Ly buộc vua Trần nhường ngôi, lập ra triều Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu (niềm vui lớn).
Thành Tây Đô (Thanh Hóa)
2. Một số nội dung và tác động của những cải cách của Hồ Quý Ly
a) Nội dung
– Về chính trị, quân sự:
+ Củng cố chế độ quân chủ tập quyền: cải tổ quy chế quan lại, lập lại kỉ cương,..
+ Tăng cường lực lượng quân đội chính quy, xây dựng nhiều thành luỹ như Tây Đô, Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội),… chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền chiến,…
– Về kinh tế, xã hội:
+ Thực hiện chính sách hạn điền, hạn nô nhằm hạn chế quyền lực của quý tộc Trần
+ Phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao
+ Cải cách chế độ thuế khóa, thống nhất đơn vị đo lường trong cả nước,…
Tiền giấy thông bảo Hội sao dưới thời Hồ
– Về văn hóa, giáo dục:
+ Cải cách chế độ học tập và thi cử để tuyển chọn nhân tài.
+ Khuyến khích sử dụng chữ Nôm để dịch sách chữ Hán, dạy học và sáng tác văn chương…
b) Tác động
– Tích cực:
+ Góp phần củng cố quyền lực của chính quyền trung ương
+ Giảm bớt thế lực tầng lớp quý tộc
+ Tăng cường tiềm lực kinh tế đất nước và phát triển văn hoá dân tộc.
– Hạn chế: những cải cách còn chưa triệt để và kết quả trong thực tế còn hạn chế.
3. Kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ
– Hoàn cảnh lịch sử: Cuối năm 1406, lấy cớ “phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh huy động lực lượng lớn chỉ huy tiến sang xâm lược Đại Ngu.
– Diễn biến:
+ Cuối tháng 1/1407, quân Minh chiếm được thành Đa Bang và Đông Đô, nhà Hồ phải rút quân về cố thủ ở Tây Đô.
+ Tháng 6/1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại.
Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt (tranh minh họa)
– Nguyên nhân thất bại:
+ Không huy động được sức mạnh toàn dân tham gia kháng chiến
+ Nhà Hồ quá chú trọng vào việc xây dựng các phòng tuyến quân sự và lực lượng quân đội chính quy nên tự “giam mình” trong thế trận phòng ngự bị động.
B. Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 7 Bài 15: Nước Đại Ngu thời Hồ (1400 – 1407)
Câu 1. Vào cuối thế kỉ XIV, nhà Trần
A. rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu.
B. bước vào thời kì phát triển đỉnh cao.
C. được thành lập.
D. bước đầu phát triển.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Vào cuối thế kỉ XIV, nhà Trần rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu (SGK Lịch Sử 7 – trang 74).
Câu 2. Người sáng lập ra nhà Hồ là ai?
A. Hồ Hán Thương.
B. Hồ Quý Ly.
C. Hồ Nguyên Trừng.
D. Hồ Chí Minh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Năm 1400, Hồ Quý Ly buộc vua Trần nhường ngôi, lập ra triều Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu (SGK Lịch Sử 7 – trang 74).
Câu 3. Tiền Thông bảo hội sao của nhà Hồ được làm từ chất liệu gì?
A. Đồng.
B. Vàng.
C. Bạc.
D. Giấy.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao (SGK Lịch Sử 7 – trang 75).
Câu 4. Quốc hiệu của nước ta dưới thời nhà Hồ là
A. Đại Cồ Việt.
B. Đại Nam.
C. Đại Ngu.
D. Đại Việt.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Năm 1400, Hồ Quý Ly buộc vua Trần nhường ngôi, lập ra triều Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu (SGK Lịch Sử 7 – trang 74).
Câu 5. Chính sách về ruộng đất được ban hành dưới thời Hồ Qúy Ly nhằm hạn chế số lượng ruộng đất của chủ đất được gọi là gì?
A. Quân điền.
B. Lộc điền.
C. Hạn điền.
D. Phú điền.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Hạn là hạn chế, điền là ruộng đất
Câu 6. Ai đã dâng sớ yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu 7 tên nịnh thần?
A. Nguyễn Phi Khanh
B. Trần Quốc Tuấn.
C. Trần Thủ Độ.
D.Chu Văn An.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Dưới triều vua Trần Dụ Tông, Chu Văn An – vị quan thanh liêm, cương trực từng dâng sớ chém bảy tên gian thần nhưng không được vua chấp thuận. Ông liền từ quan về quê ở ẩn và dạy học ở Chí Linh (Hải Dương) (SGK Lịch Sử 7 – trang 74).
Câu 7. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng những cải cách của Hồ Qúy Ly về văn hóa, giáo dục?
A. Tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài.
B. Khuyến khích sử dụng chữ Nôm để dịch chữ Hán.
C. Ban hành tiền giấy thay cho tiền đồng.
D. Sửa đổi chế độ thi cử, học tập.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Ban hành tiền giấy là thuộc về lĩnh vực kinh tế-tài chính, không phải giáo dục.
Câu 8. Nội dung nào không phản ánh đúng những biện pháp nhằm tăng cường, củng cố quân sự, quốc phòng của Hồ Quý Ly?
A. Tăng cường lực lượng quân đội chính quy.
B. Xây dựng nhiều thành lũy, như: tây Đô, Đa Bang…
C. Chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền chiến.
D. Dựng tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Xây dựng tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt là thời kì nhà Lý chống xâm lược Tống
Câu 9. Nội dung nào không phản ánh đúng về chính sách cải cách của Hồ Quý Ly trên lĩnh vực kinh tế – tài chính?
A. Phát hành tiền giấy thay thế tiền đồng.
B. Đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn.
C. Hạn chế số lượng ruộng đất của quý tộc.
D. Quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn là thuộc lĩnh vực hành chính, không phải kinh tế-tài chính
Câu 10. Nội dung nào không phản ánh đúng về tình hình Đại Việt cuối thế kỉ XIV?
A. Nhà nước không quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, không tu sửa đê điều.
B. Nhiều nông dân phải bán ruộng đất, vợ, con cho các quý tộc, địa chủ giàu có.
C. Vua, quan, quý tộc ăn chơi sa đọa; tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân.
D. Nhân dân Đại Việt khổ cực dưới ách thống trị và đô hộ của nhà Minh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Cuối thế kỉ XIV, Đại Việt chưa bị nhà Minh đô hộ. Nhà Minh đô hộ Đại Ngu trong những năm 1407 – 1427.
Câu 11. Nhà Minh lấy cớ gì khi đem quân sang xâm lược Đại Ngus?
A. Nhà Hồ không sử sứ giả sang xin sắc phong.
B. Nhà Hồ cướp ngôi của nhà Trần.
C. Nhà Trần cho quân xâm lấn lãnh thổ nhà Minh.
D. Nhà Trần không thần phục, cống nạp nhà Minh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, cuối năm 1406, nhà Minh huy động lực lượng lớn do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy tiến sang xâm lược Đại Ngu.
Câu 12. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cuộc cải cách của Hồ Qúy Ly thất bại là gì?
A. Sự uy hiếp của nhà Minh.
B. Sự chống đối của quý tộc Trần.
C. Tài chính đất nước trống rỗng.
D. Không được sự ủng hộ của nhân dân.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Nhà Hồ lên ngôi trong bối cảnh nước ta khủng hoảng trầm trọng, nhân dân đói khổ, chưa có niềm tin với nhà Hồ; mặt khác, việc Hồ Quý Ly ép vua Trần nhường ngôi đã gây nên sự bất bình trong một bộ phận nhân dân. Do đó, nhà Hồ chưa nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.
Câu 13. Công trình nào được xây dựng từ cuối thế kỉ XIV, là điển hình cho nghệ thuật xây thành Việt Nam và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011?
A. Chùa Một Cột.
B. Thành nhà Hồ.
C. Kinh thành Huế.
D. Hoàng thành Thăng Long.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Thành nhà Hồ là công trình phòng thủ được xây vào cuối thế kỉ XIV và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2011
Câu 14. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh của nhà Hồ (1406 – 1407) thất bại đã để lại bài học kinh nghiệm nào cho các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc sau này?
A. Xây dựng thành lũy chiến đấu kiên cố.
B. Quy tụ những tướng lĩnh tài giỏi.
C. Đoàn kết được lực lượng toàn dân.
D. Xây dựng lực lượng quân sự mạnh.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Do cuộc kháng chiến của nhà Hồ không dựa vào dân để đánh giặc như nhà Trần nên đã thất bại => Đoàn kết lực lượng toàn dân tộc trong chiến đấu chống ngoại xâm là bài học kinh nghiệm có thể rút ra.
Câu 15. Nguyên nhân quan trọng nhấtkhiến cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh của nhà Hồ (1406 – 1407) thất bại là gì?
A.Nhà Hồ không có tướng lĩnh tài giỏi.
B.Quân Minh có ưu thế hơn về lực lượng, vũ khí.
C.Nhà Hồ không có đường lối kháng chiến đúng đắn.
D. Nhà Hồ không xây dựng được khối đoàn kết dân tộc
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Do cuộc kháng chiến của nhà Hồ không dựa vào dân để đánh giặc như nhà Trần nên đã thất bại
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Lịch sử 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên
Bài 16: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427)
Bài 17: Đại Việt thời Lê sơ (1428 – 1527)
Bài 18: Vương quốc Chăm-pa và vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI