Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 13: Độ to và độ cao của âm
Phần 1. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 13: Độ to và độ cao của âm
Câu 1: Biên độ là
A. độ lệch lớn nhất của vật so với vị trí cân bằng.
B. độ lệch của vật so với vị trí cân bằng.
C. số dao động thực hiện được.
D. số dao động thực hiện được trong một giây.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Biên độ là độ lệch lớn nhất của vật so với vị trí cân bằng.
Câu 2: Sóng âm có biên độ càng lớn thì
A. âm nghe thấy càng to.
B. âm nghe thấy càng nhỏ.
C. âm nghe thấy càng cao.
D. âm nghe thấy càng thấp.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Sóng âm có biên độ càng lớn thì âm nghe được càng to.
Câu 3: Số dao động thực hiện được trong một giây được gọi là
A. biên độ.
B. tần số.
C. độ cao.
D. độ to.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Số dao động thực hiện được trong một giây được gọi là tần số.
Câu 4: Đơn vị của tần số là
A. dB.
B. m.
C. Hz.
D. m/s.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Đơn vị của tần số là Hz.
Câu 5: Vật phát ra âm cao hơn khi nào?
A. Khi vật dao động mạnh hơn.
B. Khi vật dao động chậm hơn.
C. Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng nhiều hơn.
D. Khi tần số dao động lớn hơn.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: D
Độ cao của âm phụ thuộc vào tần số, tần số dao động càng lớn thì âm phát ra càng cao, tần số dao động càng nhỏ thì âm phát ra càng trầm.
Câu 6: Một âm thoa dao động với tần số 25 Hz. Trong 1 phút âm thoa thực hiện được
A. 25 dao động.
B. 1500 dao động.
C. 750 dao động.
D. 50 dao động.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: B
Tần số dao động là số dao động thực hiện được trong một giây.
Vậy trong 1 phút âm thoa thực hiện được: 25 . 60 = 1500 (dao động)
Câu 7: Một bạn học sinh nghe âm phát ra từ hai chiếc loa: loa A và loa B. Biết rằng âm do lao A phát ra có tần số lớn hơn 100 Hz so với âm do loa B phát ra. Nhận xét nào dưới đây là đúng?
A. Bạn học sinh đó nghe thấy âm do loa A phát ra cao hơn loa B.
B. Bạn học sinh đó nghe thấy âm do loa B phát ra cao hơn loa A.
C. Bạn học sinh đó nghe thấy âm do loa A phát ra to hơn loa B.
D. Bạn học sinh đó nghe thấy âm do loa B phát ra to hơn loa A.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Vật phát ra âm có tần số càng lớn thì âm phát ra càng cao. Do loa A phát ra âm có tần số lớn hơn âm phát ra từ loa B nên bạn học sinh sẽ nghe thấy âm do loa A phát ra cao hơn loa B.
Câu 8: Vật nào sau đây dao động với tần số lớn nhất?
A. Trong 1 giây, dây đàn thực hiện được 200 dao động.
B. Trong 1 phút, con lắc thực hiện được 3000 dao động.
C. Trong 5 giây, mặt trống thực hiện được 500 dao động.
D. Trong 20 giây, dây chun thực hiện được 1200 dao động.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Trong 1 giây, dây đàn thực hiện được 200 dao động, vậy tần số của dây đàn là: 200 Hz.
Trong 1 phút, con lắc thực hiện được 3000 dao động, vậy tần số của con lắc là:
3000 : 60 = 50 (Hz)
Trong 5 giây, mặt trống thực hiện được 500 dao động, vậy tần số của mặt trống là:
500 : 5 = 100 (Hz)
Trong 20 giây, dây chun thực hiện được 1200 dao động, vậy tần số của dây chun là:
1200 : 20 = 60 (Hz).
Vậy tần số dao động của dây đàn là lớn nhất.
Câu 9: Trên màn hình dao động kí, biên độ của sóng âm là
A. khoảng cách từ A đến B.
B. khoảng cách từ A đến D.
C. khoảng cách từ C đến E.
D. khoảng cách từ E đến D.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: C
Trên màn hình dao động kí, biên độ của sóng âm được biểu diễn bằng khoảng cách từ đường xy đến điểm cao nhất của đường biểu diễn trên màn. Vậy biên độ của sóng âm trên hình là khoảng cách từ C đến E.
Câu 10: Hải đang chơi đàn ghita. Làm thế nào để Hải thay đổi độ to của nốt nhạc?
A. Gảy dây đàn mạnh hơn hoặc nhẹ hơn.
B. Gảy dây đàn dao động liên tiếp.
C. Gảy dây đàn dao động nhanh hơn.
D. Gảy dây đàn dao động chậm hơn.
Hướng dẫn giải
Đáp án đúng là: A
Để thay đổi độ to của âm cần thay đổi biên độ dao động của nguồn âm. Vậy Hải cần gảy đàn mạnh hơn hoặc nhẹ hơn để biên độ dao động của dây đàn thay đổi.
Khi gảy đàn cho dây đàn dao động nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng đến tần số của dao động và âm sẽ thay đổi về độ cao.
Phần 2. Lý thuyết KHTN 7 Bài 13: Độ to và độ cao của âm
1. Độ to của âm
– Đối với một vật đang dao động, biên độ dao động là độ lệch lớn nhất của vật so với vị trí cân bằng của nó.
– Dao động kí là thiết bị cho phép nhìn thấy dao động của sóng âm. Dao động kí có thể hiển thị đồ thị dao động âm.
Biên độ dao động là khoảng cách giữa đỉnh đồ thị và đường vẽ cắt ngang ở giữa đồ thị
– Âm nghe được càng to (nhỏ) khi biên độ âm càng lớn (nhỏ). Nguồn âm dao động càng mạnh thì biên độ âm càng lớn và âm nghe được càng to.
2. Độ cao của âm
– Số dao động vật thực hiện được trong một giây được gọi là tần số dao động. Đơn vị tần số là héc (Hz).
– Tai người nghe được những sóng âm có tần số trong khoảng từ 20 Hz đến 20000 Hz. Tai người không thể nghe được siêu âm (tần số lớn hơn 20000 Hz) và hạ âm (tần số nhỏ hơn 20 Hz).
– Độ cao của âm có liên hệ với tần số âm.
+ Âm phát ra càng cao (càng bổng) khi tần số âm càng lớn.
+ Âm phát ra càng thấp (càng trầm) khi tần số càng nhỏ.
Ví dụ: Nốt nhạc Sol cao hơn nốt nhạc Do.
Xem thêm các bài trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 12: Mô tả sóng âm
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 13: Độ to và độ cao của âm
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 14: Phản xạ âm
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 15: Ánh sáng, tia sáng
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 16: Sự phản xạ ánh sáng
Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 17: Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng