Giải bài tập KHTN lớp 7 Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Mở đầu trang 156 Bài 34 KHTN lớp 7: Quá trình thụ phấn và hình thành quả của cây bầu, cây bí có thể chịu ảnh hưởng của những yếu tố nào?
Trả lời:
Quá trình thụ phấn và hình thành quả của cây bầu, cây bí có thể chịu ảnh hưởng của những yếu tố như: nhiệt độ, ánh sáng, chất dinh dưỡng, nước,… Khi gặp điều kiện thuận lợi, những yếu tố này có thể xúc tác tăng hiệu quả cho quá trình thụ phấn và hình thành quả. Khi gặp điều kiện bất lợi, những yếu tố này có thể làm hoa đực và cái nở không cùng lúc, dẫn đến hiệu quả thụ phấn diễn ra thấp.
I. Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật
Câu hỏi 1 trang 156 KHTN lớp 7: Kể tên một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật bao gồm:
– Các yếu tố bên ngoài: ánh sáng, nhiệt độ, nước, chất dinh dưỡng,…
– Các yếu tố bên trong: đặc điểm loài, hormone sinh sản,…
Câu hỏi 2 trang 156 KHTN lớp 7: Quan sát hình 34.1, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh sản ở mỗi sinh vật trong hình.
Trả lời:
Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với các sinh vật ở trong hình:
– Cây hoa cúc: Nhiệt độ ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cây hoa cúc. Cụ thể, cây không ra hoa khi nhiệt độ lớn hơn 30oC hoặc ra hoa chậm khi nhiệt độ dưới 12oC.
– Rùa ấp trứng: Nhiệt độ ảnh hưởng đến tỉ lệ giới tính của con non. Cụ thể, ở nhiệt độ 28,5oC thì tỉ lệ con đực và cái xấp xỉ nhau; dưới 25oC thì đa số là con đực; trên 30oC thì đa số là con cái.
– Cá chép: Nhiệt độ ảnh hưởng đến khả năng đẻ trứng. Cụ thể, cá chép chỉ đẻ trứng khi nhiệt độ trên 15oC.
– Rau cải: Nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây rau cải. Cụ thể, cây rau cải ra hoa nhiều hơn khi trải qua nhiệt độ thấp của mùa đông.
Vận dụng 1 trang 157 KHTN lớp 7: Một số cây chỉ ra hoa, tạo quả vào mùa hè (ví dụ: hoa dâm bụt, hoa chùm ớt) hoặc mùa đông (ví dụ: hoa cúc họa mi, hoa thược dược). Theo em, sự ra hoa, tạo quả của cây đó chịu ảnh hưởng rõ rệt của yếu tố môi trường nào?
Trả lời:
– Một số loài cây chỉ ra hoa vào mùa hè hoặc mùa đông:
+ Cây chỉ ra hoa tạo quả vào mùa hè: cây vải, nhãn, mận,…
+ Cây chỉ ra hoa tạo quả vào mùa đông: táo, bưởi diễn,…
– Sự ra hoa tạo quả của các cây này chịu ảnh hưởng rõ rệt của yếu tố nhiệt độ, ngoài ra cũng chịu tác động từ các nhân tố khí hậu khác như ánh sáng, nước,…
Câu hỏi 3 trang 157 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của ánh sáng đến sự sinh sản của sinh vật. Lấy ví dụ.
Trả lời:
– Ảnh hưởng của ánh sáng đến sự sinh sản của sinh vật: Cường độ, thời gian chiếu sáng trong ngày ảnh hưởng đến sự sinh sản ở sinh vật.
– Ví dụ:
+ Ở thực vật có loài ra hoa ở điều kiện ánh sáng mạnh (thanh long, nhãn,..), có loài ra hoa ở điều kiện ánh sáng yếu (hoa cúc, hoa đào,…).
+ Ở gà, nếu tăng thời gian chiếu sáng thì gà có thể đẻ hai quả trứng một ngày.
+ Các loài sâu ăn lá ngừng sinh sản vào mùa đông do thời gian chiếu sáng ít.
Câu hỏi 4 trang 157 KHTN lớp 7: Từ bảng 34.1, nhận xét ảnh hưởng của độ ẩm đến sinh sản ở sâu non ăn lá lúa.
Trả lời:
Nhận xét ảnh hưởng của độ ẩm đến sinh sản ở sâu non ăn lá lúa: Ở sâu non ăn lúa, ở cùng mức nhiệt độ là 25oC thì nếu độ ẩm cao (90%) thì tỉ lệ đẻ trứng là 100%. Và độ ẩm càng xuống thấp thì tỉ lệ đẻ trứng càng giảm.
Câu hỏi 5 trang 157 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ về ảnh hưởng của nước đến sinh sản ở thực vật.
Trả lời:
Ví dụ về ảnh hưởng của nước đến sinh sản ở thực vật:
– Thiếu nước làm cho cây ra ít nụ, ít hoa hoặc không ra hoa như ở măng cụt, cà chua.
– Có loại cây lại ra hoa nhiều trong điều kiện khô cằn như hoa giấy.
Vận dụng 2 trang 158 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh trong việc bón đúng loại phân, đúng lượng làm cho cây ra hoa, đậu quả nhiều.
Trả lời:
– Chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự sinh sản ở thực vật. Khi cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cây ra hoa kết quả nhiều.
– Ví dụ:
+ Cây lúa khi được bón phân đúng loại phân, đúng lượng ở các giai đoạn thì năng suất có thể đạt tới 65 tạ/ha.
+ Nếu bón thiếu đạm trong quá trình đẻ nhánh,… thì năng suất của lá giảm xuống khoảng 50 tạ/ha.
Vận dụng 3 trang 158 KHTN lớp 7: Nêu những điều cần chú ý khi cung cấp chất dinh dưỡng cho vật nuôi đảm bảo hiệu quả sinh sản.
Trả lời:
Những điều cần chú ý khi cung cấp chất dinh dưỡng cho vật nuôi:
– Ở giai đoạn nuôi dưỡng: Phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi loài, nhất là protein, chất khoáng và vitamin.
– Giai đoạn mang thai, nuôi con: Bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp kết hợp với chăm sóc vận động, tắm chải hợp lí nhất là cuối giai đọan mang thai.
Câu hỏi 6 trang 158 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ cho thấy đặc điểm của loài ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
– Đặc điểm của loài ảnh hưởng đến độ tuổi sinh sản, số lần sinh sản.
– Ví dụ:
+ Cà chua phải có đủ 14 lá mới ra hoa, cây chuối thì 1 năm mới bắt đầu ra hoa,…
+ Lợn cỏ A Lưới đẻ lần đầu khi 10 – 12 tháng tuổi, đẻ 1 – 2 lứa/ năm, 5 – 6 con/ 1 lứa.
+ Mèo đẻ lần đầu khi 5 – 9 tháng tuổi, đẻ 3 – 4 lứa/năm, khoảng 3 con/lứa.
Câu hỏi 7 trang 158 KHTN lớp 7: Nêu vai trò của hormone đối với sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Vai trò của hormone đối với sinh sản ở sinh vật:
– Hormone là yếu tố tham gia điều hoà sinh sản ở sinh vật.
– Hormone điều hoà sự ra hoa, đậu quả; sự chín và rụng quả ở thực vật.
– Ở động vật, hormone sinh dục tác động lên quá trình hình thành tinh trùng, trứng và các đặc điểm giới tính của động vật.
Luyện tập 1 trang 158 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ ở địa phương em:
a. Cây ra hoa một lần và cây ra hoa nhiều lần trong năm.
b. Động vật đẻ ít con và động vật đẻ nhiều con trong một lứa.
Trả lời:
– Ví dụ về các loài thực vật:
+ Cây ra hoa 1 lần/năm: nhãn, vải, bưởi, đào, mận,…
+ Cây ra hoa nhiều lần/năm: cây bỏng, cây đu đủ,…
– Ví dụ về các loài động vật:
+ Đẻ ít con trong một lứa: trâu, bò, ngựa,…
+ Đẻ nhiều con trong một lứa: chó, chuột, lợn,…
II. Điều khiển sinh sản ở sinh vật
Câu hỏi 8 trang 159 KHTN lớp 7: Quan sát hình 34.2, lấy ví dụ về điều khiển sinh sản ở sinh vật bằng điều chỉnh các yếu tố môi trường theo mẫu bảng sau:
Trả lời:
Các yếu tố môi trường |
Ví dụ ở thực vật |
Ví dụ ở động vật |
Ánh sáng |
– Thắp đèn vào ban đêm làm cho cây thanh long ra nhiều hoa hoặc ra hoa trái vụ. – Điều khiển ánh sáng cho hoa cúc nở sớm. |
– Thắp đèn kéo dài thời gian chiếu sáng trong ngày làm cho gà có thể đẻ 2 trứng/ngày. |
Độ ẩm, nước |
– Giảm lượng nước tưới để gây khô hạn để quýt ra hoa đồng loạt. – Phun nước (nước ấm hoặc nước lạnh) để điều khiển cây đào ra hoa. |
– Sâu ăn lá lúa sẽ đẻ trứng ở nhiệt độ 25oC với độ ẩm cao khoảng 90%. |
Chất dinh dưỡng |
– Phun phân bón lá cho cây cam trước nửa tháng làm cho quả chín đồng loạt. – Phun phân bón lá khi cây nhãn bắt đầu ra hoa làm tăng năng suất |
– Bổ sung chất khoáng (từ vỏ trứng, ốc, hến,…) để gà vịt tăng tỉ lệ đẻ trứng. |
Vận dụng 4 trang 159 KHTN lớp 7: Lấy thêm ví dụ về điều khiển sinh sản ở sinh vật bằng điều chỉnh các yếu tố môi trường có ở địa phương em.
Trả lời:
Ví dụ về điều khiển sinh sản ở sinh vật bằng điều chỉnh các yếu tố môi trường có ở địa phương em:
– Sử dùng đèn vàng hoặc đèn huỳnh quang chiếu sáng để kích thích dưa chuột ra hoa, kết trái khi trời lạnh.
– Thắp đèn điện vào ban đêm khoảng 2 tuần trong tháng 11 để ngăn cản mía trổ hoa.
– Sử dụng nhiệt độ thích hợp để tạo ra nhiều con đực hoặc nhiều con cái hơn ở rùa.
– Sử dụng máy ấp trứng để cung cấp nhiệt độ thích hợp giúp trứng gà, vịt nở đều hơn.
Vận dụng 5 trang 159 KHTN lớp 7: Nêu những khó khăn và thuận lợi trong điều khiển sinh sản của cây trồng bằng điều chỉnh các yếu tố môi trường khi trồng ở ngoài tự nhiên và trong nhà kính.
Trả lời:
– Khi trồng ngoài tự nhiên:
+ Thuận lợi: Có thể áp dụng biện pháp điều khiển sinh sản trên một diện tích lớn.
+ Khó khăn: Chịu những ảnh hưởng của môi trường như thời tiết, mưa, gió,… làm ảnh hưởng đến hiệu quả sinh sản.
– Khi trồng trong nhà kính:
+ Thuận lợi: Có thể tránh được những tác động của môi trường như mưa, gió,…
+ Khó khăn: Chỉ áp dụng được trên một diện tích nhỏ.
Tìm hiểu thêm trang 159 KHTN lớp 7: Hãy tìm hiểu phương pháp trồng hoa lan trong nhà kính.
Trả lời:
Phương pháp trồng hoa lan trong nhà kính:
1. Làm nhà kính
– Chọn kích thước phù hợp, cao, thoáng, cần có đủ lượng ánh sáng phù hợp với ít nhất 6 giờ chiếu sáng mỗi ngày. Không nên lắp đặt nhà kính gần cây cối hoặc các tòa nhà có nhiều bóng râm.
– Duy trì nhiệt độ 15,5 – 26,6oC vào ban ngày và 7,2 – 18,3oC vào ban đêm. Nên lắp đặt một nhiệt kế trong nhà kính của bạn để theo dõi nhiệt độ liên tục.
– Độ ẩm là yếu tố rất cần thiết để cây lan phát triển tốt. Độ ẩm nên ở khoảng 50 – 80%.
2. Trồng hoa lan
– Lựa chọn chậu trồng hoa lan phù hợp với sự phát triển của rễ.
– Lựa chọn giá thể trồng lan: Sử dụng vật liệu như rêu, vỏ cây, xơ dừa, đá trân châu rây, than củi dạng hạt, nút chai hoặc len đá.
– Trồng lan: Đặt cây phong lan lên trên giá thể và lấp đầy phần còn lại của giá thể. Đóng gói chắc chắn xung quanh cây lan để giữ cố định.
3. Chăm sóc cây lan
– Lá là một chỉ số quan trọng về sức khỏe của cây lan của bạn. Nếu chúng không nhận đủ ánh sáng, lá sẽ có màu xanh đậm và không ra hoa. Cần chú ý đến đặc điểm của lá để có cách chăm sóc hợp lí.
– Tưới nước khi chậu lan bị khô, tránh tưới quá nhiều.
– Bón phân: Có thể sử dụng loại phân bón hòa tan trong nước để có kết quả tốt nhất. Thêm phân bón vào nước sau mỗi ba trong bốn lần tưới.
Câu hỏi 9 trang 160 KHTN lớp 7: Nêu vai trò của hormone nhân tạo trong điều khiển sinh sản ở sinh vật.
Trả lời:
Vai trò của hormone nhân tạo trong điều khiển sinh sản ở sinh vật:
– Ở thực vật sử dụng các loại hormone khác nhau điều khiển sinh sản như: làm cho cây ra rễ nhanh khi giâm cành, chiết cành, nuôi cấy mô (cây cam, cây bưởi, cây phong lan,…); làm cây ra hoa sớm, ra nhiều hoa (cây vải, nhãn,…); điều khiển tỉ lệ hoa đực, hoa cái (cây bầu, cây bí,…), làm tăng số quả, khối lượng quả (cây táo, lê, hồng,…); điều khiển ra hoa trái vụ, làm cây tạo quả không hạt,…
– Ở động vật thì sử dụng các loại hormone điều khiển số lượng trứng, số con (kích thích sinh sản ở cá ba sa, ếch,…), ở một số loài tiêm hormone để kích thích sự chín và rụng trứng để đẻ được nhiều con trong một lứa đẻ.
Luyện tập 2 trang 160 KHTN lớp 7: Nêu một số ví dụ về sử dụng các hormone nhân tạo điều khiển sinh sản ở cây trồng, vật nuôi.
Trả lời:
– Ví dụ về sử dụng các hormone nhân tạo điều khiển sinh sản ở cây trồng:
+ Tiêm hormone kích thích ra rễ nhanh và nhiều khi giâm cành, chiết cành ở cây cam, bưởi, chanh,…
+ Sử dụng hormone nhân tạo để rạo quả không hạt ở nho, dưa hấu,…
+ Điều khiển ra hoa, quả trái vụ ở thanh long, dứa,…
– Ví dụ về sử dụng các hormone nhân tạo điều khiển sinh sản ở cây trồng:
+ Tiêm dịch chiết từ tuyến dưới não của các loài cá khác vào cá mè, cá trắm làm cho trứng chín hàng loạt, sau đó nặn trứng ra và cho thụ tinh nhân tạo bên ngoài cơ thể rồi đem ấp nở ra cá con.
+ Tiêm huyết thanh ngựa chửa cho trâu, bò,… làm cho trứng nhanh chín và rụng hoặc làm chín và rụng nhiều trứng cùng một lúc, sau đó cho thụ tinh nhân tạo với tinh trùng đã chuẩn bị sẵn.
+ Nuôi cá rô phi bột (cá nhỏ) bằng 17-metyltestosteron (một loại hormone testosterone tổng hợp) kèm theo vitamin C sẽ tạo ra 90% cá rô phi đực.
Vận dụng 6 trang 160 KHTN lớp 7: Khi sử dụng các chất kích thích điều khiển sinh sản ở sinh vật cần lưu ý điều gì? Vì sao?
Trả lời:
– Khi sử dụng các chất kích thích điều khiển sinh sản ở sinh vật cần lưu ý:
+ Sử dụng đúng liều, đúng lượng để đảm bảo an toàn cho vật nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Đảm bảo sự phát triển bền vững.
– Giải thích: Cần phải sử dụng chất kích thích hợp lí vì nếu sử dụng quá liều lượng, sử dụng lâu dài sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các loài sinh vật. Ngoài ra, sự tồn dư lượng chất kích thích trong các sản phẩm từ sinh vật được con người sử dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Vận dụng 7 trang 160 KHTN lớp 7: Có ý kiến cho rằng không nên sử dụng hormone nhân tạo điều khiển sinh sản ở động vật. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
Trả lời:
– Em đồng ý với ý kiến không nên sử dụng hormone nhân tạo điều khiển sinh sản ở động vật, vì các hormone nhân tạo gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các loài động vật đồng thời làm ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm từ động vật từ đó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng.
– Tuy nhiên, trong những trường hợp bắt buộc phải sử dụng hormone nhân tạo thì nên có quy trình sử dụng nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho động vật và người tiêu dùng sản phẩm từ động vật.
Xem thêm các bài giải SGK Khoa học tự nhiên lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật
Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật
Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật