Giải bài tập KHTN lớp 7 Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Mở đầu trang 136 Bài 29 KHTN lớp 7: Quan sát hình 29.1 mô tả sự biến đổi của cây hoa hướng dương qua các giai đoạn. Sự biến đổi đó gọi là gì?
Trả lời:
– Sự biến đổi của cây hoa hướng dương qua các giai đoạn được thể hiện rõ ràng nhất thông qua kích thước, khối lượng và sự phát sinh các cơ quan mới như rễ, thân, lá, hoa:
+ Gieo hạt.
+ Hạt nảy mầm.
+ Hạt xuất hiện lá mầm, rễ phát triển dài, đâm sâu.
+ Cây lớn dần, xuất hiện nhiều lá, rễ phân nhiều nhánh, đâm sâu.
+ Cây lớn dần, tăng chiều cao, rễ nhiều nhánh, xuất hiện hoa.
+ Cây cao, hoa nở.
– Sự biến đổi đó gọi là sự sinh trưởng và phát triển của cây.
I. Khái niệm sinh trưởng, phát triển và mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Câu hỏi 1 trang 136 KHTN lớp 7: Tìm thêm các ví dụ về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.
Trả lời:
– Ví dụ về sinh trưởng ở sinh vật:
+ Sự tăng chiều cao của cây bạch đàn: Cây bạch đàn cao 1 mét, sau 2 năm thì có chiều cao là 3 mét.
+ Sự tăng khối lượng của con người: Sau một năm, bạn An tăng lên 2 kg.
– Ví dụ về phát triển:
+ Sự ra rễ, ra lá, nảy chồi, ra hoa, kết hạt của cây.
+ Sự phát sinh các cơ quan, hệ cơ quan của một thai nhi.
+ Sự phát sinh các cơ quan, hệ cơ quan của một hợp tử của gà ở trong trứng.
Luyện tập 1 trang 136 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở động vật.
Trả lời:
– Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật có mối quan hệ mật thiết với nhau, nối tiếp và xen kẽ nhau. Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển. Phát triển thúc đẩy sinh trưởng và làm xuất hiện hình thái mới.
– Ví dụ chứng minh mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển ở động vật: Trong vòng đời của ếch thì nòng nọc phải sinh trưởng để đạt kích thước nhất định mới phát triển thành ếch, cơ thể ếch phải sinh trưởng đạt kích thước nhất định mới có thể phát triển phát dục sinh sản. Ngược lại, cơ thể trước tuổi phát dục có tốc độ sinh trưởng nhanh, còn sau tuổi sau phát dục có tốc độ sinh trưởng chậm lại.
Câu hỏi 2 trang 137 KHTN lớp 7: Quan sát hình 29.1, 29.2 chỉ ra dấu hiệu của sự sinh trưởng và phát triển.
Trả lời:
– Dấu hiệu của sinh trưởng là sự gia tăng khối lượng, kích thước của cơ thể, các cơ quan trong cơ thể.
– Dấu hiệu của phát triển là sự biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và sự hình thành các chức năng mới ở mỗi giai đoạn.
Luyện tập 2 trang 137 KHTN lớp 7: Cho biết các biểu hiện của sinh vật ở trong bảng 29.1 là sinh trưởng hay phát triển.
Trả lời:
Biểu hiện |
Sinh trưởng |
Phát triển |
Hạt nảy mầm |
|
x |
Cây cao lên |
x |
|
Gà trống bắt đầu biết gáy |
|
x |
Cây ra hoa |
|
x |
Diện tích phiến lá tăng lên |
x |
|
Lợn con tăng cân từ 2 kg lên 4 kg |
x |
|
II. Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Câu hỏi 3 trang 137 KHTN lớp 7: Vì sao chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?
Trả lời:
Chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật vì: Cơ sở của sự sinh trưởng và phát triển chính là sự tăng lên về số lượng và kích thước của các tế bào trong cơ thể. Mà tế bào muốn tăng lên về số lượng và kích thước thì cần phải có vật chất, năng lượng để xây dựng tế bào – vật chất và năng lượng này được cơ thể thu nhận qua chất dinh dưỡng. Do đó, khi cơ thể thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng đều sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của sinh vật qua các giai đoạn.
Luyện tập 3 trang 137 KHTN lớp 7: Lấy một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng.
Trả lời:
Một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng:
– Ở người, thiếu protein sẽ dẫn đến suy nhược, gầy yếu, rụng tóc, da mất độ đàn hồi, cơ và xương kém phát triển, kinh nguyệt và nội tiết tố rối loạn, da xanh xao,…
– Ở người, thừa sắt sẽ dẫn đến mệt mỏi, người yếu, da đậm màu hoặc có màu đồng, đau khớp,…
– Ở gà, thiếu canxi sẽ dẫn đến gà đi lại không bình thường, co giật, run rẩy, gà còi, lông mọc chậm, hay mổ nhau,…
– Ở thực vật, thiếu chất đạm (N) sẽ dẫn đến cây sẽ có biểu hiện sinh trưởng kém, thân và cành còi cọc, ít đẻ nhánh, phân cành, lá thường non mỏng, màu nhạt, dễ chuyển sang màu vàng và rụng sớm.
– Ở thực vật, thừa N sẽ làm cây sinh trưởng quá mạnh, do thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu, dễ lốp đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công.
Vận dụng 1 trang 137 KHTN lớp 7: Dựa vào những biểu hiện sinh trưởng, phát triển nào ở người giúp em có thể biết được người đó thiếu hay thừa chất dinh dưỡng? Giải thích.
Trả lời:
Để biết được một người thiếu hay thừa chất dinh dưỡng, có thể dựa vào các biểu hiện sinh trưởng, phát triển như:
– Cân nặng: Khi các chất dinh dưỡng bị dư thừa sẽ tích lũy lại tạo thành lớp mỡ, làm cân nặng tăng lên.
– Chiều cao: Thiếu chất dinh dưỡng làm cho cơ thể phát triển chiều cao chậm hơn.
– Cấu trúc cơ thể và các dự trữ về năng lượng và protein thông qua các mô mềm bề mặt như lớp mỡ dưới da và cơ,…
Câu hỏi 4 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của nước đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật
Trả lời:
Nước rất cần thiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật:
– Thiếu nước, các loài sinh vật sẽ sinh trưởng và phát triển chậm hoặc bị chết.
– Nhu cầu nước của mỗi loài là khác nhau: Có loài sinh vật cần nhiều nước để sinh trưởng và phát triển, nhưng có loài lại cần rất ít nước.
– Nhu cầu nước của cùng một loài cũng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển: Có giai đoạn cần nhiều nước nhưng cũng có những giai đoạn cần ít nước.
Luyện tập 4 trang 138 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ về ảnh hưởng của nước đến sinh trưởng và phát triển của một số sinh vật ở địa phương em.
Trả lời:
Ví dụ ảnh hưởng của nước đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa:
– Khi mới cấy, cây lúa non cần nhiều nước. Nếu không cung cấp đủ nước, cây sinh trưởng phát triển chậm, có thể bị chết.
– Khi cây lúa chín cần ít nước hơn, nếu nhiều nước quá có thể dẫn đến bị đổ cây.
Câu hỏi 5 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
Trả lời:
Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật:
– Mỗi loại sinh vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiêt độ và môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao có thể làm cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật bị chậm lại hoặc bị chết. Một số sinh vật có hiện tượng “nghỉ sinh trưởng” do tác động của nhiệt độ như động vật ngủ đông, cây rụng lá vào mùa đông.
– Ở thực vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự lớn lên của cây, ra hoa,…
– Ở động vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến chu kì sống, tỉ lệ của trứng, tỉ lệ giới tính,…
Câu hỏi 6 trang 138 KHTN lớp 7: Quan sát hình 29.3, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của mỗi sinh vật.
Trả lời:
– Hình (a): Nhiệt độ có ảnh hưởng đến chu kì sống của ruồi giấm. Ở nhiệt độ 25oC, chu kì sống là 10 ngày, còn ở nhiệt độ 18oC thì chu kì sống kéo dài hơn 17 ngày. Điều đó chứng tỏ, ở 25oC, ruồi giấm sinh trưởng và phát triển nhanh hơn ở 18oC.
– Hình (b): Cá rô phi chỉ sống được ở nhiệt độ trong khoảng 5,6oC – 42oC. Ngoài khoảng này (tức là dưới 5,6oC hoặc trên 42oC), cá sẽ bị chết.
Luyện tập 5 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu một số ví dụ minh họa về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với thực vật và động vật.
Trả lời:
Ví dụ minh họa về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với thực vật và động vật:
– Cây sống ở vùng nhiệt đới trên bề mặt là có tầng cutin dày, có tác dụng hạn chế thoát hơi nước khi nhiệt độ không khí cao. Ở vùng ôn đới vào mùa đông giá lạnh cây thường rụng lá nhiều làm giảm diện tích tiếp xúc với không khí lạnh và giảm sự thoát hơi nước; chồi cây có các vẩy bao bọc, thân và rễ cây có các lớp bần tạo thành lớp cách nhiệt cho cây.
– Có 1 số sinh vật sống được ở nhiệt độ rất cao như vi khuẩn suối nước nóng chịu được nhiệt độ 70 – 90oC. Một số sinh vật sống được ở nhiệt độ rất thấp như ấu trùng sâu ngô chịu được nhiệt độ – 27oC.
– Một số loài rùa, khi trứng được ấp ở nhiệt độ khoảng 26oC sẽ nở ra toàn con đực, khi được ấp ở khoảng 32oC sẽ nở toàn con cái.
Luyện tập 6 trang 138 KHTN lớp 7: Vì sao mùa đông cần cho gia súc ăn nhiều hơn đặc biệt là gia súc còn non.
Trả lời:
Vào những ngày mùa đông, ta cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng, phát triển bình thường vì:
– Đối với động vật hằng nhiệt, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (trời rét), do thân nhiệt cao hơn so với nhiệt độ môi trường nên động vật mất rất nhiều nhiệt vào môi trường xung quanh.
– Để bù lại số nhiệt lượng đã mất và duy trì thân nhiệt ổn định, cơ chế chống lạnh được tăng cường, quá trình chuyển hóa của tế bào tăng lên, các chất bị oxi hóa nhiều hơn.
– Nếu không được ăn đầy đủ để bù lại các chất bị oxi hóa (tăng khẩu phần ăn so với các ngày bình thường) động vật sẽ bị sút cân và dễ mắc bệnh, thậm chí có thể chết. Ngược lại, vào những ngày trời rét, nếu được ăn uống đầy đủ động vật sẽ tăng cân do cơ thể tăng cường chuyển hóa và tích lũy các chất dự trữ đế chống rét.
Luyện tập 7 trang 138 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ về ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự thay đổi của tán lá cây ở một số loài cây mà em biết.
Trả lời:
Ví dụ về ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự thay đổi của tán lá cây ở một số loài cây: Ở cây bàng, khi nhiệt độ cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt nên tán lá rộng. Khi nhiệt độ thấp (vào mùa đông), cây rụng lá làm tán lá thu nhỏ lại.
Câu hỏi 7 trang 139 KHTN lớp 7: Nêu vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật và động vật.
Trả lời:
– Vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của thực vật:
+ Ánh sáng ảnh hưởng đến cường độ quang hợp – khả năng tích lũy vật chất của cây nên ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
+ Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến sự ra hoa của một số loài cây: Một số loài cây ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng dài ở cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Một số loài khác thì chỉ ra hoa trong điều kiện có thời gian chiếu sáng ngắn vào cuối mùa thu đầu mùa đông.
+ Ánh sáng cũng có thể quyết định khả năng nảy mầm của hạt: Có loại hạt nảy mầm thì cần ánh sáng.
– Vai trò của ánh sáng đối với sự sinh trưởng và phát triển của động vật: Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của một số loài động vật: Vào mùa đông, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, các loài sâu ăn lá ngừng sinh sản. Mùa xuân và mùa hè có thời gian chiếu sáng trong ngày dài là thời gian sinh sản của nhiều loài chim.
Vận dụng 2 trang 139 KHTN lớp 7: Hãy kể một số biện pháp điều khiển các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, cây trồng mà em biết.
Trả lời:
Một số biện pháp điều khiển các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, cây trồng:
– Có các chế độ ăn thích hợp với động vật nuôi trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau (khi mang thai, con non,…).
– Chuẩn bị chuồng trại ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; tắm cho động vật để động vật không mắc bệnh và không tốn năng lượng cho điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.
– Chiếu sáng cho cây vào những ngày mùa đông (đối với những cây có nhu cầu ánh sáng cao).
Xem thêm các bài giải SGK Khoa học tự nhiên lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 28: Cảm ứng ở động vật
Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật
Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật