Giải bài tập Giáo dục thể chất lớp 10 Bài 3: Kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình
Bài 1 trang 42 Giáo dục thể chất 10: Hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa kĩ thuật giao cầu thấp chân chính diện và kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình.
Trả lời:
– Giống nhau:
+ Tư thế chuẩn bị: Đứng chân trước chân sau, chân thuận đặt phía sau, nửa trước bàn chân chống xuống đất và hơi xoay ra ngoài. Tay bên chân thuận cầm cầu, mắt nhìn theo hướng giao cầu.
+ Kết thúc: Sau khi cầu rời chân, chân đá cầu bước về trước một bước và chuẩn bị cho động tác tiếp theo.
– Khác nhau:
Kĩ thuật giao cầu thấp chân chính diện
+ TTCB: Đứng chân trước chân sau, chân thuận đặt phía sau, nửa trước bàn chân chống xuống đất và hơi xoay ra ngoài, chân trụ đặt phía trước, bàn chân vuông góc và cách đường biên ngang khoảng 20 cm, tay bên chân thuận cầm cầu, để cầu ngang thắt lưng, cách thân người từ 30 – 35 cm, mắt nhìn hướng giao cầu.
+ Thực hiện: Tung cầu cao ngang ngực, cách thân người từ 40 – 45 cm, chân trước làm trụ, chân sau lăng ra trước, từ dưới lên trên, mũi bàn chân duỗi thẳng, tiếp xúc cầu bằng mu bàn chân khi cầu cách mặt đất từ 30 – 40 cm rồi đột ngột dừng lại, thân người hơi ngả về trước.
Hình 1. Kĩ thuật giao cầu thấp chân chính diện bằng mu bàn chân
Kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình.
+ TTCB: Đứng chân trước chân sau, chân thuận đặt phía sau, nửa trước bàn chân chống xuống đất và hơi xoay ra ngoài, mũi bàn chân trước hơi xoay vào trong, trọng tâm rơi vào chân trước, thân người xoay sang phía chân thuận sao cho trục vai gần vuông góc với biên ngang, mắt nhìn hướng giao cầu, tay bên chân thuận cầm cầu.
+ Thực hiện: Tung cầu chếch ra trước, sang phía chân thuận sao cho vị trí rơi của cầu cách mu bàn chân từ 60 – 80 cm. Khi cầu rơi xuống, chân thuận quét ngang theo đường vòng cung từ sau ra trước, mu bàn chân tiếp xúc cầu khi cầu cách mặt đất khoảng 20 – 30 cm, đồng thời thân người xoay từ sau ra trước cùng chiều với chân thuận.
Hình 2. Kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình
Bài 2 trang 42 Giáo dục thể chất 10: Trình bày những hiểu biết của mình về vai trò, ý nghĩa và tác dụng của việc tập luyện đá cầu hằng ngày.
Trả lời:
– Vai trò của việc tập luyện đá cầu hằng ngày:
+ Rèn luyện sức khỏe, thể lực
+ Nâng cao độ bền, khéo léo của đôi chân
+ Cải thiện thành tích trong thi đấu
+ Làm phong phú đời sống tinh thần
+ …
Bài 3 trang 42 Giáo dục thể chất 10: Vận dụng kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình vào các trò chơi vận động và tập luyện hằng ngày để phát triển khả năng khéo léo.
Trả lời:
– Các em tự vận dụng kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình vào các trò chơi vận động và tập luyện hằng ngày để phát triển khả năng khéo léo.
Hình 1. Kĩ thuật giao cầu thấp chân nghiêng mình
– Các em tham khảo trò chơi sau:
Trò chơi: Bắt quân
+ Chuẩn bị: Sân chơi bằng phẳng có kẽ vòng tròn bán kính từ 5 – 7 m. Chia số học sinh trong lớp thành hai đội đều nhau. Đội bảo vệ quân đứng thành một hàng dọc giữa vòng tròn, người đứng sau đặt tay lên vai người đứng trước. Đội còn lại là đội bắt quân đứng ngoài vòng tròn, dùng 2 – 4 quả cầu làm nhiệm vụ bắt quân.
+ Cách chơi:
– Đội bảo vệ quân di chuyển trong vòng tròn, quan sát xung quanh và tránh bị đội đối phương ném cầu vào người cuối cùng bắt quân. Khi di chuyển, đội bảo vệ không được để đứt hàng (nếu đứt hàng, tất cả người từ vị trí đầu hàng tới cuối bị loại khỏi cuộc chơi), không được cuộn hàng để người cuối cùng trốn vào trong và chỉ người đầu hàng được dùng tay đỡ cầu của đội đối phương.
– Đội bắt quân đứng ngoài vòng tròn, chuyển cầu cho nhau và tìm cách ném cầu vào người cuối hàng của đội bảo vệ quân (chỉ được ném từ thắt lưng trở xuống). Nếu ném trúng, người cuối hàng bị loại khỏi cuộc chơi. Sau 5 phút thì đổi vị trí các đội
– Hết thời gian quy định, đội nào bắt được nhiều quân hơn sẽ thắng cuộc.